Cấm thi tuyển lớp 6: Thiếu giải pháp thay thế

VĨNH HÀ 06/04/2015 18:04 GMT+7

Khác xa với tình trạng “đẽo cày giữa đường” khi đưa ra các phương án dự kiến tổ chức kỳ thi quốc gia (với mục đích sử dụng kết quả cho cả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học), cấm tổ chức thi tuyển lớp 6 dưới mọi hình thức là một trong những yêu cầu nhất quán ít ỏi của Bộ GD-ĐT gần đây.

Minh họa: Đức Trí

Đáng tiếc là nơi đưa ra lệnh cấm đã không giúp các địa phương tính được giải pháp thay thế phù hợp. Trả lời báo chí về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Vì Bộ GD-ĐT không cho phép tổ chức trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS vì đây là bậc học nhằm phổ cập cho thanh thiếu niên nên việc tuyển sinh bằng một kỳ thi cần xóa bỏ”.

Tuy nhiên vị lãnh đạo bộ này đã không đề cập một thực tế hiển nhiên là đa số các trường đang đau đầu vì “không được thi” là các trường khối không chuyên. Việc “cung không đáp ứng được cầu” chỉ xuất phát ở chất lượng, uy tín của trường.

QUẢ BÓNG ĐÁ SANG CHÂN AI?

Văn bản mới nhất của Bộ GD-ĐT hồi đáp ý kiến của các sở GD-ĐT về thực trạng trên cũng “nhường” quyền cho các địa phương “chủ động đề xuất phương án” khác ngoài việc tổ chức thi.

Sau hơn một tuần, ngày 27-3 Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức một cuộc họp với lãnh đạo các trưởng phòng giáo dục quận, huyện để bàn giải pháp thay thế khi Bộ GD-ĐT không cho phép các địa phương tuyển sinh. Nhưng cuộc họp này cũng chưa đi tới được một sự thống nhất. Đại diện Sở GD-ĐT Hà Nội ngoài việc nhắc lại quan điểm “cấm thi tuyển” của Bộ GD-ĐT cũng chỉ kết luận theo hướng “đề nghị các trưởng phòng nghiên cứu, đề xuất, hiến kế giúp sở một giải pháp”.

Nhiều trưởng phòng vào thời điểm này cũng né tránh với câu trả lời chung chung “chúng tôi vẫn đang chờ đợi”. Chờ ai? Dĩ nhiên không phải chờ bộ hay sở nữa vì vai trò của lãnh đạo cấp trên là duyệt chứ không phải mở ra lối đi cho các trường.

Trong khi khoảng hai tháng nữa mùa tuyển sinh đầu cấp sẽ bắt đầu với những trường có nguồn tuyển vượt quá mức chỉ tiêu. Nhưng ngoài đời thực, cuộc “chạy đua” của cha mẹ học sinh ở các đô thị lớn vào các trường này thì đã bước vào thời kỳ cao điểm. Người chạy đôn chạy đáo, người dò hỏi khắp nơi, người lo lắng chực chờ...

“Tôi thật không biết bộ và sở sẽ quyết thế nào, nhưng ngoài việc tổ chức thi tuyển đầu vào, những trường như trường tôi thật khó có thể tìm một hình thức thi tuyển vừa hiệu quả, vừa minh bạch, không gây khó khăn cho học sinh và phụ huynh” - PGS Văn Như Cương đã chia sẻ như thế khi trường của ông hằng năm có 4.000-5.000 hồ sơ, phải gạt đi rất nhiều để tuyển lấy 600 học sinh.

“Quả bóng” giải pháp thay thế giờ vẫn đang lơ lửng giữa trường với các phòng giáo dục. Trao đổi với TTCT, lãnh đạo nhiều trường ở Hà Nội bày tỏ sự lúng túng thật sự khi không tìm ra được giải pháp nào hữu hiệu hơn thi.

Thế bế tắc của câu chuyện “cấm thi tuyển lớp 6” một lần nữa cho thấy cơ quan quản lý nhà nước không lường được những vấn đề phát sinh, hệ lụy của những quy định mới khi thường ban hành cận kề thời điểm phải thực hiện.

“Tôi lo nhất là tiêu cực sẽ xảy ra và tăng vọt khi không còn thi nữa” - PGS Văn Như Cương bày tỏ, bởi thường những hình thức tuyển chọn không minh bạch, không rõ ràng và không sát thực tiễn bao giờ cũng là cơ sở cho tiêu cực nảy sinh.

Theo ông, một trường hợp được tuyển hay bị từ chối, nếu có kỳ thi, có kết quả thi thật thì đều là căn cứ cụ thể, rõ ràng. Và đối với các trường có “cầu vượt cung” thì quyền được lựa chọn học sinh có trình độ phù hợp với các tiêu chí của trường là một quyền chính đáng.

Nhưng nay không thi, sẽ có nhiều trường hợp mà nhà trường buộc phải nhận không theo tiêu chí rõ ràng. Người tuyển, người dự tuyển, người tác động vào quá trình tuyển sinh đều có thể dễ dàng thực hiện các hành vi tiêu cực hơn nếu không còn kỳ thi mà việc xét tuyển nằm trong ý chí chủ quan của một cá nhân hay một nhóm người nào đó.

LÁCH LUẬT?

Hà Nội có khoảng 10 trường rơi vào tình trạng “cầu vượt xa cung”. Ngoài Trường Lương Thế Vinh, đáng chú ý còn có hệ THCS của Trường Hà Nội Amsterdam thường có 4.000-5.000 hồ sơ (sau sơ tuyển qua sàng lọc học bạ) nhưng chỉ tuyển 200 chỉ tiêu, một số trường khác cũng trong tình trạng có 2.000-3.000 hồ sơ mỗi mùa tuyển, nhưng số có thể tuyển chỉ 200-300 học sinh. Tuyển sinh bằng thi tuyển hoặc thi kết hợp sơ tuyển (quy định điều kiện tối thiểu, xét học bạ, cộng điểm ưu tiên thành tích học tập, rèn luyện) là cách truyền thống các trường này vẫn làm.

Việc sàng lọc như xét học bạ, hạn chế bán đơn, phát tích kê cho người đến trước để hạn chế số hồ sơ thu nhận... trên thực tế các năm trước đều không có tác dụng và càng dễ gây nên sự căng thẳng, mệt mỏi cho phụ huynh.

Sau cuộc họp giữa Sở GD-ĐT Hà Nội và các trưởng phòng giáo dục quận, huyện, một số lãnh đạo các trường trong diện trên đã tính đến các giải pháp “lách luật” kiểu như tổ chức kiểm tra khảo sát chất lượng (thay cho thi).

Đây là cách không chỉ trường tư mà nhiều trường công lập, vốn bị cấm thi tuyển và bắt buộc phải tuyển đúng tuyến từ lâu cũng áp dụng với mục đích “xếp lớp” (xếp lớp theo trình độ). Không cho thi tuyển thì ta tổ chức kiểm tra, khảo sát chất lượng... Chỉ khác nhau ở tên gọi, tránh đi từ bị cấm, thay bằng từ không bị cấm.

Một lãnh đạo trường tư khác ở Hà Nội cho biết “Trường tôi cũng có thể sàng lọc qua việc xem xét chỉ số EQ, IQ”. Khi được hỏi cụ thể về hình thức sàng lọc theo chỉ số trên thế nào, vị lãnh đạo này cho biết có thể thông qua phỏng vấn trực tiếp học sinh, qua việc tổ chức các bài trắc nghiệm trên giấy kết hợp xem xét các yếu tố có thể ưu tiên thể hiện qua học bạ, thành tích của học sinh ở bậc tiểu học.

Quanh đi quẩn lại thì vẫn phải thi hoặc kiểm tra. Bởi việc làm bài trắc nghiệm trên giấy, phỏng vấn trực tiếp nếu muốn đạt được độ sàng lọc cao thì phải xây dựng những bài test có tính phân hóa. Trên thực tế, nhiều trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội hiện nay vẫn sử dụng hình thức này để tuyển sinh lớp 1.

Tuy tránh được lệnh “cấm thi, kiểm tra kiến thức văn hóa” (nhằm hạn chế học trước chương trình lớp 1) nhưng vẫn là một kỳ thi cam go mà để được tuyển, cha mẹ và học sinh phải đi luyện thi căng hơn luyện thi văn hóa. “Không xây dựng những bài test khó như thế thì chúng tôi không thể nào sàng lọc được khi nhu cầu quá lớn” - bà Nguyễn Thị Hiền, hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội, từng giải thích.

Nếu việc tuyển sinh lớp 6 được thay thế thi như truyền thống bằng sàng lọc chỉ số IQ và EQ thì sự thể cũng không khác gì các kỳ thi tuyển sinh lớp 1 mà nhiều trường Hà Nội đang làm. Thay vào việc chạy đua ôn kiến thức toán, văn, ngoại ngữ, cha mẹ sẽ lại chạy đua cho con đi luyện các bài test IQ, EQ... Chưa kể với hình thức mới mẻ này, nếu việc xây dựng bài test không khoa học, đủ độ khó thì việc sàng lọc tiếp tục rơi vào tình thế khó khăn, lúng túng, để rồi lại tạo kẽ hở cho tiêu cực.

Cấm dạy thêm học thêm, hạn chế các quy định khuyến khích bệnh thành tích, gây áp lực cho người học là hướng đi đúng. Nhưng trong các quy định áp dụng đại trà, nhà quản lý giáo dục cần trù tính được những gập ghềnh trên con đường triển khai một chính sách, hiểu rõ sự đa dạng và khác biệt đang cùng tồn tại trong một hệ thống để không máy móc gò ra một cái khung “nhốt” tất cả đối tượng khác nhau vào.

Cách làm ấy vừa thiếu cơ sở thực tiễn, vừa buông bỏ trách nhiệm, lại vừa tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát tiêu cực. Đây không phải là lúc nhà quản lý khư khư giữ quan điểm nhất quán của mình mà cần thật sự xắn tay cùng cơ sở giáo dục cấp dưới để tìm giải pháp thật sự khả thi. Nếu không, vấn đề tuyển sinh lớp 6 năm nay sẽ rơi vào hỗn loạn.

TP.HCM: NÓNG LÒNG CHỜ ĐỢI 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, băn khoăn: “Áp lực tuyển sinh vào lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa hằng năm rất cao. Chỉ tiêu tuyển của những năm gần đây từ 360-400 học sinh nhưng con số thí sinh dự thi gấp 10, 11 lần. Chúng tôi đang đắn đo để tìm một phương án tuyển sinh tối ưu, thuyết phục phụ huynh về sự khách quan và công bằng”.

Trong khi chờ đợi phương án ấy ra đời, một làn sóng “chạy trường” đã và đang “nổ” ra ở TP.HCM.

Mặc dù thời điểm này mới đang ở giữa học kỳ 2 của năm học, nhưng một cán bộ Sở GD-ĐT kể: “Rất nhiều phụ huynh đã gọi cho tôi xin giúp đỡ cho con một chỗ học lớp 6 ở Trường Trần Đại Nghĩa. Tôi trả lời phải có thực lực mới vào được trường này, đâu thể xin xỏ mà vào được. Nhưng phụ huynh bảo rằng: nếu không thi thì chỉ còn phương án xét tuyển, mà xét tuyển thì làm sao bảo đảm công bằng được. Học sinh lớp 5 rất dễ đạt điểm tối đa với hai môn toán và tiếng Việt trong kỳ kiểm tra học kỳ 2. Bé nào cũng 20 điểm, nhà trường sẽ lấy ai bỏ ai?”.

Chị H.T.H. (một phụ huynh lớp 5 ở phường Bến Nghé, quận 1) cho biết giới phụ huynh đang truyền tai nhau những con số “chạy trường” ở mức 80 triệu đồng/chỗ học.

Trong cuộc họp triển khai kế hoạch tuyển sinh đầu cấp mới đây, ông Lê Hồng Sơn, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Vì đặc thù là trường chuyên nên Trường Trần Đại Nghĩa buộc phải có những hình thức khảo sát để đảm bảo chất lượng giáo dục đầu vào. Tuy không tổ chức thi tuyển nhưng Sở GD-ĐT TP đang xin ý kiến UBND TP để thay thế bằng một hình thức khảo sát phù hợp. Tuy nhiên, kết luận cuối cùng vẫn chờ UBND TP phê duyệt”.

Với thông tin này, giới phụ huynh lại càng nóng ruột hơn. Anh N.H.T.T. (ở phường 1, quận 5) nóng ruột: “Thật ra, khảo sát cũng là một hình thức thi cử. Chúng tôi đang rất sốt ruột chờ xem trường sẽ tổ chức khảo sát như thế nào để còn chuẩn bị cho con. Nếu tổ chức khảo sát về năng khiếu ngoại ngữ như ngày xưa thì không còn phù hợp vì học sinh TP.HCM đã học ngoại ngữ từ lớp 1. Còn khảo sát về chỉ số IQ, EQ... thì phải có ban soạn thảo đề thi uy tín, giỏi tay nghề mới tin cậy được”.

HOÀNG HƯƠNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận