Câu hỏi của thủ tướng Lý Hiển Long

TTCT - Chúng ta muốn Singapore ở đâu 20 năm tới? Đó là câu hỏi mà Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đặt ra cho toàn thể dân chúng Singapore trong buổi mittinh tối chủ nhật 26-8-2012, vào cuối tháng kỷ niệm 47 năm đảo quốc này ra đời.


Thủ tướng Lý Hiển Long vẫy tay chào người dân tham dự kỷ niệm ngày quốc khánh Singapore 9-8-2012 - Ảnh: Reuters


“Câu chuyện Singapore từ thế giới thứ ba bước sang thế giới thứ nhất ai cũng biết, song vấn đề là chương sắp tới của câu chuyện Singapore đó sẽ là gì? Chúng ta muốn Singapore ở đâu 20 năm tới?” - ông nêu câu hỏi ngay từ câu thứ nhất của bài diễn văn (1).

Để dân chúng tiện hình dung, ông Lý Hiển Long phác họa một tương lai mà theo ông “sẽ chứng kiến nhiều thay đổi” bằng giả định: “Ở châu Á và trên thế giới, liệu sẽ hòa bình và ổn định? Bằng không, Singapore phải căng hết sức mình ra cho hành trình khắc nghiệt đó. Còn nếu là hòa bình và ổn định, có vẻ là như thế, thì đó sẽ là một kỷ nguyên đầy kích thích của tiến bộ nhanh chóng và thay đổi tận gốc”.

Cạnh tranh kép để sinh tồn


“Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng (giáo dục) Heng Swee Keat chủ tọa một tiểu ban gồm các bộ trưởng trẻ tuổi nhìn lại một cách tươi trẻ những gì chúng tôi đang làm để xem cần thay đổi những gì, cần nhấn mạnh hơn nữa những gì…”.

Do là một quốc gia và là một thành phố nên ông Lý Hiển Long lưu ý Singapore sẽ phải cạnh tranh vừa với các quốc gia dẫn đầu thế giới trong đường hướng, tốc độ và quy mô phát triển, vừa với các thành phố hàng đầu khác trong tính thu hút con người. 

Ở châu Á, các nước khác sẽ tiếp tục nổi lên, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, cạnh tranh với Singapore trong nhiều lĩnh vực và qua mặt Singapore trong vài lĩnh vực.

Cạnh tranh với những nước hàng đầu thế giới chưa đủ, còn phải chống trả với sự cạnh tranh của những thành phố mới nổi lên như Thượng Hải, Mumbai, Bangalore mà theo ông, sẽ trở nên rộn ràng, quyến rũ hơn để sống và làm việc. 

Đó là chưa kể đến những thủ phủ đương thời của các nước đã phát triển như New York, Los Angeles và London, vốn sẽ tiếp tục phát triển.

Chính thành phố Singapore sẽ quyết định sự tồn vong của quốc gia Singapore, bởi lẽ trung tâm dịch vụ, tài chính, văn phòng hàng đầu thế giới này có thể sẽ mất đi tính quyến rũ đó nếu như tâm lý bài ngoại mới nổi lên trở nên quá lộ liễu: “Phần lớn người Singapore hiểu được nhu cầu cần có người nước ngoài nhập cư làm việc và chấp nhận họ. Song có nhiều người nay lo sợ vì cho rằng làn sóng nhập cư đó đã tạo ra những vấn đề thật sự...

Bày tỏ những lo ngại đó hoặc thể hiện một cách sòng phẳng sự không đồng ý với những xu hướng và chính sách của chúng tôi là một điều hoàn toàn hiểu được. Song tôi lo âu trước một số quan điểm nêu lên, đặc biệt là trên mạng và theo kiểu nặc danh. 

Đó là: khi một người ngoại quốc nói hay làm điều gì đó sai, đặc biệt đối với một người Singapore, thì cứ nhao nhao lên; còn khi một người Singapore có một hành vi xấu thì thường chẳng thấy bị chỉ trích, trong khi người ngoại quốc làm một nghĩa cử tốt thì chẳng ai để ý”.

Kỹ thuật sẽ biền đổi tất cả

Bên cạnh cuộc cạnh tranh sống còn đó, theo ông, còn có một yếu tố cũng sẽ làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống người Singapore. 

Đó là những biến đổi kỹ thuật vốn đang là một phần đáng kể trong cách sống, làm việc và vui chơi của người Singapore. Ông cảnh báo: “Đôi khi (những biến đổi) kỹ thuật đó được xem như là đã an bài rồi, song thật ra đây lại là những yếu tố thay đổi luật chơi”.

Ông nêu một ví dụ rất đời thường: “Cách đây 20 năm, các tân binh nhập ngũ xếp hàng trong doanh trại để gọi về nhà bằng máy điện thoại trả bằng thẻ hay tiền cắc, song nay mỗi tân binh có điện thoại cầm tay”. Không phải tình cờ mà ông nhắc đến các tân binh trong ví dụ đầu tiên của bài diễn văn. 

