TTCT - Cặp lồng cơm ngả màu nước dưa, chiếu đơn giắt gầm giường, bánh xe kẽo kẹt chở phích nước nóng leo dốc, làn nhựa đỏ ních đầy các hộp bí đỏ đậu bắp bà ngoại gửi từ quê ra... Và tiếng ào ào giội nước vào hố xí bệt sát phòng bệnh. Minh họa: VIIP Góc đời sống thời bao cấp phục hiện, đậm đà mùi vị, quánh đặc màu sắc. Mới mùa hè năm nay thôi, từ Bỉ về Việt Nam thăm gia đình, tôi phải đưa con vào cấp cứu ở một bệnh viện nổi tiếng tuyến trung ương. Người bạn gốc Việt sống ở Pháp biết tin, nhắc nhở: “Con nhà tôi về cũng hay bị đau ốm vì dị ứng thời tiết. Đều cho vào bệnh viện quốc tế hoặc bệnh viện của khu ngoại giao đoàn. Hóa đơn bằng tiếng Anh, Pháp, về nước dễ thanh toán bảo hiểm”. Còn đồng nghiệp cũ của tôi ở Hà Nội gọi điện khuyên: “Đừng cho con vào bệnh viện nhà nước. Hai - ba bệnh nhân chung giường, chưa khỏi bệnh này đã lây chéo bệnh khác. Chị đây con chưa ốm đã phải đặt chỗ trước ở bệnh viện tư rồi. Chi phí một triệu đồng/ngày nhưng giường riêng, phòng riêng. Đến nhà vệ sinh cũng sạch bóng, thơm phức”. Lúc con phải cấp cứu, tôi không nghĩ được đến cái hóa đơn sẽ in bằng tiếng Việt hay tiếng Anh. Nếu vì giường nệm mềm mại thơm tho, nhà vệ sinh sạch bóng thì vào khách sạn chứ đến bệnh viện làm gì. Một đồng nghiệp cũ khác phẩy tay: “Tôi cũng vào bệnh viện tư đó rồi. Con mình đau chỗ này họ cứ đề nghị chiếu chụp thêm chỗ khác. Chưa đến mức phải nằm viện vẫn yêu cầu nhập phòng. Đúng là bệnh viện tư kia lúc đầu thuê toàn bác sĩ giỏi về làm, trả lương hậu nhưng lại khoán chỉ tiêu bệnh nhân. Bác sĩ ngại, bỏ đi dần”. Ngồi ôm con ở phòng cấp cứu, càng ngấm đời là bể khổ. Góc giường này con tôi đang dùng máy trợ thở oxy, nhưng chân phải co lên cho góc kia một cô bé mười tuổi phổng phao máu từ mũi cứ chảy ộc ra không ngừng. Bệnh nhân chảy máu cam phải nằm ngang vì không đủ chỗ, nửa người phía dưới gá vào lòng mẹ, vài tiếng sau chuyển khoa khác. Chỗ máu rớt trên tấm khăn trải giường còn chưa kịp chuyển màu nâu, cô bé chín tuổi thế chỗ, toàn thân vàng ệch, mỗi lần đi tiểu ra máu đều run rẩy bấu lấy mẹ, giọng lạc đi: “Mẹ ơi, con sắp chết rồi phải không?”. Trưa hôm sau, cô gái mười bốn tuổi khác nằm góc giường ấy, quần áo dính chặt thân thể, đôi mắt hầu như không còn sinh khí. Bác sĩ hỏi đi hỏi lại người mẹ: “Chị có chắc con ngã xuống đầm nửa tiếng mới vớt được không?”. “Lúc tôi cúi xuống làm đất còn thấy nó đứng trên bờ đầm. Bẵng đi mười lăm phút ngẩng lên không thấy nữa. Tôi chạy lại mất năm phút, thấy sủi tăm, hô hoán cũng phải mười phút nữa mới có người biết bơi chạy ra vớt”. “Nửa tiếng dưới nước mà còn thở được, phúc nhà chị đúng là to bằng cái đình”. Nói rồi bác sĩ quay ra phía tôi: “Mẹ con nhà chị thông cảm sang ké giường bên kia. Bệnh nhân này nặng hơn, phải nhường cả giường để cấp cứu. Y tá sẵn sàng máy nhé, vài phút nữa cô bé sẽ khó thở, viêm phổi nặng rồi”. Nhìn tôi bế con ôm gối ké mép giường của hai bệnh nhân khác, một phụ nữ trẻ đi ngang, cười: “Nửa năm nay em chỉ mong bị đuổi ra khỏi giường như chị. Chứng tỏ con ổn rồi, sắp được ra viện. Con em sinh non, suy đủ thứ, đến bế con lên tay em còn chưa được thử lần nào”. Cũng trong ba ngày cấp cứu, bảy ngày chuyển phòng hồi sức tại bệnh viện trung ương ấy, xen lẫn tiếng khóc lóc và những gương mặt nhàu nhĩ lo buồn, tôi còn chạm mặt người đàn ông nhỏ thó bó trong chiếc áo trắng đầu bếp, nụ cười ngượng nghịu, giúi vào tay tôi hai trăm nghìn đồng: “Chị thông cảm, em hết phong bì rồi, chúc cháu chóng khỏi”. Tôi ngẩn người: “Ơ, anh nhầm tôi với người nhà bệnh nhân khác rồi”. Người đàn ông vội đi mất hút vào hành lang. Các giường bệnh xung quanh, ai cũng cầm trên tay phong bì đựng hai trăm nghìn. Lại người mẹ trẻ cười cười: “Chị đừng lo, họ ý thức được việc mình làm đấy. Bây giờ cũng nhiều người đi từ thiện như vậy”. Tôi thở phào, đưa khoản tiền được tặng cho cô: “Em phải ở đây lâu hơn, cần hơn”. “Đến giờ ăn rồi, măm măm thôi”. Những tấm chiếu kín đáo trải ra góc phòng, miệng cặp lồng bốc khói. Con gái ba tuổi của tôi cũng được người nhà bệnh nhân khác mời ngồi khoanh chân trên chiếu, khi thì bốc miếng giò, lúc gặm khúc bí đỏ. Nếu nằm phòng bệnh riêng như ở Bỉ hoặc bệnh viện tư tại Việt Nam, chưa chắc con bé có trải nghiệm này. Mười giờ đêm, cả phòng bệnh tắt đèn, buông màn. Người nhà bệnh nhân giường bên sột soạt giở chiếu. Con gái tôi lập tức nhỏm dậy: “Cô ơi, ăn à?”.■ Tags: Bệnh nhânQuá tảiNằm việnBệnh nhân ViệtVào viện
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.