TTCT - Bộ LĐ-TB&XH vừa đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022, trong đó có lấy ý kiến rộng rãi mức lương tối thiểu giờ - mức sàn lương lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên còn nhiều ý kiến khác nhau về mức lương áp dụng theo giờ này. Nhân viên hớt tóc làm việc tại một tiệm tóc tại quận Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: HÀ QUÂN Bộ LĐ-TB&XH đề xuất mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng như sau, vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.Doanh nghiệp trả lương cao hơn mức tối thiểuÔng Tống Văn Lai, cục phó Cục Lao động và tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH), nhấn mạnh: lương tối thiểu là sàn thấp nhất để người lao động và doanh nghiệp thỏa thuận chứ không phải để tính tiền lương như khu vực nhà nước.“Thực tế, cơ bản doanh nghiệp đã trả lương cao hơn mức tối thiểu nên không ảnh hưởng đến tiền lương của người lao động, chủ yếu làm tăng chi phí đóng các bảo hiểm xã hội bắt buộc”, ông Lai nói.Theo ông Lai, cơ quan soạn thảo đã quy đổi tương đương từ mức lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn theo quy định của Bộ luật lao động 2019.Đây là cũng cách xác định mức lương tối thiểu giờ phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được các chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị Việt Nam áp dụng. So với mức lương hiện hành năm 2021 mức lương mới tăng 6%, trong đó bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động đến hết năm 2023 (tăng 5,3%) và cải thiện thêm tiền lương cho người lao động (0,7%). Bộ LĐ-TB&XH cho rằng nhiều trường hợp căn cứ thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động vẫn là mức lương tối thiểu tháng, còn trả lương lại theo ngày, giờ, tuần. Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật lao động.Theo Bộ luật lao động 2019, người lao động thuộc diện áp dụng gồm cả trong nước và người nước ngoài làm tại Việt Nam theo hợp đồng lao động. Cụ thể là người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như làm phục vụ nhà hàng, bán hàng siêu thị, pha chế ở quán cà phê... Một nhân viên làm nail tại một cửa hàng làm đẹp tại quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN Lương tháng hay lương giờ là nền?Ông Phạm Minh Huân - nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nguyên chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho rằng người lao động làm việc không trọn thời gian, làm linh hoạt không cố định khung giờ thì hoàn toàn có thể áp dụng lương tối thiểu theo giờ.Luật và nghị định Chính phủ đã nêu rõ, lương tối thiểu giờ bằng lương tối thiểu tháng chia cho số giờ tiêu chuẩn. Lao động khu vực chính thức đều biết rõ lương tối thiểu tháng, còn nếu không làm đủ thời gian thì lấy mức lương tối thiểu giờ nhân với số giờ làm việc cụ thể.Tuy nhiên ông Huân nhận định quy định trên có hai mặt. Một là, mức lương thỏa thuận trả cho người lao động thấp nên phải nâng lên. Hai là, mức lương thỏa thuận đã cao hơn thì nảy sinh việc doanh nghiệp giảm tiền lương xuống hoặc bằng mức lương tối thiểu giờ như đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH.“Theo tôi, việc này không đúng ý nghĩa của lương tối thiểu giờ. Nếu lương tối thiểu tháng là nền thì lương tối thiểu giờ chỉ là phép chia. Còn lấy lương tối thiểu giờ làm nền thì tính toán sao cho phù hợp. Việt Nam phải xác định lương tối thiểu tháng hay lương tối thiểu giờ là nền. Lương tối thiểu giờ có nên chỉ áp dụng trong khu vực phi chính thức để căn cứ thỏa thuận lương?”, ông Huân nói.Ông Huân cũng cho rằng vấn đề thanh tra, kiểm tra thực hiện việc trả lương cũng phải được tính đến để tránh doanh nghiệp trả lương quá thấp, ví dụ như công nhân xây dựng, người làm vườn.Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn trốn đóng BHXH cho người lao động dẫn tới hệ quả là sức khỏe giảm sút hoặc tai nạn lao động phải chịu thiệt thòi.“Quan trọng là giải thích để công nhân lao động hiểu rõ chính sách để đòi quyền lợi cho bản thân, công đoàn đại diện cho người lao động đấu tranh, phát hiện kịp thời những vi phạm.Nhiều công nhân xây dựng nói họ được mấy trăm nghìn một công nhưng họ lại không có bảo hiểm, đến lúc tai nạn hoặc về hưu thì rất vất vả”, ông Huân nói thêm.Theo ông Huân, thỏa thuận tiền lương là hoạt động dân sự nên cơ quan chức năng cần thông tin đầy đủ để nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp và công đoàn; các trung tâm tư vấn việc làm cần tư vấn để người lao động hiểu rõ về quyền lợi của mình… chứ không nên hình sự hóa.Ông Lê Đình Quảng, phó ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho biết việc quy định mức lương tối thiểu giờ cần thiết, đúng Bộ luật lao động 2019.Mục đích của chính sách này là nhằm tăng độ bao phủ để có thêm nhiều người lao động làm việc linh hoạt theo giờ, theo ngày, không trọn tháng được bảo vệ bằng lương tối thiểu. Những người này làm việc theo mùa vụ, đảm nhiệm công việc giản đơn như: giúp việc gia đình, trông trẻ, pha chế cà phê, phục vụ quán bia… hoặc ở trong doanh nghiệp vì nhiều bộ phận làm theo giờ, theo ngày. "Lấy ví dụ người lao động làm nhiệm vụ thu hái, phân loại vải thiều sẽ không làm trọn ngày mà chỉ vài tiếng trong mùa vải nhưng có hợp đồng lao động cũng cần được bảo vệ quyền lợi, ít nhất thông qua mức lương tối thiểu giờ", ông Quảng nói.Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia lao động, người làm việc theo giờ linh hoạt từ 15.600 - 22.500 đồng/giờ là khá thấp so với mặt bằng chung, đặc biệt trong bối cảnh giá cả đang tăng cao như hiện nay. Thực tế có nhiều trường hợp làm giúp việc nhà, chăm em bé, chăm sóc người già, rửa bát quán cơm, tạp vụ văn phòng… nhận mức lương 40.000 - 60.000 đồng/giờ, nếu là tư vấn kỹ thuật có thể nhận 100.000 - 150.000 đồng/giờ. Do đó, mức lương tối thiểu giờ không nên tính theo cách lấy lương tháng chia bình quân cho các ngày làm việc mà nên quy định ở mức 20.000 - 30.000 đồng/giờ để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận. ■Theo Bộ LĐ-TB&XH, để có mức điều chỉnh lương như trên, cơ quan chuyên môn đã tính toán bối cảnh kinh tế, xã hội vừa trải qua giai đoạn khó khăn của dịch bệnh và bắt đầu chuyển sang giai đoạn phục hồi kinh tế; mức độ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp (dự báo tăng bình quân khoảng 0,5 - 0,6%, trong đó ngành dệt may, da giày tăng khoảng 1,1 - 1,2%).Mức lương mới dự kiến áp dụng từ ngay ngày 1-7-2022, theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia (gồm Bộ LĐ-TB&XH, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Công nghiệp và thương mại Việt Nam) kiến nghị với Chính phủ. Tags: Lương tối thiểuLương tối thiểu thángLương tói thiểu giờCông việc linh hoạt
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp tùy tiện VĨNH HÀ 12/10/2024 Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các nhà trường chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập.