TTCT - Hình ảnh Iran trong mắt phương Tây đã bị bóp méo rất nhiều, và cuộc chiến vừa diễn ra không chỉ có nguyên nhân địa chính trị... Phụ nữ Iran ở Tehran. Ảnh: ReutersTrong thập niên 1970, do phải tiêu pha cho chiến tranh Việt Nam và chiến tranh lạnh với Liên Xô, đồng thời với sự lớn mạnh kinh tế của Nhật Bản và Đức, Hoa Kỳ mất vị trí đứng đầu. Tổng thống Nixon, dưới áp lực của chính các đồng minh Đức, Anh, Pháp, phải ngưng việc hoán đổi USD sang vàng như ấn định bởi hiệp ước Bretton Woods sau Thế chiến II. Lý do nước Mỹ không đảm bảo được đồng USD bằng vàng nữa là vì họ đã in ra quá nhiều USD so với lượng vàng đang giữ. Mà vàng lại không phải của Hoa Kỳ, mà là ký thác của Anh, Pháp trong thời Thế chiến, giờ họ đòi về. Đồng USD đành thả nổi và sụt giá.Dầu và tiềnNhưng trong khi không còn kiểm soát được vàng, Hoa Kỳ vẫn kiểm soát được dầu hỏa và từ "petrodollar" ra đời. Mọi giao dịch bán mua dầu hỏa đều phải dùng USD và nước Mỹ như vậy bảo đảm giá trị đồng USD không bằng vàng nữa mà bằng dầu hỏa, tức là "vàng đen". Tài nguyên này ở Trung Đông do Hoa Kỳ kiểm soát, và quốc gia lúc đó sản xuất tới 10% dầu của thế giới chính là Iran.Giá dầu sau Thế chiến II cực rẻ cho đến thập niên 1970 và khủng hoảng 1973. Đó là điều kiện để nước Mỹ và Tây phương phát triển trong thời kỳ hậu chiến. Văn minh và lối sống Hoa Kỳ, với tổ chức bàn giấy ở một nơi, sản xuất ở nơi khác, mua sắm ở một nơi thứ ba và nhà ở lại ở nơi thứ tư, để xa lộ chằng chịt nối các nơi bằng xe con sáu máy, chỉ có thể thành hình và tồn tại với giá dầu rất rẻ.Nó rẻ là vì 7 công ty lớn dầu khí Tây phương (The Seven Sisters) kiểm soát tới 80% dầu của thế giới cho đến cuối thập niên 1960. Toàn bộ khu vực Trung Đông nằm trong tay của Anh và Mỹ. Năm 1953, khi chính quyền dân cử của Iran toan quốc hữu hóa dầu hỏa thì bị lật đổ ngay và quân vương Shah vui vẻ tiếp tục làm tay sai như tất cả các chế độ quân chủ bảo thủ trong khu vực.Hình ảnh Saudi Arabia là du mục cưỡi lạc đà sụp phải giếng dầu, Vương quốc Saudi hiện hữu từ 1932. Đế quốc Ba Tư của đại đế Cyrus thì được thành lập trước đó 25 thế kỷ. Ba Tư là đế quốc đầu tiên đúng nghĩa trong lịch sử và năm 1971, vua Iran tổ chức đại tiệc ăn mừng 2.500 năm tại di tích cố đô Persepolis. Bữa tiệc này được coi là lớn nhất trong lịch sử thế giới và nếu quy ra vàng ngày hôm nay tốn kém 1,2 - 1,5 tỉ USD.Bữa tiệc của vị Shah Iran năm 1971. Ảnh: BBCChính trị, văn hóa và xã hộiNhưng nào chỉ có chuyện tiền. Trước năm 1979 hoàng gia Iran được coi là tinh tế và văn hóa. Ông mua vũ khí, thí dụ chương trình tiêm kích F14 Tomcat thiếu tiền và toan dẹp thì vua Iran cứu, đặt mua 90 chiếc. Cái đó thì Saudi ngày nay cũng làm được, nhưng bà hoàng Iran còn là thành viên Viện Hàn lâm nghệ thuật Pháp và đều đặn lên bìa các tạp chí thế giới.Ông vua bà chúa này, về mặt hình thức, đã nỗ lực Tây phương hóa xã hội Iran. Cha của ông trước Thế chiến từng ra luật cấm phụ nữ vấn khăn che tóc, cảnh sát có lúc tịch thu khăn của phụ nữ ngoài đường khiến có bà phải trùm ngược váy lên để che đầu. Một mặt chế độ giữ truyền thống mấy ngàn năm, một mặt lại theo các trào lưu Âu Mỹ mới. Nó gặp phải sự chống đối của các thành phần cấp tiến, xã hội chủ nghĩa, quốc gia chủ nghĩa lẫn bảo thủ tôn giáo. Vua Shah đàn áp thành phần trí thức, công nhân viên, tiểu thương phố thị, nhưng năm 1979 ông bị làn sóng tôn giáo lật đổ.Như vậy, vào thời điểm cách mạng thần quyền, xã hội Iran đã là một xã hội Tây phương hóa, phụ nữ ra ngoài, lao động, hay lái xe bình thường (là chuyện Saudi phải đợi đến tận năm 2018). Thần quyền không tước hết nữ quyền, nhưng áp đặt một số hình thức, trước hết là khăn che tóc và áo trùm đen. Đây là phản ứng "cách mạng" của thành phần nông thôn trong sạch, chưa bị tiêm nhiễm bởi Tây phương về mặt văn hóa và là phản ứng truyền thống, phản ứng "về nguồn", đi đôi với việc giành lại chủ quyền và tài nguyên quốc gia.Che tóc, áo trùm là truyền thống của khu vực ở Trung Đông, chung của cả ba tôn giáo Do Thái, Kitô và Hồi. Thí dụ, ta quen thuộc qua trang phục của các nữ tu Công giáo và các cha các huynh, nhất là Kitô Chính thống.Quấn khăn áo trùm có thể là hãnh diện dân tộc và một hình thức bảo vệ văn hóa địa phương trước xâm lăng quần bò áo phông của Tây phương. Lập tức, Iran bị đánh về mặt "nữ quyền", về mặt tôn giáo và guồng máy tuyên truyền Tây phương ra rả xót xa cho số phận phụ nữ, trong khi thực tế là Tây phương đau cắt ruột vì mất nguồn dầu hỏa. Giá dầu thô từ 12 USD lên đến 34 USD trong năm 1979-1980.Trong khi đó, xã hội Saudi cũng bảo thủ tôn giáo và còn khắt khe với phụ nữ về mặt xã hội hơn, nhưng Tây phương không bao giờ phê bình vì hoàng tộc đó canh gác giếng dầu và làm bảo vệ cho Âu Mỹ. Dưới chế độ thần quyền, phụ nữ Iran được quyền bầu cử và ứng cử. Về lao động, tại Saudi cho tới 2012, bán nội y là đàn ông khiến phụ nữ mua hàng phải bối rối. Từ 2012, phụ nữ mới được quyền bán nội y.Trong khi đó tại Iran, phụ nữ chiếm 70% lao động trong lãnh vực STEM (khoa học tự nhiên và y học, kỹ thuật), so với 43% phụ nữ Hoa Kỳ. Điện ảnh Iran xuất sắc ở tầm thế giới, cho dù có gặp khó khăn ở phía chính quyền và phương tiện thực hiện.Thế điện ảnh Saudi thì sao? Rạp hát chiếu phim đầu tiên xuất hiện ở Saudi là vào năm 2018. Lần đầu phụ nữ được phép biểu diễn ca nhạc và xem ca nhạc ở Saudi là năm 2017.Sinh viên Đại học Tehran, ảnh chụp năm 1975. Ảnh: PinterestVấn đề lợi íchVậy tại sao truyền thông Tây phương không bao giờ bênh vực phụ nữ Saudi? Vì Saudi bán dầu cho Tây phương, dùng tiền bán dầu đó để mua vũ khí của Tây phương, công khố phiếu của Tây phương và đầu tư vào Tây phương. Iran hẳn có những vấn đề về nữ quyền, nhưng vấn đề đầu tiên mà họ gây ra cho phương Tây là quyền tự quyết và kiểm soát tài nguyên của chính họ.Iran là quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất về mặt kinh tế, phong tỏa tài chánh, cấm vận đủ chuyện từ 1979, không cho buôn bán, khóa tài khoản. Những khó khăn về mặt kinh tế này lúc buông lúc siết, nhưng 46 năm qua vẫn chưa mang đến kết quả là quần chúng vùng lên lật đổ thần quyền. Các biện pháp này vô hình trung lại củng cố tinh thần quốc gia, tinh thần phản đế được chế độ đại diện và giữ vững độc quyền.Khi lật đổ thành công nền chuyên chế tay sai, tôn giáo bảo thủ áp đặt những giá trị của họ lên toàn xã hội. Phụ nữ không được xem bóng đá hay ca nhạc, bia rượu bị cấm đoán và những tệ nạn xã hội như mãi dâm biến mất.Iran có bầu cử các cấp và đến 1997 thì có 8 năm thử nghiệm cải cách nhẹ nhàng, tìm cách xích gần lại Tây phương, nhưng vô hiệu vì Tây phương đòi hỏi kiểm soát tài nguyên, chứ không đòi quyền phụ nữ. Năm 2019 khó khăn kinh tế và giá dầu sưởi, dầu nấu bếp tăng gấp đôi. Đây là kết quả của chính sách cấm vận và khó khăn cuộc sống do chính sách đó gây nên. Năm 2022, cái chết của một thiếu nữ để hở tóc khiến cảnh sát đạo đức phải tạm ngưng hoạt động. Bảng phạt vi phạm vẫn còn, nhưng việc áp dụng ở thành phố gần như biến mất. Ngày nay trên phố Tehran và những tỉnh lớn, phụ nữ chỉ còn vấn khăn hời hợt và khi vấn thì đủ kiểu màu mè phấp phới rất đẹp.Năm 2015, chính quyền đã đi đến thỏa hiệp với Tây phương, nhưng Tổng thống Trump đã hủy khi ông lên cầm quyền. Việc thương thuyết hiện nay lại mới va vào chiến tranh với Israel nên bị đình chỉ, nhưng ta có thể lạc quan mà nghĩ là Israel đã phải ngưng chiến sau khi Mỹ giúp một tay lấy lệ. Mất 10 năm, nhưng lại đúng chính quyền Trump sắp tái lập một thỏa thuận mới. ■ Điều quần chúng ở Iran mong muốn nói chung là Iran được gỡ bỏ cấm vận và trừng phạt kinh tế. Trước hết là trao trả lại 100 - 120 tỉ USD đang bị giam ở nước ngoài, là Iran được nhập iPhone đời mới và máy móc cho nhà máy dầu, ngân hàng được chuyển tiền để buôn bán, được xuất dầu cho ai muốn mua. Một thí dụ về cấm vận là ngày nay ở Iran ta có tiệm gà chiên Colonel Ali thay vì Colonel Sanders - tức là KFC. Ở Iran có nhãn Burger Queen thay vì Burger King. Đó chẳng phải là vì Iran thích làm burger nhái mà là vì Burger King chính gốc, KFC thứ thiệt bị cấm không được sang Iran hoạt động. Bạn đang đọc trong chuyên đề "Căng thẳng Israel - Iran Tiếp theo Tags: Địa chính trịPhụ nữ SaudiIranPhương TâyCách mạng hồi giáo
Mở chiếc rương di cảo của sử gia Trần Trọng Kim VIỆT ANH (VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM) 02/07/2025 1990 từ
Vợ của 'Mr Hunter' Lê Khắc Ngọ bị bắt tại Thái Lan khi tính trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ DANH TRỌNG 07/07/2025 Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Interpol bắt giữ Ngô Thị Thêu (vợ của Lê Khắc Ngọ, còn gọi là Mr Hunter) đang trốn tại Thái Lan, khi nghi phạm đang chuẩn bị hành lý để trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ.
5 người bị khởi tố trong vụ sai phạm dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức là ai? DANH TRỌNG 07/07/2025 5 người bị khởi tố với cáo buộc có sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ở hai dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.
Israel thực hiện chiến dịch 'Cờ đen' đánh Houthi ở Yemen như đã đánh Iran TÂM DƯƠNG 07/07/2025 Israel đã phát động chiến dịch “Cờ đen” nhằm vào lực lượng Houthi tại Yemen sau nhiều tháng leo thang căng thẳng ở Biển Đỏ.
Bộ Công an làm rõ động cơ phát tán hình ảnh tố C.P. Việt Nam bán heo bệnh DANH TRỌNG 07/07/2025 Đại diện Cục C05 cho biết đang tiếp tục phối hợp với công an các địa phương làm rõ động cơ, mục đích việc phát tán hình ảnh tố Công ty C.P. bán heo bệnh.