TTCT - Bradford Edwards, họa sĩ người Mỹ 55 tuổi, sưu tập những zippo của lính Mỹ đã dùng ở Việt Nam. Ông trân trọng hình khắc nhỏ bé, nghiền ngẫm ý nghĩa của những dòng chữ mộc mạc khắc trên những zippo do những người lính Mỹ trong chiến tranh để lại... Phóng to Thuốc lá và bật lửa zippo trên nón sắt của lính Mỹ trong chiến dịch tìm và diệt. Những ngôi nhà bị đốt cháy Mỹ Tho, 4-5-1968TTCT - Bradford Edwards, họa sĩ người Mỹ 55 tuổi, sưu tập những zippo của lính Mỹ đã dùng ở Việt Nam. Ông trân trọng hình khắc nhỏ bé, nghiền ngẫm ý nghĩa của những dòng chữ mộc mạc khắc trên những zippo do những người lính Mỹ trong chiến tranh để lại... Ông thú nhận: “Buổi chiều ấy đã mở đầu nỗi đam mê với những zippo Việt Nam và chúng ám ảnh tôi suốt một thập niên”. Đó là một buổi chiều mùa hè năm 1992 khi Bradford Edwards lang thang trên phố Lê Lợi, trung tâm TP.HCM thì zippo đã đi vào cuộc đời ông. Kể từ đó, trong hơn mười năm ông sưu tập hàng ngàn zippo và nhờ nhiều bạn bè Việt Nam, ông thâm nhập “thế giới ngầm zippo của Sài Gòn”, trở thành “ông zippo da trắng” đến khi những zippo thời chiến tranh biến mất khỏi các cửa hàng lưu niệm. “Đã có hàng ngàn zippo qua tay tôi, có lẽ phải đến 10.000 chiếc - ông nói - Tôi thật sự đắm chìm trong chúng”. Một chuyện kể khác về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam Bật lửa zippo đầu tiên được George G. Blaisdell, kỹ sư dầu khí, thiết kế tại Bradford, Pennsylvania, Hoa Kỳ vào năm 1932. Kể từ đó, hơn 400 triệu zippo đã được sản xuất. Theo hãng sản xuất, khoảng 200.000 zippo đã theo chân lính Mỹ vào Việt Nam. Sự dính líu của Mỹ tại đất nước nhỏ bé này đã dành cho zippo số phận khác hơn là một bật lửa bình thường.Lý do? Cha ông, Roy Jack Edwards - từng là một phi công trong cuộc chiến tại Việt Nam, đã qua đời cách nay ba năm. Với Bradford Edwards, cha ông cũng như cuộc chiến Việt Nam vẫn là một hình tượng thật xa xôi và kỳ bí như những zippo không đơn thuần là một vật xinh xinh được những người lính Mỹ dùng để châm thuốc lá... Bradford Edwards không trải qua cuộc chiến Việt Nam, nhưng “cha tôi là một người lính. Và tôi đã lớn lên cùng với cuộc chiến Việt Nam”. Nếu cuộc chiến Việt Nam và người cha chiến binh vẫn mãi là một bí ẩn với ông, câu trả lời - nếu như không biến mất cùng những người đã khuất - có lẽ đã tìm thấy trên những zippo: “Chúng tôi, những kẻ không tự nguyện bị những kẻ dốt nát dẫn dắt, đang làm những việc không cần thiết cho những kẻ vô ơn”. “Dù đi giữa thung lũng phủ đầy bóng tối của chết chóc, tôi không sợ bất cứ ma quỉ nào, bởi tôi là con quỉ ghê gớm nhất ở đây”. Phóng to Hòa bình - tác phẩm của Bradford Edwards được làm từ những bật lửa zippo“Giết chóc là công việc của tôi và công việc ấy đến giờ vẫn ổn”. “Tôi không sợ hãi, chỉ đơn độc”. “Xin đừng nói gì với tôi về Việt Nam vì chính tôi đã từng ở đó”. Zippo là chiếc bật lửa đơn giản, vuông vức, vỏ mạ crôm, dùng bánh răng, đá lửa và xăng, nhạy đến mức chỉ một búng tay là ngọn lửa bùng lên kèm theo một tiếng “keng” trong trẻo khi nắp bật ra. Nhưng khi đến Việt Nam, zippo không còn đơn thuần là một bật lửa, mà như báo The New York Times mô tả: “Nó mang những khẩu hiệu tượng trưng cho một nhiệm vụ ngớ ngẩn mà nhiều lính Mỹ đã nhận ra dưới một góc nhìn trần trụi”. Bradford Edwards đã sáng tác những tác phẩm nghệ thuật mà phần lớn từ những đồ vật cũ và những hình ảnh này. “Zippo là những vật chứng - ông giải thích - Và tôi chỉ là người chuyển tải những thông điệp ấy”. Phóng to Biểu tượng phản chiến được treo trên xe tăng của lính Mỹ Làng Vây, 9-4-1971Năm 2006, Bradford Edwards đã trưng bày các tác phẩm của mình ở Oakland, California - nơi ông sinh sống và tại Việt