TTCT - Thế giới toàn cầu, Giáng sinh dần phai nhạt màu sắc nghi lễ tôn giáo, mà được ăn mừng ở khắp nơi, như một hình thức văn hóa và tiêu thụ, có tính phong trào và thời trang. Thánh Nicolas, tức ông già Noel, là giám mục thành Myra vào thế kỷ thứ 4, hiện là Demre ở Thổ Nhĩ Kỳ. Nhà thờ nguyên thủy của giám mục không còn nữa, nhà thờ này được xây trên nền cũ nhưng 200 năm sau. Ảnh: Đỗ Kh.Tôi lớn lên ở miền Nam Việt Nam thời gian chiến tranh. Hoàn cảnh gia đình cho phép tôi theo học chương trình giáo dục Pháp từ lớp mẫu giáo, bằng tiếng Pháp và sách giáo khoa Pháp, giảng dạy bởi giáo viên người Pháp. Đây có nghĩa ở nhà và ngoài đường là Việt nhưng vào trường vào lớp là Pháp. Ở nhà trẻ tôi đã biết những bài hát Giáng sinh Pháp, đến mùa lễ vẽ nguệch ngoạc những cây thông có nến cổ truyền trên cành, với ngôi sao trên đầu và những gói quà dưới chân.Đó là thượng tầng ý thức, nhưng vì gia đình tôi bên lương và theo đạo ông bà nên hạ tầng thì không có gì hết. Tức là gia đình tôi không ăn mừng Giáng sinh, tuy ăn mừng năm mới dương lịch, có thiếp đi thiếp lại "Chúc mừng Giáng sinh và năm mới". Trẻ con chúng tôi không hề được quà vào dịp đó, không có ăn uống gì đặc biệt hay nhà cửa trang hoàng.Hình ảnh mừng Giáng sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ảnh: Đỗ KhMấy kỷ niệm riêngNhư vậy ngay cả ở tầng lớp cao cấp và Âu hóa của xã hội miền Nam, nếu không theo đạo Công giáo thì thủa đó, thập niên 1960, Giáng sinh chẳng là gì cả. Suốt tuổi thơ tôi chỉ có một bận nhà có cây thông vào năm 1965 hay 1966. Hôm đó, bố đưa anh em tôi lên phố Nguyễn Huệ chọn một cây thông cao khoảng 1m và mang về trang hoàng.Lúc đó người Mỹ bắt đầu có mặt ào ạt với hàng tiêu dùng Tây và tôi nhớ trên phố đã có băng rôn bằng tiếng Anh chúc mừng "Merry Xmas" khiến tôi thắc mắc Xmas là gì, vì chưa từng thấy. Ký ức của tôi về Giáng sinh là tiêu dùng, là dây đèn năm đó bày bán tại các cửa hiệu và các hộp sôcôla có rượu bên trong, bấy giờ rất hiếm và rất đắt.Hình ảnh mừng Giáng sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ảnh: Đỗ KhVào đầu thập niên 1970, khi tôi ở Pháp thì tục ăn mừng Giáng sinh tất nhiên rầm rộ hơn ở miền Nam Việt Nam, nhưng cũng không bao nhiêu. Người Pháp theo đạo Công giáo nhưng rất ít "hành đạo", tức không đi nhà thờ vào chủ nhật và vào cả Giáng sinh. Nhưng vì là người Pháp, họ phải ăn uống tưng bừng, vì nếu không đã chẳng là người Pháp.Bữa Giáng sinh cổ truyền không phải là một dịp tôn giáo, mà là dịp tụ họp gia đình hằng năm, trao đổi quà và ăn gà tây nhồi hạt dẻ với hàu sống, bánh kem "buche" (hình củi), uống sâm banh. Ai cũng có quà, dù trẻ em hay người lớn. Tuy nhiên, mua sắm ở Pháp dịp này cũng giới hạn và trong ngân quỹ gia đình.Cuối thập niên 1970, tôi có dịp sang Trung Đông, cụ thể là Lebanon trong thời gian nội chiến. Quốc gia này có khoảng 35-40% theo đạo Kitô, gồm Chính thống và Công giáo. Thời gian nội chiến, thành phố Beirut phân hai, với phía tây là đa số đạo Hồi. Trung tâm Beirut là khu vực giao tranh và không người lai vãng, nhưng ngay cả bên phía "Hồi giáo", đến Giáng sinh cũng có bày cây thông.Hình ảnh mừng Giáng sinh ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Ảnh: Đỗ KhPhố Hamra là phố chính ăn chơi và khu vực do Đảng Quốc gia xã hội Syria kiểm soát - đây là đảng cấp tiến thế tục, nhưng thành phần vệ binh là Kitô Chính thống giáo. Cạnh đó là khu người gốc Armenia cũng Kitô Chính thống giáo, và tất nhiên họ mừng Giáng sinh, nhưng theo lịch Chính thống của họ. Lịch này đi "chậm" hơn lịch phổ thông và ngày 25-12 trong lịch của họ là ngày 7-1 của ta. Cho tới Đảng Cộng sản Lebanon là lực lượng về phe "Hồi giáo" và tuy chính thức là vô thần, nhưng đảng viên gốc Kitô cũng nhiều, nên vào mùa Giáng sinh, phía tây Beirut cũng sao đèn nhấp nháy.Vạn giáo đồng quyVề mặt giáo lý, đạo Hồi coi Chúa Jesus là thiên sứ nên không có gì mâu thuẫn trầm trọng, đại khái tranh cãi là về nhất thể hay tam thể, hay giữa các giáo phái Kitô trước công đồng Nicaea, hay giữa Vatican và Kitô Copt (ở Ai Cập, Ethiopia, Jordan...).Tên Jesus ngay ở người Hồi cũng khá thông dụng (tiếng Ả Rập là Issa hay Eisa). Các thiên sứ Do Thái và Kitô trong Cựu ước và Tân ước cũng đều là thiên sứ của đạo Hồi - phiên bản gần đây nhất của dòng tôn giáo độc thần Abraham (tiếng Ả Rập là Ibrahim).Họ coi Cựu ước, Tân ước là thánh thư như kinh Koran và cùng thờ một thượng đế là Allah-Yahve-Jehovah. Đó là phát âm khác nhau để gọi cùng một đấng tối cao, chứ chẳng có "thánh Allah" nào riêng của đạo Hồi.Việc ăn mừng Giáng sinh ở khu vực đa số người Hồi vì vậy không bị cấm đoán, trừ tại Saudi trước đây, thời giáo phái Wahabi còn thịnh. Hầu hết các quốc gia đa số Hồi giáo đều có một thiểu số Kitô, nên việc ăn mừng không có gì lạ. Ngay tại Indonesia hay Pakistan là những nước nhiều người đạo Hồi nhất thế giới cũng có vài phần trăm Kitô.Ảnh: Đỗ Kh.Tại Trung Đông, Nhà nước Iran chính thức nhìn nhận lễ Giáng sinh tuy thiểu số Kitô dưới 1% dân số. Theo người Kitô Iran thì Ba vua mang lễ vật đến máng lừa Bethlehem là từ Iran. Tại Thổ Nhĩ Kỳ ăn mừng Giáng sinh tưng bừng nhất là ở Myra. Đây là xuất xứ của Thánh Nicolas, tức "ông già Noel" thứ thiệt, chứ không phải ông cỡi xe tuần lộc kéo từ Bắc Cực đi ngang trời. Hình ảnh "ông già Noel" râu bạc và áo đỏ mà ta biết ngày nay là do Công ty Coca-Cola phổ cập mới từ thập niên 1930 mà thôi. Thánh Nicolas là giám mục mà lúc sinh thời hay cho tiền kẻ khốn khó, tục tặng quà Giáng sinh từ đó mà ra. Ngài được giáo dân Kitô Chính thống thờ và nước Nga tặng cho một bức tượng. Thị trưởng Myra trước đó trên phố chính có cho bày tượng một ông già Noel áo đỏ, nhưng bị phê bình nên đã gỡ ông già Noel Mỹ đó đi.Tại UAE, tôi có gặp một cô người Philippines. Người Philippines tuyệt đại đa số là Công giáo rất sùng đạo, nên cô than là những năm lao động tại Saudi vào mùa Giáng sinh nhớ nhà chỉ ước ao được thấy cây thông. Tại UAE thì có cây thông khắp nơi và còn có cây thông đắt nhất thế giới. Tôi có đến xem cây thông đó và rất thất vọng. Nó chỉ cao khoảng 4-5m và ở trong sảnh mua sắm của khách sạn Palace of the Emirates tại Abu Dhabi.Cây thông này ngó cũng tầm thường và trang trí chẳng hoa đèn gì lộng lẫy cả. Thế tại sao nó lại đắt nhất thế giới? Chỉ là vì trên cây treo lủng lẳng nào vòng ngọc trai, vòng vàng, hột xoàn thiệt. Tuy nhiên nếu trang trí một cây thông như nhà tôi thủa bé, cao 1m và bằng ấy vòng thì mới đẹp, chứ cây 4m lại đâm ra rất loãng, chẳng thấy hột xoàn lấp lánh ở đâu, mà lại gần rờ thì họ không cho.Cội nguồn Giáng sinh và chủ nghĩa tiêu dùngHình tượng ông già Noel theo truyền thống... Coca-Cola. Ảnh: coca-cola.comKhắp Trung Đông, lễ Giáng sinh được ăn mừng vì Chúa Jesus sanh ra tại đó. Ngoài Palestine thì Lebanon là nơi được cho là Chúa biến nước thành rượu, Jordan là nơi Chúa rửa tội, Antakya ở Thổ Nhĩ Kỳ là nơi tông đồ truyền đạo, Syria là nơi Chúa chữa bệnh cho bá tánh, Iraq hiện vẫn còn cộng đồng nói tiếng Aramaic, tiếng nói của Jesus. Người Kitô ngày nay trong khu vực là thiểu số, nhưng hiện diện khắp Trung Đông từ ngày đầu của tôn giáo này, như một lẽ tất nhiên.Cấm đoán Giáng sinh tại Saudi trước đây chí ít là đã được gỡ từ 2022 trong dự án thay đổi vương quốc của thái tử Mohamad bin Salman, để theo gương UAE về mặt cởi mở. Abu Dhabi, ngoài cây thông đắt nhất thế giới, còn có đền Hồi mang tên "Đền Mariam, Mẹ của Eisa".Những năm tôi ở Mỹ là những năm Giáng sinh rộn ràng và có thể nói là vất vả nhất. Ở Mỹ bạn không phải đi lễ nửa đêm, nhưng trong nhà phải có cây thông. Cây thông nhà tôi không còn 1m như xưa, mà là 2,5m. Ngoài nhà bạn phải giăng đèn mở nhạc. Việc này nếu ta lười thì đã có dịch vụ, một hộ riêng nhờ giăng đèn trên mái phải mất 2.000 USD trở lên, và thường có khi tới 5.000-10.000 USD, để nhà mình lấp lánh được một tháng.Xe con cũng được trang trí, quần áo trên người cũng phải phù hợp với dịp lễ, kể cả nội y. Thảm chùi chân cũng phải là thảm Giáng sinh, bữa ăn ngày 24-12, bát đĩa ly chén, khăn chùi miệng cũng mô típ Giáng sinh nốt. Tốn kém và căng nhất là việc quà cáp. Tặng tiền thì không nói, nhưng những người gần gũi như trong gia đình thì phải mua quà vừa ý vừa nghĩa. Mua xong phải mang về lén lút giấu kín, đóng gói tinh tươm để sáng ngày 25 người nhận mới mở ra "ồ, à".Chiều 24 tại các cửa hàng mua sắm ta thấy những người chưa biết phải mua gì nhớn nhác, lo âu hiện lên nét mặt, cuống quýt vì sợ tới lúc điểm 0h mà chưa tìm đủ quà. Người Mỹ về tôn giáo có tin tưởng hơn người Pháp, nhưng khác biệt chính về ăn mừng giữa hai nước là ở chỗ tiêu dùng, chứ không phải đi lễ nhà thờ. Kinh tế Mỹ là kinh tế tiêu dùng. Yêu nước là mua sắm, và Giáng sinh là dịp để bày tỏ lòng yêu nước vô biên.Trung Đông hơn Trung Mỹ, Trung Âu hay Trung Á, Trung Phi là vào mùa Giáng sinh, họ có tại chỗ máng lừa (Palestine), có điểm xuất phát của Ba vua (Iran), có ông già Noel thật là Thánh Nicolas (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhưng ngay tại thành Myra, đức giám mục Nicolas của 17 thế kỷ trước giờ vẫn thua ông già áo đỏ của Coca-Cola!■ Là một gia đình khá giả nhưng ngoại đạo ở miền Nam thập niên 1960, tiếp cận đầu tiên của tôi với Giáng sinh như đã kể là vào năm 1965, khi người Mỹ bắt đầu đổ quân ào ạt, cùng với hàng tiêu dùng. Trước đó, tầm quan trọng của lễ Tây phương này không có mấy, dù gia đình tôi thuộc thành phần Âu hóa. Trước 1965 cây thông ít thấy, đồ trang trí, dây đèn giới hạn, giấy bọc quà Giáng sinh không dễ kiếm. Muốn hộp sôcôla ra hồn chỉ có một hai nơi ở Sài Gòn và bán chung với phó mát Camembert. Tại Trung Đông ngày nay cũng thế, Giáng sinh không phải là một lễ tôn giáo. Với người Hồi, người lương, nó được ăn mừng như một hình thức văn hóa và tiêu thụ, có tính phong trào và thời trang. Nó xâm nhập xã hội Trung Đông giống như lễ Tình nhân, lễ Halloween hay lễ… Black Friday. Trường hợp lễ Black Friday này, chiến tranh tôn giáo là "giáo lý" giảm giá 30% phải "giáo lý" giảm giá 50%. Tiêu dùng cũng thành một thứ đức tin, một khi các xã hội khá khẩm lên và dư dả ít nhiều. Tags: Mùa giáng sinhÔng già NoelThổ NHĩ KỳMiền Nam Việt NamMừng Giáng sinh
Tổng Bí thư Tô Lâm: Đổi mới, sắp xếp bộ máy là đòi hỏi rất cấp thiết THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là đòi hỏi rất cấp thiết trong tình hình thực tiễn.
Viện kiểm sát: Không có căn cứ giảm án tử hình cho bà Trương Mỹ Lan ĐAN THUẦN 25/11/2024 Ngày 25-11, phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB tiếp tục phần tranh luận. Các luật sư đề nghị không tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan, viện kiểm sát nói không có căn cứ giảm án.
Bộ Tài chính đề xuất sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân LÊ THANH 25/11/2024 Hôm nay 25-11, Bộ Tài chính chính thức xin lấy ý kiến góp ý rộng rãi về việc sửa đổi những bất cập của Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Nhà Trắng im ắng cả tháng sau bầu cử, ông Biden và bà Harris đang ở đâu? THANH HIỀN 25/11/2024 Ông Biden dường như đang giữ khoảng cách với truyền thông, bà Harris nghỉ phép để dành thời gian bên gia đình.