TTCT - Nhờ dự trại viết văn quân đội tại Cửa Lò cuối năm 2006, tôi có thêm một người bạn mới: nhà văn Đỗ Văn Phác. Từ đó đến nay anh và tôi thường liên lạc điện thoại, chuyện trò về thế thái nhân tình. Anh là giáo viên trường làng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đã nghỉ hưu. Phóng to Ông Đỗ Văn Phác và con gái út Đỗ Hoàng DiệuTTCT - Nhờ dự trại viết văn quân đội tại Cửa Lò cuối năm 2006, tôi có thêm một người bạn mới: nhà văn Đỗ Văn Phác. Từ đó đến nay anh và tôi thường liên lạc điện thoại, chuyện trò về thế thái nhân tình. Anh là giáo viên trường làng ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa, đã nghỉ hưu. Anh viết văn từ những năm 1970. Anh từng có 11 năm viết báo tự do để kiếm tiền nuôi con học đại học. Năm 1998, anh mới bắt đầu in sách. Anh đã xuất bản năm tập tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện ký. Cuốn tiểu thuyết mới của anh có tên Đồng tôm hiện đang xếp hàng ở NXB Văn Học. Tháng 10-2007 anh có tập truyện ngắn do “Nhà Quân Đội” ấn hành. Nhà xuất bản này còn ký với anh một cuốn tiểu thuyết nữa, cũng nộp bản thảo trong năm nay. Có lần tôi hỏi anh: “Viết lách dày dặn thế sao anh không làm đơn vô Hội Nhà văn? Anh cười: “Mình ở làng, tỉnh lẻ nên mù lắm. Cứ sợ văn chương chưa ra gì nên không dám làm đơn vô hội...”. Đặc biệt anh Đỗ Văn Phác là bố của nữ nhà văn trẻ Đỗ Hoàng Diệu, một cái tên mới lần đầu xuất hiện với tập truyện ngắn Bóng đè đã nổi tiếng trên văn đàn. Tôi cứ nghĩ năm 2005 là “năm Đỗ Hoàng Diệu”. Năm đó ước có tới hàng trăm bài phê bình Bóng đè. Khen có, chê có, chụp mũ có, răn dạy có... Diệu cũng đã trả lời tới mấy chục cuộc phỏng vấn. Tôi đã đọc Bóng đè, tôi hiểu những gì Diệu viết. Tôi cho đây là tập truyện hay, phản ánh được những bi kịch lớn của đời sống hôm nay. Quen nhau, tôi hay hỏi anh Đỗ Văn Phác về tình hình Đỗ Hoàng Diệu. Tuy “cơn sốt” Đỗ Hoàng Diệu đã giảm, nhưng những điều anh Đỗ Văn Phác bộc bạch về Diệu vẫn rất thú vị. * Anh có cảm thấy tự hào khi tác phẩm của con mình được độc giả tìm mua và trở thành đề tài “nóng” cho các nhà phê bình? - Tôi lo lắm, vì tôi biết làm văn chương ở xứ ta nguy hiểm lắm, khi còn nhiều người phê bình thiếu công tâm, cực đoan, mượn phê bình để diệt nhau. Khi các con tôi trưởng thành, tôi sợ nhất là chúng “dính” vào nghiệp văn như bố thì khốn khổ. Tôi từng “mục sở thị” nhiều nhà văn danh tiếng bị điêu đứng, cùng quẫn. Tôi từng thấy nhà thơ Màu tím hoa sim Hữu Loan “bỏ thơ chạy lấy người” về xứ Thanh cuốc đất làm ruộng, đi xe thồ. Nhà văn Phùng Quán “rượu nợ - văn chui - cá trộm” mấy chục năm liền. Nhưng hồi đó ngoài đồng lương giáo viên còm, tôi không biết làm thêm nghề gì ngoài việc viết để kiếm thêm ít đồng nuôi con. Tôi cho tôi dám xông vào con đường văn chương cũng là một thằng liều. Vợ chồng tôi có năm người con, hai trai ba gái. May thay bốn đứa con đầu đều tốt nghiệp đại học, có việc làm đàng hoàng, không đứa nào dính tới viết viếc gì. Đến đứa con gái út Đỗ Hoàng Diệu, sinh năm 1976, thì lại “sinh sự”. Nỗi lo của mình đã thành sự thật. Cái “ren” văn chương dở hơi của tôi lại “lặn” vào nó. Tội nghiệp. * Thế Đỗ Hoàng Diệu lúc nhỏ đã viết lách gì chưa? - Tuổi nhỏ Diệu học rất giỏi văn, lại ương tính. Lên cấp III, “nó” được chọn vào Trường chuyên Lam Sơn của tỉnh, phải vô thị xã ở trọ học. Nó tập viết văn từ khi lên 9-10 tuổi. Năm 1990 (khi 14 tuổi) nó đã được giải thưởng Tác phẩm Tuổi Xanh của báo Tiền Phong với truyện ngắn Ông già hàng xóm. Khi Diệu học hết lớp 12, làm hồ sơ thi đại học, tôi khuyên con không nên học văn mà phải học luật. Học luật con người nó đứng đắn hơn, làm nghề “thầy cãi” lại tự bảo vệ được mình, giúp được người “thấp cổ bé họng”. Thế nhưng nó vẫn làm hồ sơ thi vào khoa báo chí của Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Tuyên giáo trung ương, và nó đã thi đỗ vào loại xuất sắc. Nó còn định thi cả khoa biên kịch Trường đại học Sân khấu - điện ảnh, nhưng tôi can, kiên quyết bắt nó học ngành luật. Và Diệu đã nghe lời bố. Tôi yên tâm là cô con gái út cưng của mình sẽ không dính gì đến chuyện văn chương vớ vẩn, phù phiếm. Không ngờ đến năm thứ hai đại học, Diệu lại viết văn, mà lại viết nhiều. Nó bảo với tôi con phải viết để kiếm sống, để đỡ một phần tiền chu cấp của bố mẹ. Tốt nghiệp cử nhân luật xong, Diệu học tiếp hai năm để thành luật sư. * Trước khi in tập Bóng đè, Diệu có nhờ anh đọc hay xin ý kiến anh không? - Thật tình, tôi không bao giờ muốn con mình viết văn, nên mới bắt con học luật. Truyện ngắn Bóng đè Diệu viết năm 2004, gửi không báo nào in. Cháu tập hợp thành tập truyện ngắn gồm 11 truyện và đưa tôi đọc. Cháu hỏi ý kiến tôi. Tôi bảo tập truyện này nếu in ra sẽ gây xôn xao dư luận đấy. Con sẽ trở thành “tấm bia” cho những tên cơ hội ngắm bắn. Nhưng Diệu bảo: “Nếu viết mà chìm nghỉm đi thì cũng chán. Nhưng con đâu có viết để chìm hay nổi?”. Các báo trong nước không in, cháu gửi một số truyện ngắn ra in báo mạng hải ngoại. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà sách Kiến Thức, đề nghị Diệu tập hợp truyện để in thành sách. Anh Dương Thắng, Nhà sách Kiến Thức, đã gặp cháu, bảo cháu gửi bản thảo tập truyện cho Nhà xuất bản Đà Nẵng. Trước đó nhà văn Hồ Anh Thái chọn truyện ngắn Bóng đè của cháu vào Tuyển tập Văn Mới 2004-2005 đã gây dư luận khác nhau. Nhờ đó nhà văn Đà Linh, giám đốc NXB, đã quyết định in tập truyện ngắn của Diệu nhưng lại cắt ba truyện: Tình chuột, Những sợi tóc màu tang lễ, Cô gái điếm và năm người đàn ông. Truyện ngắn Tình chuột sau đó được in trên báo Tiền Phong và được chọn vào sách “Những truyện ngắn hay trên báo Tiền Phong” do “Nhà Thanh Niên” ấn hành. * Theo ông, dư luận khen chê tập truyện Bóng đè của Diệu có gì đúng, sai? - Tôi không dám làm người phê bình, vì mình là người viết văn nhưng lúc nào cũng tự nhận là “văn dốt võ dát”. Năm 2005-2006, ra Hà Nội chơi, tôi nghe nhiều ý kiến khác nhau xung quanh tập Bóng đè của Diệu. Nhìn chung họ đều khen. Tôi đọc báo thấy có người khen truyện ngắn của Diệu là hay, có tư tưởng, viết mạnh bạo, dám đụng đến những bi kịch của cuộc sống... Có người chê là văn chương không mới, bị ảnh hưởng người này người khác, mô tả tình dục sống sượng... Tôi cho rằng việc khen chê một tác phẩm là chuyện bình thường. Khen đúng, chê đúng thì tác giả hàm ơn lắm lắm. Nhưng tôi hoàn toàn không tán thành những nhà phê bình (mà Diệu hay gọi là nhà “kê bình”) chuyên chụp mũ, răn dạy, phán định đúng sai một cách cực đoan theo kiểu “đấu tố” xưa... Có nhiều tờ báo in bài phê bình với dụng ý “đánh chết” Diệu. Những nhà phê bình đó tôi sợ lắm, tởm lắm. Tại hội nghị lý luận phê bình ở Đồ Sơn cuối năm ngoái, có nhà văn già còn lên diễn đàn lăng mạ Diệu là “đồ trụy lạc”, “suy đồi”... Thật không đáng mặt một nhà văn lớp trước! Nhưng cũng nên nói lại cho rõ: tuy tôi không muốn con mình viết văn, nhưng văn chương nó đã được công bố thì tôi cũng đọc và có cảm nhận của mình chứ. Rõ ràng, những cái cháu viết là rất mới, rất lạ, rất dũng cảm. Thời tôi các nhà văn không dám viết như thế. Cháu viết được thế cũng nhờ xã hội đã cởi mở hơn. Nhưng không thể phán bừa là không viết cho con người, hay suy đồi, trụy lạc được. Văn chương không viết cho con người thì viết cho ai? Trong truyện ngắn Tình chuột, Diệu kể mối tình giữa một người đàn ông là chuyên viên người Việt ở hải ngoại và cô gái Hà Nội. Vì trục trặc công việc, chàng trai ở nước ngoài không thể về đúng hẹn để lo việc cưới hỏi. Cô gái nóng lòng muốn được xuất ngoại sớm nên phải hối lộ bọn cán bộ các cơ quan công quyền để chúng làm giấy tờ xuất ngoại cho... bằng cách cho hết đứa nọ đến đứa kia ngủ với mình. Đó là truyện ngắn tốt, rất có lợi cho việc chống tiêu cực, sa đọa của cán bộ nhà nước hiện nay. Sao lại phán là xấu, là sa đọa...? Tôi đọc tiểu thuyết dịch ra tiếng Việt của Vệ Tuệ, Cửu Đan, Mạc Ngôn (Trung Quốc) hay Rừng Na Uy của Murakami (Nhật Bản) gần đây thấy họ còn mô tả tình dục gấp trăm lần Diệu, sao không thấy ai nói gì? Khi tình dục là cái cớ để người viết giãi bày ý tưởng nhân văn, ý tưởng xã hội của mình, thì tình dục kia không có tội lỗi gì cả, đúng không? * Năm ngoái, năm kia có một số thông tin xung quanh độc giả với Bóng đè như trang web “Mỗi ngày một cuốn sách” thống kê: 96% độc giả cho rằng truyện ngắn của Diệu là rất hay. Tập truyện Bóng đè trong năm 2005 đã bán được hàng vạn bản, chưa kể bọn “luộc” thêm. Theo báo Thể Thao & Văn Hóa, trong năm 2005 Bóng đè đứng đầu danh sách các tác phẩm bán chạy nhất, trên cả Harry Potter... Anh có ý kiến gì về thông tin này? - Thông tin đó tôi cũng có nghe. Tôi nghĩ sức sống của một tác phẩm do thời gian phán xét, không thể đánh giá ngày một ngày hai, càng không phải nằm ở sự phán quyết của những nhà phê bình “đao búa”. Nhưng dẫu sao thì tôi cũng nói với con nhiều lần rằng: “Thôi, đừng viết văn nữa con ạ! Nguy lắm!”. * Thế nhưng nghe nói Đỗ Hoàng Diệu vẫn viết và viết dài hơi hơn. - Quả là nó đã “mang lấy nghiệp vào thân” thật rồi. Đến giữa năm 2006, cháu đã hoàn thành bản thảo cuốn tiểu thuyết Rắn và tôi dày tới ba, bốn trăm trang. Nó chưa cho tôi đọc. Nó bảo có nhiều NXB dạm mua nhưng đang lưỡng lự. Gần đây có một tờ báo mạng tiếng Việt đã công bố mấy chương cuốn tiểu thuyết ấy. Nhưng vợ chồng tôi lúc nào cũng giục cháu sớm ổn định cuộc sống riêng. Con gái mà ngoài ba mươi là coi như “ế ẩm”, “vứt đi” rồi! Cuối năm 2006, Đỗ Hoàng Diệu được ông chủ nhiệm khoa Đông Nam Á của Đại học Berkeley ở Califonia mời sang Mỹ thuyết trình về văn hóa VN. Nhờ đó Đỗ Hoàng Diệu quen biết và yêu một chàng trai Mỹ tên là Alec Holcombe. Alec sinh năm 1974, hơn Diệu 2 tuổi, là nghiên cứu sinh tiến sĩ của Đại học Berkeley. Anh Đỗ Văn Phác cho biết Alec đã sang VN mấy lần, nói tiếng Việt rất sõi. Tháng 10-2007, anh sẽ qua VN hai năm để nghiên cứu. Cuối năm 2006, hai người làm đám cưới ở một nhà thờ tại Mỹ, có bố mẹ Alec và ông trưởng khoa chứng giám. Đầu tháng tám, Diệu sinh cháu gái xinh xắn đặt tên là AsaLieu Holcombe (Holcombe là họ). Lieu là lấy tên của mẹ Diệu (tên Liễu) ghép vào cho hòa nhập Mỹ và Việt. Cuối tháng chín, cháu AsaLieu sẽ đầy hai tháng tuổi. Chàng tiến sĩ chồng Diệu cao ráo, đẹp trai và là con của một gia đình trí thức ở Mỹ nhưng lại sống rất dân dã, hòa nhập rất nhanh với cuộc sống VN. Alec đã về nhà bố mẹ Đỗ Hoàng Diệu ở Tĩnh Gia, Thanh Hóa sống mấy ngày. Chàng trai Mỹ cũng biết đi chợ, cắt tiết vịt, nhổ lông vịt, ăn cơm bằng đũa, ăn cơm xong là giành bưng mâm đi rửa bát... Anh Phác bảo: “May quá. Tôi lo lắng, sợ con gái viết văn trong thời buổi này. Phải lập gia đình đi. Mọi thứ vinh quang, hào nhoáng chỉ là thoáng chốc. Gia đình truyền thống mới là muôn đời, mới là tác phẩm lớn nhất. Bây giờ thì vợ chồng tôi đã yên tâm rồi”. Tôi hỏi anh: “Sau khi Đỗ Hoàng Diệu lấy chồng, sinh cháu ngoại Việt - Mỹ cho anh, anh có còn khuyên con đừng viết văn nữa không?”. Anh cười: “Lập gia đình, có chồng có con rồi, làm gì, viết gì là tùy chúng. Hơn nữa bây giờ nó ở Mỹ rồi...!”. Mới đây anh Đỗ Văn Phác làm một bài thơ Thư cho con, tặng con gái Đỗ Hoàng Diệu. Bài thơ là tâm trạng mừng vui khi có cháu ngoại và nhận thức mới của anh Phác về hai chữ “gốc Việt”. Tôi đã email bài thơ của anh Phác cho Đỗ Hoàng Diệu ở Mỹ. Tôi xin gửi kèm theo đây bài thơ của nhà văn Đỗ Văn Phác tặng con gái để bạn đọc cùng chia sẻ. Thư cho con Gửi con gái Đỗ Hoàng Diệu Nửa vòng Trái đất cho một cuộc hôn nhân Núm ruột mẹ sinh phiêu bạt trời Tây xa thẳm Hàng tuần bố mẹ nhận tin con qua điện thoại viễn liên Thế giới thu lại trong đường truyền Internet Con sinh cháu nơi chân trời mù xa Chẳng có mẹ xoa dịu những cơn đau sinh nở Không một miếng nghệ ăn cho bổ máu Không ấm chè rừng uống cho săn da, lành bụng Không nắm lá chìa vôi chườm nóng để giữ eo thon Không đi chợ đầy cữ, không đổ được phong long (*) Mẹ lo thắt ruột Lo rơi nước mắt Mặc dù điện thoại về con báo rặt tin vui Pha chút hài, tính con vốn thế... Cháu đầy hai tháng vợ chồng con tra sách đặt tên Axi Lieu Holcombe - tên Tây chan Việt Con lấy tên mẹ Liễu làm tên lót cho cháu Để khỏi mất gốc rễ Việt Nam Bố mẹ hiểu điều con mong ước. Nhưng con ơi! Mang tên Việt, nói tiếng Việt chắc gì còn gốc Việt Gốc Việt phải lặn trong tâm hồn trẻ Gốc Việt phải từ máu thịt sinh ra Tình yêu quê Mẹ và quê Cha Không phân chia ranh giới Là tình yêu CON NGƯỜI Điều giản dị mà nặng như chân lý Chỉ mình con mới biết cách Đẻ Axi mang dòng máu Việt Để khi cháu bi bô tập nói Hai tiếng Việt Nam khai khẩu, khai tâm Trong lòng cháu tôi bừng sáng Một chân trời quê mẹ yêu thương... Tĩnh Gia, Thanh Hóa, 9-2007 (*): Phụ nữ Thanh Hóa khi sinh con đầy cữ, đi chợ mua hai cái chổi xễ về quét dọn trong nhà rồi mang quăng đi, gọi là đổ phong long, để cầu cho con khỏe mạnh, chóng lớn.
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
ĐH Quốc gia TP.HCM khen 6 sinh viên nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh trong đại lễ 30-4 TRẦN HUỲNH 07/05/2025 Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM vừa tặng bằng khen cho 6 sinh viên năm nhất Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn vì đã có hành động đẹp, nhường chỗ ngồi cho các cựu chiến binh nơi diễn ra các hoạt động chào mừng đại lễ 30-4.
Xung đột Ấn Độ - Pakistan: Ấn Độ đưa toàn bộ lực lượng phòng không đến biên giới NGỌC ĐỨC 07/05/2025 Nhiều hãng bay đã tuyên bố tạm ngưng hoặc điều chỉnh lộ trình bay do xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan. Giới chuyên gia bày tỏ lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột toàn diện giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.
Kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo UBND TP Cần Thơ các thời kỳ liên quan sai phạm đất đai THÂN HOÀNG 07/05/2025 Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm liên quan công tác quản lý sử dụng đất đai tại TP Cần Thơ, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo UBND thành phố các thời kỳ liên quan.
Toàn cảnh hầm chui tại nút An Phú đã 'xong 99%' nhưng chưa biết ngày thông xe vì chờ máy bơm CHÂU TUẤN 07/05/2025 Hầm chui HC1 tại nút giao An Phú (TP Thủ Đức) là công trình trọng điểm nối cửa ngõ phía đông TP.HCM, đã hoàn thiện hầu hết.