TTCT - Brandon Stanton - nhiếp ảnh gia Mỹ - vốn nổi tiếng với những câu chuyện lý thú khắp thế giới mà anh kể qua ảnh. Tại Việt Nam những câu chuyện nào được anh kể lại? Brandon Stanton - Ảnh: tbo.com Vào đầu thế kỷ 21, Liên Hiệp Quốc (LHQ) công bố một chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện mang tên “Những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” (United Nations Millenium Development Goals - MDG), tập trung vào tám mục tiêu chính liên quan đến xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe, phổ cập giáo dục, gìn giữ hòa bình, bảo vệ môi trường... Gần 15 năm trôi qua, hạn chót (năm 2015) đã gần kề mà thế giới vẫn chưa đạt được những mục tiêu đầy tham vọng của MDG. Đáng nói hơn, những thành viên ủy ban vận động cho MDG của LHQ nhận ra ý thức của cộng đồng thế giới đối với các mục tiêu trên vẫn còn mờ nhạt. Trong bối cảnh đó, Brandon Stanton cầm chiếc máy ảnh của mình và lên đường. “Gắn những gương mặt vào những con số” Gabo Arora, cố vấn cao cấp của tổng thư ký LHQ, chuyên trách ủy ban vận động cho MDG, là người hâm mộ nhiếp ảnh gia Brandon Stanton từ năm 2010, khi Brandon bắt đầu lập trang blog ảnh mang tên “Những con người New York” (Humans of New York - HONY). Câu chuyện và ý tưởng lãng mạn của Brandon - được thể hiện hầu như hằng ngày qua hình ảnh những người dân New York mà anh gặp ngẫu nhiên, trò chuyện và chụp ảnh - gợi ý cho Gabo về một ý tưởng rộng lớn và nhiều kỳ vọng hơn. Cho đến thời điểm này, LHQ dùng đến 60 hệ thống kê khác nhau để xác định những bước tiến bộ của chương trình MDG trên toàn cầu. Nhưng những con số khô khan không kể được hết toàn bộ câu chuyện về cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo khó. “Chúng ta sống trong một thế giới luôn bị ám ảnh bởi các số liệu - Gabo bày tỏ cùng phóng viên tạp chí Atlantic - Nhưng đằng sau những con số vô hồn đó luôn là những thân phận”. Để gắn những gương mặt vào những con số, Gabo Arora liên lạc với Brandon. Cuộc trò chuyện ban đầu mở rộng thành hàng loạt kế hoạch đầy tham vọng, rồi cuối cùng “chốt” lại thành một chuyến đi xa khỏi địa bàn hoạt động của Brandon. Lộ trình lý tưởng mà hai bên ao ước thực hiện được trải rộng khắp toàn cầu, bao gồm các nước nằm ở tất cả các châu lục. Nhưng cuối cùng (tuần đầu tháng 8-2014), chuyến đi mang tên “50 ngày vòng quanh thế giới” chỉ rút gọn danh sách xuống còn 11 quốc gia, trong đó có Việt Nam, vì nhiều lý do hậu cần và an ninh. 50 ngày, 11 quốc gia, 1 tầm nhìn mở rộng Ngày 6-8, Brandon đăng bức ảnh cuối cùng chụp người dân New York trước khi lên đường. Bức ảnh đặc tả một mệnh phụ (trông có vẻ) giàu sang, trên tay và bên cạnh là ba chú chó trắng lông tỉa bóng mượt, kèm câu giải thích của bà về “danh tính” của chúng: “Đây là con cưng của tôi, đây là chú hippy thích độc lập, còn đây là bà chủ”. Cả ba chú chó và mệnh phụ trong hình đều có vẻ viên mãn, đủ đầy. Chỉ 24 giờ sau, từ ngày 7-8, những hình ảnh mà Brandon ghi lại từ bên ngoài nước Mỹ đã đưa những ai theo dõi trang HONY sang một tâm thế hoàn toàn khác. Điểm đến đầu tiên trong hành trình 50 ngày của Brandon là thành phố Erbil, thủ phủ của vùng tự trị Kurdistan, miền bắc Iraq, ngay tại thời điểm hàng ngàn người dân nước này đang phải chạy loạn vì phiến quân Nhà nước Hồi giáo đánh chiếm các điểm nóng trong vùng. Bức ảnh đầu tiên mà Brandon giới thiệu trên HONY đặc tả một bàn tay xòe ra ôm trọn hình dạng đất nước Iraq trên một bức bản đồ. Câu nói đi kèm (của người có bàn tay trong ảnh, do Brandon ghi lại): “Họ đang đi những bước đi tính toán cẩn thận để tiêu diệt tâm hồn người dân (Iraq)... Họ buộc người dân phải rời khỏi ngôi nhà của mình. Khi họ làm thế, trẻ con không còn nhà, không còn chỗ chơi, không còn tuổi thơ... Ký ức trẻ con chỉ còn chiến tranh và đánh đấm. Vậy thì làm sao khi lớn lên chúng trở thành bác sĩ hay giáo viên được?... Tôi mong sao thế giới hiểu được rằng Iraq (đã từng) tràn ngập những người dân thông minh và văn minh. Chúng tôi đã từng là cái nôi của nhân loại. Những người sống trong trại tị nạn, họ không phải chỉ là những người tị nạn không tên - trại tị nạn giờ đây chứa đầy những kiến trúc sư, nhạc sĩ và thầy cô giáo!”. Hàng trăm tấm ảnh khác đổ dồn lên trang blog và trang Facebook của HONY trong những ngày sau đó. Có ngày, Brandon cập nhật ảnh hàng chục lần, và mỗi ảnh nhận được từ hàng ngàn đến trên 50.000 lời bình luận, chia sẻ, trao đổi, tranh luận..., kèm theo hàng trăm ngàn dấu “like” đến từ khắp nơi trên thế giới về những câu chuyện gắn với hình ảnh đó - trại tị nạn, những trẻ em nhem nhuốc cười sáng lòa, những cụ già đau đáu cho tương lai con cháu, nỗi nhọc nhằn mưu sinh hằng ngày, những điều ước sáng lóng lánh trên những gương mặt phong trần, những ngả đường đất và nhà sụp nát, bùn đất, chân trần... Ở hầu hết các nước mà Brandon đến, không ai biết đến tiếng tăm của một tay ảnh có đến hơn 9 triệu người dõi theo trên mạng, đơn giản vì không mấy người mà anh gặp được dùng đến phương tiện công nghệ cao. Nhưng ở Ấn Độ, Brandon bị “săn lùng” như diễn viên, và trong ngày anh có mặt tại một công viên công cộng ở New Delhi, hàng trăm người dân Ấn Độ đã tập trung về đây để được chụp ảnh cùng “người nổi tiếng”. Tại một số nước khác, trong đó có Việt Nam, giới truyền thông địa phương đã đăng tải lại những tấm ảnh và nội dung mà Brandon ghi lại, khơi gợi làn sóng quan tâm rất thú vị của chính người dân đất nước đó đối với những câu chuyện trong nước qua góc nhìn của một người nước ngoài (xem ảnh). Khi một cá nhân có thể làm thế giới gần nhau hơn... Kể về những ngày đầu chụp ảnh của mình, Brandon nhớ lại một cách đơn giản rằng “đó là lúc tôi đi lòng vòng chụp ảnh người lạ ngoài đường”. Chỉ trong vòng bốn năm, từ tiếp xúc với “người lạ”, anh đã xây dựng được một cộng đồng “người quen” lên đến gần 10 triệu trên Facebook, gần 2 triệu trên Instagram. Không chỉ dõi theo ống kính của Brandon, nhìn New York theo cái nhìn của anh, hàng triệu người còn thể hiện lòng đồng cảm và trao đổi quan điểm của họ về mọi điều được ghi nhận trên HONY, từ những chủ đề to lớn như chính trị, kinh tế, tôn giáo, sắc tộc..., đến những cảm xúc sâu xa được gợi mở từ những tấm ảnh và thân phận. Khi Brandon bước ra với thế giới qua chuyến đi 50 ngày, cộng đồng này đã cùng được mở rộng chân trời với anh. Một cá nhân trong cộng đồng Facebook chia sẻ: “Điều tuyệt vời nhất là tôi thấy mình được nối kết rất gần với những mảnh đất rất xa. Báo chí cho chúng ta con số và nỗi sợ hãi. Còn HONY của Brandon cho chúng ta con người và lòng nhân bản”. Gabo Arora nói đùa: “Trong ủy ban, chúng tôi đùa với nhau là MDG bây giờ trở lại “oách” rồi. Mà nếu trước đây MDG chưa từng “oách” thì bây giờ chắc chắn là “oách” rồi nhé!”. Nhưng nghiêm túc lại, Gabo nhận định quan trọng nhất là chuyến đi của nhiếp ảnh gia Brandon Stanton là bằng chứng rõ ràng nhất của việc một cá nhân có thể làm cho thế giới xích lại gần nhau hơn. Trả lời phỏng vấn tờ Guardian, Brandon chia sẻ: “Chuyến đi này đầy cảm xúc đối với tôi. Rõ ràng là những trải nghiệm mới này có tầm vóc rộng lớn hơn rất nhiều so với những gì tôi từng trải qua trước nay. Ở những nước mà tôi đến, những bi kịch trong cuộc sống người dân sâu sắc và rộng lớn hơn rất nhiều ở New York... Điều đọng lại cuối cùng trong tôi là ở đâu cũng vậy, con người có những khát khao giống hệt như nhau - an ninh, giáo dục và gia đình. Vậy mà có quá nhiều người không có cách nào để đạt được những khát khao đó”. * Anh sợ gì nhất? - Cô đơn. * Khi nào anh cảm thấy cô đơn nhất? - Đó là những đêm cuối tuần ở trường. Đôi khi tôi ngồi một mình trong phòng ký túc xá với chỉ một ngọn đèn nhỏ khi tất cả bạn bè đều đi ra ngoài chơi. * Tại sao anh không đi cùng họ? - Khó nói quá. (Hà Nội) * Em thích gì nhất ở mẹ? - Mẹ làm việc rất chăm chỉ. * Mẹ chăm chỉ như thế nào? - Mẹ nấu bán cả ngày. Rồi về nhà lại nấu thức ăn cho chúng em. (Hà Nội) “Sau khi con trai tôi ra đời, suốt nhiều tháng tôi không tìm được việc làm. Tôi tìm việc khắp nơi. Đầu tôi rối mù. Tôi cảm thấy giận dữ trước tất cả mọi chuyện. Tệ nhất là khi con bị chẩn đoán suy dinh dưỡng. Tôi ghét chính mình”. (TP.HCM) ● Năm 2010, Brandon Stanton đến thành phố New York sau khi sự nghiệp buôn trái phiếu của anh thất bại. Anh bắt đầu cầm máy ảnh đi lang thang hằng ngày qua các đường phố New York, tiếp cận đối tượng ngẫu nhiên, xin chụp ảnh và trò chuyện với người dân về những chủ đề cũng ngẫu nhiên. Nội dung các cuộc gặp gỡ đó - kèm theo hình ảnh đặc tả người dân - được Brandon đưa lên trang blog ảnh mang tên “Những con người New York” (HONY), sau mở rộng sang trang Facebook và các mạng xã hội khác. ● Đến nay, HONY đã trở thành trang văn hóa nghệ thuật phát triển nhanh nhất trên mạng xã hội Facebook, gần chạm ngưỡng 10 triệu người quan tâm và theo dõi. Cuốn sách ảnh cùng tên phát hành năm 2013 cũng lọt vào - và có lúc đứng đầu - danh sách các tác phẩm bán chạy nhất của nhật báo New York Times trong suốt 21 tuần. ● Brandon Stanton năm nay 30 tuổi. Năm 2013, anh được tạp chí Time đưa vào danh sách “30 cá nhân dưới 30 tuổi đang làm thay đổi thế giới”. ● 11 quốc gia Brandon đặt chân đến bao gồm: Iraq, Jordan, Congo, Kenya, Uganda, Ukraine, Haiti, Nam Sudan, Ấn Độ, Việt Nam, Mexico. Tags: Nhiếp ảnh giaBrandon Stanton nhiếp ảnh gia Mỹ
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Tổng Bí thư dự phiên trọng thể Đại hội IX Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam QUỐC LINH 18/12/2024 Sáng 18-12, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm dự phiên trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam lần thứ 9, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
Tin thế giới 18-12: Ông Trump sắp cử người sang Ukraine; Mỹ nêu số thương vong của lính Triều Tiên THANH HIỀN 18/12/2024 Nga sẽ đưa vụ ám sát trung tướng Kirillov ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc; Mỹ khẳng định hàng trăm binh sĩ Triều Tiên thương vong ở Kursk.
'Sức hấp dẫn của du lịch Đà Lạt là không thể nghi ngờ, khách quốc tế cũng trở lại lần 2, lần 3' MAI VINH 18/12/2024 Ngày 18-12 tại TP Đà Lạt, UBND Thành phố Đà Lạt phối hợp với Báo Tuổi Trẻ tổ chức Hội thảo quốc tế “Đà Lạt phát triển du lịch xanh và công nghiệp văn hóa từ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và văn hóa địa phương”.
Tương quan sức mạnh giữa Việt Nam và Philippines ở ASEAN Cup 2024 HOÀI DƯ 18/12/2024 Tuyển Việt Nam vượt trội chủ nhà Philippines gần như mọi mặt trước cuộc đọ sức ở lượt trận thứ tư bảng B ASEAN Cup 2024.