Bưởi Năm Roi đi tới châu Âu

DƯƠNG THẾ HÙNG 16/07/2008 22:07 GMT+7

TTCT - Những ngày đầu tháng 7-2008, người dân ở cặp quốc lộ 1A (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) bỗng thấy xuất hiện nhiều xe container tấp vô bãi đất trống ven lộ. Sau đó có nhiều xe tải cỡ nhỏ, loại 1-2 tấn áp sát vô xe container để lên hàng.

Phóng to
Anh Trần Ngọc Dũng chăm sóc bưởi tại vườn

Tò mò, bà con tìm hiểu thì hóa ra hàng đây chính là bưởi năm roi, được chất vô thùng giấy gọn gàng, có dán nhãn hiệu hẳn hoi. Anh Lê Văn Năm, một người dân trong vùng, tỏ ý hiểu biết: bưởi năm roi Mỹ Hòa được đưa ra cảng để xuất đi châu Âu.

Theo chỉ dẫn của anh Năm, chúng tôi theo quốc lộ 54 cặp bờ sông Hậu đến xã Mỹ Hòa. Vừa vô mé sông đã thấy những vườn cây bạt ngàn toàn bưởi và bưởi. Mỗi vườn đều có xẻ mương dẫn nước ngang dọc, bờ đất cao ráo, những hàng bưởi trồng ngay ngắn, thẳng tắp trên đó treo đầy những trái bưởi tròn to, bóng láng.

Đang mùa thu hoạch bưởi. Chỉ vào một nhóm thanh niên chừng bốn người, mỗi người đang cầm một cây lồng giơ lên cao hái trái, anh Trần Văn Sang - chủ nhiệm HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa - cho biết: “Đó là công đoạn đầu tiên của việc thu hoạch. Bưởi được hái từ trên cây xuống, chất vô giỏ rồi gánh ra ghe chở về trạm của HTX”. Cả xã Mỹ Hòa có vùng nguyên liệu bưởi rộng 2.432ha, chạy dài theo sông Hậu, xung quanh là sông, mé trong là bờ, hình thành dải đất cù lao phù sa quanh năm bồi đắp.

Vùng đất này có lẽ trời cho nên trồng bưởi rất thích hợp, từ loại đất, nguồn nước đến cây giống... đều hạp. Cứ đặt cây bưởi xuống là có ăn, từ hàng chục năm nay rồi, mà thiệt ngộ, toàn bưởi không hột. Từ Bình Dương, Đồng Nai tới Tiền Giang, chẳng nơi nào trồng được giống bưởi Năm Roi mà không có hột.

Chuẩn quốc tế

“Có được lộc trời cho nhưng trong thời gian dài bưởi Năm Roi chỉ luẩn quẩn tiêu thụ trong vùng, giỏi lắm tới được TP.HCM. Người dân mạnh ai nấy trồng, mỗi người một ít, manh mún, tự phát, có bao nhiêu bán bấy nhiêu, giá cả không nhất định, khi thì 3.000đ/kg, lúc lên cao lắm cũng chỉ 4.000đ. Thậm chí có lúc bưởi bị lai cam nên có hột tùm lum. Bán làm nước ép còn bị chê vì có vị đắng” - anh Sang kể lại một thời thăng trầm đã qua của trái bưởi.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, nếu đạt tiêu chuẩn LobeGap, giá trị bưởi Năm Roi Mỹ Hòa sẽ tăng lên gấp 10 lần hiện nay, bởi giá thị trường thế giới của trái bưởi đang là 5-6 USD/kg. Kinh nghiệm làm ăn của HTX Mỹ Hòa cho thấy bài học: vai trò của HTX rất quan trọng trong việc làm cầu nối giữa người sản xuất (nông dân) và nhà tiêu thụ (các công ty). HTX thấy được nhu cầu của khách hàng, tổ chức cho nông dân cách sản xuất để sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Cuối cùng thì cả nông dân, HTX và nhà phân phối đều được lợi.

Qua 15 năm làm thương lái, anh Sang lúc nào cũng canh cánh bên lòng ước ao trái cây xứ mình sẽ cạnh tranh ngang ngửa với Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan. Những lúc vô vườn gom hàng, anh thường tiếc rẻ trái bưởi vị ngon không thua người ta nhưng vỏ bị trầy xước, trái u nần không tròn trịa, bóng láng.

Tới khi đủ số hàng giao đại lý phân phối, anh thường bị chê ỏng chê eo, lúc phân loại bị đánh dạt ra không thương tiếc. Những lúc đó anh càng nung nấu làm một cái gì đó để xóa bỏ mặc cảm, cho trái bưởi xứ mình ngẩng cao đầu trên thị trường.

Tháng 7-2006, được Hội Làm vườn VN hỗ trợ cùng với Sở NN&PTNT Vĩnh Long, anh Sang cùng ông Xê, ông Dũng và vài người bạn thân thiết đứng ra thành lập HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, mục đích là qui tụ nhiều nông dân trong vùng chuyên canh cùng làm ra trái bưởi ngon, sạch, đạt chuẩn xuất khẩu. Bà con trong vùng nghe nói hướng làm ăn đều khoái, nhưng lúc kêu góp vốn thì ai cũng... sượng.

Chỉ tại cái “huông” của kiểu làm ăn hợp tác ngày xưa còn vướng trong đầu, bà con sợ bị “bể” rồi không ai chịu trách nhiệm nên lần lữa thoái thác. Anh em trong ban chủ nhiệm đành tự bỏ vốn ra, thiếu thì vay thêm ngân hàng. Chỉ với gần 200 triệu đồng vốn khởi nghiệp, HTX lo đủ thứ chi phí gom hàng, đóng gói, chuyên chở giao cho đại lý để “sống thoi thóp được qua ngày”.

Nỗi lo lớn nhất chính là làm sao thuyết phục bà con trồng được trái bưởi ngon, sạch, đẹp, chất lượng đồng đều. Riêng việc cho trái bưởi không hột đã là cả vấn đề, phải nói muốn gãy lưỡi chưa chắc nông dân chịu nghe. Bà con thường có thói quen trồng xen trong vườn bưởi các loại cây khác như cam, chanh, chôm chôm... Mấy thứ đó là nguồn thu nhập không nhỏ trong khi chờ bán được bưởi phải mất 4-5 năm. Nay HTX kêu đừng trồng xen mấy loại cây đó khác nào kêu người ta đập bỏ nồi cơm. Nhưng nếu trồng xen là bưởi có hột liền, lý do là quá trình thụ phấn, bưởi bị lai cam, quít thành ra có hột.

Phải lân la to nhỏ mỗi ngày một ít, rằng “nếu bưởi ngon thì bán được 7.000đ/kg, còn dở thì chỉ có 2.000-3.000đ thôi, bà con thích giá nào?”. Lúc đầu có ít người chịu nghe. Kệ, “tích tiểu thành đại”, cứ mua hết bưởi ngon của vài người với giá cao, trả tiền liền trong ngày. Sau đó, bà con thấy hàng xóm bán ngon quá, lại có lời nên truyền tai nhau, rủ nhau cùng làm. Lâu ngày chày tháng, số hộ theo làm bưởi ngon, sạch, đẹp ngày càng nhiều. Vậy là từ đó, HTX “lấn sân” dần bằng cách hướng dẫn bà con cách tỉa bớt trái, bón phân hữu cơ, hạn chế xịt thuốc trừ sâu... Từ con số vài chục hecta ban đầu, tới giữa năm 2007 đã có 900ha của 130 hộ dân đăng ký trồng bưởi chất lượng cao theo yêu cầu của HTX.

Tháng 5-2007, Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN đã ký kết chương trình hỗ trợ HTX Mỹ Hòa đưa bưởi Năm Roi đạt tiêu chuẩn EurepGap vào châu Âu. Chương trình đưa ra bốn tiêu chuẩn phải đạt gồm: chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, trái đồng đều và không có dư lượng thuốc trừ sâu. Chương trình bước đầu có 26 hộ tham gia với diện tích 22,3ha, tính bình quân mỗi hộ làm trên dưới 1ha.

Để đạt chuẩn vào châu Âu, bà con càng phải thực hiện qui trình nghiêm ngặt hơn. Ví dụ như phải có kho chứa thuốc sâu riêng biệt, nguồn nước không bị ô nhiễm, không trồng xen cây khác, không dùng phân hóa học, không để heo gà vô vườn, không làm cầu tõm trong vườn, thậm chí phải có vòi nước ngay tại vườn... Những yêu cầu nghiêm ngặt đó mới nghe qua bà con thấy hết sức... xa lạ. “Trời ơi, siết quá ai làm cho nổi - anh Nguyễn Thành Danh, một nông dân trong vùng, kêu - Nuôi con gà, con heo trong vườn, bắc cầu cá tra để đi là thói quen mấy đời cha ông để lại, nay dẹp mấy cái đó thì biết đi ở đâu?”. Đó cũng là bức xúc của đa số bà con trong vùng.

Nhưng khó gì cũng phải làm, bởi đã chơi với nước ngoài thì phải theo người ta, chớ khư khư cái kiểu của mình thì còn chơi với ai. Nghĩ vậy mà anh em HTX càng quyết tâm thuyết phục bà con. “Mình cứ làm trước, cho bà con thấy làm theo mới thuyết phục.

Cũng giống như vô bàn nhậu vậy, uống rồi nói mới tin. Nông dân mà!” - anh Sang thổ lộ cách làm của mình. Ngoài ra, nhờ có Hội Làm vườn, Sở NN&PTNT thường xuyên mở lớp tập huấn, nông dân được nghe, thấy có ích lợi... dần dần họ làm theo.

Anh Sang cho biết tháng năm năm nay bưởi Năm Roi đã được Hiệp hội Các nhà bán lẻ quốc tế đến kiểm tra và chỉ còn vài chi tiết nữa là xong thủ tục. Nếu không có gì thay đổi, bưởi Năm Roi sẽ được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế và đường ra thị trường thế giới sẽ mở rộng với nó.

Đường vào châu Âu

Phóng to
Rửa bưởi bằng nước sạch

“Thật ra lúc đầu tụi tôi chỉ tính bán trong nước thôi - anh Sang cho biết - Sau khi cam kết bao tiêu cho nông dân, HTX mở các điểm bán sỉ lẻ tại chợ đầu mối Bình Điền, quận 8, TP.HCM. Sau đó cứ có hội chợ nào liên quan tới trái cây là tụi tôi gửi hàng đi dự.

Có lẽ hội chợ thương mại Lào Cai năm ngoái là ngon ăn nhất, bởi từ đó tụi tôi làm quen được các nhà phân phối sỉ trái cây khu vực phía Bắc như Công ty Giai Việt, Tổng công ty Siêu thị Hà Nội. Từ đây, những nhà xuất khẩu trái cây bắt đầu để ý tới trái bưởi và liên hệ đặt hàng”.

Để chiều ý khách hàng, anh Sang luôn lắng nghe góp ý của nhà phân phối. Một lần, đại diện Công ty Giai Việt nói nhỏ với anh: “Làm sao cho múi bưởi đừng bị lép, đừng bị lẫn hột trong đó, nếu không khách hàng chê”. Lập tức anh về thông báo lại với nông dân cố gắng tỉa bớt trái đèo, chỉ giữ lại mỗi nhánh một trái thôi, thà ít mà tốt. Còn xử lý hột thì kiên quyết bỏ hết cây trồng xen để tránh bị lai tạp, trái bưởi không thuần. Lần khác, Công ty Metro lại nhắc: “Sao trái bưởi bị ong chích thẹo xấu xí vậy?”. Vậy là phải kêu gọi bà con bao trái, giữ cho vỏ láng, giống như con gái giữ làn da mịn màng vậy.

“Có lúc mình như “trên đe dưới búa”, nằm giữa hai lằn ranh áp lực, phải chiều chuộng cả hai phía nhà phân phối và nông dân làm sao cho vẹn cả đôi đường” - anh Sang tâm sự. Cuối năm 2007, bưởi Năm Roi đã có mặt ở thị trường TP.HCM, Nha Trang, Hà Nội, Hải Phòng thông qua siêu thị Metro và các nhà phân phối kể trên.

Đầu năm 2008, trong lúc HTX đang làm hàng cho thị trường trong nước thì xuất hiện một người khách lạ. Anh tự giới thiệu là người của Công ty Đạt Vinh ở TP.HCM. Anh nói rằng đang kiếm nguồn bưởi Năm Roi với số lượng lớn, khoảng 16 tấn, chất lượng cao để xuất sang Nga. Giá 7.000đ/kg. Anh cho biết đã liên hệ với một HTX ở Tiền Giang nhưng họ không đáp ứng đủ yêu cầu nên đến đây coi thử.

Nghe qua, anh em trong HTX ai nấy đều bảo rằng “kèo” thơm quá. Bỏ qua thiệt uổng. Nhưng số lượng nhiều như vậy, liệu mình có đáp ứng nổi không. Hỏi lại khách: bao lâu lấy hàng? Khách trả lời: một tháng. Anh em liền ngồi lại tính với nhau. Điểm qua diện tích đang thu hoạch, số hộ đã làm hàng chất lượng cao, coi lại yêu cầu của khách... thì thấy có khả năng. Anh em quyết định làm. Vậy là hợp đồng ký kết.

Sau đó, Công ty Đạt Vinh cử người đến tận nơi kiểm hàng, mang thùng giấy đóng hàng tại chỗ, đưa xe container chở đi cảng Cát Lái, rồi xuống tàu sang Nga. Đợt đó, HTX xuất được 16,8 tấn bưởi, cũng là lần đầu tiên bưởi Năm Roi vào châu Âu, đem chuông đi đánh xứ người.

Hàng đi rồi, anh em còn nơm nớp lo không biết qua bên đó bưởi có bị thúi không, dân Nga ăn có chê khen gì không. Sốt ruột chờ đợi tới hai tháng sau mới có câu trả lời từ đại lý phân phối ở Nga: “Họ chịu lắm. Bưởi Việt Nam ngon, da bóng, trái đồng đều. Qua đây hơn 50 ngày mà vẫn còn tươi, không bị hư”. Nghe tin này, cả ban chủ nhiệm HTX nhảy cẫng lên vui mừng, giống như đội bóng đá nhà ghi bàn thắng vàng vậy.

Từ đó, bưởi Mỹ Hòa cứ đều đặn xuất sang Nga mỗi tháng hai container (tương đương 34 tấn). Sau đó, Công ty Đạt Vinh còn bán sang Đức qua các đại lý sở tại và mối tình của hai bên bén duyên từ đó.

Đầu tháng 7-2008, khi chúng tôi đi thực tế vùng bưởi Mỹ Hòa, anh em HTX lại đang tất bật hái trái, vô thùng đóng hàng cho khách mới: Hà Lan. Lần này, chính khách hàng Hà Lan trực tiếp vô vườn coi trái và quyết định đặt mua ngay. “Ngày 19-7-2008 phải xuất hai container đi Hà Lan cho khách”. Anh Sang vừa đốc thúc anh em hái trái, vừa thở dốc thông báo như vậy về chương trình xuất bưởi đi châu Âu trong tháng bảy này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận