Chuẩn bị ứng phó với giảm phát

KHIẾT HƯNG THỰC HIỆN 01/11/2008 16:11 GMT+7

TTCT - Lạm phát chưa qua, giảm phát đã tới. Đó là cảnh báo của một số đại biểu Quốc hội đưa ra ở phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội tuần qua. Thật sự nguy cơ giảm phát như thế nào? Tuổi Trẻ Cuối Tuần trao đổi với ông CAO SĨ KIÊM, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Phóng to
ông Cao Sĩ Kiêm
TTCT - Lạm phát chưa qua, giảm phát đã tới. Đó là cảnh báo của một số đại biểu Quốc hội đưa ra ở phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội tuần qua. Thật sự nguy cơ giảm phát như thế nào? Tuổi Trẻ Cuối Tuần trao đổi với ông CAO SĨ KIÊM, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

* Ông đánh giá thế nào về những kết quả kinh tế - xã hội đạt được trong năm nay?

- Từ tháng tư, khi Chính phủ đưa ra tám nhóm giải pháp thì có chuyển biến rõ nét và đến nay đã có kết quả. Rõ nét nhất là chúng ta đã kìm được tốc độ tăng giá, đưa tốc độ tăng giá giảm dần xuống. Thứ hai, chúng ta giữ được những ổn định vĩ mô, trong đó có cả vấn đề xuất nhập khẩu, cân đối ngân sách, cân đối vốn vay... Và quan trọng nhất là an sinh xã hội vẫn đảm bảo trong điều kiện nền kinh tế chịu nhiều sự tác động mạnh. Điều đó chứng tỏ những giải pháp của Chính phủ có kết quả. Đấy là những chuyển biến rất đáng mừng vì giai đoạn khó khăn, cam go nhất đã chững lại và lối ra đã rõ. Đến giờ phút này GDP giữ được mức 6,5-7% là mức cao trên thế giới.

* Liệu những kết quả đã đạt được có thể coi là tiền đề để thoát khỏi khó khăn trong năm 2009 không?

- Năm tới sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, có nhiều yếu tố tác động tới nền kinh tế nước ta. Thứ nhất, tình hình khủng hoảng tài chính thế giới sẽ áp vào nước ta, xuất khẩu bị co lại, dòng vốn đầu tư vào cũng co lại. Thứ hai, nguồn thu ngân sách sẽ bị hạn chế. Năm nay, chúng ta tính giá dầu là 70 USD/thùng nhưng nó tăng lên đến 140 USD/thùng nên chúng ta tha hồ thu. Nhưng giờ giá dầu giảm thì nguồn thu sẽ bị co lại.

Ngoài ra, một nguồn thu khác từ thuế đang rất lớn nhưng chúng ta đã chỉnh lại ba luật thuế nên sang năm nguồn thu từ thuế sẽ giảm. Trong khi đó, tình hình sản xuất đang đi xuống thì khả năng thu từ nền kinh tế cũng sẽ bị hạn chế. Thứ ba, sang năm chúng ta đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, môi trường, y tế, giáo dục mà những lĩnh vực này phần lớn là vốn Nhà nước đưa ra, không có thu hồi.

Chi trong tình hình quản lý yếu kém thế này nếu không cẩn thận sẽ gây lãng phí, gây ra lạm phát tiếp. Đây là cái nhãn tiền. Tất cả điều đó dồn vào năm 2009 nên năm 2009 nặng nề hơn, làm khả năng thực hiện kế hoạch khó khăn hơn.

Năm 2009 chúng ta dự kiến kế hoạch tăng trưởng 6,5-7%, lạm phát từ 15% trở xuống nhưng mục tiêu này rất khó vì nền kinh tế thế giới áp vào toàn diện, trong nước khó khăn nhiều mặt. Rồi những vấn đề vĩ mô cơ bản như cơ cấu không hợp lý, khập khiễng, hệ thống ICOR đang dãn ra, bội chi lớn, nợ xấu nhiều lên, tất cả đang áp vào, khó hơn năm 2008.

* Như ông phân tích thì có thể thấy một bức tranh kinh tế - xã hội năm 2009 chưa sáng sủa lắm?

- Chưa sáng sủa lắm nhưng tất nhiên chúng ta phải cố gắng làm cho nó sáng sủa. Một là phải làm thế nào để đầu tư có hiệu quả, giảm chỉ số giá tiêu dùng xuống. Đây là mục tiêu quan trọng nhất chúng ta phải phấn đấu. Vốn năm tới sẽ ít đi nên phải đầu tư vào chỗ nào hiệu quả hơn, có tác dụng chống lạm phát hơn, không để gây lãng phí. Chính sách tài chính, tiền tệ phải chặt hơn, ví dụ bội chi ngân sách phải hạ xuống.

Tất cả vấn đề an sinh xã hội phải được đảm bảo. Nếu để GDP dưới mức năm 2008 thì hậu quả là thừa lao động. Năm 2008 tăng trưởng đạt 6,5% thì năm 2009 ít nhất phải đạt 6,5% trở lên, nếu tụt xuống 6,3% thì tạo yếu tố hỗn loạn trong xã hội.

* Thưa ông, tại các phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ở Quốc hội vừa rồi, ông cũng như một số đại biểu đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra giảm phát nếu Chính phủ thực hiện quá mạnh các biện pháp chống lạm phát. Vậy thực tế nguy cơ giảm phát như thế nào?

- Hiện đang có khuynh hướng chuyển từ lạm phát sang giảm phát. Chỉ số giá âm vừa qua mới chỉ là một tháng vì mình làm cấp tập và vì giá gạo, giá dầu xuống nhanh làm các giá khác âm. Nhưng nếu tình hình sản xuất trong năm 2009 đi xuống thấp hơn 2008, giá cả không tăng mà âm, tức là sức mua không có, tăng trưởng thấp hơn năm ngoái sẽ tạo thành giảm phát.

Về nghiên cứu chính sách, chúng ta phải rất chú ý tới giảm phát vì khi xảy ra giảm phát phải có biện pháp giải quyết ngay, chứ nếu để xảy ra rồi sẽ rất khó khắc phục. Chữa giảm phát khó hơn chữa lạm phát. Lạm phát như người tăng huyết áp, uống thuốc thì giảm ngay nhưng giảm phát như người mất sức dần dần, hồi phục rất khó. Nền kinh tế nước ta hiện mới chỉ xuất hiện những yếu tố phải cảnh giác, còn thực tế chúng ta vẫn phải chống lạm phát, không thể chuyển hướng chống giảm phát ngay được.

* Chính phủ đã nhìn thấy khuynh hướng giảm phát chưa?

- Chính phủ đã nhìn thấy. Chúng tôi trong nhóm cố vấn của Chính phủ đã bàn thành chủ trương, phương hướng và đưa ra nhận định.

* Thưa ông, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ ra nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Nghị quyết lần này có gì khác để tránh việc phải điều chỉnh mục tiêu giống như năm nay?

- Tôi cho rằng lần này có điểm tốt là một số chỉ tiêu cơ bản mang tính định hướng nhiều hơn, không cứng nên vừa sát thực tế, vừa mở ra cái “van” để khi dấu hiệu tốt thì vươn lên, khi xấu thì chững lại, ép xuống. Ví dụ lấy tăng trưởng từ 6,5-7% và không đóng khung lạm phát trong một tỉ lệ nhất định mà lấy mục tiêu lạm phát từ 15% trở xuống, nếu có điều kiện tốt thì mình ép xuống, nếu không giữ 15% cũng đảm bảo cân đối vĩ mô. Đấy là những tư tưởng mới và tôi cho rằng phải điều hành theo kiểu thị trường như vậy.

* Từ cuối năm ngoái cũng như trong năm nay, có một số thành viên Chính phủ đã đưa ra những dự báo, đánh giá lạc quan về tình hình kinh tế - xã hội, về thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán... nhưng thực tế sau đó đều đi ngược với những đánh giá đó. Ông nghĩ thế nào về bộ máy giúp việc cho Thủ tướng?

- Trong tình hình kinh tế thị trường này thì việc dự báo không ai có thể nói giỏi 100% được nhưng quả thật dự báo của chúng ta vừa qua là kém. Dự báo kém như thế thì việc một vài người cụ thể phát biểu lạc quan cũng bình thường thôi. Tôi thấy rằng có nhiều điều chúng ta hơi vội vàng, phiến diện.

* Trên thực tế, nhiều chuyên gia kinh tế - nhiều nhà khoa học đã có những dự báo, cảnh báo rất chính xác song lại không được chính phủ nhìn nhận?

- Nhiều người kiên định lập trường của họ dù không được công nhận, dù bị phản bác nhưng thực tiễn đã chứng minh là họ đúng. Người chỉ đạo luôn nhìn cái đích chứ không nhìn các yếu tố tác động và ít lắng nghe mặt trái nên hai bên không gặp nhau. Đến nay, gặp nhau một cách ăn khớp thì chưa nhưng từ thực tiễn vừa qua thì hai bên dần dần đã đi tới gần nhau hơn.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận