Chạm vào quá khứ để hàn gắn

LAN PHƯƠNG - HUỲNH VĂN MỸ 27/04/2011 01:04 GMT+7

TTCT - Ngày 13-3-2011, một cảnh tượng hiếm thấy đã diễn ra ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh TP.HCM: những cựu binh Mỹ massage cho những cựu chiến binh Việt Nam, như một cách để hàn gắn và làm lành những tổn thương cũ từ cuộc chiến tranh Việt Nam.

Những kẻ thù trước kia trong cuộc chiến, giờ là anh em trong hòa bình - Ảnh do ông Edward Tick cung cấp

Ông John Fisher và vợ massage cho bà Huỳnh Thị Kiều Thu trong cuộc gặp mặt tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cung cấp

Những cựu binh Mỹ đã mang theo đầy đủ thiết bị y tế, cả giường massage xách tay. Phòng gặp mặt trở thành nơi trị liệu. Bà Huỳnh Thị Kiều Thu - một cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn, bị địch bắt năm 1969 và tra tấn dã man để lại nhiều hậu chứng - là một trong những cựu chiến binh tham gia cuộc gặp hôm ấy. 

Bà ngồi trên ghế, cả hai vợ chồng ông John Fisher cùng xoa bóp cho bà. Trong buổi gặp, ba cựu chiến binh Việt Nam đã hát, trò chuyện và được massage bởi chính những người từng ở chiến tuyến bên kia.

Chạm vào nhau, chạm vào quá khứ

Hằng năm, bác sĩ Edward Tick và Tổ chức Trái tim người lính (Soldier’s Heart - một tổ chức phi lợi nhuận Mỹ nhằm giúp hàn gắn những tổn thương của lính Mỹ trở về sau chiến tranh) do ông điều hành thực hiện hai chuyến đi đến Việt Nam. Chuyến đi tháng 3-2011 này cũng không ngoại lệ. Nhưng đây là lần đầu tiên, ngoài những hoạt động thông thường diễn ra hằng năm, bác sĩ Edward Tick tổ chức buổi... massage. 

Bà Huỳnh Ngọc Vân, giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, giải thích: “Những cựu binh Mỹ đã xin phép sau khi tham quan bảo tàng sẽ được giao lưu rồi massage cho các cựu chiến binh Việt Nam. Ngoài việc giúp các cựu chiến binh thấy thoải mái và thư giãn, massage còn có ý nghĩa tinh thần hơn là họ có thể chạm vào nhau. Từ việc ngày xưa là kẻ thù đến việc họ có thể nắm tay nhau, chạm vào nhau đã là một sự thay đổi quan trọng”.

Hỏi thăm John Fisher, ông thú nhận: “Tôi không bao giờ muốn làm tổn thương ai, thậm chí cả trong chiến tranh. Thiên chức của tôi là chăm sóc sức khỏe và chữa lành vết thương. Vậy mà trong những cuộc xung đột ấy, tôi thậm chí đã được giao cho một khẩu súng trường và được huấn luyện sử dụng nó. Sau đó, tôi đã dùng khẩu súng ấy rất nhiều lần. Nhiều người đã chết và tôi trở về nhà trong niềm hối hận và sự ô uế. 

Bây giờ tôi là bác sĩ vật lý trị liệu xương khớp, nhưng sâu thẳm bên trong tôi vẫn luôn tuyệt vọng khi nghĩ đến những người mình đã giết. Giành lại sự sống cho bệnh nhân là một phần thưởng với tôi, nhưng tôi cũng đã lấy đi sự sống của người khác như vậy đấy”. Như rất nhiều cựu binh khác, John Fisher trở về từ chiến tranh Việt Nam và mắc phải hội chứng sang chấn tâm lý sau chiến tranh vì những việc ông đã gây ra trong những ngày đi lính ở Việt Nam. 

Khi quay lại Việt Nam, tự nguyện dùng chuyên môn giúp những người nghèo và cựu chiến binh Việt Nam cần khám chữa bệnh, John Fisher đã dần vơi bớt những cảm xúc đau buồn về thời gian cũ. Năm 2011, ông nhắn với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh rằng ông sẵn sàng quay lại Việt Nam mỗi năm hai tháng, tự lo chi phí, để làm công việc khám bệnh và massage miễn phí cho cựu chiến binh hay người bệnh Việt Nam. 

Ở đây, khi chạm vào những người Việt Nam, ông đã không còn cảm thấy những mùi vị của cuộc chiến, không thấy sự thù hằn, không có cả những phân biệt hay xa cách. Vợ chồng ông, trong rất nhiều lần quay lại Việt Nam, luôn tìm thấy những nụ cười. 

Các cựu binh Mỹ với trẻ em tại một trường mẫu giáo ở đồng bằng sông Cửu Long do Tổ chức Trái tim người lính giúp xây dựng - Ảnh do ông Edward Tick cung cấp

“Hàn gắn những mảnh tâm hồn”

Bác sĩ Edward Tick, giám đốc Tổ chức Trái tim người lính, bắt đầu làm công việc tư vấn và điều trị cho các cựu binh Mỹ từ chiến tranh Việt Nam về từ khoảng những năm 1970. Trong suốt 40 năm làm công tác trị liệu, ông đã nghe hàng nghìn câu chuyện từ những người lính Mỹ không hòa nhịp được với cuộc sống khi trở về quê nhà, chỉ vì những ám ảnh rất sâu kín sau những gì họ chứng kiến trên chiến trường Việt Nam. 

Ông còn nhớ chuyện của Willbert Michel, cựu lính bộ binh Mỹ tại Việt Nam. Willbert giết đối thủ đầu tiên trên mặt trận ở Tây nguyên. Willbert nói với Edward rằng ông vẫn luôn thấy gương mặt của đối phương mà ông từng nhắm bắn, và trong suốt cuộc đời ông lúc nào cũng nhớ gương mặt đó. Willbert nói ông không tha thứ cho mình. 

Những cảm xúc, sự hối lỗi như thế xuất hiện trong đầu óc những người lính như Willbert và không sao nguôi ngoai. Bác sĩ Edward nghĩ ra một cách trị liệu khác, bên cạnh việc để họ kể lại câu chuyện. Từ năm 2000, Edward bắt đầu đưa những người lính Mỹ về chính nơi họ đã giết đối phương đầu tiên, nơi họ xả súng máy từ trực thăng bắn xuống làng mạc. Bác sĩ Edward cùng những đồng sự của mình cố gắng tìm ra tận nơi cụ thể, những con người cụ thể để những người lính Mỹ đối diện với quá khứ của họ. 

Vào năm 2009, John Fisher đã cùng đồng đội về chính nơi ngày xưa ông chiến đấu: sân bay Phượng Hoàng ở Pleiku. Ông mang theo đồ khám chữa bệnh và tự tổ chức khám bệnh về xương khớp theo chuyên môn của ông cho những người dân ở khu vực đó. 

Ông nhớ lại: “Tôi trở lại vùng đất vẫn xuất hiện trong ác mộng của tôi với đồ y tế trong túi. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bỗng nhiên một kẻ thù trước kia xuất hiện trên bàn khám của tôi? Tôi đã mong thế, thậm chí cầu xin chuyện đó xảy ra. Và chuyện đó đã xảy ra, một người đàn ông bị mất một tay, rồi thêm một người nữa mất chân vì bom đạn. Tôi đã trị liệu cho họ. Tôi nhận ra chuyến đi của mình là để làm một việc tốt”. 

Những cảm xúc tích cực xuất hiện mà John Fisher cảm nhận được chính là những gì bác sĩ Edward Tick chờ đợi khi ông bắt đầu cách điều trị bằng những chuyến đi. Trong những lần đến Việt Nam, ông cố tổ chức để những người lính Mỹ tham gia một việc gì đó ở cộng đồng: xây nhà cho người bị thương tật vì chiến tranh, hỗ trợ học sinh nghèo... Năm 2011 này, hoạt động massage cho những cựu chiến binh Việt Nam được đưa thêm vào chương trình. 

Bác sĩ Edward Tick giải thích khi trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần: “Thú tội trước quá khứ là hàn gắn lại những gì đã bị phá hủy, hội tụ lại những gì đã bị chia lìa, tái sinh lại sự thống nhất giữa những con người từ những mảnh đã bị xé nát trong thế giới tâm hồn của người lính sau khi cuộc chiến bị bỏ lại phía sau và những chuyện chém giết trở thành quá khứ. Những việc đó rất đau đớn nhưng là những kết quả rất cần thiết có thể giúp chữa lành tâm hồn họ”.

Cảm nhận của các cựu chiến binh tham gia buổi massage:

Họ đã làm điều tốt để đền đáp

“Họ (các bác sĩ - cựu binh Mỹ) đã làm công phu, chu đáo, rất có cảm tình. 

Giờ thì những chuyện ngày xưa như tù đày, bắt bớ, tra tấn thỉnh thoảng vẫn gợi lại, vẫn tái diễn trong trí nhớ tôi. Nhưng là một công dân, mình phải thực hiện những gì dân tộc, đất nước mình cần, đó là cần hợp tác để phát triển, không nên gây trở ngại cho sự giao lưu hợp tác đó. Hơn nữa, dân tộc, con người Việt Nam thường lấy ân trả oán, không nên cố chấp, trả thù, lấy oán trả oán là trái đạo đức người phương Đông mình. 

Tôi muốn coi họ như những người khách du lịch bình thường, người dân một nước khác tới đây. Nước mình khép lại quá khứ nhưng không quên quá khứ, nghĩa là người Mỹ phải rút được kinh nghiệm đối với cuộc chiến tranh mà họ đã gây ra. Làm điều tốt để đền đáp những điều họ đã gây ra ở Việt Nam, thế là được rồi”.

Ông Nguyễn Quế (82 tuổi, từng bị giam cầm, tra tấn ở nhà tù Côn Đảo và nhiều nhà tù khác trong suốt 19 năm)

“Chúng tôi thấy rõ tấm lòng của họ, họ tỏ ra biết lỗi về cuộc chiến tranh. Họ muốn xoa dịu nỗi đau thể xác và tâm hồn tại mảnh đất họ đã tham chiến. Chúng ta hãy gác những ký ức đau buồn lại để cùng tiến lên phía trước”.

Ông Mai Thanh Sơn (cựu chiến binh, 77 tuổi)


__________

Tháng tư, cao nguyên An Khê thẳm xanh dưới nắng. Chuyện về du kích quân Đinh Vek bắn rơi máy bay Mỹ với cây súng trường đã thuộc về quá khứ xa lắc nay bỗng sống lại với chuyện mới: già làng Đinh Vek vừa tiếp những người trong phái đoàn MIA (*) của Mỹ...

Bị thương đôi chân hồi năm 1969, già Vek di chuyển khó nhọc trên cặp gậy. Chiếc túi thổ cẩm luôn được ông mang bên mình làm nơi cất giữ bản tin về việc ông bắn rơi máy bay Mỹ hồi năm 1967 - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Vùng đất mang hào khí Tây Sơn thượng đạo, quê hương của anh hùng Núp giờ đã nhiều đổi thay, phát triển. Rẽ quốc lộ 19 theo con đường đất đỏ xuyên qua những rẫy mía rẫy mì xanh ngút mắt, tôi tìm đến già làng Đinh Vek ở làng Bôk, xã Song An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai). 

Bên chái bếp thông với ngôi nhà cấp 4, già Vek ngồi đan trên chiếc chiếu trải trên sàn bếp. Đôi mắt tuổi 92 của ông còn tinh tường làm ra những chiếc gùi đẹp như hàng mỹ nghệ. “Mươi năm nay mình ít khi ra khỏi nhà vì chân đau. Chỉ ngồi ở chỗ bếp này đan lát thôi” - ông nói. 

Tờ bản tin 40 năm

Mặc chiếc áo lính sờn cũ, vầng trán cao, đôi mắt sáng, miệng luôn cười móm mém, già Vek trông khá đẹp lão và phúc hậu. Biết chắc tuổi mình, ông cũng nhớ rõ những gì mình đã trải qua nơi vùng đất nhiều biến động, đổi thay. Trong số những điều đáng nhớ như một kỷ niệm lúc cuối đời, ông nói đó chính là cuộc gặp những người Mỹ trong phái đoàn MIA. “Mình bắn cái máy bay Mỹ hồi năm 1967, nay lại gặp mấy người Mỹ đi tìm kiếm cái máy bay đó. Lâu quá rồi, có ai ngờ...”, ông nói về câu chuyện bất ngờ không chỉ với ông mà cả với những ai được chứng kiến cuộc gặp gỡ ly kỳ này. 


“Bình thường mình có bắn ai đâu, thấy cái máy bay bay qua thì nấp tránh. Nhưng tại cái máy bay đó bắn dân mình thì mình phải bắn lại nó thôi. Nếu nó bắn lại trúng mình thì mình chịu chết thôi, sợ gì. Nhưng chừ hòa bình rồi, ông người Mỹ với mình cũng như là anh em, bạn bè mà...”

Đó là một buổi mai tháng 7-2008, ông ngồi đan bên chái bếp, bỗng đâu phái đoàn MIA - dưới sự hướng dẫn của cán bộ địa phương - “đổ bộ” đến làng Bôk. Biết già Vek là người lớn tuổi nhất vùng, cán bộ mời ông đến nhà làng với hi vọng may ra ông có thể giúp đoàn MIA những thông tin cần thiết để truy tìm hài cốt phi hành đoàn trên chiếc máy bay bị bắn hạ ở vùng này thời chiến tranh. Đã 40 năm trôi qua, chính những cán bộ đi trong đoàn cũng quên bẵng chuyện già Vek bắn hạ máy bay.


“Nghe nói mình biết rõ chuyện cái máy bay đó rơi vì mình là người bắn rơi cái máy bay đó, từ người Mỹ tới người mình đều sững sờ, im lặng một chập lâu. Họ không tin, hỏi mình có gì làm bằng chứng, mình đáp: Có chứ. Để mình về lấy cho mà xem...” - ông nhắc lại buổi gặp gỡ kịch tính. Rít vài hơi thuốc từ chiếc ống điếu tự tạo, ông lần mở chiếc túi thổ cẩm cũ mòn được ông cột dây đeo trước người tựa như dải yếm trẻ nhỏ, lấy ra “vật chứng”. Bọc trong mấy lớp bao nilông là một bản tin in li-tô bằng chữ Ba Na gần bằng hai trang giấy tập học sinh với hình vẽ chiếc trực thăng chao nghiêng. 

Hơn 40 năm trôi qua, tính đến ngày ông đưa ra bản tin với phái đoàn MIA, và đến nay đã 44 năm, tờ bản tin về việc ông bắn rơi chiếc máy bay HU-1A vẫn còn khá nguyên vẹn. Từ sau ngày đưa ra với MIA, ông bắt đầu bỏ bản tin đó vào chiếc túi thổ cẩm mang suốt bên mình như một vật báu bất ly thân. 

Ông vẫn nhớ như in ngày ông giương khẩu Garant bắn cháy chiếc máy bay kia. Ngày đó lũ làng đang mùa tuốt lúa, bà con ai cũng ngong ngóng tuốt hạt lúa về để giã gạo nấu cơm. Vậy mà... 

“Hai chiếc máy bay cứ quần qua quần lại tìm cho ra cái gì để bắn. Dân làng sợ quá, không ai dám ló ra tuốt lúa. Tức cái bụng quá, mình đưa súng bắn chiếc quần trên cao, chiếc quần dưới thấp mình không bắn được vì nó bay nhanh quá. Chiếc máy bay trúng đạn bốc cháy, rớt ở vùng núi Brết, chừ gọi là núi Binh Đoàn, cách chỗ mình bắn chừng bốn giờ lội bộ. Ba ngày sau mình lội vô núi tìm xem thử thì thấy bốn cái xác bị cháy đen như than...” - ông nhớ lại. 

Sau cuộc khảo sát thực địa từ thông tin thu được qua cuộc gặp già Vek, tháng 3-2009, đoàn MIA tiến hành cuộc khai quật tìm kiếm hài cốt phi hành đoàn trên chiếc trực thăng bị bắn hạ. Tham gia từ đầu đến cuối cuộc tìm kiếm hài cốt này, nguyên trưởng Công an xã Song An Trương Minh Trực cho hay đây quả là cuộc tìm kiếm kỳ công. 

“Suốt một tháng, họ cho đào quật, sàng đãi hết lượng đất đào sâu chừng 2 tấc của cả một khu vực rộng trên 3ha, tìm được 21 chiếc răng và bốn tấm thẻ bài của bốn người trên chiếc máy bay. Họ mừng rỡ, nói với chúng tôi rằng đây là cuộc tìm kiếm hài cốt từ những chiếc máy bay bị bắn rơi đạt được kết quả cao nhất...” - ông Trực kể. 

Bản tin in li-tô bằng tiếng Ba Na về việc du kích Đinh Vek bắn rơi máy bay Mỹ năm 1967 được già Vek cất giữ - Ảnh: Huỳnh Văn Mỹ

Tươi một nụ cười

Ông Trương Minh Trực, cán bộ Đảng ủy xã Song An, là trưởng Công an xã Song An khi hướng dẫn đoàn MIA đến gặp già Vek, kể: “Khi biết già Vek chính là người bắn rơi chiếc trực thăng họ cần tìm dấu tích, những người Mỹ trong đoàn đã sững người, nhìn già Vek với vẻ ngơ ngác. Họ không ngờ một người dân tộc thiểu số, dáng vóc nhỏ bé, với cây súng trường cũ kỹ giữa rừng sâu lại dám cả gan nã đạn vào chiếc HU-1A. Đây là loại trực thăng chiến đấu, trang bị các loại súng đại liên, M-79, rocket, chực bắn nát những ai dám chống lại nó...”. 

Cuộc gặp gỡ thật ngoài dự tưởng, những người của phái đoàn Mỹ không nghĩ trên đường tìm vết tích chiếc máy bay xấu số họ lại gặp chính người đã bắn rơi nó. Càng ngạc nhiên với họ khi người dân quân già ấy lại đối đáp giản đơn, mộc mạc nhưng minh triết: “Bình thường mình có bắn ai đâu, thấy cái máy bay bay qua thì nấp tránh. Nhưng tại cái máy bay đó bắn dân mình thì mình phải bắn lại nó thôi. Nếu nó bắn lại trúng mình thì mình chịu chết thôi, sợ gì. Nhưng chừ hòa bình rồi, ông người Mỹ với mình cũng như là anh em, bạn bè mà...”.

Vân vê đôi chân bị liệt, già Vek nói ông tiếc mình không thể cùng lũ làng tham gia cuộc khai quật tìm kiếm xương cốt của những người bị chết trên chiếc máy bay bởi “sống thù, chết bạn”. Năm 1969, trong lúc phát rừng làm rẫy giúp người trong làng, ông ngã từ cây cao xuống chấn thương nặng đôi chân. Giã từ chức xã đội trưởng kiêm chính trị viên “coi 110 du kích”, giã từ cây súng “mang mấy năm mòn rách hết vai áo”, ông trở lại với cuộc sống, bám rẫy nương, bám vào việc đan lát để cùng vợ nuôi nấng con cái. 

Thu mình trong chái bếp mòn nhẵn suốt gần mười năm nay vì đôi chân ngày càng liệt nặng, chút niềm vui còn lại với ông là hồi ức một thời trai trẻ. Đó là những tháng năm ông ở “đội du kích đánh Pháp” vùng rừng Quảng Ngãi, Gia Lai, được gặp ông Đinh Núp (anh hùng Núp) là “người bà con của mình”, được cùng lũ làng cầm cây ná, cây súng, cắm cây chông, gài cái bẫy giữ làng. 

Niềm vui với ông giờ là con cái trưởng thành, là làng Bôk đã có được đường vào, có nhà tôn, nhà ngói, là ông và vợ mỗi người được nhận mỗi tháng 450.000 đồng “gia đình có công”. “Chừng ấy không nhiều, mình phải tiện tặn thôi” - ông móm mém cười. Nhìn nụ cười tươi, hồn nhiên, hiền hậu ấy tôi như quên hết những nhọc nhằn dặm trường. Có lẽ những người trong phái đoàn MIA gặp ông cũng nhận ra nụ cười đôn hậu ấy của người đã bắn rơi chiếc máy bay của họ năm nào.

__________

(*): Phái đoàn tìm kiếm lính Mỹ mất tích khi đang thi hành nhiệm vụ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận