Ấn Độ - Pakistan: Rủi ro khi nghĩ mình mạnh hơn

HẢI MINH 10/05/2025 09:59 GMT+7

TTCT - Tình hình tiểu lục địa Ấn Độ lại căng như dây đàn sau khi Ấn Độ bắn tên lửa vào Pakistan ngày 6-5 làm 8 người thiệt mạng.

a - Ảnh 1.

Ảnh: Newsweek

New Delhi tuyên bố đây là động thái trả đũa vụ khủng bố ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát ngày 22-4 giết chết 26 du khách, mà Ấn Độ quy kết Pakistan đứng đằng sau.

Căng thẳng đã lên cao giữa hai nước láng giềng sở hữu hạt nhân sau vụ khủng bố, mà Islamabad phủ nhận trách nhiệm. 

Hãng tin quân đội Pakistan, Inter-Services Public Relations, nói tên lửa Ấn Độ đã bắn trúng vào các địa điểm ở vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát và phía đông tỉnh Punjab của nước này, nơi tên lửa bắn trúng một hội đường Hồi giáo ở thành phố Bahawalpur, làm một bé gái 16 tuổi thiệt mạng. 

Đài truyền hình nhà nước Pakistan Television, dẫn lời giới chức an ninh, nói Pakistan đã bắn hạ hai máy bay Ấn Độ, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Tên lửa đáp trả khủng bố

Từ phía Ấn Độ, Bộ Quốc phòng nước này thông báo ngày 6-5 rằng 9 khu vực mục tiêu đã bị nhắm tới vì là nơi "những cuộc tấn công khủng bố nhắm vào Ấn Độ đã được lên kế hoạch". New Delhi cũng phát đi tín hiệu họ không tìm kiếm leo thang hơn nữa. 

"Hành động của chúng tôi là tập trung, có tính toán, và về bản chất không có tính leo thang. Chúng tôi không nhắm tới cơ sở quân sự chính thức nào của Pakistan", thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết. 

"Ấn Độ đã thể hiện sự kiềm chế đáng kể khi lựa chọn mục tiêu và phương pháp thực hiện. Chúng tôi đang làm đúng như lời hứa rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ tấn công khủng bố sẽ bị trừng trị".

Nguy cơ chiến tranh giữa hai cường quốc sở hữu vũ khí hạt nhân ở Nam Á vốn đã luôn hiển hiện vì nhiều vấn đề, nổi cộm là tranh chấp lãnh thổ Kashmir. 

Nhưng những xích mích mới đây nhất diễn ra trong một bối cảnh khác trước: cả Ấn Độ và Pakistan đều đã nâng cấp đáng kể năng lực quân sự kể từ lần đụng độ gần nhất vào năm 2019, đồng nghĩa một động thái leo thang nhỏ thôi cũng có nguy cơ trở nên khó kiểm soát, theo các chuyên gia quân sự.

Năm 2019, Ấn Độ từng không kích lãnh thổ Pakistan sau vụ đánh bom một đoàn xe quân sự Ấn Độ ở Kashmir và tuyên bố đã hủy diệt "các trại khủng bố". Máy bay của Pakistan sau đó không kích đáp trả và bắn rơi một máy bay Ấn Độ trong cuộc xung đột kéo dài 2 ngày.

Trước đó nữa, 3 cuộc chiến quy mô lớn đã diễn ra giữa họ, vào các năm 1948, 1965 và 1971, cùng vô số vụ đụng độ lẻ tẻ, hầu hết liên quan tới vùng Kashmir. Hai nước đều sở hữu vũ khí hạt nhân vào những năm 1990. Dù có lẽ không mạo hiểm viện tới thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt đó, năng lực quốc phòng cả hai bên đã được nâng cấp đáng kể từ năm 2019 tới nay.

Giới chuyên gia dự báo xung đột lớn, nếu nổ ra, sẽ có sự tham gia của máy bay, tên lửa, đặc biệt là máy bay không người lái. "Những người có quyền quyết định ở cả 2 nước giờ đang có khẩu vị rủi ro cao hơn hẳn để khởi phát xung đột và leo thang so với trước năm 2019", Reuters dẫn lời Frank O'Donnell, nhà nghiên cứu ở Chương trình châu Á, Trung tâm Stimson, Washington (Mỹ).

Công nghệ phương Tây và Trung Quốc

Lý do của suy nghĩ đó, theo Muhammad Faisal - chuyên gia về an ninh châu Á ở Đại học Công nghệ, Sydney (Úc), là "mỗi bên đều nghĩ họ đang ở vị thế mạnh hơn so với lần trước. Và chỉ có đánh nhau thật thì mới biết có đúng như vậy không".

Cụ thể theo Faisal, năm 2019, Ấn Độ tin họ bất lợi vì phải dựa nhiều vào máy bay chiến đấu đã cũ của Nga. Từ đó tới nay, họ đã mua thêm 36 phản lực cơ chiến đấu Rafale của Pháp, dòng máy bay quân sự hàng đầu của phương Tây. 

Pakistan cũng có những món đồ mới muốn thử: Họ mua được một trong những mẫu máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Trung Quốc, J-10, được cho là tương đương với Rafale, vào năm 2022.

Nước này hiện có ít nhất 20 chiếc J-10, theo Viện Nghiên cứu chiến lược ở London (Anh). Trong khi Rafale được trang bị tên lửa không đối không Meteor có năng lực hoạt động ngoài tầm nhìn trực tiếp, J-10 cũng có các tên lửa PL-15 với năng lực tương ứng.

Cuộc xung đột năm 2019 còn khiến 2 bên nhận ra những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của họ. Ấn Độ phản ứng bằng cách mua S-400 - hệ thống tên lửa phòng không đã trải qua thực chiến dày dạn của Nga. Pakistan thì có hệ thống HQ-9 của Trung Quốc, được cho là dựa trên S-300 của Nga, dù chưa có kiểm nghiệm thực chiến.

"Đó có thể là cuộc đối đầu giữa công nghệ phương Tây và Trung Quốc", Faisal nói với Reuters. "Với Ấn Độ, thế lưỡng nan còn là họ sẽ bố trí bao nhiêu phi đội cho mặt trận Pakistan, do họ còn phải đề phòng mặt trận Trung Quốc". 

Trung Quốc là đồng minh của Pakistan và cũng có tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ, vốn từng bùng lên thành chiến tranh vào năm 1962, và xung đột gây chết người gần nhất nổ ra ở vùng biên giới Himalaya mới năm 2022.

Ngoài ra, Pakistan còn có một phi đội máy bay F-16 của Mỹ mà họ mua vào thời quan hệ Islamabad - Washington còn êm đẹp. Những máy bay F-16 này từng được triển khai trong cuộc xung đột năm 2019.

Một kịch bản leo thang khác là drone và tên lửa phóng từ mặt đất. Ấn Độ vừa mua drone chiến đấu của Israel, Heron Mark 2, ngoài những chiếc Predator của Mỹ mà họ đã có trong kho lâu nay. Pakistan thì mua drone của Thổ Nhĩ Kỳ, Akinci và Bayraktar TB2 - đều đã kinh qua thực chiến, là drone chủ lực của quân đội Ukraine trong cuộc chiến với Nga.

Cuộc xung đột năm 2019 suýt nữa thì đã trở nên không thể kiểm soát. Kaiser Tufail, cựu phi công chiến đấu của không quân Pakistan, nói với Reuters rằng khi đó Ấn Độ đã không thể áp đặt được ưu thế răn đe như họ mong muốn, nên tình hình lần này sẽ rủi ro hơn nhiều nếu New Delhi vẫn nhắm tới mục tiêu đó.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận