TTCT - Hằng năm, cứ vào đầu tháng 10, dân sách vở trong nước lại lấy cớ tụ họp mà “đàm đạo” về một đề tài văn hóa tân thời: giải Nobel văn chương năm nay thuộc về ai? Phóng to Khác với các hạng mục vật lý, y học, hóa học, kinh tế vốn chỉ có dân trong nghề mới đủ độ hăng hái quan tâm và đủ tầm để hiểu (1), giải văn chương bình dân hơn cả, gắn liền với quần chúng “cần lao” và xoay quanh một dạng sản phẩm tri thức dễ gần, dễ nhập tâm, dễ “tám”: văn thơ. Ấy thế mà vài năm trở lại đây, trong danh sách đề cử giải này lại có một kẻ ngoại đạo, sản sinh rất nhiều tác phẩm nhưng dù dễ dãi đến mấy cũng không thể xếp vào hạng mục sách vở. Đó là Bob Dylan - ca sĩ, nhạc sĩ Mỹ tài danh từng hát nhạc phản chiến chống chiến tranh Việt Nam và được ai đó so sánh với Trịnh Công Sơn là như trăng và nguyệt (2). Trong lịch sử từng có trường hợp người nhận giải được biết đến trước hết không phải là nhà văn, nhà thơ hay viết kịch. Bertrand Russell, triết gia Anh, nhận giải Nobel văn chương năm 1950 vì “những tác phẩm đa dạng, ở đó ông kết tinh các lý tưởng nhân văn và sự tự do tư tưởng” (3). Winston Churchill, cựu thủ tướng Anh, ngoài tài năng chính trị lỗi lạc còn là nhà sử học, nhà văn, nhà diễn thuyết hùng hồn “nhằm bảo vệ các giá trị cao quý của con người” (4). So với hai trường hợp trên, Bob Dylan khó có thể xem là đạt tiêu chuẩn nhập hội, trừ khi ủy ban trao giải Nobel phong ông là “nhà thơ” đại chúng. Một điều hấp dẫn của giải Nobel văn chương đối với người đọc Việt Nam là giải thưởng thường tạo ra cú hích cho hoạt động xuất bản, dịch thuật trong nước, ví dụ trường hợp của J. M. Coetzee, Orhan Pamuk, Le Clézio, Vargas Llosa... Những người say mê văn học trông chờ giải này như là món bánh gatô gói ghém buộc nơ, cất vào tủ lạnh, chỉ chờ đến ngày mở ra xem trên mặt bánh đề tên ai và liệu có ngon không. Hiệu ứng này không tránh khỏi gây ra tác dụng ngược, như năm ngoái khi cái tên Mạc Ngôn được xướng lên. Dẫu không thể phủ nhận những tác phẩm đặc sắc như Đàn hương hình, Báu vật của đời, Cây tỏi nổi giận..., nhiều người đọc Việt Nam vẫn cảm thấy hụt hẫng vì hầu hết tác phẩm của ông từ lâu đã được dịch sang tiếng Việt. Nếu coi đây là tiền lệ không mấy vui vẻ cho ngành xuất bản, người viết bài này không trông đợi giải Nobel năm nay rơi vào tay Haruki Murakami - nhà văn Nhật được xem là ứng cử viên hàng đầu từ nhiều năm nay vì ông đã quá quen thuộc. Chưa kể, Haruki Murakami, Umberto Eco, Kazuo Ishiguro hay Salman Rushdie là những nhà văn “đại đồng”, còn giải Nobel văn chương có xu hướng trao cho giọng văn có tính “khu biệt”. Nếu dùng phương pháp loại suy, giải năm nay khó có thể rơi vào tay nhà thơ, sau khi Tomas Tranströmer lãnh giải năm 2011. Dân theo dõi trang cá cược Ladbrokes nhắc nhiều đến Adunis (tên thật là Ali Ahmad Said), nhà thơ Syria 83 tuổi, viết bằng tiếng Ả Rập, nhưng có lẽ ủy ban trao giải cũng không muốn giải thưởng danh giá này nhuốm màu chính trị, khi mà đề tài Syria và Trung Đông đang nóng sốt. Bởi thế, nếu xét về ưu thế thể loại, có thể kể đến hai kịch tác gia Tom Stoppard (người Anh gốc Czech) và Peter Handke (Áo). Còn nếu xét về địa phương cát cứ, hẳn phải nghĩ đến ngay một tác giả Mỹ. Dẫu có quá nhiều cái tên sáng giá được đề cử, vẫn chưa có nhà văn Mỹ nào được xướng tên trong 20 năm qua, kể từ Toni Morrison - một nhà văn nữ. Philip Roth và Don DeLillo là hai cái tên xứng đáng, đã có một số tác phẩm được dịch sang tiếng Việt. Một người là nhân vật nòng cốt của dòng văn chương Mỹ - Do Thái, năm ngoái tuyên bố ngừng viết văn, còn người kia với những tác phẩm nhuốm chất điện ảnh và hậu hiện đại, khai thác tầng sâu của ngôn ngữ biểu hiện. Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển từ lâu đã bị đánh giá mang tư tưởng “dĩ Âu vi trung” (lấy châu Âu làm trung tâm) ở địa hạt văn học. Vì thế “thuyết âm mưu” cho rằng họ sẽ trao giải cho những cá nhân dễ bị nghi ngờ nhất để chống lại chính thành kiến nói trên. Mấy ngày qua, Jon Fosse, nhà viết kịch 54 tuổi từ đất nước Na Uy láng giềng, thăng hạng đáng kể trong bảng cá cược của Ladbrokes, từ 1 ăn 100 lên đến 1 ăn 9. Ở bảng cá cược của Unibet, Svetlana Alexievich, nhà báo nữ từng viết về thảm họa hạt nhân Chernobyl, đã “lội ngược dòng” những ngày kết sổ... Ernest Hemingway từng nhận xét về cảm giác khi đoạt giải Nobel: “Khi bạn rốt cuộc đã gắng gượng bò được vào bờ thì một đám khốn kiếp lại ném cho bạn cái áo phao cứu đắm”. Với người đọc Việt Nam, đứng ở ngoại vi giải thưởng văn chương danh giá, sẽ chẳng có bờ biển, áo phao hay bờ vực chông chênh nào nằm giữa sự huy hoàng và vụt tắt. Nhưng người ta vẫn chờ đợi một cái tên kín tiếng xa xôi nào đó được xướng lên để thị trường sách sắp tới có những ngày rộn rã, và người yêu văn học lại có giây phút hứng khởi đàm đạo và khám phá “vệt văn chương” mới. (1): Giải Nobel y học “dễ hiểu” nhất có lẽ là năm 2005, hai người Úc đoạt giải nhờ phát hiện bệnh đau dạ dày do vi trùng (tức do “ăn bẩn”) gây ra chứ không phải bệnh lý thần kinh - thể dịch. (2): Nhan đề quyển sách Trịnh Công Sơn, Bob Dylan: Như trăng và nguyệt, John C. Schafer, NXB Trẻ, 2012. (3): Lời dẫn của ban giám khảo giải Nobel năm 1950. (4): Lời dẫn của ban giám khảo giải Nobel năm 1953. Tags: Giải thưởngNobel văn chương
Ủy ban Thường vụ Quốc hội 'chốt' sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh THÀNH CHUNG 14/11/2024 Với 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành đã 'chốt' phương án sáp nhập cấp huyện, xã của Hà Nội, TP.HCM và 10 tỉnh.
Xe điện Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam CÔNG TRUNG 14/11/2024 Hơn 10 thương hiệu Trung Quốc, từ xe chạy xăng đến xe điện Trung Quốc như BYD, Geely, Chery, Great Wall, SAIC và Wuling ồ ạt vào VN, mở ra cơ hội cho người tiêu dùng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành ô tô trong nước.
Tại sao Nam Bộ có mưa nhưng sau đó trời rất nóng? LÊ PHAN 14/11/2024 Trời sẽ ít mưa hơn, nắng nhiều, mùa mưa đang dần kết thúc là chuyển biến lớn nhất của thời tiết TP.HCM trong giai đoạn này.
Ông Thích Minh Tuệ mong muốn mọi người không quay chụp, đưa hình ảnh ông lên mạng xã hội TẤN LỰC 14/11/2024 Ông Thích Minh Tuệ nêu nguyện vọng mọi người không quay phim, chụp ảnh và đưa hình ảnh của ông lên mạng xã hội vì ảnh hưởng tới quá trình tu học.