Nam. Năm 2007, ông xuất bản cuốn sách Vietnam zippos tại Anh. Tất cả việc này chỉ nhằm mục đích “đi sâu, đi sâu hơn nữa vào cuộc tìm kiếm ý nghĩa của những zippo”. “Tôi biết tôi sẽ được lên thiên đường, bởi vì tôi đã dành cả cuộc đời cho địa ngục: Việt Nam”. “Chúng tôi không sống hay chết, chúng tôi chỉ thành khói và bốc cao”. “Anh sẽ không bao giờ thật sự sống đến khi anh gần chết”. Phóng to Đà Nẵng 66-67: Xin đừng nói gì với tôi về Việt Nam vì chính tôi đã từng ở đó“Nếu như mi nhặt được nó (quẹt zippo) từ thi thể ta, hi vọng nó sẽ mang lại sự may mắn cho mi như đã mang lại cho ta”. Bradford Edwards nói: “Họ dùng nó để châm thuốc, đốt đèn, đốt nhà, mồi súng phun lửa. Chúng là những vật dụng, nhưng chúng mang theo cả sự riêng tư, rất riêng tư”. Hiện nay, gần như không thể tìm được những zippo thời chiến tại Việt Nam. Những zippo cũ trên thị trường đều là hàng giả, hàng nhái ở nhiều cấp độ, trong đó có cả những zippo đến từ Trung Quốc - Bradford Edwards khẳng định. Hãng Zippo cho biết khoảng 200.000 zippo đã theo chân lính Mỹ vào Việt Nam. Nhưng theo ông, con số này phải lớn hơn rất nhiều bởi hơn 3 triệu người Mỹ đã đến Việt Nam trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh, mà đa số đều có ít nhất một zippo. Zippo được quân đội Mỹ nhập và bán tại các quầy PX (quân tiếp vụ) với giá “bao cấp” 1,89 USD. Ông cho rằng phần lớn zippo cũ còn lại ở Việt Nam đều là số bị rơi rớt hoặc cho, tặng; hiếm có chiếc nào được tìm thấy từ những người lính tử trận. Phóng to Khi sức mạnh của tình yêu vượt lên tình yêu quyền lực, chỉ khi ấy mới có cơ may cho hòa bình đích thực Biểu tượng của giết chóc và hủy diệt Như cuốn sách Vietnam zippos của Bradford Edwards minh chứng, những dòng chữ, những họa tiết... trên zippo đã khắc họa tập thể một hình thái phản chiến của những năm 1960, những ngày đen tối nhất của lính Mỹ ở Việt Nam. Câu chuyện về sự thất bại thảm hại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam như được kể lại qua những zippo nhỏ bé này... Ngay trong lời tựa cuốn sách, Sherry Buchanan, học giả Mỹ - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu nghệ thuật đương đại, lịch sử văn hóa Việt Nam và châu Á, đã nêu rõ: zippo đã trở thành một công cụ giết chóc, hủy diệt và là một hình thức phản kháng xã hội chủ yếu của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Sherry Buchanan viết: dư luận Mỹ đã bàng hoàng về vai trò hủy diệt của bật lửa zippo trong chiến tranh Việt Nam khi phóng viên Morley Safer của Đài truyền hình CBS tường thuật việc thủy quân lục chiến Mỹ thản nhiên đốt cháy những làng quê Việt Nam bằng bật lửa zippo trong các chiến dịch tìm và diệt (S&D). Lần đầu tiên từ sau Thế chiến 2, những người lính Mỹ được giới truyền thông mô tả không phải như những người đi giải phóng mà như những kẻ hủy diệt. Lầu Năm Góc tìm cách ngăn CBS phát phóng sự này trong chương trình Tin tức buổi chiều nhưng thất bại. Phóng to Khi chết tôi biết tôi sẽ lên thiên đàng, bởi vì tôi đã dành cả cuộc đời cho địa ngục. Việt Nam 1970-71 (trái) và Dù đi giữa thung lũng phủ đầy bóng tối của chết chóc, tôi không sợ bất cứ ma quỉ nào, bởi tôi là con quỉ ghê gớm nhất ở đây (phải) Giữa đêm, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã gọi điện cho Frank Stanton, giám đốc CBS, nói: “Frank, tổng thống Mỹ đây, hôm qua những người của anh đã phóng uế lên lá cờ Mỹ đấy”. Các chiến dịch tìm và diệt là một phần của chiến lược thiêu rụi các làng quê nhằm ngăn chặn người dân tiếp tế thực phẩm, chỗ trú ẩn và thông tin cho Việt cộng, những người đang chiến đấu chống lại chính quyền Nam Việt Nam. Tại chiến trường Việt Nam lúc đó, zippo được sử dụng rất thường xuyên trong các chiến dịch tìm và diệt đến mức trong ngôn ngữ của lính Mỹ đã xuất hiện những từ như “chiến dịch zippo” (Zippo missions) hay “những cuộc đột kích zippo” (Zippo raids), thậm chí zippo còn đồng nghĩa là súng phun lửa cầm tay và được dùng như một động từ: “Zippo that hut” (đốt cái nhà đó đi). Hiện nay trong chính trường Mỹ, sự phê phán đối với chiến dịch tìm và diệt vẫn còn tiếp tục. Nhiều cựu binh Mỹ đã tố cáo ứng cử viên tổng thống John F. Kerry trong chiến dịch tranh cử năm 2004 đã đốt cháy một làng quê ở Việt Nam bằng zippo của mình. Cựu binh và cựu ngoại trưởng Mỹ Colin Powell cũng từng bị chỉ trích gay gắt khi đã tìm cách “gỡ tội” cho chiến dịch tìm và diệt, khi ông coi đó như là một phần không thể tránh khỏi của cuộc chiến chống lại các lực lượng du kích. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Chúng tôi đã đốt cháy những ngôi nhà tranh bằng bật lửa zippo. Tại sao chúng tôi lại đốt nhà và thiêu rụi mùa màng? Hồ Chí Minh đã nói dân là nước còn du kích là cá. Chúng tôi giải quyết vấn đề này bằng cách làm cho nước không còn là nơi cho cá sống nổi. Theo logic khắc nghiệt của chiến tranh, có gì khác đâu giữa việc bạn bắn chết kẻ thù hay làm cho anh ta đói mà chết?”. Phóng to Chúng tôi, những kẻ không tự nguyện, bị những kẻ dốt nát dẫn dắt để giết những người bất hạnh, để chết cho những kẻ vô ơn Cháy và đốt đã khắc sâu trong tâm thức tập thể của người Việt Nam. Sherry Buchanan kể: tất cả những nghệ sĩ Việt Nam thời chiến mà tôi trò chuyện suốt nhiều năm qua đều trách cứ việc Mỹ đã bỏ bom tận diệt và đốt trụi các làng mạc, phố và thị trấn Việt Nam - một việc mà theo họ phải luôn cân nhắc. Họ mô tả sự khủng khiếp và tàn bạo của bom napalm và bom lân tinh. Một nghệ sĩ cũng là cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh Việt - Pháp (1946-1954) nhớ lại: “Quân Pháp đốt nhà hàng xóm. Tôi nhặt chút than và viết lên tường nhà mình bằng tiếng Pháp: “Xin đừng đốt nhà tôi”. Tôi chỉ mới 12 tuổi. Tôi còn có thể làm gì khác? Tôi cảm thấy bất lực. Tôi không sao tin nổi một dân tộc tin tưởng vào những giá trị như tự do, bác ái và bình đẳng lại có thể đốt cháy nhà bạn. Hôm ấy, tôi đã mất đi sự thơ ngây”. Ký ức đau buồn ấy như được lặp lại ở một nông dân từng là một cậu bé sống ở Bến Súc trong một trận càn của quân Mỹ. Bến Súc có 15.000 dân nằm gần Sài Gòn là mục tiêu hủy diệt của quân Mỹ trong chiến dịch Cedar Falls năm 1967. Người dân bị lùa khỏi nhà. “Tôi nhớ lính Mỹ ai cũng mang bật lửa zippo trên nón sắt và những bình nhỏ chất cháy”. Một nghệ sĩ - người lính, cựu giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật TP.HCM, cũng nói: “Lính Mỹ đốt sạch để kiểm soát các vùng đất. Họ chọn tháng ba cho các chiến dịch bởi đó là mùa khô, làng mạc và rừng cây rất dễ cháy”. Một công cụ phản chiến Phóng to Rất nhiều lính Mỹ vào cuối cuộc chiến đã trở thành những người chống chiến tranh cùng với phong trào phản chiến nổ ra trên khắp các đường phố và sân trường đại học tại nước Mỹ. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon nhằm chuyển giao cuộc chiến tranh vào tay quân đội Nam Việt Nam và thực hiện “hòa bình trong danh dự”, việc Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam và thảm kịch ở Mỹ Lai..., tất cả đã làm tinh thần quân đội Mỹ ngày càng suy sụp. Sự phản kháng và phản chiến của lính Mỹ tăng lên ở Việt Nam nhất là sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 khi triển vọng về một chiến thắng của Mỹ tại Việt Nam xem ra không thể có được. Tại chiến trường, zippo Việt Nam trở thành một công cụ phản chiến lý tưởng. Những khẩu hiệu như Make love not war được viết trên nón sắt như một hành động phản kháng các thế lực cầm quyền ở Washington. Những tình cảm phản chiến, chống cường quyền được khắc trên mặt bật lửa zippo qua các khẩu hiệu Peace signs, Love, Flowers power and Hearts. Trên một zippo, dòng chữ FRAG như một hành động nổi loạn tột cùng của lính Mỹ là giết sĩ quan chỉ huy của mình, được khắc phía trên dòng chữ Peace signs. Dòng chữ khắc trên một zippo khác: “When the power of love overcomes the love of power, the world will known peace” (Khi sức mạnh của tình yêu vượt lên tình yêu quyền lực, thế giới mới có hòa bình), từ một câu nói ở thế kỷ 19, được phổ biến rộng rãi vào những năm 1960 qua tiếng hát của ca sĩ nhạc pop Jimi Hendrix đã trở thành một thông điệp gửi đến tất cả người trẻ Mỹ... 1965. Những lính Mỹ đầu tiên đặt chân lên Đà Nẵng, Việt Nam. Số quân Mỹ tăng lên 129.611 người. Hội thảo đầu tiên về chống chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam ở Trường đại học Michigan, Ann Arbor. 1966. Số quân Mỹ tại Nam Việt Nam tăng lên 317.007 người. 1967. Đài truyền hình Mỹ tại Việt Nam phát 24/24 giờ. Mùa hè tình yêu tại San Francisco. 1968. Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân.Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson tuyên bố sẽ không tái ứng cử. Hội đàm Paris bắt đầu. Luật sư da đen Martin Luther King bị ám sát. Robert F. Kennedy bị ám sát. Mỹ tăng số quân tại Việt Nam lên mức cao nhất: 537.377 người. 1969. Richard Nixon trở thành tổng thống Mỹ. Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh được loan báo vào tháng ba. Trận Đồi Hamburger vào tháng năm: “Nó chẳng có ý nghĩa gì cả” như một dòng chữ khắc trên một bật lửa zippo. Liên hoan âm nhạc Woodstock vào tháng tám. Mỹ bắt đầu rút quân. Số quân Mỹ tại Nam Việt Nam giảm còn 510.054 người. 1970. Dòng chữ Peace signs xuất hiện trên những bật lửa zippo tại Việt Nam.Ca sĩ thần tượng nhạc pop của những năm 1960 Jimi Hendrix được phát hiện đã chết trong khách sạn tại London. 1971. Số quân Mỹ giảm còn 212.925 người. 1972. Số quân Mỹ giảm còn 35.292 người. Nixon tái đắc cử tổng thống Mỹ. 1973. Hiệp định ngừng bắn được ký tại Paris. Nixon tuyên bố “hòa bình trong danh dự”. Các lực lượng chiến đấu cuối cùng của Mỹ rút khỏi Nam Việt Nam. 1990. Zippo Việt Nam được bán cho du khách tại các quầy vỉa hè ở TP.HCM.
Nhiếp ảnh gia chiến trường Thomas Billhardt: Cô ấy chỉ mơ một cốc nước chanh đá… CODET HANOI 30/04/2025 2202 từ
Xem clip và hình ảnh camera hành trình tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt DUYÊN PHAN 30/04/2025 Gopro Tuổi Trẻ Online gắn trên khoang lái của tiêm kích Su-30MK2 do phi công Đặng Đình Kiên lái sáng 30-4 ghi lại những hình ảnh ấn tượng, ngoạn mục.
Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 30/04/2025 Cuộc chia ly 21 năm của cả đất nước đã khép lại vào ngày 30-4-1975. Lúc này, lời ước nguyện “rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngừng” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong bài hát nổi tiếng mà lận đận Gửi người em gái miền Nam đã thành hiện thực,
Đoàn diễu binh xuống phố, trùng trùng đoàn quân đi trong vòng tay nhân dân CHÂU TUẤN 30/04/2025 Sau khi hoàn tất phần diễu binh chính tại khán đài đường Lê Duẩn sáng 30-4, các khối diễu binh tiếp tục qua đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phố đi bộ Nguyễn Huệ và đường Tôn Đức Thắng, trong tiếng vỗ tay từ người dân đứng hai bên đường.
Chi 30 triệu đồng đặt phòng tổng thống để... xem diễu binh ở TP.HCM NG. THANH THÚY 30/04/2025 Mong muốn có không gian riêng tư để xem diễu binh, gia đình Trà My đã 'bao trọn' căn phòng tổng thống, giá 30 triệu đồng/đêm tại một khách sạn 5 sao (quận 1, TP.HCM). Theo My, đây là trải nghiệm hoàn toàn xứng đáng.