Chủ nhật 25-1-2015 là một ngày đáng nhớ đối với châu Âu, đặc biệt là khối 19 nước sử dụng đồng tiền chung euro, khi cuộc tổng tuyển cử ở Hi Lạp đã đưa một đảng cánh tả chống thắt lưng buộc bụng và mới thành lập năm 2004 lên ngôi. Tân thủ tướng Alexis Tsipras của Đảng cánh tả Syriza đã tuyên thệ nhậm chức sau kỳ bầu cử ngày 25-1 - Reuters Kết quả cuộc bầu cử càng khoét sâu hố ngăn cách ở châu Âu, khi lãnh đạo đảng cánh tả Syriza thắng cử Alexis Tsipras khẳng định “hệ thống tư bản đã chín muồi để thay đổi”. Nếu như châu Á nói chung vẫn duy trì được sự tăng trưởng kinh tế và Mỹ đã có một năm khởi sắc thì 2014 vẫn là một năm khó khăn đối với châu Âu. Tăng trưởng kinh tế của cả khối, theo Eurostat, chỉ đạt 2,6%, tỉ lệ thất nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn ở mức 11,5% trong sáu tháng cuối năm, cá biệt có những nước tỉ lệ này rất cao như Tây Ban Nha 53,5%, Hi Lạp 49,8%, Ý 43,9%. Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng của ECB Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 13-1, tăng trưởng kinh tế của châu Âu năm 2015 sẽ là 3%, thấp hơn con số 3,4% đã được WB đưa ra vào tháng 6-2014 và cũng thấp hơn tỉ lệ tăng trưởng của Mỹ trong năm 2015 là 3,2%. Riêng khối 19 nước sử dụng đồng euro (Eurozone) thì tỉ lệ này được điều chỉnh từ 1,8% xuống 1,1%, nhưng cũng cao hơn năm 2014 chỉ có 0,8%. Phó chủ tịch WB Kaushik Basu đã nêu ra một loạt khó khăn mà châu Âu phải đương đầu như tăng trưởng dân số chậm, năng lực sản xuất giảm trong khi số người lớn tuổi tăng lên, thị trường bão hòa, các sắc thuế cao, nợ tư nhân cao, tỉ lệ lạm phát thấp và có nguy cơ dẫn tới tình trạng giảm phát, số người thất nghiệp cao nên sức mua quá thấp. Những khó khăn này khiến người dân, các nhà đầu tư sinh ra hoang mang và các ngân hàng lâm vào tình trạng thiếu vốn. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng nhận định tăng trưởng trong khối Eurozone năm 2015 không cao như dự đoán trước đây. Giá nhiên liệu giảm mạnh khiến lạm phát trong tháng 11-2014 chỉ còn 0,3%. Khi lạm phát xuống dưới 1% thì rơi vào “vùng nguy hiểm” của nạn giảm phát, tư nhân cũng như các công ty sẽ không mua hàng để chờ giá giảm hơn nữa. Một vấn đề nữa là các khoản nợ tư nhân trong khối Eurozone vẫn còn rất cao, lên đến 161% GDP. Trước tình hình này, ngày 15-1 chủ tịch ECB Mario Draghi đã công bố sáng kiến để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế châu Âu trong mùa hè năm nay. Dự kiến trong hai tuần tới, chậm nhất là tháng 3, ECB sẽ bơm một khoản tiền lớn vào thị trường châu Âu. ECB sẽ in thêm 1.140 tỉ euro (khoảng 9% GDP của 19 nước Eurozone) để mua trái phiếu chính phủ trong khối Eurozone. Ngoài ra còn có nhiều biện pháp khác sẽ được thực hiện cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Như thế, các ngân hàng sẽ có thêm tiền để cho vay, lãi suất sẽ giảm, các doanh nghiệp vay được tiền nhiều hơn sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư, tạo thêm nhiều công ăn việc làm. Giá cổ phiếu, bất động sản... sẽ theo đó tăng lên, khi người dân có việc làm, giàu lên sẽ chi tiêu nhiều hơn và lạm phát đạt mức dự kiến của ECB là 2%, tỉ giá hối đoái của đồng euro giảm so với đồng đôla Mỹ sẽ tăng khả năng cạnh tranh và xuất khẩu của các nước. Và trong trường hợp tới tháng 9-2016 tỉ lệ lạm phát vẫn chưa đạt 2% thì ECB sẽ tiếp tục mua thêm trái phiếu. Theo nhà kinh tế Anh Mark Wall trên Business.dk ngày 19-1, cũng là chuyên gia phụ trách khối Eurozone của Deutsche Bank, giải pháp này có thể sẽ tạo một tác động tích cực đến nền kinh tế châu Âu. Mark Wall cũng dự đoán tỉ giá đồng euro sẽ tiếp tục giảm thêm khoảng 3% so với đồng đôla Mỹ. Hiện đồng euro đã giảm 7% so với đồng đôla Mỹ và các đồng tiền mạnh khác. Như vậy sau khi ECB thực hiện giải pháp kích thích tăng trưởng thì đồng euro sẽ giảm tất cả khoảng 10%. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế khác lại tỏ ra e ngại. Nguyên bộ trưởng tài chính Mỹ, giáo sư tại Đại học Harvard Lawrence Summers và giáo sư Niels Thygesen, Đại học Copenhagen, đều cho rằng việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ không có tác dụng nhiều do lãi suất hiện nay của các ngân hàng châu Âu đã quá thấp (Business.dk 23-1). Trên Berlingske Business 21-1, Carsten Valgreen, giám đốc Công ty phân tích Benderlye Economics, đã nêu ra một số nguy cơ của giải pháp kích thích tăng trưởng này là: 1/ Lãi suất ngân hàng bị đẩy xuống thấp, tạo nên những “bong bóng” trên thị trường nhà đất và chứng khoán, và khi “bong bóng” này vỡ thì tình hình sẽ còn nguy ngập hơn. 2/ Đồng euro sẽ trở nên quá yếu trước đồng đôla Mỹ, đồng bảng Anh, đồng yen Nhật. 3/ Nợ công sẽ tăng cao và có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng nợ. 4/ Lạm phát cao sẽ gây ra bất ổn trong xã hội và khiến châu Âu suy yếu hơn... Và trên thực tế Nhật Bản đã mua trái phiếu chính phủ trong nhiều năm nhưng cũng không giải quyết được tình trạng trì trệ của nền kinh tế (Berlingske Business 21-1). “Màu đen tô màu đen” Sự trì trệ của khối Eurozone tất nhiên vì nhiều lý do, chẳng hạn tình trạng quản lý kém tại những nước như Ý, Tây Ban Nha, Hi Lạp... nhưng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn do xuất khẩu giảm sút trong năm 2014. Thị trường châu Âu đã bão hòa từ nhiều năm nên xuất khẩu đóng vai trò vô cùng quan trọng, từ vũ khí, sản phẩm công nghệ cao, xe hơi, hàng tiêu dùng, thời trang cao cấp đến nông sản, thực phẩm chế biến đều phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Trong năm 2014, các thị trường xuất khẩu lớn của EU như Nga, Brazil, Trung Quốc đều tăng trưởng yếu, nhưng gây tác động mạnh nhất là Trung Quốc và Nga. Trong những năm gần đây Trung Quốc đã trở thành khách hàng lớn nhất của châu Âu đối với những mặt hàng xa xỉ phẩm, hàng tiêu dùng cao cấp các loại. Tuy nhiên thị trường này suy giảm đáng kể trong năm 2014 do Trung Quốc đang ra sức kiềm chế sự phát triển “nóng” để dễ kiểm soát hơn và giảm nguy cơ rủi ro. Tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2014 là 7,4% thay vì 10% trong suốt 10 năm trước. Ngoài ra, chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khiến các quan tham, những người có nguồn thu nhập không minh bạch không dám phô trương sự xa hoa như trước. Du khách Trung Quốc không còn tấp nập mua sắm hàng cao cấp “chính hiệu” tại Paris, London, Milan, Copenhagen như xưa nữa. Về phần Nga, trước khi có lệnh cấm vận, Nga là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của khối EU, cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức - nước có nền kinh tế lớn nhất trong khối. Năm 2013 EU đã xuất khẩu 119,865 tỉ euro hàng hóa sang Nga, trong đó Đức chiếm tới 30%. Đức còn bị tổn thất vì các nhà đầu tư phải tạm dừng các kế hoạch đầu tư vào Nga và Ukraine. Pháp thì trước sức ép của Mỹ và của khối EU, tháng 11-2014 Tổng thống François Hollande đã phải dừng việc giao tàu Vladivostok có trọng tải 21.300 tấn, là một trong hai tàu chiến loại Mistral mà Pháp đóng theo một hợp đồng trị giá 1,2 tỉ euro ký với Nga từ năm 2011. Các nước khác trong khối EU đều bị thiệt hại đáng kể. Do Nga ngừng nhập nông sản, thực phẩm chế biến từ châu Âu nên các nước Hà Lan, Tây Ban Nha, Pháp, Hi Lạp, Ba Lan, Đan Mạch đều bị ảnh hưởng. Nói như chủ tịch điều hành tập đoàn sản phẩm từ sữa Arla Foods của Đan Mạch Peder Tuborgh, bức tranh kinh tế của Arla tại Nga là “màu đen tô màu đen”. Những giải pháp “không thể đứng một mình” Một vấn đề nữa mà các nước châu Âu phải đương đầu trong năm 2015 là nguy cơ khủng bố. Từ năm 2013, các nước Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Ý... đều có công dân lên đường tham gia”thánh chiến” tại Syria và Iraq. Theo Rob Wainwright - giám đốc Europol, tại châu Âu có khoảng 3.000-5.000 người đã đến Syria, Iraq, Yemen và một vài nước khác. Khoảng 30% trong số này đã quay về và trở thành những phần tử vô cùng nguy hiểm vì đã qua huấn luyện quân sự. Sau vụ tấn công vào tạp chí Charlie Hebdo, chi phí các nước càng tăng do châu Âu tăng cường các biện pháp an ninh. Ngày 21-1, Thủ tướng Pháp Manuel Valls tuyên bố sẽ dành 735 triệu euro để tăng cường khả năng phòng vệ trước nạn khủng bố trong ba năm. Khoản tiền này được lấy từ việc tiết kiệm những khoản khác trong ngân sách 2016, sẽ được công bố vào mùa thu năm nay. Riêng trong năm 2015, Chính phủ Pháp sẽ phải dùng đến các khoản dự trữ để không vi phạm những thỏa thuận với Brussels về giảm thâm hụt quốc gia. Bóng ma khủng bố cũng ảnh hưởng nặng lên công nghiệp du lịch của Pháp, một ngành đóng góp khoảng 9,7% GDP mỗi năm và hàng triệu việc làm cho người Pháp. "Tsipras hứa hẹn thiên đường trên trần thế không cần phải hi sinh, trở lại sự phồn vinh theo một cách thần diệu như ông ta là Harry Potter vậy" Evangelos Venizelos (phó thủ tướng của Chính phủ Hi Lạp vừa bãi chức) Trong bài phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới ngày 22-1, khi đề cập giải pháp vực dậy nền kinh tế châu Âu của ECB, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng dòng tiền này là cần thiết vì tình trạng nợ và thâm hụt ngân sách chính phủ của một số nước châu Âu có thể đưa đến một cuộc khủng hoảng niềm tin. Nhưng bà Merkel cũng nhấn mạnh giải pháp này “không thể đứng một mình” mà phải được thực hiện cùng với “nhiều cải tổ cần thiết” tại một số nước để tạo nên sự cân bằng và thúc đẩy khả năng cạnh tranh của châu Âu. Tóm lại, những nước Eurozone cũng phải nỗ lực “tự cứu mình”, thí dụ như Hi Lạp nợ công đã lên tới 175% GDP. Tuy nhiên, giải pháp người Hi Lạp chọn lựa qua kết quả bầu cử ngày 25-1 đang khiến dấy lên lo ngại Athens không chỉ không thể trả món nợ 240 tỉ euro, mà còn rời khỏi khu vực đồng euro. Những bước đi này chắc chắn ảnh hưởng mạnh tới những nước đang bị các định chế tài chính và EU buộc phải tiết kiệm cùng với Hi Lạp như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Iceland... Trong tình hình này, chỉ có thể chờ đợi là tới hết tháng 9-2016, trước khi qua năm tài chính mới, ECB sẽ đạt được mục tiêu đề ra là đưa tỉ lệ lạm phát lên 2% và người dân châu Âu, nhất là trong khối đồng euro, thấy được sự khởi sắc trong nền kinh tế. Từ giờ tới đó người ta có quyền... nuôi hi vọng.
Tranh cãi 'lối đi ưu tiên' sẽ thu 100.000 đồng/khách tại sân bay Đà Nẵng CÔNG TRUNG 01/12/2024 Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng sẽ trở thành sân bay đầu tiên trong 22 sân bay tại Việt Nam thí điểm thu phí dịch vụ "lối đi ưu tiên" tại khu vực kiểm tra an ninh soi chiếu 100.000 đồng/khách.
Rần rần trend 'đám giỗ bên cồn' của Lê Tuấn Khang: Rồi bên cồn có đám cưới không? THƯỢNG KHẢI 01/12/2024 'Đám giỗ bên cồn' - một câu 'thương hiệu' của TikToker Lê Tuấn Khang xuyên suốt các video do anh đăng tải trên TikTok, Youtube đang là từ khóa gây sốt trên mạng xã hội.
Ông Zelensky: Ukraine cần lá chắn NATO để sống sót TRẦN PHƯƠNG 01/12/2024 Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói nước này cần sự đảm bảo an ninh từ NATO và nhiều vũ khí hơn trước khi bước vào đàm phán với Nga.
Ông Đồng Văn Thanh được bầu làm bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang LÊ DÂN 01/12/2024 Ông Đồng Văn Thanh, chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, được bầu làm bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2020-2025.