"Chúng tôi không làm thì người khác cũng làm..."

VINCENT PHẠM 05/07/2010 17:07 GMT+7

TTCT - Đó là câu trả lời của T. (biên tập viên một kênh truyền hình phía Nam) khi được hỏi: “Vì sao anh lại quyết định nhận tiền “lót tay” để thường xuyên lăngxê những bạn trẻ không có thực tài lên kênh truyền hình của mình?”. TTCT xin giấu tên theo yêu cầu của nhân vật.


Những ánh hào quang luôn hấp dẫn bạn trẻ (ảnh chụp tại cuộc thi Vietnam Idol 2009) - Ảnh: Gia Tiến


Những “hot boy”, “hot girl” xa lạ

T. thẳng thắn thừa nhận bản thân tuy là biên tập viên mảng văn hóa văn nghệ nhưng kiến thức chuyên môn không nhiều. “Nhưng tôi chắc chắn mình không phải là ngoại lệ vì đâu ít đồng nghiệp trong lĩnh vực này cũng chỉ ngang tầm hoặc thậm chí thua xa tôi. Với lại chuyên môn để làm gì khi số lượng chương trình truyền hình hiện như nấm mọc sau mưa! 

Hầu hết tiết mục cho teen đều mang tính giải trí và được thực hiện gấp rút, không cần phân tích sâu xa hay đòi hỏi quá nhiều sự đầu tư. Chính vì thế quanh đi quẩn lại vẫn là giới thiệu ca sĩ, người mẫu này nọ có gì mới hay các xu hướng giải trí, nhóm nhạc tại Hàn Quốc, Nhật Bản hiện đang làm gì... Và thường cụm từ “hot boy”, “hot girl” rất bùi tai đối tượng teen, vì thế nhiều bạn trẻ được tạo điều kiện xuất hiện trên truyền hình với  tư cách người mẫu, MC (người dẫn chương trình), ca sĩ trẻ và thậm chí chỉ là... thí sinh tham dự game show đều năn nỉ cho thêm cụm từ đó trước tên của mình!” - anh chia sẻ.

Tự nhận “hot boy, hot girl” để thể hiện đẳng cấp

T. cho biết lý do các bạn trẻ thích được gọi “hot boy”, “hot girl” bởi đơn giản có như thế mới đem khoe với người thân, bạn bè và thể hiện “đẳng cấp” của mình được. Một phần không nhỏ khác cho hay họ muốn như vậy để dễ có cơ hội gần gũi, tiếp xúc cùng thần tượng của mình bởi trước khi bước vào con đường nghệ thuật thì “vốn lận lưng” cần thiết phải là các danh xưng trên. Số còn lại thì nói thẳng: vì muốn kiếm nhiều tiền!

Tuy vậy T. cũng không giấu việc bản thân mình rất ghét, thậm chí bị ám ảnh cụm từ “hot boy”, “hot girl”...

Nhớ lại những ngày đầu làm nghề biên tập truyền hình, T. phải trực tiếp tuyển chọn MC, ca sĩ để thực hiện chương trình để rồi sau đó đau đầu thật sự bởi: “Đa số các bạn đều ghi trong hồ sơ mình là hot boy, hot girl... với những tấm ảnh xinh lung linh, trong khi thực tế hoàn toàn trái ngược. Một số bạn từng đoạt các giải rất nhỏ ở các cuộc thi dành cho teen nhưng vẫn hào phóng dành cho mình danh xưng trên!”, và: “Có nhiều bạn trẻ thừa biết bản thân không có khả năng nhưng vẫn tìm mọi cách để tiếp cận với chúng tôi nhằm đạt bằng được mục đích của mình. Chúng tôi đánh giá cao sự kiên trì của các bạn ấy bởi có rất nhiều ca sĩ như P., Đ. đã phải thi và lăn lộn hàng chục lần ở các cuộc thi lớn nhỏ mới đoạt được một vài giải gọi là, thậm chí rất nhỏ. Nhưng nếu như các nghệ sĩ trên thường dành thời gian luyện tập, nỗ lực hơn cho lần kế tiếp thì những bạn trẻ ngày nay cứ mải mê tham gia tuyển chọn từ lần này tới lần khác mà không quan tâm tới lời nhận xét từ nhà chuyên môn hay nhìn lại bản thân mình. Ngay cả khi chúng tôi lịch sự từ chối khéo thì họ vẫn mời chúng tôi đi uống nước và gửi bao thư, quà cáp một cách nhiệt tình... Nếu chúng tôi từ chối nhận trực tiếp thì họ gửi quà vào cơ quan hoặc tới tận nhà riêng, mà như thế thì rất phiền phức nên riết rồi chúng tôi kháo nhau cứ nhận trực tiếp luôn cho tiện!” - T. giải thích về lý do thường nhận tiền “lót tay” của mình.

Bất chấp hậu quả

T. thừa nhận hiện số lượng các kênh và chương trình truyền hình dành cho teen quá nhiều, vì thế việc lên tivi đối với giới trẻ dễ hơn bao giờ hết và gây ảo tưởng cho họ.

“Ngay cả những người đã được tuyển chọn cũng rất lười học hỏi nâng cao tri thức bởi họ quan niệm đơn giản: có ngoại hình là có tất cả! Cụ thể, tôi có thể dễ dàng chỉ cho anh rất nhiều trường hợp MC trẻ dẫn các kênh giải trí ăn nói vấp váp, sai kiến thức nghiêm trọng, phần lớn chỉ có trình độ trung học, cao đẳng và thậm chí... không tốt nghiệp nổi trung học! Không ít ca sĩ trẻ hát không đúng những nốt căn bản nhưng vẫn xuất hiện tràn ngập trên đài hoặc đang đổ xô “tấn công” sang lĩnh vực điện ảnh để rồi cái gì cũng dở dở ương ương... Điều đó có thể khiến khán giả bức xúc, thắc mắc, nhưng đối với những người trong nghề nhận tiền “lót tay” như kiểu chúng tôi thì không có gì là khó hiểu. Họ đã bằng cách này hoặc cách khác để có được những vị trí đó bất chấp hậu quả sau này...” - T. nhíu mày khi nói những lời tâm sự cuối cùng của mình.

__________

Phản hồi

Loạt “Câu chuyện cuộc sống” về hiện tượng thích làm người nổi tiếng đã nhận được nhiều phản hồi của độc giả. TTCT trích giới thiệu một số ý kiến.

Giải trí mà!

Giải trí mà... Hầu như báo Việt hiện nay trang “văn nghệ” luôn đi kèm với “giải trí”. Đáng tiếc là cái chất văn nghệ thì ít, nói chung là rất “văn nghệ” thôi. Còn việc giải trí?

Thật đáng xấu hổ cho mục đích truyền bá tri thức của báo chí, khi đông đảo bạn đọc chúi mũi hàng giờ trên báo mạng hay các trang báo in mỗi ngày chỉ để đọc lấy những cái tin kiểu “cô ca sĩ hay diễn viên nào đó đi vào nhà vệ sinh...”! Quả thật không hiểu trong đầu các tác giả ấy có còn suy nghĩ được gì khác nữa hay không?! Và đâu chỉ có tác giả mà còn các vị chịu trách nhiệm nội dung, họ ở đâu nhỉ? Đúng là: Giải trí mà... nhưng hơi thô tục! Do đó, văn nghệ cho ra văn nghệ, giải trí cho ra giải trí cũng rất cần cái lượng văn hóa, tri thức hiểu biết của cả người viết lẫn người đọc. Nếu không, các bài viết văn nghệ cũng chỉ là thứ giải trí rẻ rúng liệu có thể mua vui cho được một vài trống canh?

Dĩ nhiên, trong vô số thứ hổ lốn ấy vẫn có những tờ báo chuyên viết về văn nghệ mà bạn đọc có thể tìm đọc với những bài viết dường như đi “ngược thời đại”, bởi không ít nhân vật của làng văn nghệ luôn lấy sự tai tiếng để được nổi tiếng! Chỉ thương cho những bạn đọc nhỏ tuổi, nhận thức chưa đầy đủ hay chưa lường hết được những cuộc chạy đua, a dua theo những nhân vật thần tượng của mình từ những trang báo dễ dãi...

Nổi tiếng thật hay tai tiếng?

Nổi tiếng, như bạn Bồ Công Anh chia sẻ ở TTCT số 21, ngày 30-5, được nhiều bạn trẻ thèm muốn bởi có quá nhiều hấp lực như sự hào nhoáng, được người ta trầm trồ, nhìn ngó, ngưỡng mộ... Chính vì vậy mà các bạn trẻ, đặc biệt là teen, rất thích được nổi tiếng, và vì quá thích nhưng lại không có sự đầu tư đúng cách nên các bạn đã “đầu tư” bằng cách tạo ra... tai tiếng!

Tài năng mới tạo nên sự nổi tiếng

Một khi bạn có tài năng thật sự về một lĩnh vực nào đó thì mỗi việc làm hay ý tưởng của bạn đều có những giá trị nào đó cho tập thể. Từ đó, tên tuổi của bạn sẽ được tập thể nhớ đến và vinh danh trong nội bộ hoặc các phương tiện thông tin đại chúng sẽ giới thiệu về bạn.

Làm cho cộng đồng, cộng đồng sẽ nhớ tên

Nếu bạn trải lòng, tham gia và tiếp xúc với những người làm công tác thiện nguyện, làm những việc có lợi cho cộng đồng, bạn sẽ nhận ra rằng những người làm công tác ấy dù rất thầm lặng nhưng nhiều người đã nghe danh họ thông qua công việc từ thiện mà họ làm đều có một sự cảm mến và nhớ ơn sâu sắc.

Và câu hỏi “Nổi tiếng để làm gì?” lúc này sẽ có câu trả lời, đó là “nổi tiếng để giúp đời!”. Và một khi mục đích ấy được xác lập và trở thành kim chỉ nam cho hoạt động của mỗi người thì sự nổi tiếng ấy mới có ý nghĩa...

Hư danh

Sẽ là hư danh nếu bạn nhờ vào công nghệ lăngxê, hoặc bạn đánh bóng tên tuổi dựa vào những xìcăngđan nhảm nhí như “lộ hàng”, công khai giới tính một cách có chủ đích... Đấy chính là hư danh, nó chỉ có thể gây sự tò mò tức thời rồi đâu lại vào đấy, người ta sẽ quên ngay hoặc sẽ nhớ theo cách châm biếm, chua cay bởi cách sống thiếu văn hóa, thiếu tôn trọng bản thân của bạn cũng như của những người ham vật chất và phù phiếm.


Cảm ơn các bạn Mr Ngông, Trần Thanh, Lê Công Sĩ... đã gửi thư chia sẻ. Phản hồi cho loạt bài xin gửi về tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục “Câu chuyện cuộc sống”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận