Chân dung một bậc nho sĩ độc đáo

VŨ TOÀN 20/08/2007 16:08 GMT+7

TTCT - Nhân đạo quyền hành (Mực cân đạo người) và Đạm Trai văn tập của nhà nho Duy Tân, học giả Hồ Phi Huyền (1879-1946) quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bộ sách được in cả nguyên tác Hán văn và bản quốc ngữ do tác giả tự dịch.

Phóng to
Bìa bộ sách cụ Hồ Phi Huyền
TTCT - Nhân đạo quyền hành (Mực cân đạo người) và Đạm Trai văn tập của nhà nho Duy Tân, học giả Hồ Phi Huyền (1879-1946) quê xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bộ sách được in cả nguyên tác Hán văn và bản quốc ngữ do tác giả tự dịch.

Nội dung bộ sách đề cập nhiều lĩnh vực quan hệ đến chủ nghĩa nhân đạo. Đó là vấn đề xã hội của một đất nước và của nhân loại (đạo đức học, triết học, kinh tế, chính trị xã hội) với hàng loạt vấn đề cụ thể thuộc phạm trù truyền thống như: đạo làm người; đạo vua tôi, bằng hữu; trường nữ học; nam nữ bình quyền, vai trò của thanh niên; hôn nhân, tình dục... Sách được viết với một phong cách ngôn ngữ, văn phong phản ánh tính bộc trực, một khẩu khí “đặc Nghệ”.

Năm 21 tuổi (1900) cụ Hồ Phi Huyền thi hương ở Nghệ An, đỗ cử nhân đồng khoa với giải nguyên Phan Bội Châu. Cụ không chịu ra làm quan, chỉ ở ẩn dạy học (cụ là thầy dạy học và là bố vợ nhà văn Đặng Thai Mai), viết sách làm thầy thuốc nhưng “không bỏ cái chí sống vì dân, vì nước”. Có lần cụ bị tù nhưng trở thành nhân vật nổi tiếng có tinh thần ái quốc.

Nhiều học giả đương đại đánh giá cao về cụ Hồ Phi Huyền:

“Ông vẫn theo chân truyền Nho giáo, nhưng lại có ý riêng, không nhất trí với Khổng Tử, Mạnh Tử và Phật - Lão. Ông có những ý kiến rất mới và tỏ ra có biết khá vững những lý thuyết triết học, chính trị của cả phương Đông và phương Tây...”. (Chương Thâu)

Bộ sách “muốn xây dựng một luân lý độc lập cho con người với tính cách con người, tức là một triết học về đạo đức chỉ riêng cho con người. Tham vọng của tác giả là xây dựng một đạo đức học cho thời đại mình”. (Phan Ngọc)

Riêng trong hành trình lịch sử văn học, văn hóa của dân tộc, trước tác của Hồ Phi Huyền đã đóng góp, làm nổi bật những chân dung con người họ Hồ như Hồ Quý Ly với khuynh hướng bảo vệ và phát huy ngôn ngữ dân tộc; Hồ Nguyễn Trừng - người đầu tiên viết về thể tài thi thoại ở VN, người đầu tiên viết truyện rất ngắn, kiểu mini... (theo GS Đặng Thanh Lê)

Nhà văn Sơn Tùng kể năm 1946, khi vận mệnh đất nước như ngàn cân treo sợi tóc, Hồ Chủ tịch vẫn mời cụ Hồ Phi Huyền tới Tân Trào dùng bữa cơm đạm bạc với thái độ trân trọng như một bậc thân tri cố cựu, “một nhà túc nho thông thiên địa nhân”. Khi Bác Hồ mời cụ Hồ Phi Huyền ra giúp nước, cụ thốt lên: “Quốc gia đa cố, các cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Tố, Bùi Bằng Đoàn đều ra gánh vác việc nước với Cụ Hồ, tôi thì mệnh tận”.

Trước khi bái biệt, cụ Hồ Phi Huyền thưa: “Xin Chủ tịch lưu tâm, thời mệnh trong thế cục này chúng ta phải trải qua: thiên đô bảo chủ quốc tồn, độn thổ trường kỳ kháng địch”. Sau đó, cụ Hồ Phi Huyền trở về quê và mất ngày 25-12-1946 tại làng Quỳnh Đôi (gò đất như ngọc quỳnh). Lời tiên tri bỏ thủ đô và kháng chiến trường kỳ quả không sai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận