Chuyện tiếng Anh 2021

NGUYỄN VŨ 28/12/2021 03:10 GMT+7

TTCT - Giả thử có một thầy giáo dạy tiếng Anh ở trường phổ thông ngủ một giấc từ năm 2010 nay mới tỉnh, ắt thầy sẽ gặp khá nhiều khó khăn khi đọc tiếng Anh những năm gần đây.

 
 Ảnh: nolisoli.ph

Ví dụ câu này trên báo năm 2019: Six months ago, Sam Smith, the 27-year-old singer, said they did not feel male or female, but “I flow somewhere in between”. Tự nhiên ở đâu ra từ “they” mặc dù trước đó báo chưa đề cập đến ai ngoài ca sĩ Sam Smith. Hóa ra một số người không xác định giới tính, gọi là “non-binary”, thích dùng đại danh từ nhân xưng “they” thay vì “he/she” như thường thấy.

Câu trên còn có thể đoán được nhờ văn cảnh khá rõ; còn đến khi các nhân vật “non-binary” này được tường thuật bình thường như bao nhân vật khác, thử hỏi đọc báo thấy câu “You are going to meet my friend Poppy today, I hope you like them” - có ai không chững lại một giây và thắc mắc “them” ở đây là ai vậy?

Trong 5-10 năm qua, hàng loạt từ và khái niệm mới xuất hiện trong tiếng Anh, người không theo dõi dòng chảy thời sự sẽ lúng túng khi gặp những từ hay khái niệm này. Đọc câu “Courteney Cox decided to binge-watch Friends during quarantine”, người chưa thuê bao Netflix để coi phim bộ trực tuyến ắt chưa biết từ binge-watch, chỉ mới dùng phổ biến từ năm 2012, để chỉ việc coi liên tục nhiều tập phim, hết tập này đến tập khác.

Dù sao các từ mới xuất hiện như “binge-watch” cũng còn dễ phát hiện vì thấy lạ, phải tra cứu, phải tìm hiểu. Cái khó là những từ quen thuộc nhưng vài năm qua được gán cho nghĩa mới, lấn lướt nghĩa cũ như “woke”, ai không quen cứ tưởng là dạng quá khứ của “wake” (thức). Thoạt tiên từ này được dùng như một tính từ nói lên tình trạng ý thức rõ những bất công của xã hội, nhất là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Nhưng gần đây, chính những người mà từ này nói đến lại phản đối nó, cho rằng nó hàm ý họ “quá đáng” trong việc lên án các bất công này, kiểu “He lost because he wasn’t ‘woke’ enough” (ông ta thất cử vì “giác ngộ” chưa đủ đô).

Một cuốn sách vừa xuất bản có tựa đề San Fransicko – Why Progressives Ruin Cities. Trong khi “San Fransicko” chỉ là cách tác giả chơi chữ để nói đến tình trạng người vô gia cư tràn ngập, làm hỏng thành phố San Francisco, từ “progressive” là một từ cũ, nghĩa thông thường là tiến bộ. Nhưng “progressive” ở đây để chỉ những người theo xu hướng cực tả ở Mỹ; dưới sự lãnh đạo của những người này, số lượng người vô gia cư ở San Francisco tăng gấp đôi, cứ 100 dân có 1 người vô gia cư. Quan điểm “tiến bộ” của những người này buộc họ phải ưu ái cho người vô gia cư được thoải mái sống theo ý thích đến nỗi dựng lều cho 262 người sống trong một khu công viên, giá duy trì mỗi lều như thế lên đến 61.000 đôla mỗi năm, tức gấp 2,5 lần tiền thuê một căn hộ một phòng ngủ ở đây.

Nói cách khác, thế giới đã thay đổi khá nhiều trong 10 năm qua nên tiếng Anh cũng thay đổi theo, rõ nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, ngôn ngữ dùng trên mạng xã hội, cách trò chuyện của lớp trẻ. Cái hay là giới trẻ tiếp cận rất nhanh với loại tiếng Anh này nên không thấy khó khăn gì nhiều; khó là cho lớp già hơn vì thường các từ như thế được giữ nguyên chứ không ai dịch ra tiếng Việt cả. Có gắng dịch cũng đành chịu với các từ như “status”, “tweet”, “doxxing” (từ ngắn mà nghĩa dài: quấy rối bằng cách công khai thông tin của người khác mà không được phép)…

Khó hơn nữa là những khái niệm mới toanh, tiếng Việt chưa có mà để nguyên tiếng Anh cũng ít ai hiểu cho cặn kẽ. Chẳng hạn trong lĩnh vực tiền mã hóa, hàng trăm từ mới được sinh ra chỉ trong mấy năm gần đây như “pump and dump” (bơm giá rồi bán tháo), “whale” (những người sở hữu một lượng bitcoin lớn nhưng ít tham gia mua bán), “DeFi” (thị trường tài chính phi tập trung), Dex/Cex (sàn phi tập trung/tập trung)…

Nhưng có tác động thay đổi lớn nhất cho tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ của nhân loại nói chung là đại dịch COVID-19. Những từ như “super-spreader” (người hay sự kiện gây lây lan dịch mạnh), “lockdown” (phong tỏa) hay “self-quarantine” (Mỹ), “self-isolate” (Anh) (tự cách ly) trước khi có dịch rất hiếm người dùng; những từ khác như “bubble” (hành lang an toàn), “social distancing” (giãn cách xã hội), “zooming” (học hay họp qua mạng với phần mềm Zoom) nay mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Có những hành vi như “handshake” (bắt tay) nay đổi thành “elbow bump” (chạm cùi chỏ) đang dần trở thành cách chào hỏi phổ biến.

Điều hay là vì nước nào cũng chịu ảnh hưởng bởi COVID-19 nên các khái niệm mới nảy sinh được du nhập và đi vào ngôn ngữ thường ngày một cách nhanh chóng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận