TTCT - Sáng chủ nhật trời mưa rả rích, tôi khoác áo mưa đi đến lò bánh mì chỉ cách nhà không đầy 5 phút đi bộ. Mua xong, tôi ghé sang bên kia đường mua số báo Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Một hình ảnh nao lòng đập vào mắt tôi: ông lão bán báo đứng co ro cạnh cột điện bên đường. Những tờ báo bày la liệt thường ngày trên lề đường giờ đã được cuốn lại thành bó để trên yên xe đạp. Tôi cảm thông nỗi buồn của ông: cơn mưa kéo dài thì báo bán chậm và báo ế bây giờ không còn được trả lại như hồi trước. Phóng to Ảnh: nguyenuthang@... Vừa nhác thấy tôi, không đợi hỏi, ông đã lấy báo ra đưa. Tôi trả tiền và an ủi: “Hôm nay chắc nhiều người ngại mưa lười đi mua báo hả ông?”. Ông cười: “Tôi không lo báo ế đâu chú ơi! Phần lớn khách mua báo của tôi là khách quen. Tạnh mưa thế nào họ cũng đến lấy. Mà hôm nào báo có tồn lại nhiều tôi đem gửi nhờ những sạp báo ở Bệnh viện 115 bán giùm. Mấy chỗ này bán suốt ngày, ế cũng chẳng bao nhiêu”. Như để chứng minh cho lời ông, vừa ngớt mưa thì liên tục có người ghé mua báo. Ai cũng ra đi chóng vánh vì họ vừa dừng xe là ông đã cầm sẵn những tờ báo trong tay rồi. Ông lão chìa tờ giấy bạc 10.000 đồng và bảo: “Ông nhà giáo về hưu này thương tôi lắm. Ngày nào cũng lấy hai tờ TT và TN và đưa tiền chẵn, không khi nào nhận hai ngàn thối lại. Tôi nhớ mãi cái hôm ông giáo mua báo lần đầu đưa tôi tờ năm chục ngàn rồi đi luôn. Tôi gọi lại trả ông giáo mới hay mình trả lộn tiền. À, để tôi đưa chú coi cái này”. Ông lui cui lục trong chiếc túi nhỏ giơ cho tôi xem cái thiệp cưới màu đỏ và cười: “Hà hà... Chú xem này, hôm qua một ông bác sĩ Bệnh viện 115 mua báo quen từ mấy năm trước gửi cho tôi thiệp mời dự tiệc cưới con trai ở nhà hàng Bách Việt quận nhất. Nghe đâu tiệc đặt ở đây sang lắm, sợ phải đi tiền nhiều, tôi không dám nhận nhưng ông bác sĩ nói tôi đừng ngại tốn kém gì cả. Tiền mừng không thành vấn đề, chỉ cần tôi có mặt là ông vui lắm rồi”. Đợi tôi xem xong chiếc thiệp, ông lão cất lại cẩn thận vào chiếc túi rồi ngước mắt nhìn tôi phân bua: “Ông ấy nói thế chứ tôi tính rồi, sẽ bỏ phong bì đúng mức để không ai xem thường mình“. Vừa lúc đó trời mưa trở lại có phần nặng hạt hơn. Tôi chào ông ra về. Hình ảnh ông lão bán báo ven đường thật thà, vui tính được nhiều người yêu mến còn đọng lại trong tâm trí tôi suốt cả đoạn đường. Cái mắt kính ở lăng Ông Nhật ký thân mến, Sáng nay loay hoay tập thể dục ở lăng Ông Bà Chiểu thế nào mà trước khi về phát hiện thấy mất cái mắt kính, thầm nghĩ “thôi rồi, một nơi thênh thang như vậy làm sao mà kiếm lại được, lại phải mất toi hơn triệu bạc nữa đây”. Đang rầu rĩ thì thấy anh công nhân vệ sinh quét rác, thôi cứ đến hỏi đại xem sao, và ngạc nhiên chưa, anh ấy liền dắt mình đến bậc thềm khuôn viên trồng cỏ, chỉ vào cái mắt kính tội nghiệp nhỏ xíu đang nằm kia: “Có phải cái này không anh?”, “Ồ, đúng rồi...Cảm ơn anh nhiều nha”. Nhưng anh đã phân trần: “À, chắc ai thấy rồi lượm để đó, chứ không phải tui lượm đâu, tui chỉ thấy nó ở đó thôi”. Vậy là ngoài anh ra còn ít nhất một người tốt bụng nào đó nữa trong nhóm người xung quanh đây. Tôi thầm cảm ơn anh và những người xung quanh, vì tin chắc rằng có rất nhiều người tử tế thầm lặng nữa. Vịt con xấu xí Nhật ký thân mến, Chuyện xảy ra trong một hiệu sách. Hiệu sách nhỏ nhưng khá đông khách vì giá cả hữu nghị. Với người quen, chủ tiệm có thể bớt hơn 30% trên mỗi đầu sách, có quyển chỉ lời 3%, theo lời anh. Vợ chồng chủ tiệm còn trẻ, có một con gái chừng 3-4 tuổi. Hiệu sách chật, khách vào xem nhiều nên sách để khá lộn xộn. Con bé còn nhỏ chẳng biết gửi đi đâu nên cha mẹ để em chơi luôn trong tiệm sách, yếu tố góp phần gây mất trật tự cho những đầu sách để trong tầm em với. Tôi đang chọn sách bỗng nghe một người khách trẻ ào vào hỏi quyển Vịt con xấu xí. Khách phân trần: “Con bé ở nhà đọc ở đâu đó thấy thích, cứ bắt ba đi tìm cho ra vịt con xấu xí”. Vợ chồng chủ tiệm biết là có quyển sách này, nhưng tìm hoài trong mớ sách thiếu nhi mà không thấy. Họ đang hỏi nhau thì cô bé đã lẫm chẫm đi lại đưa ra quyển Vịt con xấu xí. Mọi người ồ lên khen ngợi bé. Nhưng cô bé khóc, vì mẹ đã bán Vịt con xấu xí đi rồi... TTCT cảm ơn các bạn: Phạm Trần Giao Linh, Hoài Sang, Yên Khanh, Nguyễn Thị Minh Ly, Hồng Hạnh, Phạm Văn Trung, Nguyễn Đình Thăng, Đoàn Đại Trí, Bảo Thanh, Lê Thủy Lệ... đã gửi bài viết cho mục Nhật ký thành phố. Mọi thư từ, bài vở cộng tác mục này xin gửi: tuoitrecuoituan@tuoitre.com.vn, mục Nhật ký thành phố.
Kim Nguyen Baraldi: Đọc sách là lúc thời gian có nhịp điệu khác... ZÉT NGUYỄN THỰC HIỆN 08/05/2025 3245 từ
Truyền hình trực tiếp: Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Nga 09/05/2025 Ngày 9-5, Matxcơva tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng, đánh dấu 80 năm chiến thắng vang dội của Hồng quân Liên Xô và các nước Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít, tạo tiền đề quan trọng chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II.
Đại biểu: Xăng là mặt hàng thiết yếu, không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt THÀNH CHUNG 09/05/2025 Đại biểu Nguyễn Trường Giang chỉ rõ xăng là mặt hàng thiết yếu của người dân, đầu vào của nhiều ngành sản xuất, vì vậy không nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Học sinh lớp 3 bị tông chấn thương sọ não, phải 'sống đời thực vật' nhưng chưa ai chịu trách nhiệm KHẮC TÂM 09/05/2025 N. chở em ruột bằng xe đạp trên đường làng thì bị xe gắn máy chạy cùng chiều tông khiến cả hai phải vào bệnh viện. Người em bị thương nhẹ, còn N. bị chấn thương sọ não, tổn thương 90% nhưng công an không khởi tố vụ án hình sự.
Đông nghịt người Hà Nội lại xếp hàng từ 4h sáng để chờ làm thủ tục hành chính, vì sao? PHẠM TUẤN 09/05/2025 Tại Hà Nội, rất đông người dân xếp hàng dài từ cổng ra tận vỉa hè từ 4h sáng ở trung tâm phục vụ hành chính công để chờ lấy số thứ tự làm thủ tục hành chính, lý do vì sao?