Trong một tình hình mà ông đã nêu giả định là “nếu không hòa bình và ổn định, thì Singapore phải căng hết sức mình ra”, thay vì nhắc đến quân đội một cách “chỉnh tề” để nghiêm trọng hóa tình hình một cách không cần thiết, ông bông đùa một chút: “Các huấn luyện viên trong quân trường nhắc họ đêm đầu tiên nhập ngũ hãy gọi về nhà cho mẹ trước rồi gọi cho bạn gái sau”!

Hoặc một ví dụ khác của những biến đổi bắt nguồn từ kỹ thuật, mà không hẳn xã hội nào cũng hoan nghênh: “20 năm trước, Internet chưa đến Singapore. Có ai tưởng tượng Facebook hoặc YouTube cùng những tác động nơi xã hội và con người là gì đâu. Thế nhưng, ngày nay chúng ta là một trong những đất nước nối mạng tốt nhất thế giới”.

Khựng lại là chết

Đến đây, ông nêu câu hỏi: “Tưởng tượng ra sao những (phát minh) đột phá sẽ xuất hiện trong 20 năm tới? Và chúng sẽ tác động đến điều kiện sống và sự sống của chúng ta như thế nào?”, trước khi tự trả lời:

 “a/Có những ngành sẽ thay đổi hoàn toàn, tỉ như người bán lẻ chịu sức ép của người bán hàng trên mạng...; 

b/Một số công việc sẽ biến mất, một số khác sẽ phải thay hình đổi dạng, sử dụng thêm kỹ thuật để năng cao năng suất…; 

c/Một số chuẩn mực xã hội sẽ thay đổi cách tiếp xúc, tương tác với nhau;

d/Tất cả những điều đó sẽ làm Singapore thay đổi bằng cách này hay cách khác”.

Bên cạnh những biến đổi từ bên ngoài, theo ông, còn có những biến đổi từ bên trong như xã hội Singapore sẽ ngày càng cao tuổi hơn, một thế hệ mới học hành tốt hơn, một nền kinh tế trưởng thành hơn…

Đến đây ông nhấn mạnh: “Song tương lai không phải là một điều gì đã được an bài trước mà tùy thuộc nơi việc chúng ta làm gì với tài nguyên, nền giáo dục và con người của chúng ta, hi vọng Singapore sẽ là gì, muốn Singapore trở thành cái gì. Chúng ta phải vạch ra một đường hướng rõ rệt chứ đừng để cuốn theo dòng nước”.

Kêu gọi cả nước bàn bạc

Trong mọi diễn văn đều có những khẩu hiệu. Bài diễn văn của ông Lý Hiển Long cũng thế: “Singapore phải duy trì cải tiến trong một thế giới thay đổi nhanh chóng như vậy. Nếu chúng ta khựng lại, chúng ta sẽ rớt lại đằng sau. 

Còn nếu chúng ta thích ứng được với những thay đổi và tận dụng các vận hội mới, chúng ta sẽ phát triển. Vậy thì chương mới của câu chuyện Singapore sẽ là gì?”.

Đến đây ông cho biết đã bảo Bộ trưởng giáo dục Heng Swee Keat cầm trịch cuộc đối thoại về câu hỏi: “Chúng ta xác định số phận nào chúng ta muốn cho Singapore, và bằng cách nào chúng ta sẽ hoàn thành được điều đó. Làm ơn tham gia nỗ lực này của cả nước. Hãy suy nghĩ cặn kẽ về tương lai chúng ta, đóng góp ý kiến và cùng chung sức thực hiện cho tương lai đó diễn ra”.

Thật ra hôm 8-8, trong bài diễn văn nhân lễ quốc khánh ông cũng đã khởi động cuộc bàn bạc tương lai thay đổi như thế nào rồi: “Tôi đã yêu cầu Bộ trưởng (giáo dục) Heng Swee Keat chủ tọa một tiểu ban gồm các bộ trưởng trẻ tuổi nhìn lại một cách tươi trẻ những gì chúng tôi đang làm để xem cần thay đổi những gì, cần nhấn mạnh hơn nữa những gì. 

Mọi người Singapore sẽ tham gia việc nhìn lại này, và từ đó xây dựng một sự đồng thuận rộng rãi hơn về con đường đi tới. Tôi xin tất cả các công dân hậu thuẫn công việc này” (2).

Cộng hòa Singapore ở tuổi 47 càng thể hiện là một nước cộng hòa đúng theo từ nguyên Latin của danh từ res publica (nghĩa là việc chung). Việc chung của đất nước, cả nước cùng bàn bạc.

___________

(1) National Day Rally 2012 Prime Minister Lee Hsien Loong’s Speech in English, Sunday 26 August at University Cultural Centre (2) Prime Minister Lee Hsien Loong’s National Day message 2012.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận