Chuẩn mực đạo đức kinh doanh cũng cần hội nhập

NGUYỄN VÂN NAM 03/01/2018 16:01 GMT+7

TTCT - Một cách giản dị, hội nhập là quá trình tìm kiếm những giá trị cơ bản chung của các chủ thể muốn hội nhập. Tất nhiên, chỉ có thể nói đến cái chung ấy khi mỗi chủ thể cũng có những giá trị đặc trưng của mình.

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

 

Trong quá trình toàn cầu hóa, đặc biệt là trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cách mạng công nghệ thông tin số hóa - ngày nay, sự phụ thuộc, đan quyện vào nhau giữa những doanh nghiệp (DN) của các quốc gia khác nhau ngày càng chặt chẽ hơn bao giờ hết.

Dù đã có hàng loạt hiệp định, công ước quốc tế đặt ra những cơ sở pháp lý cho quá trình hội nhập, chúng vẫn không đủ - và cũng không bao giờ có thể đầy đủ - để đảm bảo quá trình này diễn ra công bằng, bình đẳng của những đối tác tin cậy lẫn nhau vì sự tiến bộ của nhân loại, vì sự thịnh vượng quốc gia và hạnh phúc của cá nhân.

Vì vậy, đạo đức, đạo lý kinh doanh đang giữ một vai trò, có một ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng không chỉ cho quá trình hội nhập của quốc gia, của DN, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và sự phát triển bền vững của DN trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sao chấp nhận thông lệ xấu thành điều bình thường?

Mục tiêu của DN là lợi nhuận. Đặc biệt là dưới áp lực cạnh tranh toàn cầu rất lớn phải ngay lập tức nắm bắt, tận dụng cơ hội mang lợi nhuận về cho DN, không ai có quyền trừng phạt ban lãnh đạo một DN vì đã quyết định thực hiện một hoạt động đem lại lợi nhuận cao và hoàn toàn hợp pháp, nhưng không phù hợp với đạo đức kinh doanh.

Nhưng ngày nay, hoạt động kinh doanh không còn là một lĩnh vực của riêng doanh nhân nữa, mà đã trở thành một phần không thể tách rời của một hệ thống toàn diện về chính trị - xã hội.

Trong đó, hoạt động kinh doanh đóng một vai trò cốt yếu thúc đẩy thịnh vượng chung, giữ gìn sự ổn định chính trị và hòa bình, an ninh xã hội.

Vì vậy, khác với trước đây, người lãnh đạo DN trước tiên phải ý thức được rằng mỗi một hoạt động, quyết định của họ sẽ bị soi rất kỹ dưới ánh sáng công luận về mặt đạo đức kinh doanh. Họ sẽ phải hết sức cẩn trọng cân nhắc giữa những lợi ích về kinh doanh của DN với những gì công luận còn có thể dung thứ được.

Hơn bao giờ hết, hiện nay hầu hết lãnh đạo các DN phát triển bền vững đều hiểu rằng lợi nhuận và đạo đức, đạo lý kinh doanh hoàn toàn không mâu thuẫn nhau.

Hành vi, quyết định sai lầm về mặt đạo đức kinh doanh không chỉ làm mất lòng tin của đối tác, của người tiêu thụ, mà còn góp phần làm tăng sự nghi ngại về địa điểm đầu tư, giảm mức độ hấp dẫn đầu tư của một quốc gia.

Nói cách khác, đạo đức kinh doanh không chỉ là làm những điều tốt, mà trên hết là công cụ được DN sử dụng để tăng lợi nhuận, phát triển bền vững và bảo vệ vị trí của mình trên thị trường.

Những giá trị nền tảng, có tính chất phổ cập toàn cầu của đạo đức kinh doanh ngày nay là: trung thực, trung tín, tin cậy, trách nhiệm, tôn trọng và bền vững.

Đạo đức (moral) là một hệ thống các chuẩn mực cho những hành vi đúng đắn của con người, có hiệu lực và được cộng đồng, xã hội thừa nhận. Đạo đức vì vậy có thể thay đổi theo thời gian và theo sự thừa nhận của xã hội.

Đạo đức kinh doanh hình thành trước khi có các đạo luật. Sau đó, phần lớn các giá trị nền tảng của đạo đức, đạo lý được cụ thể hóa, được công nhận và bảo đảm, bảo vệ qua hàng loạt điều luật. Phần còn lại được cộng đồng, xã hội thừa nhận như những điều tốt cần, nên hoặc phải làm.

Sự thừa nhận của xã hội được thể hiện dưới các hình thức khác nhau, nhưng có lẽ cách giản dị và rõ ràng nhất là thông qua sự phổ biến của một chuẩn mực trong đời sống.

Khaisilk mua lụa Trung Quốc, gắn nhãn “Made in Việt Nam” để bán cho khách, tất nhiên là không trung thực. Đưa những thông tin không trung thực, thậm chí sai sự thật, nhằm làm tăng giá trị hàng hóa một cách dối trá để lừa dối người tiêu dùng, chúng ta có thể thấy ở mọi nơi, mọi lúc và ở rất nhiều DN.

Nước uống chỉ có 15-20% cà phê đã là thứ nước uống đổi đời, nước uống của thành công, hạnh phúc; hỗn hợp hóa chất có mùi vị nước mắm đã là nước mắm ngon nguyên chất; Việt Nam không có căn hộ bình thường, chỉ có căn hộ cao cấp; không có người mẫu, chỉ có siêu mẫu...

Về bản chất, chúng cũng giống như Khaisilk. Nhưng tất cả hành vi như thế đã được cộng đồng doanh nhân, DN và xã hội lâu nay chịu đựng, rồi chấp nhận và phổ biến đến mức trở thành thông lệ. Khaisilk đang gánh chịu hậu quả là sự trừng phạt của luật pháp, sự tẩy chay của người tiêu dùng.

Việc ông Khải nhanh chóng nhận sai, nhanh chóng xin lỗi có thể là sự trung thực nhận sai, trung thực mong được tha thứ, nhưng cũng có thể chỉ là sự nhận lỗi theo một thông lệ được xã hội thừa nhận. Trước đó, nhiều trường hợp làm sai, gây thiệt hại hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, gây tác hại đến nhiều thế hệ mai sau, rồi chỉ cần “thành khẩn xin lỗi”. Sao có thể chấp nhận cái thông lệ đã trở thành truyền thống: Sai đâu sửa đó, xin lỗi là xong, lần sau tiếp tục?

Các cơ quan chức năng, có thẩm quyền thực thi pháp luật cũng không áp dụng luật pháp để ngăn chặn sự không trung thực trong kinh doanh.

Mặc dù chỉ cần áp dụng khoản 1, điều 39 (chỉ dẫn gây nhầm lẫn), các điểm a và c, khoản 3, điều 45 Luật cạnh tranh cũng đã đủ để trừng phạt, răn đe những hành vi kinh doanh không trung thực kiểu như Khaisilk. Cả các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng cũng thấy các hành vi đó là thông lệ bình thường hay sao?

Chơi với luật chơi chung

Với những chuẩn mực đạo đức kinh doanh khác thường như thế, Việt Nam không thể hội nhập một cách bình đẳng và thành công vào quá trình toàn cầu hóa kinh tế.

Nhân loại đang chứng kiến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 - cuộc cách mạng công nghệ thông tin, số hóa. Việt Nam cũng muốn không bị tụt hậu, muốn cùng thế giới tận dụng những cơ hội mà nó đem lại.

Nhưng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đồng nghĩa với sự lan tỏa thông tin cực nhanh trên quy mô toàn cầu. Chỉ trong tích tắc, tất cả các DN ở các quốc gia khác nhau đều có thể biết Khaisilk không trung thực. Không thể “quơ đũa cả nắm” nhưng rõ ràng là “con sâu làm rầu nồi canh”.

Vì một DN làm bậy, lại là DN được nhiều giải thưởng, mà nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ suy nghĩ về chuẩn mực đạo đức kinh doanh của cả cộng đồng DN Việt Nam.

Có ai muốn làm ăn, đầu tư lâu dài vào một quốc gia với những chuẩn mực đạo đức kinh doanh khác với chuẩn mực phổ cập không?

Làm sao để thay đổi một văn hóa kinh doanh với một đạo đức kinh doanh còn khác biệt so với quốc tế của Việt Nam? Khác với rất nhiều chuẩn mực khác, người ta không thể tạo lập, sửa đổi chuẩn mực đạo đức, đạo lý chỉ dựa vào mệnh lệnh và các điều luật.

Cách hiệu quả nhất để doanh nhân, DN sửa đổi đạo đức kinh doanh là làm cho họ ý thức được rằng: Ngày nay, thực hành đạo đức kinh doanh không chỉ là làm điều tốt, mà trên hết còn là làm điều có lợi cho chính mình.

Đạo đức kinh doanh không phải là chuyện riêng của những DN. Vì vậy, nên chú trọng chủ động vận dụng các điều luật hiện hành để bảo vệ những giá trị đạo đức đã được luật hóa.

Khi người tiêu dùng cảm nhận được họ đang được luật pháp bảo vệ hiệu quả trên cơ sở tôn vinh các giá trị đạo đức, những giá trị ấy sẽ dần dần được thừa nhận và lan tỏa.

Và lúc ấy, chính người tiêu dùng sẽ tạo sức ép thường xuyên buộc DN Việt Nam phải từ bỏ thông lệ kinh doanh hiện tại để xây dựng một đạo đức kinh doanh đúng đắn của những doanh nhân đàng hoàng theo chuẩn mực quốc tế chung.

Đạo đức nói chung và đạo đức kinh doanh nói riêng không tự xuất hiện. Nó khởi nguồn từ vài cá nhân, vài nhóm người. Khi những người khác thấy đó là những giá trị làm nên điều tốt, có ích cho chính mình, cho cộng đồng, họ sẽ làm theo.

Dần dần những giá trị ấy sẽ trở thành chuẩn mực. Vì thế, chính mỗi doanh nhân cần tự bắt đầu thực hành chuẩn mực đạo đức kinh doanh theo thông lệ quốc tế, mà khởi đầu là sự trung thực.

Người ta không thể chờ đợi người khác thay đổi rồi mới thay đổi theo, mà phải bắt đầu từ chính mình. Mặt khác, quan trọng hơn cả, là tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc từ đâu mà sự không - trung - thực đã trở thành thông lệ đáng sợ ở Việt Nam như vậy?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận