Chiêm ngưỡng trời sao, trước khi...

LÊ QUANG 10/06/2020 16:06 GMT+7

TTCT - Những vì tinh tú trong các bức họa trời sao của họa sĩ thiên tài van Gogh lăn như những quả cầu vàng tóe lửa lạnh qua bầu trời dường như ít nhiều liên quan đến những gì ta vừa chứng kiến mấy hôm nay?

Danh họa thiên tài bạc mệnh Hà Lan van Gogh có ba kiệt tác về bầu trời đêm: Cà phê vỉa hè trong đêm, Đêm đầy sao trên sông RhoneĐêm đầy sao.

Bức Starry night của V. Gogh, vẽ năm 1889, sơn dầu, hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại, TP New York (Mỹ)

Nếu những ngôi sao trong các bức họa này lăn như theo nhiều quỹ đạo hình sóng thì “dưới đất” có một doanh nhân - có thể xếp vào hàng thiên tài trên thương trường - chỉ quan tâm đến các chuyển động hình sóng trên thị trường chứng khoán: Elon Musk, cha đẻ của chuyến bay thương mại tư nhân có chở theo con người đầu tiên trong lịch sử nhân loại lên vũ trụ.

Một góc nhìn khác về thành tựu vũ trụ

Vũ trụ kiên nhẫn như một biển sao câm lặng trước ngày 4-10-1957, thời điểm Liên Xô phóng lên trời vệ tinh nhân tạo Sputnik 1, mở đầu trang sử du hành vũ trụ.

Bỏ qua khía cạnh kỹ thuật dĩ nhiên là vô cùng lớn lao, đồng thời cũng minh chứng cho khả năng trí tuệ hầu như vô biên của con người, có lẽ cũng nên nhìn vấn đề ở khía cạnh khác.

Trong chuyến bay ngày 30-5, SpaceX còn “nhân tiện” tung ra không gian vài cái vệ tinh nhân tạo trong dự án Starlink - cung cấp Internet cao tốc cho từng điểm trên hành tinh này, bất kể xó xỉnh xa xôi chưa từng có dấu chân người ở sa mạc Gobi hay trên con thuyền buồm tí xíu lạc giữa đại dương.

Vào cuối dự án Starlink sẽ là 44.000 vệ tinh bay quay Trái đất ở quỹ đạo thấp. 302 đã có mặt trên đó, và mỗi chuyến Falcon tiếp theo sẽ bổ sung thêm 60 nữa. Mà ai dám tin là nay mai không có thêm vài Elon Musk nữa đủ tiền và đủ quyền để nâng con số đó lên 4.444.000 vệ tinh?

Còn nhiều dự án khác có thể sinh ra nữa chứ không chỉ Starlink. Và còn nhiều tầng quỹ đạo nữa chứ đâu phải chỉ lượn quanh vài chục cây số cách mặt đất như hôm nay.

Cách đây hai, ba chục năm, có lẽ không ai thực sự để tâm khi thấy một đứa bé bóc kẹo ăn và vô tư vứt giấy kẹo xuống cạnh đường hay ao làng. Hôm nay khi về làng quê đã thấy nhiều ao hồ sủi bọt hôi thối bởi hàng ngàn túi nilông đựng rác sặc sỡ ngập ngụa, tư duy con người đã khác đi nhiều.

Khi Elon Musk chào đời (1971), các tàu vũ trụ từ mọi quốc gia vô tư “thanh lý” ra thinh không mọi thứ rác rưởi, từ túi chất thải nặng nửa tạ cho đến hàng tấn sắt vụn từ các thiết bị hỏng hóc, vì không ai hình dung ra cái kim dưới đáy bể lại có ngày sinh chuyện.

Vũ trụ quả là vô tận (điều mà Einstein không chắc chắn lắm, nếu so với sự ngu ngốc của con người) và tưởng như sẵn sàng nuốt hết mọi thứ rác rưởi, nhưng hôm nay các phi thuyền đã bị nhiều va đập đáng kể, đôi khi vỡ các cánh pin mặt trời khi va phải rác của các chuyến bay tiên phong bỏ lại trên cao.

Về mặt nào đó, cũng phải coi các vệ tinh của Elon Musk như cái giấy kẹo của thằng bé vô tư xả rác ngày nào, làm bẩn cả môi trường thôn quê ngày nào còn thơm phức rơm rạ.

Rác vũ trụ đã trở thành mối lo ngại không hề nhỏ và các quốc gia đang có các hoạt động thăm dò vũ trụ đều phải có trách nhiệm xử lý vấn đề này (Ảnh: Business Insider)

Văn hóa không chỉ là hoài cổ

Quả đất này chứng kiến 200.000 năm sự tồn tại của loài sinh vật biết đi hai chân và khá thông minh, trong đó hơn 198.000 năm - tức là cho đến khi phát minh ra đèn điện - con người ngơ ngác nhìn lên trời, bất kể vì đang mộng mơ hay cố tìm cách lý giải những gì ngoài tầm tay với.

Đã tốn nhiều giấy mực để tranh luận về sự đối kháng phi lý giữa bước phát triển của nền văn minh và sự xuống dốc của văn hóa, ở đây chỉ muốn “chọc quê” một Elon Musk đang say sưa chiến thắng. Chả gì thì dự án này cũng bị nổ tan xác ba, bốn phi thuyền và kế hoạch lên ISS bị hoãn đi hoãn lại mấy lần trước khi ông chủ của nó được vung tay ăn mừng.

Cũng phải kể cả đến khía cạnh tài chính: chín năm nay Hoa Kỳ phải bỏ bê chương trình không gian vì thiếu tiền, mọi chuyến bay cung cấp cho ISS đều phải thuê tàu vũ trụ Nga mà mỗi chuyến có giá ban đầu 21 triệu USD nay đã lên xấp xỉ 80 triệu và chuyến “đi nhờ” mùa thu tới là 90 triệu.

Mặt kia của tấm huân chương là: con người không thể sống cạnh các đại dương khi cá voi và rùa biển bị tuyệt chủng, các loài thủy sinh chết hết vì dạ dày tắc nghẽn hạt nhựa, rừng bị đốn trụi, sông ngòi chảy ngược.

Hệ sinh thái tên là hệ sinh thái bởi vì bất cứ cái gì tồn tại trong nó đều có lý do, kể cả khi ta không ưa rận rệp hay ruồi muỗi thì thiếu chúng sẽ sinh ra sự mất cân bằng với hậu quả khôn lường.

Tương tự, nếu ngày mai các thi sĩ ngước nhìn lên bầu trời mùa hạ đầy sao để đón cảm hứng thi ca và thay vì thấy sao Hôm (hay sao Mai) lại là vài trăm đốm sáng nhấp nháy trong tổng số 44.000 vệ tinh mà Elon Musk đang ấp ủ?

Cứ tin là Elon Musk sẽ thắng thế hệ 5G, nhưng ai dám cam đoan sẽ không có 6G, 7G giỏi hơn? Cuộc chạy đua vũ trang cho thấy từ rìu đá thô sơ đã biến thành bom nguyên tử, ai biết con người còn nghĩ ra kỹ nghệ nào nữa để cưa cái cành cây mà mình đang ngồi?

Mỗi cái vệ tinh của Elon Musk chỉ to như cái giường cá nhân, nhưng nó ở quá gần ta và phản chiếu ánh sáng đủ mạnh để thấy bằng mắt thường. Hãy nhân lên với 44.000, và còn nhiều nữa.

Không ai phủ nhận thành tựu kỹ nghệ của Elon Musk, từ ôtô điện cho đến tàu vũ trụ. Với 37 tỉ USD trong tài khoản cá nhân - hơn gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội cả năm của cả nước Lào 7 triệu dân - có thể đánh cược là con người giàu tham vọng ấy còn làm được nhiều nữa, nhất là rất hợp với mong đợi của Hoa Kỳ đang muốn vĩ đại trở lại và cũng là nước đầu tiên được hứa hẹn hưởng lợi từ Internet vệ tinh của Starlink.

Nhưng mặt nguy hiểm của các Elon Musk là họ đang hành xử tùy thích ở xứ vô luật lệ tên là vũ trụ. Ngay cả khi thế giới nhắm mắt tin rằng Elon Musk không chỉ khai sơn phá thạch trên nhiều lĩnh vực công nghệ mà còn có thể đưa ra giải pháp mới cho môi trường, song đã đến lúc chấm dứt cách làm ăn tiền trảm hậu tấu này - cứ kiếm lợi nhuận và chấp nhận phá hoại môi trường đi rồi cứu nó sau, giống như cứ để COVID-19 lan ra rồi sẽ làm máy thở!

Bầu trời đêm của tương lai

Sau các nạn ô nhiễm không khí, nước uống, tiếng ồn, virus đủ loại, một ngày không xa ta sẽ đối mặt với bầu trời ô nhiễm ánh sáng từ hàng vạn chấm nhấp nháy. Thế hệ này đã chứng kiến vô số trẻ con chưa hề biết say mê ngắm nhìn trời sao, bởi chúng sống trong các đô thị thiếu vòm trời mà thừa đèn quảng cáo xanh đỏ.

Khi tìm xem bộ phim nhạc kịch hoài cổ Lalaland trên mạng, tôi tình cờ được biết Los Angeles (Mỹ) là vùng bị ô nhiễm ánh sáng bậc nhất Trái đất, các nhà thiên văn ở đó phải khó nhọc dùng máy tính để xác định vị trí ngôi sao mà họ muốn quan sát vì không kính viễn vọng nào chọc qua nổi quầng sáng nhân tạo điên đảo ở đó.

Bầu trời ô nhiễm ánh sáng ở Los Angeles. Ảnh: Shutterstock
Bầu trời ô nhiễm ánh sáng ở Los Angeles. Ảnh: Shutterstock

Để quay lại với van Gogh: bầu trời đêm và những gì danh họa từng nhìn thấy qua cửa sổ nhà thương điên ngày xưa sẽ là tương lai gần của chúng ta.

Ảnh: ESA
Ảnh: ESA

Người Trung Hoa hơn mười thiên kỷ dùng trời sao để tính thời vụ làm đồng, sáu thiên kỷ nay người Ai Cập biết nhìn sao Thiên Lang mọc sớm để đoán trước lũ lụt sông Nile, có ai tin là mấy cái app ngớ ngẩn trong iPhone sẽ thay thế cả vòm trời văn hóa trên đầu chúng ta?

Đầu thế kỷ 17, trước các phát minh động trời của Galileo Galilei, cả thế giới tối mò khi hết mặt trời. Hôm nay ta phải chui vào rừng rậm Amazon để biết thế nào là tối tuyệt đối, ra khỏi rừng là ta sống trong một dạng đêm trắng St. Petersburg cho tất cả. Ban đầu với khí đốt, sau này với sợi dây tóc wolfram và hiện tại với công nghệ LED, con người đã bật sáng cả hành tinh. Song không phải mỗi bước tiến là một bước đến cái hoàn thiện hơn.

Trong sách hướng dẫn du lịch của vùng núi Grand Canyon huyền thoại có câu: Nếu quý khách đứng ở rìa phía bắc Canyon và chiêm ngưỡng vệt sáng mờ tận chân trời thì, xin lỗi, đó không phải là dải Ngân Hà mà là ánh điện hắt lên từ thành phố của các trò may rủi Las Vegas cách các quý vị trên 250 dặm.

Hãy ngắm trời sao lấp lánh chừng nào bạn còn có thể, chừng nào các Elon Musk chưa tàn phá nó.■

Có lần đi tháp tùng một đoàn công tác sang miền bắc Đức để học hỏi kinh nghiệm làm chính sách quản lý phong điện, tôi chứng kiến cả đoàn tròn mắt nghe thông tin là bang Mecklenburg-Vorpommern gần biển Baltic có những hôm sản xuất ra nhiều điện gió hơn có thể phung phí tiêu thụ được.

Đoàn công tác còn ngạc nhiên hơn khi được gặp các nông dân ở đó rầm rầm phản đối khi nhà đầu tư trồng các cột phong điện gần nhà. Chẳng lẽ con người không ưa tiến bộ kỹ thuật? Sau một chầu cà phê với một tổ chức nông dân phản kháng thì không khó để hiểu ra: nghe nói đến cột phong điện cao ngót 250m và mỗi năm cung cấp 10.500 Megawatt năng lượng vừa rẻ vừa sạch thì ai cũng thích, nhưng những cánh quạt dài bằng bề rộng của sân bóng đá tạo ra sóng âm mà đôi khi tai thường không nghe thấy và gây tác hại đến sức khỏe con người lẫn động vật xung quanh.

Và còn gì khó chịu hơn khi trước cửa sổ nhà bạn có những bóng đen khổng lồ lật phật sáng tối làm chóng hết cả mặt, thay vì ngày xưa nhìn ra cánh đồng chỉ thấy hoa vàng trên cỏ xanh?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận