Chợ trưa đứng nắng

YÊN MÃ SƠN (QUẢNG TRỊ) 21/05/2012 21:05 GMT+7

TTCT - Trưa, nắng như đổ lửa. Đất trời chỉ một màu vàng ong, oi bức, ngột ngạt. Trong ngôi chợ sầm uất ngày thường giờ thưa thớt, một vài khách uể oải tìm quán nước ngồi trốn nắng, uống nước thay ăn cơm!

Phóng to
Ảnh: Yên Mã Sơn

Giữa chợ có mấy thùng rác và mấy thùng nhựa là nơi người ta tập kết trái cây hỏng, thối chờ người lao công mang đi tiêu hủy. Nhóm trẻ bốn đứa tóc vàng, da đen thui không sợ nắng cứ bám lấy những cái thùng nhựa đó mà xáo tìm (ảnh).

Người chủ quán nước chỉ tay về phía bọn trẻ như thanh minh về hành động của lũ trẻ cho người khách hiếu kỳ: “Tụi nhỏ này không sợ nắng mưa gì hết. Trưa hoặc chiều nào chúng cũng đến thùng rác lục lọi tìm trái cây chưa thối, còn dùng được trong sọt rác để ăn. Đó là số trái cây người ta bán không hết hoặc bầm giập nên bỏ đi. Tội nghiệp, ăn uống kiểu đó không đau bụng mới lạ”.

Vị khách uống nước nghe vậy liền gọi lũ trẻ: “Mấy cháu ơi, lại đây chú cho tiền ăn cơm”. Nghe tiếng gọi, bọn trẻ sợ quá bỏ đi về phía cuối chợ.

Người khách buồn bã đứng dậy ra khỏi quán, đi dưới bầu trời nắng đốt. Người chủ quán gọi với theo: “Bác ơi, đợi em thối tiền đã. Tiền bác còn dư đây mà”. Vị khách vẫn không quay lại. Có ai đó đồng cảm nói: “Chắc là tiền dư gửi lại cho bọn trẻ. Bọn trẻ mai lại đến mà”.

Xóm trong lòng phố

Là khu phố nhưng người dân vẫn quen gọi là xóm bởi cái nếp không khác quê là mấy. Xóm có một bến sông mà ngày xưa nghe kể là một bến gỗ; bến sông ấy có những người đàn bà hằng ngày giặt đồ, rửa chén mặc kệ cho những khuyến cáo về tình hình ô nhiễm trên sông Đồng Nai vẫn được đăng tải dài dài.

Xóm có những dòng họ, bước ra khỏi cửa gặp toàn bà con, bởi thế sống với nhau người ta dễ cãi vã và cũng dễ làm lành. Xóm có nếp tổ chức đám cưới tại gia, cứ dựng rạp lên là hẻm biến thành nhà hàng, đỡ tốn kém, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh lại còn vui. Xóm có bà Năm bán hủ tiếu theo kiểu mua bao nhiêu cũng bán, lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, bởi vậy bà Năm như linh hồn của cộng đồng.

Người ở phố thường không biết chuyện nhà nhau nhưng ở xóm này là chuyện khác; nhưng không phải nhiều chuyện mà là quan tâm đến nhau, đùm bọc lẫn nhau. Bằng chứng thì nhiều: đấy là chuyện cả xóm chung tay dập lửa lúc nhà bà Ba bị cháy, chuyện có kẻ lừa đảo để chiếm tiền đổi vé giả của con bé bán vé số khờ khờ bị tình nghi và ngăn chặn, chuyện lo hậu sự cho mấy người già có hoàn cảnh khó khăn...

Ông giáo già dạy Pháp văn và Anh văn tại gia cho lũ trẻ thì quả quyết cho rằng gọi là xóm bởi cái chốn này còn nhiều hương đồng gió nội lắm. Đấy là gió sông phà lên những buổi chiều tà, mát rượi đê mê tất thảy những đàn ông, đàn bà, còn người già thì thấy mình thành mụ mẫm.

Đấy là cái chất nông dân tồn tại ở từng ngôi nhà, sau hàng rào xác định “lãnh thổ” người ta thấy những giậu mùng tơi quấn quýt những tay leo, là giàn mướp vàng mơ đàn bướm lượn, là gốc đu đủ hay gốc khế lúc lỉu quả chín vàng, là giàn thiên lý thơm ngạt ngào mỗi sớm mai thức dậy, là tiếng gà gáy sáng, là bóng chó chạy rông, là cảnh buổi tối bọn trẻ tụ tập nhau ở những khu đất rộng hát hò, làm duyên và tán tỉnh kiểu như thanh niên chốn ruộng đồng...

Nhiều, nhiều lắm, những thứ ấy chỉ có trong lòng xóm. Đám thanh niên thì cãi ông già không có nhiều nhu cầu vật chất, lại hay chữ nên lấy tiêu chí nhà quê để đánh giá xóm, theo tụi con thì xóm chỉ là xóm vì... nghèo quá! Ờ, biết vậy thì ráng, nhìn lên, nhìn ra mà sống, đừng có nhìn xuống chân hoài hoài, nản lắm!

Bởi tất tật những chuyện kể trên, thế kỷ 21 trên chục năm rồi, phố vẫn cứ là xóm. Ừ thì tiếng gọi ấy vẫn biết nghe thấy thân thương đấy nhưng ở một giác độ nào đấy, tôi vẫn không muốn xóm mình mãi vẫn chỉ là... xóm!

TTCT cảm ơn các bạn: Lê Nguyên Trường Giang, DZEM, Cát Tường, Đỗ Nhật Phi, Ngoc Truong, Đặng Trung Thành... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận