Căn cước hội họa của Lưu Công Nhân

LÊ THIẾT CƯƠNG 26/08/2017 23:08 GMT+7

TTCT- Vẻ đẹp trong nét của Lưu Công Nhân gợi nhớ đến thư pháp, thảo thư Á đông. Đó là kiểu nét chỉ một lần duy nhất rồi thôi, không tô đi dạm lại, một đi không trở lại, “nhất khứ bất phục phản”

Gia đình
Gia đình

 Trong trích ngang nghệ thuật của Lưu Công Nhân bao giờ cũng ghi nơi sinh ở làng Lâu Thượng, Hạc Trì, Phú Thọ và học trò của họa sĩ Tô Ngọc Vân.

Cội rễ làng đi theo suốt cuộc đời của ông, nuôi sống và làm nên vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, duyên dáng trong hội họa của ông.

Về điều thứ hai: năm 1950, Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam thành lập ở chiến khu Việt Bắc (Phú Thọ) do Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, giáo viên là một số họa sĩ tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Kỹ thuật cũng như những điều căn bản hội họa được thầy Tô Ngọc Vân và các thầy truyền thụ cho học trò tạo nên một nền tảng vững chắc cho mỗi người phát triển tài năng của mình.

Trường phái Paris phát triển rực rỡ những năm đầu thế kỷ 20 đã được chiếu rọi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương (thành lập năm 1924) qua lăng kính của những người thầy Pháp, đến nay lại được khúc xạ thêm lần nữa tới các họa sĩ kháng chiến với những người thầy Việt, chính là những sinh viên đầu tiên của trường.

Có thể nói Lưu Công Nhân và vài họa sĩ khác đã là người phiên dịch thành công nhất trường phái Paris ra “ngôn ngữ Việt”.

Vẻ đẹp trong tranh Lưu Công Nhân luôn tổ hợp hai yếu tố duyên dáng quê mùa, bình dị mộc mạc với hào hoa, sang trọng, hiện đại dù là ông vẽ sơn dầu trên vải hay màu nước trên giấy, dù là phong cảnh đồng quê hay các thiếu nữ thành thị.

Nét là “căn cước - hội họa” của Lưu Công Nhân. Hội họa là gì hoặc những điều gì làm nên hội họa? Đó là hình, màu, bố cục, đậm nhạt, chất liệu, đề tài, bút pháp, tạo hình...

Ai không đến được với hội họa là vì không có những thứ này. Ai đến và ở lại được với hội họa là vì có những thứ ấy hoặc một trong những thứ ấy.

Người mạnh về màu, kẻ mạnh về hình. Thế mạnh, điểm đặc trưng, vẻ đẹp dễ nhận ra nhất trong nghệ thuật của Lưu Công Nhân nói chung cũng như của bộ sưu tập này chính là bút pháp, là nét.

Để nhận ra khả năng hội họa của một người nào đó, chỉ qua nét đã đủ biết. Trong những bức tranh vẽ bằng màu nước và mực nho, thậm chí chỉ là bút sắt, chì than trên giấy, tài hoa của Lưu Công Nhân lộ ra cực rõ.

Nét của ông lúc khoan lúc nhặt, lúc đậm khi nhạt, lúc đứt lúc liền, lúc thì ào ạt khi thì tĩnh lặng, lúc khô lúc nhòe ướt, lúc mạnh lúc nhẹ, lúc thì bay bổng lúc lại kìm nén, có lúc thì thầm nhưng có lúc lại hét vang, lúc có và có lúc lại không.

Những cặp đối lập của nét ấy chính là cuộc sống, chính là đời, chính là cõi đời, cõi người, là được mất mất được, vui buồn, hạnh phúc bất hạnh, cho nhận - nhận cho... luôn đắp đổi giao hòa, điều này có vì điều kia có, điều này luôn có trong điều kia.

Vẻ đẹp trong nét của Lưu Công Nhân gợi nhớ đến thư pháp, thảo thư Á đông. Đó là kiểu nét chỉ một lần duy nhất rồi thôi, không tô đi dạm lại, một đi không trở lại, “nhất khứ bất phục phản”.

Kiểu nét đầy ngẫu hứng, tung tẩy phóng khoáng. Điều này đòi hỏi ở người vẽ phải vững hình và trên cả hình là buông hình, bỏ hình, xả hình.

Lối vẽ kiểu trực họa và ký họa giúp khai mở hết khả năng trực cảm, duy cảm, duy mỹ của Lưu Công Nhân. Không còn nệ vào phải trái, sai đúng, hình hay không hình nữa, không bị lệ thuộc vào đối tượng, ông chỉ vẽ xúc cảm của mình. Đấy chính là chất, là tạng tính, là nếp người Lưu Công Nhân, mình thế nào thì vẽ thế. Vẽ là vẽ mình. Nét là mình. Nét là người. Nét người.■

Tĩnh vật - màu nước
Tĩnh vật - màu nước
Tam Bạc - màu nước
Tam Bạc - màu nước
Chân dung thiếu nữ HN - màu trên giấy điệp
Chân dung thiếu nữ HN - màu trên giấy điệp
Chân dung cô gái
Chân dung cô gái
Bình dân học vụ - sơn dầu
Bình dân học vụ - sơn dầu

 

 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận