Chống lạm phát tầm như chống kẹt xe

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ 10/05/2008 19:05 GMT+7

TTCT - Những chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng về chống lạm phát là khá toàn diện và nhận được sự đồng thuận của dư luận trong cũng như ngoài nước. Nhưng cái đáng nói là khâu triển khai thực hiện còn có quá nhiều bất cập. Chung qui lại cũng nằm ở cái tầm của các cơ quan tham mưu, đến mức mà tư duy chống lạm phát của ta có quá nhiều điểm tương đồng với tư duy chống kẹt xe.

Phóng to
TTCT - Những chủ trương và chỉ đạo của Thủ tướng về chống lạm phát là khá toàn diện và nhận được sự đồng thuận của dư luận trong cũng như ngoài nước. Nhưng cái đáng nói là khâu triển khai thực hiện còn có quá nhiều bất cập. Chung qui lại cũng nằm ở cái tầm của các cơ quan tham mưu, đến mức mà tư duy chống lạm phát của ta có quá nhiều điểm tương đồng với tư duy chống kẹt xe.

Dưới đây là cách mà một số giải pháp triển khai chống lạm phát được cho là có nguồn gốc từ các giải pháp chống kẹt xe.

1. Đâu phải tại xe nhiều

Ùn tắc giao thông do xe nhiều, chống ùn tắc do đó phải giảm bớt xe. Cũng với lối suy nghĩ ấy, lạm phát được qui ngay là do tiền nhiều, vì vậy đơn giản là hút tiền về càng nhiều càng tốt, bất chấp hậu quả các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả lâm vào tình trạng thiếu vốn nặng nề hay không.

Kẹt xe do hậu quả của một chính sách phát triển đô thị không giống ai, chứ đâu phải lỗi tại xe nhiều; lạm phát lại có nguồn gốc sâu xa từ đầu tư công lãng phí triền miên và in tiền chi tiêu cho ngân sách chứ đâu phải hoàn toàn do tiền quá nhiều trong lưu thông. Chống lạm phát không hiểu vì sao quá giống với tư duy chống kẹt xe. Tư duy chống lạm phát của ngành tài chính - ngân hàng theo kiểu này không xứng với tầm cỡ một cơ quan đầu não tài chính tiền tệ của quốc gia. Chống lạm phát theo lối giản đơn như thế vì vậy làm cho lạm phát ngày càng bị biến chứng và càng khó điều trị.

2. Nói sao cũng được

Các nhà làm chính sách thường hay có bệnh tìm cách né tránh sự thật. Như kẹt xe chẳng hạn, họ không đồng tình với cách mà các chuyên gia gọi là “tắc đường”, tính toán kỹ chỉ có nghẽn đường cục bộ chứ không có cái gọi là tắc đường hay ùn tắc giao thông nghiêm trọng, vì vậy chỉ cần điều chỉnh lại giờ làm việc và giờ học là sẽ hết kẹt xe (thực tế các giải pháp này đã bị phá sản). Không chịu kém, các nhà hoạch định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia tỏ ra tâm đắc với lập luận này bằng việc cho ra đời cách tính toán lạm phát mới để làm giảm lạm phát.

Thật vậy, cách tính mới cho thấy lạm phát năm 2007 chỉ còn khoảng 8% (thực tế gần 13% và con số thực tế được dự đoán còn cao hơn nhiều). Có điều bất chấp các tính toán hàn lâm là như thế nào, lạm phát đang làm cho chất lượng sống của đại bộ phận người dân ngày càng giảm sút.

3. Phi luật, phi thị trường

Thường trong những lúc mất phương hướng, con người ta có khuynh hướng đưa ra các mệnh lệnh hành chính. Đó là cách dễ dàng nhất và cũng là bế tắc nhất. Chỉ cần đưa ra các mệnh lệnh, như tăng phí sử dụng xe hay phí cầu đường cho thật cao thì sẽ hết kẹt xe. Ngành ngân hàng cũng đã ứng dụng cách chống kẹt xe này bằng các mệnh lệnh phi thị trường, thậm chí phi luật, gần đây nhất là yêu cầu các ngân hàng huy động lãi suất không được vượt mức trần.

Họ dám đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng về việc ngành ngân hàng phải thực hiện chính sách lãi suất thực dương. Thế là người dân rút tiền ra khỏi ngân hàng để mua vàng, xe hơi... để khỏi phải chịu thiệt. Tiền không hút vào ngân hàng mà dùng để tiêu dùng thì lạm phát khó lòng giảm được như mong đợi.

4. Sợ ông lớn chết

Xe nhiều sợ tắc đường nhưng lại sợ ông khổng lồ xe buýt phá sản nên ưu ái quá đáng cho xe buýt chạy ào ạt, thậm chí vào các đường nhỏ, trên xe nhiều khi chỉ lác đác vài hành khách. Chống lạm phát cũng vậy, thắt chặt tiền tệ nhưng sợ một số nhóm lợi ích bị ảnh hưởng. Thế là tiền được bơm ra để cứu ông lớn chứng khoán. Hoặc mới đây, một số tập đoàn kinh tế nhà nước than thiếu tiền do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát, thế là một quan chức lập tức tuyên bố sẽ không để cho việc thiếu tiền của các tập đoàn nhà nước xảy ra.

Cách tư duy chống lạm phát tầm như chống kẹt xe như thế đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng (chống lạm phát cần sự đồng thuận và chia sẻ). Đồng thuận đâu không thấy mà chỉ thấy các tập đoàn than vãn, hăm he đòi tăng giá; chia sẻ đâu không thấy mà chỉ thấy các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhà xuất khẩu và người dân là chịu thiệt thòi nhiều nhất từ cách chống lạm phát méo mó của các bộ ngành tham mưu cho Thủ tướng.

5. Đổ thêm dầu vào lửa

Đường sá nước ta cứ liên tục bị đào xới, ùn tắc giao thông nghiêm trọng là điều hiển nhiên, giống như đổ thêm dầu vào lửa kẹt xe. Lạm phát dường như đang đi đúng quĩ đạo của những sai lầm này. Đang trong lúc lạm phát nóng lên và hoàn toàn không có dấu hiệu gì hạ nhiệt thì các tập đoàn kinh tế nhà nước lại đòi tăng giá xăng dầu, điện, than và cả sách giáo khoa; hoặc như quản lý nhà nước kiểu gì mà để cho có lúc giá gạo tăng lên đến gần 20.000 đồng/kg.

Nếu không tìm cách giải quyết dứt điểm những bất cập trong hệ thống kinh doanh và phân phối (độc quyền) lúa gạo, thuốc men, xăng dầu, điện nước, sách giáo khoa thì sẽ càng có thêm nhiều dầu hơn nữa đổ vào lửa lạm phát trong năm 2008.

6. Không quan tâm đến người nghèo

Do quan niệm kẹt xe có nguồn gốc từ xe ba gác máy và người bán hàng rong, thế là cấm ngay lập tức mà không cần biết số phận người lao động ra sao. Chống lạm phát cũng thế, do lo sợ nguồn cung ứng gạo khan hiếm làm tăng giá lương thực nên ngừng xuất khẩu gạo. Nhưng chính lệnh ngừng xuất khẩu gạo lại là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho các cai đầu dài đầu cơ tích trữ làm tăng giá gạo.

Chính sách đưa ra nhưng không lường hết hậu quả khiến cuộc sống của người lao động và nông dân ngày càng lâm vào cảnh khó khăn. Người nghèo phải trả giá nhiều nhất cho các sai lầm chính sách.

7. Các ông lớn làm cho tình hình thêm trầm trọng

Việc Hà Nội và TP.HCM liên tục bị vây hãm giữa muôn trùng vây các lô cốt của các ông lớn ngành xây dựng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến kẹt xe triền miên. Cảnh tượng này cũng giống như các đại tập đoàn kinh tế nhà nước đầu tư dàn trải hàng trăm nghìn tỉ đồng vào việc kinh doanh bóng đèn, khách sạn, ngân hàng, chứng khoán và bất động sản vậy. Luồng tiền nóng và không hiệu quả này là thủ phạm góp phần vào lạm phát.

Do chạy theo kinh doanh những ngành nghề không thuộc sở trường của mình, các tập đoàn nhà nước đã không chú ý đến việc giảm giá thành sản phẩm, thất thoát điện năng và do đó góp phần làm gia tăng lạm phát. Hoặc “lơ đãng” đến mức bỏ quên hàng chục triệu tấn than, mà đáng lý chúng phải được cung ứng ra thị trường để góp phần giảm giá hàng nguyên liệu sản xuất, thì nguy hiểm thay chúng lại được xuất khẩu lậu vào tay “kẻ khác”. Tội này thật nặng vô cùng!

8. Thiếu bộ óc chỉ huy

Để chống kẹt xe, ngay lập tức ban chỉ đạo thường trực chống kẹt xe được thành lập. Để chống lạm phát, hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng đã được thành lập theo. Nhưng khác với các nước, ở ta các hội đồng này được lập ra nhưng không được giao quyền tương xứng mà chỉ dừng lại ở mức tư vấn chung chung.

Rất khó lòng chống được lạm phát nếu không giao cho hội đồng thực quyền “tiền trảm hậu tấu” - như được quyền ra lệnh cho các tập đoàn không được đầu tư tràn lan, ngành ngân hàng không được toa rập với nhau chèn ép khách hàng bằng cách khống chế trần lãi suất - thay vì trình thưa chờ nghiên cứu hoặc im lặng.

9. Cuối cùng: không ai chịu trách nhiệm

Ngành giao thông công chính, các quận huyện liên tục đổ lỗi lẫn nhau về tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Ngành tài chính - ngân hàng và các bộ ngành khác cũng kế thừa cách đổ lỗi lẫn nhau về trách nhiệm để lạm phát bùng lên. Rốt cuộc cho đến giờ chẳng có ai là người chịu trách nhiệm. Tất cả đều được qui cho nguyên nhân khách quan, quản lý và dự báo kém.

***

Những minh họa trên đây cho thấy đậm dấu ấn của lối suy nghĩ hời hợt và thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trước các biến động kinh tế - xã hội phức tạp của quá trình hội nhập.

Hời hợt đến nỗi tư duy và những giải pháp chống lạm phát của ngành tài chính - ngân hàng cũng không khác gì tư duy và giải pháp chống kẹt xe của ngành giao thông công chính, trong khi các công cụ và giải pháp chống lạm phát đòi hỏi phải nắm vững các qui luật của kinh tế thị trường, và việc truy tìm nguyên nhân của lạm phát khác hoàn toàn với lối tư duy đếm xe trên đường của ngành giao thông công chính. Tư duy như thế có khi lại là nguyên nhân hàng đầu góp phần vào lạm phát tăng tốc thời gian qua.

Những giải pháp cụ thể của các bộ ngành, nhất là ngành tài chính - ngân hàng, vì vậy vẫn còn chưa theo kịp nghị quyết của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng trong việc triển khai các giải pháp chống lạm phát, cho dù họ liên tục được ưu ái nhận trách nhiệm giải trình trách nhiệm trước Quốc hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận