TTCT - Suốt 8 năm đi học phổ thông ở Pháp, hầu như năm nào con tôi cũng nhận được lời khen từ thầy hiệu trưởng; thế nhưng con chưa từng được nhận bất kỳ phần thưởng nào. Minh họa: Mai Ly Degnan/NPRVào những năm đầu tiên con mới tới trường, tôi khá bất ngờ khi nhận thấy trường học không có hình thức khen thưởng vào cuối kỳ hay cuối năm cho học sinh xuất sắc. Họ thậm chí chẳng tổ chức hay tham gia bất kỳ kỳ thi học sinh giỏi nào cả. Lễ bế giảng cuối năm chính là một lễ hội vui chơi giải trí. Hết một năm học, tôi biết được năm đó con tôi đã học được những gì, tiến bộ ra sao, cần cố gắng điều gì. Ngoài ra không có thông tin nào khác. Phần thưởng, thậm chí cả tờ giấy khen, là khái niệm chưa từng xuất hiện trong trí óc của học sinh.Dục tốc bất đạtTrong một buổi họp phụ huynh (cô giáo luôn gặp riêng từng phụ huynh), tôi hỏi cô giáo tại sao nhà trường không bao giờ trao phần thưởng cho học sinh có thành tích học tập xuất sắc. Cô giáo bèn kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây.Cô từng có một cậu học sinh thích đọc sách và bố mẹ cậu rất tự hào về điều này. Tuy nhiên, khi bắt đầu vào năm lớp 4, cậu bé có xu hướng đọc nhiều truyện tranh hơn vì hầu như bạn bè của cậu ai cũng đọc truyện tranh. Ngược lại, bố mẹ cậu cho rằng truyện tranh không có lợi lộc gì, ông bà cố ép cậu đọc những cuốn tiểu thuyết. Họ nghĩ rằng khi lên cấp II, việc đọc nhiều tiểu thuyết, đặc biệt là những cuốn tiểu thuyết kinh điển, là vô cùng cần thiết. Nhưng việc ép bằng lời nói có vẻ không hiệu quả.Mỗi năm học, bên cạnh kỳ nghỉ hè, học sinh đều có các kỳ nghỉ kéo dài 2 tuần. Khi cậu lên lớp 5, cứ hễ có kỳ nghỉ là mẹ cậu bắt đầu “hối lộ” để cậu đọc sách, cứ mỗi trang sách tiểu thuyết cậu đọc, bà sẽ cho cậu 5 xu. Dĩ nhiên hai bên đều vui, bố mẹ vui vì thấy con đọc sách; con vui vì kiếm được tiền.Tuy nhiên, bố mẹ cậu cũng sớm nhận ra rằng nếu như không nhận được khoản tiền “hối lộ”, cậu bé sẽ chỉ đọc truyện tranh mà thôi. Khi bố mẹ cậu không đưa tiền nữa, cậu bé cũng dừng hẳn việc đọc sách.Bố mẹ cậu rất đau khổ về việc này, tìm đến cô giáo để tìm lời khuyên. Khi cô hỏi cậu học sinh vì sao không đọc những cuốn tiểu thuyết nữa, cậu trả lời rất đơn giản (và có thể đoán được: “vì bố mẹ không còn thưởng tiền, cậu không thấy có động lực gì để đọc”. Lẽ ra, bố mẹ cậu đã có thể tìm một cách khác hay hơn để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách của cậu bé, nhưng ông bà lại chọn "hối lộ" bằng tiền, tuy có vẻ nhanh và cho kết quả ngay lập tức, nhưng lại làm nguội tắt tình yêu đó. Cô giáo đúc kết: trường học là nơi không chỉ dạy kiến thức cho các cháu, và khen thưởng cho các cháu vì những thành tích xuất sắc các cháu đạt được làm rạng danh trường. Mục đích chính của trường học là giúp học sinh nuôi dưỡng, phát triển động lực nội tại để các cháu yêu thích việc học tập và hiểu rằng lĩnh hội tri thức chính là con đường giúp các cháu phát triển bản thân.Chưa kể, mỗi học sinh đều là một cá thể khác biệt, có năng lực khác nhau, không thể và không nên so sánh với nhau. Vì thế, kết thúc năm học, mỗi học sinh đều đáng được ghi nhận theo hình thức khác nhau. Ghi nhận thế nào thì các giáo viên đã thể hiện vào bảng điểm cuối kỳ gửi cho học sinh. Điểm số hay thành tích không phải là mục tiêu cuối cùng của giáo dục, cho nên trường không có hình thức khen thưởng cho phần này. Ảnh: The Paid LineĐộng lực bên trong và động lực bên ngoài “Động lực bên trong” và “động lực bên ngoài” là hai khái niệm chính trong lý thuyết Tự quyết định (Self-Determination) do hai nhà tâm lý học Deci và Ryan xây dựng và phát triển trong những năm 1980. Hai khái niệm này được sử dụng để lý giải về hành vi của con người, về những động cơ đằng sau mỗi hành động.Khi chúng ta đọc một cuốn sách để tránh bị phạt hay để được nhận phần thưởng là ta đã hành động dưới sự thúc đẩy của động lực bên ngoài. Ngược lại, khi đọc sách vì yêu thích, ta cảm thấy việc đó mang lại niềm vui và không bị bất cứ thành tích, phần thưởng hay hình phạt nào thôi thúc thì đó chính là động lực bên trong. Chính bản thân hoạt động đọc sách đã là phần thưởng đối với ta rồi.Qua thực nghiệm, Deci & Ryan (2000) đã nhận thấy rằng khi có động lực bên trong, con người hành động vì lợi ích, vì sự quan tâm và thích thú của chính bản thân họ. Các hoạt động vui chơi, khám phá, hành động vì tò mò thể hiện rõ nhất những hành vi do động lực bên trong thúc đẩy. Bởi những hành vi này thuần túy mang lại sự thỏa mãn và vui thích, chứ không hề chịu bất kỳ áp lực hay sự thôi thúc nào từ bên ngoài. Nhiều nghiên cứu của các nhà tâm lý học giáo dục cũng đã tìm thấy mối quan hệ tích cực giữa động lực bên trong và thành tích học tập.Mặt khác, các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy rằng động lực bên trong của học sinh giảm dần qua các năm học - ít nhất là đối với các hoạt động liên quan tới trường học. Có thể đây là một lý do khiến các bố mẹ có xu hướng sử dụng phần thưởng (động lực bên ngoài) để khuyến khích con học.Sự ghi nhận, tranh đua và điểm số đều có giá trị trong môi trường giáo dục. Đối với một số học sinh, động lực bên ngoài có thể góp phần thúc đẩy học sinh hoàn thành những nhiệm vụ cụ thể mà bản thân họ không thích thú. Nhiều nhà giáo dục đồng ý rằng động lực bên ngoài có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng và mạnh mẽ hơn động lực bên trong (theo Gina Riley, Đại học New York, Hoa Kỳ).Tuy nhiên, nhà nghiên cứu thần kinh học Kou Murayama (Đại học Munich, Đức) và các cộng sự đã quan sát thấy rằng khi không còn được hứa hẹn phần thưởng nếu đạt thành tích tốt, người ta sẽ không còn cảm thấy giá trị/ý nghĩa của việc thực hiện nhiệm vụ thành công nữa. Họ cũng không có động lực để thể hiện sự chú tâm khi thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, những phần thưởng, nếu không được sử dụng một cách khéo léo và hợp lý, sẽ sớm trở thành con dao hai lưỡi.Trong suốt quãng đời đi học, phần thưởng giá trị nhất mà các học sinh ở Pháp được nhận là dành cho kỳ thi tú tài (tốt nghiệp cấp III). Họ xem đây là một dấu mốc cuộc đời, kết thúc một thời kỳ học đường và các em chuẩn bị bước sang một trang mới: học đại học. Thông thường, vào thời điểm này các em sẽ xa nhà, bắt đầu cuộc sống tự lập, thậm chí phải tự trang trải cho cuộc sống. Chính vì thế, ủy ban nhân dân thành phố thường trao tiền thưởng cho các học sinh đoạt loại giỏi trong kỳ thi tú tài. Phần thưởng lớn nhỏ tùy thuộc vào độ giàu nghèo của thành phố, có thể từ 500 euro cho đến 2.000 euro (khoảng 13-55 triệu đồng).Cũng từng có trường hợp nhiều học sinh nhận phần thưởng và sau đó lại dùng số tiền này sung quỹ, vì cho rằng việc này là bất bình đẳng. Thứ nhất, họ được thành tích tốt là do họ có điều kiện gia đình và học tập tốt hơn những bạn khác. Thứ hai, thành tích này không thể hiện được rằng họ nỗ lực nhiều hơn những học sinh khác.Thi cho ai?Qua một vòng khảo sát về hoạt động giáo dục tại các nước Anh, Pháp và Đức, tôi phát hiện ra rằng các nước này cũng có không ít kỳ thi dành cho học sinh giỏi: thi hùng biện, thi lập trình, thi toán, thi cờ vua, thi sáng tác truyện, thi làm thơ, thi vẽ... Tuy nhiên, những kỳ thi này đều được tổ chức độc lập và ít gắn với danh tiếng của nhà trường.Riêng nước Pháp có rất nhiều kỳ thi toán khác nhau dành cho các cấp. Các kỳ thi này đều thông qua một tổ chức mang tên Animath - cộng đồng dành cho những người yêu thích toán. Bất kỳ ai cũng có thể đăng ký tham gia dự thi. Kỳ thi lựa chọn thí sinh cho cuộc thi Olympic toán quốc tế cũng được thực hiện theo hình thức này. Mọi người đến với sự yêu thích môn toán, chứ không phải những quyền lợi kèm theo, cũng không mang trên mình trọng trách mang lại danh tiếng cho nhà trường.Nếu đoạt giải cao, cùng lắm, nhà trường sẽ gửi một bức thư thông báo đến toàn trường kèm theo lời khen ngợi chứ chẳng có một lễ trao phần thưởng nào trịnh trọng cả. Phần thưởng lớn nhất chính là được ghi nhận thông qua cuộc thi đó rồi. Suy cho cùng, thành tích học tập xuất sắc cũng rất đáng tự hào, và bản thân người có thành tích được hưởng lợi đầu tiên. Còn những nghĩa cử tốt đẹp ngay lập tức có thể góp phần thay đổi cuộc sống của nhiều người và giúp xã hội phát triển tốt hơn. Đó là tinh thần mà có lẽ bất kỳ xã hội nào, cộng đồng nào cũng mong chờ ở những công dân của mình.■Ở nước Anh, thay vì vinh danh những học sinh đạt thành tích học tập xuất sắc, người ta thường ca ngợi các học sinh vì những việc tốt/cử chỉ tốt mà họ đã làm. Hằng năm tờ báo Daily Mirror đều trao giải thưởng mang tên “Niềm tự hào nước Anh” để ghi nhận người tốt việc tốt của công dân nước họ. Trong khuôn khổ giải thưởng này có hạng mục Trẻ em/Thiếu niên dũng cảm nhằm ca ngợi những hành động của thanh thiếu niên nhằm góp phần giúp cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đó ta tìm thấy những câu chuyện về lòng dũng cảm, về tấm lòng nhân hậu, về lòng biết ơn, về tinh thần lan tỏa những điều tử tế. Tags: Học sinhPhápGiấy khenKhen thưởng
Thuế nào chống đầu cơ bất động sản hiệu quả? TS Phan Phương Nam (Trường đại học Luật TP.HCM) 18/12/2024 1720 từ
Thủ tướng: Phải nhân lên những concert như Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai THIÊN ĐIỂU 18/12/2024 Khi chỉ đạo ngành văn hóa cần xây dựng cách làm hay, mô hình tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển, Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ hai concert Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai hay đội bóng chuyền nữ quốc gia để nhân rộng thêm.
Xây dựng Đảng vững mạnh, lựa chọn cán bộ đủ tầm để phát triển TP.HCM trong kỷ nguyên mới CẨM NƯƠNG 18/12/2024 Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải đề nghị tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng Đảng vững mạnh.
Đại cử tri đoàn chính thức bầu ông Trump làm tổng thống Mỹ: Không có sự 'phản bội' nào TRẦN PHƯƠNG 18/12/2024 Cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn Mỹ khớp với kết quả truyền thông đưa tin sau cuộc bầu cử tháng 11, qua đó chính thức bầu ông Trump là tổng thống tiếp theo.
Đàm Vĩnh Hưng đổi luật sư, vụ kiện chồng của ca sĩ Bích Tuyền được phục hồi? HOÀI PHƯƠNG 18/12/2024 Bầu sô Dũng Taylor - chồng ca sĩ Thu Phương - vừa thông tin diễn biến mới nhất vụ ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng kiện ông Gerard Williams, chồng ca sĩ Bích Tuyền.