Chúng ta là người hay là máy?

SỸ PHU 08/07/2016 01:07 GMT+7

TTCT- Một cây bút của tờ Time viết một bài khá dài chỉ để đặt ra một vấn đề, nói theo cách nói của chúng ta là chẳng khác gì “lo bò trắng răng”.

Ranh giới người và máy sẽ ngày càng nhạt nhòa?
Ranh giới người và máy sẽ ngày càng nhạt nhòa?


Số là ông này có mua cái loa Echo của Amazon, một loại robot đơn giản, có thể nghe và thực hiện nhiều lệnh miệng. Thế là ngày nào ông cũng ra lệnh: Echo, bật đèn lên! Echo, giảm máy lạnh xuống! Echo, chơi bài nhạc đó đi!...

Để dễ hình dung cho đa số chúng ta, dù chưa có cái Echo để ra lệnh, có lẽ cũng từng thử dùng Siri trên iPhone để đóng vai “ông chủ” sai khiến một cô thư ký luôn phục tùng: Siri, hôm nay thứ mấy? Siri, lên lịch hẹn cho ta!...

Trở lại với gia đình của tác giả bài báo trên tờ Time, ông có một đứa con 18 tháng tuổi. Cứ nghe ổng sai Echo riết, một hôm cậu bé buột miệng thốt lên: Uggo! Nhaaạc! Nói nôm na theo ngôn ngữ đời thường, đại khái cậu bé nạt lớn: Ê, thằng Echo kia, chơi một bản nhạc nghe coi!

Thế là tác giả sợ rồi khái quát hóa lên thành một vấn đề lớn: cách chúng ta nói chuyện với công nghệ tương lai sẽ làm hư hỏng con cái, biến chúng thành những con người vô cảm, những kẻ bạo chúa, như những ông chủ nô lệ ngày xưa, dưới tay sẽ là hàng chục nô lệ máy móc răm rắp tuân lời.

Công nghệ biến đổi con người

Ở trên có nói đó là nỗi lo “bò trắng răng” vì còn xa lạ với chúng ta quá. Không lẽ sau khi lấy cái remote bấm nút, tivi bật lên thì chúng ta phải nói: cảm ơn nghe remote?

Không ai cảm ơn cái máy lạnh thì cũng sẽ không ai cảm ơn Google Now chỉ đường cho chúng ta hay cảm ơn Cortana tìm giúp thông tin ta đang cần. Nhưng nghĩ kỹ lại mà xem, nhiều công nghệ phổ biến đang thay đổi con người chúng ta, biến đổi tính tình chúng ta, làm chúng ta sống gần bản năng hơn mà không hay biết.

Cứ giả định những cuộc tranh cãi trên mạng xã hội gần đây là chuyện xảy ra trong đời thực, có ai dám tới trước mặt một phụ nữ đứng tuổi và mắng bà ta là “đồ quỷ cái”, có ai đành lòng buông lời thô tục trước bạn bè, có ai sẵn lòng “ném đá” cùng đám đông khi chưa hiểu hết sự tình.

Thế mà sự dễ dàng hay có thể nói là dễ dãi của mạng xã hội làm nhiều người không chút e dè mắng chửi, “ném đá”, hàm hồ như thế. Cứ va chạm, cứ xúc phạm lẫn nhau và thấy bình thường, rồi tất có ngày cách sống ấy được mang ra đời thực.

Cái quan trọng hơn, sự biến đổi nhanh chóng của dòng thời gian thực trên mạng xã hội làm những mối quan tâm của chúng ta ngắn đi một cách đáng ngại. Để rồi chuyện gì chúng ta cũng nhảy vào quan sát, quẳng vào đó một ít sự hăm hở hay bực dọc, rồi lại nhanh chóng bỏ đi qua chuyện khác. Cứ thế, cuộc sống tinh thần của nhiều người nghèo đi nhanh chóng, nông dần đến chỗ cạn kiệt.

Và đó không phải là nỗi lo bao đồng.

Suy tư lại về thế giới đang sống

Và nếu con cái chúng ta, thường được chúng ta dạy bảo điều hay lẽ phải trong đời thực, thấy những chân dung con người đầy bản năng như một số người đang thể hiện trên mạng xã hội, chúng sẽ bị tác động như thế nào? Hóa ra nỗi lo của tác giả trên tờ Time không hẳn là chuyện “bò răng trắng hay răng đen” nữa rồi.

Không biết vì sao khi Elon Musk nổi hứng tuyên bố “chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập”, tức thì có hàng chục bài báo tán rộng nó và hàng triệu người thích thú đọc như thể cả thế giới này “điên khùng” cả rồi.

Elon Musk là nhân vật nổi tiếng nhờ các ý tưởng đột phá như làm xe điện, tàu vũ trụ dùng nhiều lần, cả chuyện khai thác sao Hỏa... Còn chuyện con người thật sự đang là những nhân vật kiểu như trong một trò chơi điện tử giả lập thì được đại chúng hóa nhờ bộ phim Matrix nổi tiếng một thời.

Nhưng hẳn không phải do Elon Musk nói mà thiên hạ lại suy tư về thế giới mình đang sống, tự hỏi rằng đó là thế giới thực hay ảo bởi trước đó nhiều nhà khoa học viễn tưởng đã nói, nhiều nhà triết học đã bàn và nhiều nhà tôn giáo đã tin.

Thử tưởng tượng 10.000 năm nữa công nghệ sẽ đưa con người tới đâu? Hẳn con người ở thì tương lai ấy sẽ có những máy tính khổng lồ, có thể giả lập không chỉ một mà hàng triệu, hàng tỉ thế giới không có thật, chỉ để giải trí hay để thỏa mãn sự tò mò xem số phận của những con người cụ thể đặt trong những hoàn cảnh cụ thể, với những điều kiện cụ thể rồi sẽ hành xử như thế nào.

Với hàng tỉ thế giới giả lập như thế thì xác suất chúng ta đang sống trong thế giới thật rất thấp, xác suất chúng ta là nhân vật trong trò chơi của một đứa cháu nào đó vài ngàn năm nữa trong tương lai là cao gấp tỉ lần.

Ở một góc độ khác, con người hoàn toàn có thể tiến hóa đến chỗ khi già cứ tải (upload) hết “nhận thức” của họ lên chỗ khác, một phiên bản khác chẳng hạn và nhờ đó cứ sống hoài trong nhiều thế giới khác nhau.

Cứ nhìn tiến bộ khoa học trong vài chục năm gần đây so với hàng ngàn năm lịch sử trước đó của loài người, không có gì ngăn cản họ làm được một trong hai điều trên: giả lập trò chơi để coi tổ tiên sống như thế nào hay tìm sự bất tử trong sao chép nhân bản.

Điều có thể ngăn cản họ chỉ là sự diệt vong của nhân loại hay một biến cố gì đó tàn hủy nền văn minh, buộc con người quay lại thời tiền sử. Chính vì thế, câu tuyên bố thứ nhì của Elon Musk mới có ý nghĩa hơn nhiều: Chỉ có hai chọn lựa: hoặc là chúng ta đang sống trong một thế giới giả lập, hoặc nền văn minh nhân loại biến mất. Thế nên chẳng thà hi vọng chúng ta là nhân vật trong một game ảo còn hơn!

Thật ra còn một viễn cảnh nữa. Đó là đến một mức tiến hóa nào đó, con người có thể nhân bản họ ra, ví dụ một lập trình viên giỏi có thể thoải mái nhân bản mình thành 1.000 lập trình viên, đi làm ở 1.000 công ty khác nhau, còn bản thân anh ta nằm nhà hưởng thụ.

Đó là ý tưởng của nhà tương lai học Robin Hanson được tờ New Yorker nhắc lại tuần rồi. Và cũng không có gì ngăn cản được 1 trong 1.000 phiên bản đó buồn buồn nhân bản thành phiên bản khác - ai xong nhiệm vụ kỳ vọng cứ bấm nút delete rồi tải “nhận thức”, tức một dạng “linh hồn”, lên chỗ khác. Cái đó suy cho cùng có khác gì niềm tin luân hồi trong tôn giáo, con người có nhiều kiếp sống, dần tiến tới chỗ bất diệt.

Nhưng vấn đề không phải ở chỗ cái lý thuyết kỳ dị ấy có cơ may nào là khả dĩ. Vấn đề là tại sao với nhiều người, ít nhất là những người say mê bàn tán về nó, cái thế giới giả lập ấy lại có sức thu hút tâm trí họ đến thế?

Nó quá phi lý, nó quá “viễn tưởng” để người có tư duy bình thường chịu dừng lại mà đọc chứ chưa nói chuyện say mê. Nếu nhìn lại chuyện “lo bò trắng răng” ở trên, thiết nghĩ đó có thể là ước mơ thoát khỏi mọi ràng buộc, lễ nghi, quy ước xã hội mà ai cũng đang phải chịu.

Dù tác giả bài báo trên tờ Time cho rằng chuyện sai khiến máy móc theo kiểu bạo chúa là xấu, nhưng có lẽ trong thâm tâm nhiều người vẫn đang âm thầm ước mình có hàng chục kẻ đầy tớ bằng kim loại như thế. Ai từng xem Matrix ắt đều bị cuốn hút bởi khả năng chỉ cần tải về não là một người bình thường có thể lái trực thăng, đánh nhau giỏi hơn cả phim kiếm hiệp, bay vọt còn dũng mãnh hơn siêu nhân...

Khả năng chúng ta đang sống trong thế giới ảo cuốn hút vì nó có nút reset để bất cứ ai, nếu muốn, đều có thể bắt đầu lại từ đầu, không chút ràng buộc. Cuộc đời thật không cho phép chúng ta làm điều đó. Và biết đâu sống theo kiểu bản năng trên mạng xã hội là bước đầu của một sự tiến hóa chưa biết tốt hay xấu của nhân loại.■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận