Bình yên cho những linh hồn

HỒ ANH THÁI 29/08/2010 11:08 GMT+7

TTCT - Có lần nhà văn Wayne Karlin nhận được bức thư điện tử của một người tên là Homer Steedly, cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.

Homer kể: ngày 19-3-1969, ông ta bất ngờ chạm trán một chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên một con đường mòn giữa rừng núi Pleiku. Ngay lập tức cả hai cùng giương súng lên. Viên đạn của Homer đã quật ngã người lính đối phương.

Phóng to

Homer thu lượm từ thi thể người lính Việt Nam một cuốn sổ và giấy tờ, gửi về Mỹ nhờ bà mẹ cất trên căn phòng áp mái 35 năm qua. Giờ đây Homer ngỏ ý nhờ nhà văn Wayne Karlin liên lạc với gia đình chiến sĩ Việt Nam và giúp trả lại số giấy tờ. Cuốn sổ còn ghi rõ tên người chiến sĩ hi sinh là Hoàng Ngọc Đảm, ở Thái Bình.

Sau rất nhiều tin tức qua lại trên báo chí Việt Nam, cuối cùng Wayne Karlin tìm ra địa chỉ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm ở xã Thái Giang. Năm 2005, ông đã đến tận nhà, chuyển trả cuốn sổ cùng giấy tờ của người đã khuất.

Sự đón tiếp thiện chí của gia đình và làng xóm đã khiến nhà văn Mỹ quyết định thu xếp cho cựu binh Homer sang Việt Nam vào năm 2008, trực tiếp đến thắp hương trên bàn thờ người lính mà ông ta đã bắn chết 39 năm trước. Rồi Homer cùng gia đình người lính Việt Nam lên Tây nguyên, đi tìm mộ anh Đảm, cất bốc hài cốt đưa về an táng tại quê hương anh.

Wayne Karlin từng đi lính sang Việt Nam hai năm 1966-1967 và khi trở về Mỹ ông viết sách chống chiến tranh, tham gia biểu tình đòi Mỹ chấm dứt can thiệp ở Việt Nam. Là tác giả của hơn chục cuốn sách có tiếng vang và đoạt nhiều giải thưởng văn học, Wayne Karlin hiện là giáo sư văn học và ngôn ngữ ở Đại học Nam Maryland.

Wayne Karlin kể lại câu chuyện có thật này trong cuốn sách Những linh hồn phiêu dạt (*), phát hành ở Mỹ tháng 9-2009, và Nhà xuất bản Thông Tấn vừa mới ấn hành bằng tiếng Việt. Nhà văn Mỹ kể lại rằng: sau khi anh Đảm hi sinh, gia đình vẫn chưa biết, có lần người nhà đi xem bói, được bảo rằng anh Đảm không còn ở Việt Nam nữa, anh đã ra nước ngoài và “sẽ trở về trong vinh quang”.

Giờ đây Wayne Karlin cũng thừa nhận liệt sĩ đã trở về trong vinh quang. Ngày ông đến làng giúp trả lại cuốn sổ, rồi ngày Homer đi cùng gia đình mang hài cốt anh về quê, cả làng đổ đến, đội khăn tang và than khóc như trong đám tang của người vừa mới mất.

Wayne Karlin kể lại cho độc giả Mỹ biết theo tín ngưỡng Việt Nam, những linh hồn phiêu dạt thường rất thiêng. Họ có cách để rốt cục sẽ tìm về sum họp với gia đình, với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Linh hồn người lính Việt Nam không chịu yên trong căn gác xép bên kia bán cầu, mà khuấy động tâm can và lương tri của người cựu binh Mỹ từng ấy năm trời.

Trong Những linh hồn phiêu dạt, Wayne Karlin tái hiện chân dung của hai người lính nông dân ở hai đất nước xa xôi. Một người trồng lúa trồng khoai ở Thái Bình, một người trồng trọt và săn bắn trong vùng rừng núi và đầm lầy ở Nam Carolina. Hai con người có hoàn cảnh xuất thân khá giống nhau, gặp nhau ở một hoàn cảnh khác, rất có thể chia nhau điếu thuốc và nói chuyện đời thường bình dị.

Tác giả luôn trăn trở với việc trong chiến tranh những kẻ chủ chiến và cả đám lính tráng đều cố xua đi hình ảnh gương mặt của phía đối phương. Theo họ, kẻ thù chỉ là những con số (số người đã bị bắn giết). Ngay cả thi thể dân thường cũng bị tính gộp thành số lượng Việt cộng. Hình dung kẻ thù chỉ là con số bị giết, lính Mỹ sẽ không bị dằn vặt cắn rứt lương tâm.

Wayne Karlin luôn chống lại điều này, và trong cuốn sách của ông, người lính Việt Nam đã hiện lên đầy đủ hồn phách, với gia đình, bạn bè, với người vợ mới cưới được bốn ngày, với những người thân gần 40 năm sau vẫn không nguôi thương nhớ... Cứ như vậy, chân dung những con người sống động đã được tác giả vẽ lên trước mắt độc giả người Mỹ.

Những bức chân dung cứ thế mà chồng lấn lên nhau, xếp đặt cạnh nhau. Tác giả sử dụng có hiệu quả thủ pháp phục hiện quá khứ và đồng hiện về thời gian. Phép liên tưởng, đối chiếu, so sánh cứ liên tục tắt - bật, tạo cảm giác hòa quyện thân phận những người lính phía bên này và phía bên kia, người đã chết và người đang sống. Từ cuộc đời hai người lính, cuốn sách mở rộng ra ở tầm khái quát, và trước mắt người đọc là bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến tranh Việt Nam.

Khi lần đầu đứng trước bàn thờ anh Đảm, tác giả lại hình dung làm sao để cho tất cả những người lính đã giết người, trong mọi cuộc chiến tranh, “buộc phải đối diện với gia đình nạn nhân của họ, giúp họ tìm lại hài cốt, cất bốc, mang đi và cải táng. Mỗi người lính sẽ buộc phải làm điều mà Homer đang làm ở đây”. Và “làm sao để anh ta phải chịu cả sức nặng thể xác của người ấy và cả gánh nặng đau thương của gia đình ấy”.

Nhưng rồi khi thấy Homer đứng trước ngôi mộ đang lấp, sắp thả xuống nắm đất tiễn biệt, tác giả lại nghĩ xa hơn: “Anh không phải là người nên có mặt ở đây để cùng chung tay chôn cất hài cốt người mà anh đã giết. Tôi biết ai mới là người phải có mặt ở đây, phải chịu sức nặng nỗi đau tang tóc trùm lên tất cả chúng ta. Và tôi biết rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra”.

Đó là một ý kiến thấu đáo, đồng thời Wayne Karlin lại tự biết là không tưởng. Biết đến bao giờ những kẻ lái súng, những kẻ gây chiến tranh mới chịu tự tay mang di hài nạn nhân về cho gia đình, tự tay chôn xuống và bằng cách ấy tìm đến sự hòa giải và hòa bình?

Cuốn sách chứa đựng nhiều thông tin mà Wayne Karlin đã rất công phu lục tìm trong các kho tư liệu, đã chắt lọc từ những cuộc phỏng vấn hàng chục người Việt Nam và Mỹ, đã sắp xếp và cấu trúc bằng khả năng tổ chức của một tiểu thuyết gia. Đáng chú ý là việc lựa chọn chi tiết gây ấn tượng và việc sử dụng ngôn ngữ đẹp một cách trang nghiêm trong văn bản gốc tiếng Anh.

Hiệu quả có thể thấy là độc giả sẽ phải rưng rưng trên nhiều trang sách, không phải vì sự éo le của bản thân câu chuyện mà vì tác động của những điều rất thật. Đó là điều mà Wayne Karlin muốn khuấy động cho độc giả ở cả hai đất nước mà ông yêu mến.

___________

(*) Những linh hồn phiêu dạt - Hành trình cùng người đã khuất và người đang sống ở Việt Nam, Wayne Karlin, NXB Nation Books 2009, NXB Thông Tấn 8-2010.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận