- Lớn chuyện! Lớn chuyện rồi! - Thằng Hải mặt mày xanh lét chạy ào vô nhà. Bà Tư thấy nó hốt hoảng đâm hốt hoảng lây, làm rớt luôn cái ống ngoáy trầu, lết vội ra mép bộ ván ngựa, lập cập hỏi: - Gì? Cái gì vậy bây? Thằng Hải đứng giữa nhà, miệng hớp hớp như cá thiếu oxy, tay nó vỗ bình bịch lên ngực như cố ngăn con tim đang nhảy chachacha, rumba… loạn xà ngầu ở trỏng. Nó hào hển: - Anh Tèo trúng số rồi! Má ơi! Anh Tèo trúng số rồi! Lần này trúng thiệt rồi! Bà Tư nghe thế, tự nhiên tay chân quíu cả lại. Bà muốn hỏi nhưng hai hàm răng cứ cứng ngắc không mở ra được, khó khăn lắm, bà mới thốt ra được hai chữ “Thiệt không?” rồi lật đật theo thằng Hải qua nhà thằng Tèo. Chỉ trong một tiếng đồng hồ, tin thằng Tèo trúng số lan ra khắp… xóm cù lao. Trúng thường thường ai nói gì, trúng độc đắc, mười tờ độc đắc lận, ai nghe mà không xuýt xoa. Mừng cho nó mà tiếc cho… mình. Cứ như cái số đỏ ấy trời chỉ ban cho cái cù lao này có một lần mà đã vô tay thằng Tèo thì mình “bít cửa” rồi còn gì! Mình không có phước thì nhờ phước nó vậy! Nó trúng nhiều thế thì chắc cũng cho bà con xóm giềng mỗi người cũng được vài đồng… lấy thảo. Vậy mà mấy ngày trời trôi qua, bà con trong cái xóm cù lao này không được “xơ múi” gì ngoài hít phải mớ bụi khi đi qua đi lại trước nhà nó. Con mắt ngứa ngứa vì cánh cửa lúc nào cũng đóng im ỉm. Cái thằng… Sao mà keo kiệt! Trúng mười tờ mà không cho bà con được cục kẹo dừa nhai cho đỡ tủi. Có lẽ vì tiếc… cục kẹo dừa đó mà bà con cù lao cứ chì chiết nó mãi. Nhưng mấy ai biết rõ được ngọn ngành, thằng Tèo trúng số nhưng có đánh nguyên chiếc mẹc-xe-đì tới rước, nó cũng không dám đi lãnh. Bà Tư thở dài đánh sượt. Bởi bà còn rầu hơn! Ai đời, nguyên một đống tiền chình ình trước mặt mà không dám lấy thì hỏi sao mà không rầu? Mà cũng tại thằng Tèo, cái thằng… to tật! Lúc nào mở miệng ra cũng thề với thốt. Đó, nhìn cái đầu nó đó, cái đầu chôm bôm như trái chôm chôm, tóc chỉa tùm lum mất trật tự cũng do thề với thốt đó. Cách đây hơn tháng, trong đám giỗ cha nó, đang ngồi trước bàn thờ, nó nói: “Ông già, ngày mai ông cho tui trúng đề! Tui cạo đầu liền!”. Ở cái xóm cù lao này, đánh đề dễ ẹt. Cứ đánh một ngàn đồng được nhà cái cho thêm một trăm đồng. Nó đánh hai con, một con đầu năm ngàn đồng, đuôi năm trăm đồng; một con đầu một ngàn đồng, đuôi một trăm đồng. Thuở đời, “làm chơi mà ăn thiệt”. Nó trúng đề! Trúng… một trăm đồng phần đuôi. Bà Tư nghe tin, nằng nặc bắt nó đi cạo đầu. Nó không chịu. Bà chửi té tát, vừa chửi vừa vác cây đòn gánh rượt nó chạy vòng vòng. Cái biệt danh Tư đòn gánh đâu phải bà con chòm xóm… đặt chơi cho vui. Bà tin trời tin Phật, tin người khuất mặt khuất mày, bà sống được, nuôi được thằng Tèo, thằng Hải lưng dài vai rộng, gia đình bà qua cơn túng bấn cũng nhờ ơn trên phù hộ. Chứ với cây đòn gánh quảy hai đầu chè thì làm sao mà đủ gạo tống vô hai cái “nhà máy xay xát” công suất lớn đó. Sau khi lãnh tiền ở nhà cái, thằng Tèo trả tiền cho ông thợ cạo, mua nải chuối với bó nhang về “cúng tạ ông già”, cộng lại trừ ra… tính tới tính lui, thằng Tèo lỗ mất ngàn rưỡi đồng. Lần đó, thằng Tèo chửi nhoi trời. Phóng to Vậy mà nó vẫn chưa tởn, lần này nó thề. Thề độc hơn! Ác hơn! Kinh khủng hơn! Chỉ khác là nó đem vợ ra để thề cho sướng miệng. Nếu có bị cạo đầu lần nữa thì vợ nó cạo. Cũng không sao! Chồng đầu trọc, vợ trọc đầu! Vậy mới “tông xuyệt tông”. Nhưng phải chi nó thề vợ nó bị cạo đầu thì bà Tư đâu rầu dữ vậy! Chiều tà, sau khi “quất” mấy xị sương sương, mấy trái cóc chua chua, thằng Tèo đứng giữa sân, ngửa mặt nhìn trời, một tay chỉ vào con vợ đang ngồi lau lá dừa để mai gói bánh tét chuối đi bán, dõng dạc, rõ ràng: “Ông mà cho tui trúng mười tờ vé số độc đắc này, tui chặt đầu con mắm này cúng ông liền!”. Nó đùa với vợ vì nghĩ đời nào nó trúng. Thằng Tèo biết đùa thì trời cũng biết đùa, nhiều khi đùa còn “ác chiến” hơn. Thằng Tèo trúng số. Tất nhiên, theo lời thề, nó phải chặt đầu vợ mà tạ! Người xưa nói “Thần khẩu hại xác phàm” quả không sai! Cả ngày, mặt thằng Tèo dàu dàu đi ra nhìn cánh cửa đã sút bản lề, dàu dàu đi vô nhìn cái vách lủng một lỗ to bằng một bàn tay nhân… mười. Nó mà lấy được tiền trúng số, nó sẽ cho không cái nhà này để người ta “đốt”… đóng phim. Con Tám, vợ nó, ngồi nhìn: - Tính sao? Ngay cả đi bán cũng không đi được! Ra đường, thấy tui, nếu người này không hỏi “Sao mày còn đi bán?” thì người kia bảo “Cho tao mượn vài đồng làm vốn!”. Biết nói sao giờ! Không cho mượn thì người ta kêu mình ích kỷ, bần tiện, mà cho mượn thì lấy cái gì mà cho? Ngay cả nhà mình bây giờ cũng không còn hột gạo nè! Thằng Tèo gắt: - Từ từ đi! Từ từ để tui tính! - Ừa! Ông tính sao đó thì tính! Ông có thấy ai trúng số mà chết nhăn răng vì đói chưa? Hay là ông chặt đầu tui đi rồi đi lấy tiền mà sống! - Bà khùng! Có im đi không! Nói tào lao mà cũng nói! - Ai tào lao! Có ông tào lao thì có! Cả ngày mở miệng ra là thề! Hết chuyện hay sao mà đem tui ra thề! Phải mà! Ông có thương có yêu gì tui đâu! Rồi con Tám khóc hu hu. Khóc vì đói, vì tức và vì tủi. Đang há miệng thật to, định rống một tiếng cho hả dạ thì bà Tư qua. Bà nạt: - Khóc cái gì mà khóc! Mày làm vợ mà không biết khuyên lơn chồng bỏ thói thề thốt, giờ ngồi đó khóc là khóc làm sao? Con Tám lấm lét: - Thì má cũng biết tính ảnh rồi đó! Ai nói mà ảnh nghe đâu! Giờ cũng không biết tính sao luôn! Bà Tư ngồi bệt xuống thềm dưới mái hiên, ngoắc ngoắc hai vợ chồng thằng Tèo lại gần, thì thào ra vẻ bí mật lắm: - Tao đi coi thầy rồi! Chỉ có cách này mới giải được thôi! Bữa đó, con Tám chịu khó lên chùa, xin thầy đặt cho cái tên khác. Còn thằng Tèo, làm cái hình nhân, ghi tên tuổi con vợ mày vô, chặt đầu cái hình nhân đó mà cúng. Biết chưa? Cho chừa cái thói đụng đâu thề đó nhen! Cái mặt thằng Tèo vẫn chưa thôi dàu dàu: - Được không đó, bà má? Bà Tư gắt: - Vậy giờ mày có chịu làm không? Hay ngồi đói chảy dãi mà nhìn tiền hả? Thằng Tèo đưa tay gãi gãi cái đầu chôm bôm: - Thì làm! Chớ còn cách nào khác nữa đâu! Bà má này! Chưa bao giờ thấy bà má dịu dàng với tui đó nha! Không chửi cũng đánh! Giờ tui trúng số rồi bà má có còn tiếc “hồi đó thà đẻ trứng gà, trứng vịt luộc ăn” còn hơn là đẻ tui nữa không? - Bây giàu kệ cha bây chứ tao có ăn uống gì trong đó đâu mà bây đã bày đặt lên mặt? Dịu dàng cho bây leo lên đầu tao làm tổ ở trển hả? Đừng có ngồi đó nói bá xàm bá láp! Lo mà đi làm đi! Thằng Tèo dạ thiệt to rồi chạy đi nhưng chưa ra tới cửa thì nó quay đầu lại, nhìn bà Tư cười hì hì: - Bà má còn tiền không? - Chi? - Cho con mượn lo chuyện đó chứ chi! Con mắt bà Tư xeo xéo trong khi thò tay vào túi. Sau một ngày tống tiễn “con mắm hình nhân” lên thăm ông bà ông vải, thằng Tèo đi lãnh tiền về xây nhà. Nó cũng tiếc lắm vì không có đoàn phim nào đi ngang, huỡn huỡn ghé vô cù lao, rồi nó cho không cái nhà… đốt chơi! Con vợ nó xí xăng xí xò chạy đầu này đầu kia trên chợ cho vay tiền góp! Nghĩ cũng tội! Nhỏ lớn giờ có cầm lâu được trong tay xấp bạc nào cỡ vài triệu đâu, giờ lại nắm hơn mấy trăm triệu, mỗi lần tính lại lấy cuốn vở, “một gạch là một triệu, hai gạch là hai triệu, ba gạch là…”. Ngày nào, con Tám cũng nằm sấp trên nền nhà, gạch gạch như con nít tập “sổ hàng rào”. Tính ngược tính xuôi coi bộ không êm, thằng Tèo bàn với con Tám cho thằng Hai Hơn lên huyện học. Biết đâu lên tới huyện, cái đầu của nó sáng ra, không tù mù như cái đầu thắp toàn đèn dầu của vợ chồng nó. Riêng thằng Hải, tự dưng được anh cho một số tiền “bự quá bự”, không biết làm gì ngoài sắm chiếc Nouvo, lâu lâu lấy ra “giựt le” với tụi thằng Cường, chạy tới chạy lui trên cái cù lao bé bằng lỗ mũi, có chạy vượt mương băng lề hay tông sập hàng rào nhà hàng xóm cũng không lo công an phạt. Thích chạy cứ chạy, chạy không cần bằng lái, tới chỗ nào có mương nước, cầu ván, nhắm không xong thì xuống… dắt bộ. Bà Tư được thằng con cất cho cái nhà rộng rãi. Trưa nắng gắt cứ mở hết các cửa sổ, nằm phễnh bụng mà hứng gió từ sông thổi vào, cứ lồng lộng. Rảnh rảnh, nằm canh con Thúy bán sương sa bánh lọt gánh ngang qua mà ngoắc nó vô, mua một chén, vừa ăn vừa chê ỏng chê eo, bảo rằng “chè mày không ngon bằng chè tao, hồi tao đi bán á hả…”. Rồi thì quá khứ “đòn gánh cong cong, hai đầu hai thúng” cứ hiện về như nước lũ trên sông Tiền, sông Hậu… Con Thúy cứ mắt nhắm, mắt mở, đôi khi còn cố ý ngáp một cái rõ to cho bà biết câu chuyện của bà sặc mùi… thuốc ngủ. Sở dĩ con Thúy ráng ngồi nghe bà cũng vì bà trả tiền một chén bằng người ta mua ba tô. Con trúng số mà. Nhiêu đó có là nhiêu đâu! Mà cũng buồn, kể từ ngày trúng số, thằng Tèo ít về thăm nhà. Không biết nó làm cái giống gì mà suốt ngày than bận. Chồng không về thì thôi chớ, con vợ cũng không biết đường biết ngõ mà ghé qua chào má mấy câu, giàu có không nhìn mặt bà già này cũng đành đi, cha nó kia mà nó cũng không dám bỏ chút công mà thắp cây nhang. Cái thằng, ăn ở bạc như vôi! Cái thứ con ruột, con dâu vô nghì như thế, léo hánh về đây, bà “bằm bằm, chặt chặt” rồi quẳng cho cá tra ăn hết! Bà vừa hăm he bữa trước, bữa sau đã thấy con Tám lúp xúp đầu ngõ, tay xách nách mang. Bà mát mẻ: - Dữ ác hông! Bữa nay rồng đến nhà tôm hen! Cái con Tám, sinh ra dưới ruộng, lớn lên trên mương, bà nói thế mà nó cứ đứng đực đó, tròn mắt nhìn bà: - Má nói con ha? Con là rồng ha? Bà bực mình, quăng cho cái liếc, lầm bầm: “Dốt gì dốt dữ?”. Con Tám lục tục mang đồ vào nhà: - Má, bữa giờ chồng con có về đây hông má? - Bây lạ ghê! Tự nhiên qua nhà tao kiếm chồng! Bây bắt đi từ đời thuở nào rồi mà còn kiếm cái nỗi gì? - Nói vậy là bữa giờ ảnh không qua hả má! - Tới lượt con Tám lầm bầm - Vậy thằng chả đi đâu vậy kìa! Bỗng, thằng Hải cỡi chiếc Nouvo chạy vù vô sân, chạy xe tay ga mà chân lớ quớ muốn đạp thắng, may mà đụng phải gốc cây dừa mới dừng lại được. Bà Tư đứng trên thềm, chống nạnh: - Mày làm gì như khỉ mắc phong vậy Hải? - Còn hơn khỉ mắc phong nữa kìa! Má với chị Hai nghe tin này mà không phỏng tai thôi á! - Thì bây nói thử đi coi có phỏng không? - Anh Hai có đào nhí! - Gì? - Anh Hai có đào nhí! - Thằng Hải lặp lại. - Gì? Bà Tư nhảy đông đổng như đỉa phải vôi trong khi con Tám tỉnh bơ cười hì hì: - Mày giỡn chơi! Cái mặt thằng chả như quỷ ai mà thương! Hải hất đầu: - Chị không tin chị qua hỏi thằng Cường kìa! Nó… nó… Nói đến đây tự nhiên Hải ngắc ngứ. Bà Tư hỏi dồn: - Nó sao? Hả? Nó sao? Thằng Hải gãi đầu: - Thì nó đi uống bia ôm trên huyện, thấy ông Tèo nhà mình ôm con nhỏ nào đó cứng ngắc, đã vậy còn cười ha há hô hố với nó! Thằng Cường khẳng định là anh Hai nhà mình! Cái đầu chôm bôm đó làm gì đụng hàng? Trong khi mặt mũi con Tám đần hẳn ra thì bà Tư nghiến răng trèo trẹo: - Thằng mất dạy! Ai dạy nó cái thói mèo mả gà đồng! Người ta nói “phú quý sanh lễ nghĩa” còn nó “trúng số sanh tật”, bày đặt vợ bé, vợ mọn! Bắt chước thằng cha nó chứ gì! Để coi tao! Để coi tao! Vừa nói bà vừa lòng vòng quanh sân nhà, đảo mắt tìm cây đòn gánh. Gần tháng nay, nghỉ bán, bà quên mất cây đòn gánh để ở chỗ nào. Thói thường, bà Tư ghét cay ghét đắng chuyện vợ nhỏ, vợ to, cũng vì cái chuyện đó mà bà đã phải è cổ ra mà nuôi hai thằng con một mình đó sao. Cái thằng, không biết hay sao mà còn học theo thằng cha nó! Bà phải phang cho nó mấy cây! Đừng tưởng già đầu rồi là bà không dám đánh. Bà qua túm đầu thằng Cường, bắt nó dắt đến quán bia ôm. Con Tám lếch thếch theo sau mặt mày tái mét. Giờ này, có ai đến tuốt vàng vòng trên người nó chắc nó cũng không hay. Cứ nghĩ chồng mình đang ôm con nhỏ khác, nước mắt con Tám cứ muốn trào ra. Vừa tới chỗ, bà Tư nhảy phịch xuống xe, tay ôm cái đòn gánh, xộc thẳng vô quán, dáo dác: - Tèo! Mày ra đây cho tao! Ra liền ngay cho tao! Giọng bà rổn rảng! Dĩ nhiên! Nhờ cái giọng rổn rảng ấy mà bà con khắp cái cù lao đang ngủ trưa cũng giật thót người tỉnh dậy, xách chén ra mua chè trong suốt mấy chục năm chứ ít ỏi gì? Khi bà hét đến lần thứ hai thì thằng Tèo mới lấm lét chui ra khỏi phòng. Áo còn cài lộn khuy. Con Tám thấy thế thì khóc rống lên. Bà Tư thấy con dâu lại nhớ đến cảnh mình, tức không chịu nổi, bà xông tới, đập túi bụi: - Gái gú nè! Ôm iếc nè! Bất nhân bất nghĩa nè! Cái phường bội bạc, có mới nới cũ nè! Sau mỗi tiếng “nè” là bà nện cho một cây! Mà có phải một hai tiếng đâu, bà tuôn ra một tràng. Khi bà hết “nè” cũng là lúc thằng Tèo và cả con Tám nằm xụi lơ. Con Tám thấy chồng bị đánh, xót quá nhảy vô can nên “hưởng xái” mấy cây. Mà trong lúc bà say máu, bà còn biết gì nữa đâu! Không biết trong lúc bà vung đòn gánh có đập con Tám trúng chỗ hiểm không mà sau đợt đó nó hóa ngớ ngẩn, quên trước quên sau, thi thoảng gặp bà còn cười vu vơ nữa. Bà và thằng Tèo cúng kiếng chạy chữa tùm lum mà con Tám vẫn cứ là con Tám… tàng. Hôm hai anh em ngồi ở bờ sông, thằng Hải thỏ thẻ: - Cái bữa mà ông bị đánh, hình như ông có thề thốt gì đó phải không? Thằng Tèo thở dài: - Ừ! Tao nói tao yêu em Vi! Tao mà nói láo, bà… bắn! Vừa nói xong, bà má tới luôn! Thằng Hải bĩu môi: - Cho ông chừa! Cái mỏ ông linh lắm mà cứ ham thề thốt tùm lum! Thằng Tèo im lặng. Ngó lung ra mặt sông. Nó không nói cho thằng Hải biết, nó vừa mới thắp nhang cho ba với lời thề: “Nếu con Tám hết tàng tàng, con thề bỏ trai gái, bỏ đề, bỏ rượu và bỏ… thề! Nếu linh ứng, ngoài thực hiện những điều đó ra, con còn khuyến mãi thêm cái đầu… cạo trọc!”. Biết đâu! Dân trong xóm cù lao này đồn, cái mỏ thằng Tèo linh lắm!
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
ĐH Quốc gia TP.HCM khen 6 sinh viên nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh trong đại lễ 30-4 TRẦN HUỲNH 07/05/2025 Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM vừa tặng bằng khen cho 6 sinh viên năm nhất Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vì đã có hành động đẹp, nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh nơi diễn ra các hoạt động chào mừng đại lễ 30-4.
Xung đột Ấn Độ - Pakistan: Ấn Độ đưa toàn bộ lực lượng phòng không đến biên giới NGỌC ĐỨC 07/05/2025 Nhiều hãng bay đã tuyên bố tạm ngưng hoặc điều chỉnh lộ trình bay do xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan. Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo UBND TP Cần Thơ các thời kỳ liên quan sai phạm đất đai THÂN HOÀNG 07/05/2025 Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan công tác quản lý sử dụng đất đai tại TP Cần Thơ, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND thành phố các thời kỳ liên quan.
Toàn cảnh hầm chui tại nút An Phú đã 'xong 99%' nhưng chưa biết ngày thông xe vì chờ máy bơm CHÂU TUẤN 07/05/2025 Hầm chui HC1 tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức) là công trình trọng điểm nối cửa ngõ phía đông TP.HCM, đã hoàn thiện hầu hết.