Chuyện ủy ban và nhãn hiệu

SỸ PHU 21/08/2016 15:08 GMT+7

LTS: Sau khi TTCT đăng bài “Bún bò Huế ủy ban” (số 31-2016, ra ngày 14-8), bạn đọc vẫn gửi thư đến tòa soạn nêu những thắc mắc rất cụ thể, chính đáng, chẳng hạn “nếu Huế không đăng ký như thế mai này thương hiệu Bún bò Huế rơi vào tay nước ngoài thì sao?”.

Minh họa: Đức Trí
Minh họa: Đức Trí

Xin trở lại đề tài này, với thể loại báo chí giải thích - một nỗ lực lớn hiện nay của báo chí nhằm cạnh tranh với các nguồn thông tin khác. Câu hỏi ít người thắc mắc nhất nhưng lại là nền tảng của vấn đề: Vì sao khi thì nói “thương hiệu”, khi lại nói “nhãn hiệu”?

Câu chuyện pháp lý

Mở Luật sở hữu trí tuệ ra, kể cả luật sửa đổi bổ sung, tìm đỏ mắt cũng không thấy từ “thương hiệu” đâu cả. Luật chỉ dùng từ “nhãn hiệu”. Đó là bởi “thương hiệu” là từ dùng trong quản trị kinh doanh, là từ giới marketing ưa dùng; còn “nhãn hiệu” là từ mang ý nghĩa pháp lý, mới liên quan đến việc đăng ký, bảo hộ hoặc tranh chấp...

Thương hiệu, theo ngôn ngữ của các nhà quản trị, chỉ tồn tại trong tâm trí người tiêu dùng. Ví dụ khi nói tới Honda, nhiều người tiêu dùng Việt Nam nghĩ ngay đến xe máy kèm cảm nhận là “bền”, “chạy tốt”; iPhone là “sang”...

Với nhãn hiệu, ta thường thấy gắn kèm các từ TM hay R trong vòng tròn (™ hay ®); nhãn hiệu chưa đăng ký thì ghi TM, đăng ký rồi thì ghi R. Doanh nghiệp (DN) dùng từ “thương hiệu” với khách hàng để xây dựng cái cảm nhận họ muốn có ở khách hàng về sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Và họ dùng từ “nhãn hiệu” với các cơ quan quản lý hay với giới luật sư, sau khi đăng ký thì quay sang các hoạt động xây dựng thương hiệu rất công phu và bền bỉ.

Câu hỏi tiếp: vì sao các quan chức tỉnh Thừa Thiên - Huế khi thì dùng “nhãn hiệu tập thể”, khi thì dùng “nhãn hiệu chứng nhận”?

Đó là bởi họ dùng sai. Giả thử nhiều gia đình ở một địa phương như huyện Phong Điền cùng sản xuất chiếc nón lá, họ bèn cùng nhau đăng ký “Nhãn hiệu tập thể: Nón lá Phong Điền” rồi cứ làm nón lá, nay bán có thương hiệu ngon lành.

Nói cách khác, nếu UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế muốn đăng ký “Bún bò Huế” thành một nhãn hiệu tập thể thì bản thân ủy ban phải đứng ra sản xuất và bán bún bò cùng các thành viên khác - một điều không tưởng! Khi xin đăng ký một nhãn hiệu tập thể như thế, UBND Thừa Thiên - Huế phải có trong tay danh sách các tiệm bún bò là thành viên của mình theo yêu cầu của luật, lại một điều không tưởng khác!

Vậy chỉ còn lại khả năng đăng ký “nhãn hiệu chứng nhận”. Trong khi “nhãn hiệu” là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau thì “nhãn hiệu chứng nhận” là “nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa...”, nghe gần giống những gì Huế muốn làm.

Làm chủ “nhãn hiệu tập thể” thì phải cùng các thành viên bán hàng, còn làm chủ “nhãn hiệu chứng nhận” thì, theo luật, không được sản xuất kinh doanh món hàng đó.

Khổ nỗi yếu tố quan trọng nhất để đăng ký một nhãn hiệu chứng nhận là người đăng ký phải là chủ sở hữu nhãn hiệu đó.

Ví dụ “Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn” là một nhãn hiệu chứng nhận, chủ nhãn hiệu này phải dày công tổ chức cho người tiêu dùng bình chọn, từ đó mới có quyền cấp phép cho DN nào có hàng hóa được bình chọn được dùng logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

UBND Thừa Thiên - Huế đâu phải là chủ nhân nhãn hiệu “Bún bò Huế”? Hơn nữa, bản thân “Bún bò Huế” đâu phải là nhãn hiệu, đâu thể dùng để phân biệt với bún bò Đà Nẵng, hay bún bò Phú Quốc?

Trong cơ sở dữ liệu “Thư viện số về sở hữu công nghiệp” của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, ta sẽ thấy 13 nhãn hiệu đã được đăng ký nhưng cụm từ “bún bò Huế” chỉ là một thành phần của nhãn hiệu; thành phần mang tính phân biệt nằm ở tên như “Bún bò Huế Nhân Trí”, “Bún bò Huế thực phẩm Cầu Tre”, “Bún bò Huế mạ ơi”...

Khả năng Cục Sở hữu trí tuệ đồng ý cho UBND Thừa Thiên - Huế đăng ký “Bún bò Huế” là một nhãn hiệu chứng nhận vì vậy rất thấp. Vậy Huế phải làm sao để bảo vệ thương hiệu “Bún bò Huế” không để nó rơi vào tay nước ngoài như nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre...?

Cái này liên quan một khái niệm khác: “chỉ dẫn địa lý”. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể; ví dụ nước mắm sản xuất ở nơi khác không thể mang tên nước mắm Phú Quốc, gạo Nàng Thơm Chợ Đào chỉ có thể có ở vùng Mỹ Lệ, Long An.

Các nơi này muốn bảo hộ độc quyền thương hiệu thì đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bún bò Huế không phải là chỉ dẫn địa lý vì ở Sài Gòn nấu đúng cách, dùng đúng nguyên liệu và gia vị, ta vẫn có thể có tô bún bò Huế đúng điệu.

Hơn nữa “bún bò Huế” là “tên gọi, chỉ dẫn đã trở thành tên gọi chung của hàng hóa ở Việt Nam” nên, theo luật, không được bảo hộ với danh nghĩa chỉ dẫn địa lý.

Chúng ta phải kiện nếu DN Thái Lan bán nước mắm ở Mỹ mà cứ rao “nước mắm Phú Quốc” nhưng một cửa tiệm người Hàn Quốc bán bún bò Huế thì đã sao? Họ đang thay mặt UBND Thừa Thiên - Huế vinh danh, quảng bá một nét văn hóa ẩm thực của Huế, không cảm ơn họ đã đành, sao lại băn khoăn chuyện mất thương hiệu?

Có người Ý nào băn khoăn khi thấy các cửa hàng bán pizza ở Sài Gòn?

Ủy ban không nên làm chủ nhãn hiệu nào cả

Cứ giả định UBND Thừa Thiên - Huế đăng ký thành công nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” - rồi sao nữa?

Vì “nhãn hiệu” phải trở thành “thương hiệu” trong tâm trí người dùng nên ủy ban sẽ phải có chiến dịch marketing cho bún bò Huế với logo cách điệu - điều vừa tốn kém, vừa công phu, phải cử người đi giám sát các quán đăng ký tham gia có tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận này không, cử người đi “ngửi” xem bún có:

dậy mùi thơm của nước bún, bao gồm mùi của thịt, sả, hành quyện vào nhau, trong đó mùi sả thơm nồng hơn, bên cạnh còn có mùi thơm nhẹ của các loại rau gia vị, ruốc và không có mùi lạ khác”, hay “nếm” xem bún có “ngon, ngọt đậm đà của các loại thịt và xương hầm, cay vị ớt, không có vị lạ khác. Ăn xong vẫn còn vị của bún bò Huế không lẫn với vị của thực phẩm khác(trích dự thảo quy chế).

Một UBND không thể làm những chuyện đó, dù có giao cho tổ chức nào khác quản lý nhãn hiệu cũng vậy.

Vậy nếu Huế muốn duy trì các sản vật truyền thống của địa phương như mè xửng, ruốc Huế, nón lá Huế, dầu tràm Lộc Thủy, làng đúc đồng ở Phường Đúc... thì phải làm sao? Đó cũng là công việc của chính quyền địa phương, sao lại hoài nghi hay giễu cợt?

Đây thực chất là câu chuyện đang thời sự: Nhà nước đóng vai trò gì, điều hành nền kinh tế hay kiến tạo phát triển?

Ước muốn duy trì, bảo tồn và phát triển các sản vật độc đáo của địa phương là điều đáng quý, nhưng với tư duy Nhà nước “điều hành - quản lý” thì sẽ bắt đầu bằng việc soạn quy chế để quản, ban hành lệnh để độc quyền và áp dụng cơ chế xin - cho để chứng tỏ quyền uy.

Với cách nhìn Nhà nước “kiến tạo phát triển” thì địa phương đứng qua một bên, tìm mọi cách để khuyến khích người dân tự làm những việc như họ đã làm từ ngàn đời nay rồi tìm cách hỗ trợ, khích lệ họ.

Ví dụ, thay vì đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Bún bò Huế”, tại sao UBND Thừa Thiên - Huế không giao cho ngành du lịch tổ chức các cuộc thi làm bún bò Huế được bình chọn là “nguyên bản” nhất, hợp khẩu vị nhất; giao cho ngành văn hóa tổ chức cuộc thi viết về bún bò Huế sao cho khách du lịch nào nghe xong cũng muốn về Huế dùng thử.

Cùng lắm thì khuyến khích tập thể những người bán bún bò Huế tự đứng ra đăng ký nhãn hiệu tập thể chứ ủy ban dính vào chuyện đó làm gì...

Trong Luật sở hữu trí tuệ, khi nói đến quy chế nhãn hiệu chứng nhận, luật đòi phải có một số nội dung, trong đó có “Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có”.

Thay vì bỏ tiền ra để tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân như trên, nếu ủy ban cứ chăm chăm bắt các chủ quán “nộp chi phí” để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu, là tài sản trí tuệ của cả tập thể từ lâu đời thì rõ ràng đây không phải là “kiến tạo phát triển” gì cả, đây chỉ là một biểu hiện rõ nét nhất của “điều hành, quản lý xin - cho” kiểu cũ.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận