TTCT - Mặc dù từng thấy những biểu hiện như trong bài “Thế hệ gối ôm”, nhưng đọc bài viết tôi mới thật sự giật mình trước một số đông thanh thiếu niên lâm vào tình hình tương tự. Thế hệ... gối ôm LTS: Như tác giả Trần Gia Tôn trong bài phản hồi “Thế hệ gối ôm” số ra tuần trước, gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt. Các cô cậu “ôm gối” phần nào do lỗi của người lớn đã đặt con em mình vào “trung tâm vũ trụ”, như bài viết của ba độc giả dưới đây. Gối ôm tròn nhưng cũng có hai mặt Phóng to Minh họa: Vũ Đình Giang Như đã nói, tôi tưởng những trường hợp như vậy chỉ là cá biệt. Nhưng ngay buổi sáng đọc bài “Thế hệ gối ôm”, đứng trên sân thượng nhìn xuống nhà đối diện, tôi thấy bà mẹ dắt xe ra chuẩn bị đưa quý tử đi học. Cậu này cao khoảng 1,75m, tôi đoán là học lớp 11 hoặc lớp 12. Mẹ lách xe ra khỏi cánh cổng hẹp một cách khó khăn, cậu vẫn đứng trơ đó nhìn. Mẹ dựng xe xong, quày quả vào trong lấy hộp đựng thức ăn của cậu, cậu vẫn ngó bâng quơ. Đến lúc mẹ luồn tay vào trong cổng để khóa, tôi tự hỏi tại sao cậu không làm giúp động tác đơn giản đó. Khi mẹ nổ máy bương hai chân đẩy xe đi, ngồi trên yên sau, cậu vẫn lơ ngơ nhìn hàng xóm đứng quanh đó đang ngó chăm chú. Không biết chào hỏi đã đành, nhưng dường như cậu không nhận thức những việc diễn ra quanh mình. Còn sát vách nhà tôi, một cô bé có lẽ học lớp 10, được mẹ chuẩn bị đưa đi chơi cầu lông. Khi lui xe xuống dốc thì mẹ loạng choạng làm xe ngã kềnh, văng ra vài đồ vật, trong đó có cái túi đựng vợt. Qua cặp kính cận, cô bé dửng dưng đứng nhìn, chờ mẹ ngồi dậy dựng xe lên, quơ quào mấy món đồ tung tóe, nhặt cái túi vợt, vội vã phủi bụi quần áo, leo lên xe và giục con ngồi lên. Khi chiếc xe vụt đi tôi còn kịp nghe cô bé nói to muốn ghé ăn chè trước khi vào sân tập. Có phải vì được đặt vào “trung tâm vũ trụ” nên các cô cậu chưa bao giờ nghĩ ra khỏi bản thân mình? Tôi nhớ lại cậu hàng xóm tên Khoa từng làm tôi ngạc nhiên nhiều năm trước, khi đó Khoa đang học lớp 10, thỉnh thoảng sang nhà tôi nhờ truy cập Internet. Cháu say sưa nói về diễn viên này sắp tổ chức sinh nhật, ca sĩ nọ thích ăn món gì, người mẫu kia có thói quen ra sao. Trong buổi chuyện phiếm, khi tôi hỏi thăm về tuổi tác của cha mẹ Khoa, cháu ngẩn người ra một lúc và bảo không biết. Hỏi thăm về sở thích ẩm thực của cha mẹ, Khoa lắp bắp… “Mẹ nấu cái gì thì ăn cái nấy”. Cha của Khoa là tài xế taxi, tôi hỏi thăm xem là chạy cho hãng nào. Khoa trớ: “Ba mẹ bảo con chỉ nên ăn học, đừng quan tâm đến những việc khác”. Tác giả bài “Thế hệ gối ôm” đặt ra vấn đề đúng. Và tôi tự hỏi thêm rằng nếu như các cô cậu quý tử còn chưa biết lo cho bản thân (huống gì quan tâm đến người khác) thì đến lúc nào đó xảy ra việc lớn, họ sẽ ra sao? __________ Nhà tôi có hai anh em trai, đều khỏe mạnh. Cha tôi mất sớm nên mẹ càng yêu thương chúng tôi hơn. Nhà nghèo nhưng mẹ và dì lo hết mọi thứ cho chúng tôi vô cùng tươm tất từ thuở nhỏ. Tôi nhớ đến tận năm tôi học lớp 7, ở cái tuổi sát nút dậy thì, dì vẫn tắm cho tôi hằng ngày. Mọi chuyện trong nhà đã có mẹ và dì làm hết. Tôi chẳng bao giờ quan tâm đêm qua mẹ thức đến 12g may áo cho khách mà 3 giờ đã phải dậy làm bánh tai vạc cho kịp bán sáng. Giờ ăn, tôi tự nhiên gắp hết mọi miếng thịt trong đĩa bởi mẹ và dì chẳng bao giờ động đến. Tôi vô tư xin tiền mẹ đi học thêm dù thừa sức tự học… Cứ thế tôi vô tư ngụp lặn trong biển yêu thương vô bờ bến của hai người mẹ. Cho đến ngày thi đậu đại học ở TP.HCM. Lần đầu tiên tự nấu cơm, tôi biến nó thành cháo. Cầm miếng thịt và mớ rau để nấu canh, tôi căng thẳng gọi điện thoại về quê hỏi dì: “Cho rau vào trước hay thịt vào trước?”. Lúc đó tôi mới vò đầu bứt tai tại sao những chuyện đơn giản như thế tôi đã thấy mẹ, thấy dì làm 1.001 lần rồi mà không bao giờ để ý? Rồi lần đầu tiên tôi tự đặt câu hỏi tại sao mẹ và dì không chủ động dạy cho mình biết những “kỹ năng sinh tồn” cơ bản như thế. Giờ đây, khi phải tự xoay xở với sách vở, nấu ăn, đi chợ, mua sắm cá nhân, kế hoạch chi tiêu…, tôi thấy tất cả đều quá sức mình. Cảm giác bản thân vô dụng với cả những chuyện dường như ai cũng làm được thật khó chịu. Tôi không trách móc hay đổ lỗi cho hai người mà tôi yêu quý nhất đời. Suy cho cùng mẹ tôi và dì tôi chỉ là những bà mẹ chân quê, hiểu biết còn giới hạn, nuôi con theo quán tính. Nhà tôi lúc đó không sắm được cái tivi nữa là, nói chi đến những hiểu biết về việc “nuôi con tốt, dạy con ngoan”. Tôi chỉ nghĩ đơn giản giá mà họ đừng ôm chặt lấy tôi suốt ngày suốt đêm, có lẽ bây giờ tôi đã không khó thở đến thế. Tôi đã quá thoải mái với cái áo phao căng phồng giữa biển yêu thương vô bờ bến của họ. Giờ đây, không có áo phao nữa, tôi đang đuối sức. Nhưng đọc bài báo xong, tôi quyết tâm học bơi, dẫu có muộn màng. Nếu con nít học bơi vài ba bữa là thành công thì tôi sẵn sàng bỏ ra vài tháng, thậm chí vài năm. Tôi đã định gọi điện thoại về quê xin mẹ tiền mua xe máy vì ai chẳng cần có xe (cái lý do rất tự nhiên của tôi trước đây), nhưng bây giờ tôi thấy đạp xe đi làm thêm những buổi không đi học là điều cần thiết hơn. Những người bạn không chịu lớn Một cô bạn đang dung dăng dung dẻ với nhóm bạn thì bắt gặp chú chó bên kia đường. Cô “ngây ngô” hỏi: “Con gì ngộ vậy?”. Đến khi bị chó đuổi, cô bạn mới hét ầm lên: “Chó! Chó kìa...” rồi bỏ chạy. Đó là câu chuyện mà chúng tôi tự trào về thế hệ mình, thế hệ có... những bạn trẻ nhất quyết không chịu lớn! Tôi là một người sinh ra từ thế hệ 9X, không xa lạ với câu chuyện về “thế hệ gối ôm”. Với tôi, những hình ảnh sau không phải hiếm: đứa con trai mười tám đôi mươi, cao mét bảy mét tám nhưng không biết sửa sên xe đạp, vặn khóa van ống nước không chặt! Trong chuyến đi cắm trại với lớp cũ dịp hè vừa rồi tại Nha Trang, có một cô bạn gái không biết lột vỏ tôm, cạy ốc ra khỏi vỏ khiến mọi người tròn xoe mắt nhìn. Khi tất cả các bạn để mặc bạn gái ấy tự làm, người bạn sinh viên năm 4 đại học lèo khoèo tay chân “dễ tổn thương”, “mau xúc động” ngồi khóc thút thít vì bị kim châm phải tay trong lúc ăn ốc! Một người bạn khác của tôi, hiện đang là sinh viên Đại học Kinh tế - luật TP.HCM, đến khi ra ở trọ đã không biết quét nhà, không biết nấu cơm, thậm chí những kỹ năng sống cơ bản nhất như hỏi đường, mua vé xe buýt hoặc tìm hiểu thủ tục đóng lệ phí... cũng không biết làm thế nào. Ấy vậy mà bạn thao tác máy tính rào rào, trả lời vanh vách các thể loại nhạc Anh - Mỹ, các bộ phim truyền hình vì đơn giản bạn ”ôm” máy tính 15 giờ mỗi ngày, đắm chìm trong thế giới ảo. Với gia đình, các bạn luôn được sự bảo bọc quá mức cần thiết. Hầu như họ - những người bạn gối ôm - không có cơ hội, dù là nhỏ nhất, để tự quyết định, tự lập, sánh vai với bạn bè, không phải dựa dẫm vào bất kỳ ai. Bố mẹ thì yên tâm con cái được bảo bọc, không bị “gần mực thì đen”, cho đến một ngày vỡ lẽ ra chính con mình không có khả năng... miễn nhiễm, không thể tự chăm sóc chính bản thân mình. Những người bạn tôi vốn đã quen được sắp đặt, che chở nên cứ thụ hưởng và từ chối quyền phải lớn lên. Nhưng người ta ai cũng phải lớn thôi. Giống như một đứa trẻ khi thay răng sẽ đau, sẽ chảy máu nhưng rồi sẽ được những chiếc răng vĩnh viễn chắc chắn và cứng cáp hơn. Chỉ mong bố mẹ cho các bạn cơ hội được tiếp xúc, va chạm để chúng tôi thật sự lớn lên... Tags: Thanh thiếu niênĐộc giảCâu chuyện cuộc sốngThế hệ gối ôm
NÓNG: Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư 122.000 tỉ đồng phát triển văn hóa TIẾN LONG 27/11/2024 Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 tối thiểu là 122.250 tỉ đồng.
Tài xế có nồng độ cồn kịch khung dùng dao tấn công, cảnh sát phải nổ súng cảnh cáo HỒNG QUANG 27/11/2024 Tài xế Lập cầm dao "truy sát" đại úy Thái Duy Kiên. Cảnh sát giao thông phải sử dụng súng bắn chỉ thiên cảnh cáo đồng thời tạo khoảng cách an toàn chờ sự hỗ trợ.
Nam thanh niên bị điện giật ngưng tim 60 phút được cứu sống ngoạn mục ĐOÀN NHẠN 27/11/2024 Leo lên sửa mái tôn, anh D. (Đà Nẵng) bị điện giật chỉ kịp hét lên một tiếng rồi ngã xuống, ngưng tim 60 phút nhưng anh vẫn hồi sinh ngoạn mục.
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân bị điều tra tham nhũng MINH KHÔI 27/11/2024 Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân đang bị điều tra vì nghi ngờ tham nhũng.