Chiếc bóng bay và quan hệ Trung - Mỹ

TƯỜNG ANH 12/02/2023 09:29 GMT+7

TTCT - Tuần qua, chuyến thăm Trung Quốc hai ngày của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken - lẽ ra bắt đầu vào ngày 5-2 - đã bị hủy bỏ bởi "sự cố khinh khí cầu". Kế hoạch đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh

Tuần qua, chuyến thăm Trung Quốc hai ngày của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken - lẽ ra bắt đầu vào ngày 5-2 - đã bị hủy bỏ bởi "sự cố khinh khí cầu". Kế hoạch đặt nền móng cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh, vốn xấu đi nghiêm trọng sau vấn đề Đài Loan, đã bị đình chỉ vô thời hạn.

Đường đi của chiếc khinh khí cầu từ Trung Quốc qua Bắc Mỹ. Ảnh: USA Today

Đường đi của chiếc khinh khí cầu từ Trung Quốc qua Bắc Mỹ. Ảnh: USA Today

Chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ sau 4 năm đã bị cản trở sau khi "mặt trăng thứ hai do Trung Quốc sản xuất" - như cách tờ Tin Tức (Nga) ví von - xuất hiện trên bầu trời Mỹ. Đó là một khinh khí cầu, được ghi nhận xuất hiện trên bầu trời tiểu bang Montana vào ngày 2-2.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ sau đó cho biết quả bóng đã đi vào vùng nhận dạng phòng không của Mỹ ngày 28-1, gần quần đảo Aleutia, Alaska, và vài ngày sau vào không phận Canada. Ngày 31-1, nó xuất hiện trở lại trên bầu trời Mỹ - ở phía bắc tiểu bang Idaho.

Tình huống bất khả kháng?

Khinh khí cầu chỉ bị bắn hạ vào ngày 4-2 ngoài khơi Nam Carolina, nhưng như Lầu Năm Góc lưu ý, trong thời gian ở Hoa Kỳ, nó đã có thể bay qua một số cơ sở chiến lược của đất nước. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết lệnh bắn hạ quả bóng thám không do đích thân Tổng thống Joe Biden đưa ra từ ngày 1-2 và Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã xây dựng kế hoạch phá hủy an toàn thiết bị sau khi theo dõi quỹ đạo và hoạt động của nó. 

Lầu Năm Góc cũng cho biết sau khi nghiên cứu các thiết bị của khinh khí cầu bị bắn rơi, họ kết luận khinh khí cầu phục vụ cho việc thu thập thông tin tình báo.

Về phần mình, Bắc Kinh phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc. Trước đó trong ngày 3-2, Bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích đây là "khí cầu dân sự được sử dụng để nghiên cứu, chủ yếu là mục đích khí tượng", nhưng dưới ảnh hưởng của gió tây và khả năng tự điều khiển hạn chế, khinh khí cầu "đi chệch hướng so với kế hoạch". Việc Mỹ khẳng định đây là hoạt động gián điệp là "suy đoán và thổi phồng vô căn cứ".

Ngày 5-2, sau khi khinh khí cầu bị hạ, Bắc Kinh đã phản đối việc Hoa Kỳ sử dụng vũ lực để "tấn công khinh khí cầu dân sự" trong tình huống mà Trung Quốc cho là "bất khả kháng", đồng thời "bảo lưu quyền đưa ra các phản ứng cần thiết".

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Đối nội hay đối ngoại?

Điều không thể phủ nhận là "quả bóng khí tượng" bay trên đất Mỹ đã treo trên đầu Washington một nguy cơ theo đúng nghĩa đen. Nếu tin theo tờ The Wall Street Journal, quả khí cầu đầu tiên được phát hiện không phải nhờ định vị của Bộ tư lệnh Phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD), mà là do thường dân trên một máy bay chở khách!

Diễn biến này khiến một số người tin rằng Washington đã muốn lờ vụ việc đi cho êm chuyện. Tuy nhiên, giới truyền thông lại không để yên và đã chỉ ra "hai điều trùng hợp".

Thứ nhất là quả bóng "bay lạc" đúng trên bầu trời Montana, nơi có các hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman III với tầm bắn 12.000km. Thứ hai, "khinh khí cầu hòa bình" này có thể thực hiện diễn tập, như chính tướng không quân Mỹ Patrich Ryder thừa nhận.

Cổng thông tin topcor.ru lưu ý bối cảnh căng thẳng gần đây giữa Washington và Bắc Kinh sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hồi tháng 8-2022, và quyết định của Mỹ mở thêm 4 căn cứ quân sự mới ở Philippines, ngoài 5 căn cứ đã có.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Green đòi Nhà Trắng "có hành động quyết đoán". Bà viết trên Twitter: "Biden phải bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc ngay lập tức" và chỉ trích Washington "ném người Mỹ cùng thiết bị quân sự và vũ khí trị giá 85 tỉ đô la vào Afghanistan, nhưng lại không bảo vệ được biên giới Mỹ". 

Những tuyên bố tiếp theo của các chính trị gia và cựu quan chức càng gay gắt hơn, cho rằng Bắc Kinh đang thu thập thông tin tình báo, "tìm kiếm thứ gì đó mà họ không thể lấy được qua vệ tinh", như lời cựu bộ trưởng quốc phòng Mark Esper nói trên CNN. "Chúng ta phải bảo vệ chủ quyền và làm rõ với Trung Quốc rằng chúng ta sẽ không dung thứ cho điều này", ông Esper hùng hồn.

Có lẽ vì những phản ứng gay gắt này, Washington đã quyết định bắn hạ khinh khí cầu vào ngày 4-2, dù trong cuộc họp báo ngày 2-2, tướng Ryder còn tìm cách đấu dịu: "Vật thể đang di chuyển cao hơn các tuyến bay thương mại và không gây ra mối đe dọa nào cho người trên mặt đất". Chính quyền còn giải thích họ không bắn hạ khinh khí cầu "do các mảnh vỡ có thể gây ra đe dọa lớn hơn nhiều so với để nó bay tự do".

Điều phối viên chương trình của Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC) Konstantin Sukhoverkhov trả lời tờ Tin Tức, cho rằng động thái của ông Blinken là đột ngột, nhưng liên quan nhiều đến chính trị đối nội hơn là nhu cầu gửi tín hiệu cho Bắc Kinh. 

Theo đó, quyết định chưa bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc của chính quyền Biden nhắm vào bộ phận bảo thủ trong xã hội Mỹ, nhằm thu phục bộ phận cử tri ủng hộ các động thái chính sách đối ngoại cứng rắn.

Tuy nhiên, Shkhoverkhov cho rằng đối thoại song phương Mỹ - Trung vẫn sẽ tiếp tục, các vướng mắc sẽ được cố gắng giải quyết, nhất là những điểm có nguy cơ dẫn tới đối đầu, bởi hiện cả hai bên đều không muốn rơi vào tình thế như vậy.

Tương tự, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách Đông Á của Mỹ Heino Klinck dự báo trên Fox News rằng sau vụ bắn hạ khinh khí cầu, Bắc Kinh "sẽ không có hành động công kích thực chất, dù ngôn từ có thể hung hăng". ■

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, ngày 4-2, một máy bay chiến đấu F-22 của Mỹ đã bắn tên lửa AIM-9X vào khinh khí cầu Trung Quốc. Máy bay F-22 ở độ cao 17,7km, còn khinh khí cầu là 18,3-19,8km. Hiện khinh khí cầu và các mảnh vỡ nằm ở độ sâu 14m, dự kiến sẽ dễ trục vớt nhưng chưa có lịch trục vớt cụ thể.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận