Có cơ hội nào khác?

NGUYỄN ĐÌNH BÍCH 13/05/2017 02:05 GMT+7

Vấn đề cốt lõi của Việt Nam là tổ chức lại ngành chăn nuôi và tìm con đường xuất khẩu chính ngạch cho thịt heo Việt Nam.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức điểm bán thịt heo tại TP Biên Hòa để giúp người chăn nuôi (ảnh chụp ngày 30-4) -A Lộc
Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã tổ chức điểm bán thịt heo tại TP Biên Hòa để giúp người chăn nuôi (ảnh chụp ngày 30-4) -A Lộc

 

Với những diễn biến đã nêu về tình hình thịt heo ở thị trường Trung Quốc  có thể nói khoảng 200.000 tấn thịt heo dư thừa của Việt Nam, theo ước tính của các nhà quản lý hiện nay, bắt nguồn từ việc Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch.

Khi nguồn cung của thị trường Trung Quốc không đủ đáp ứng nhu cầu, giá thịt heo tăng cao, các thương nhân nước này nhanh chóng đẩy giá mua thịt heo của Việt Nam, khiến nông dân Việt Nam quyết định tăng đàn heo.

Sau 8 năm trồi sụt rất thất thường, tổng đàn heo của nước ta năm 2013 là 26,3 triệu con. Nhưng những năm liên tiếp gần đây đều tăng: năm 2015 tăng 3,7%, năm 2016 tăng 4,8%, khiến đàn heo lên tới 29,1 triệu con. Việc đàn heo hai năm vừa qua tăng mạnh trong khi gần 10 năm trước đó đứng yên đủ chứng minh điều đó.

Do giữa hai nước chưa có thỏa thuận về việc thịt heo Việt Nam có thể xuất khẩu vào Trung Quốc, nên khi các nhà quản lý Trung Quốc kiểm soát gắt gao hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch, giá heo hơi của người chăn nuôi “tuột dốc không phanh” trong những tháng vừa qua.

Nếu không có gì thay đổi, năm nay và ít nhất là cả năm 2018 sắp tới sẽ là giai đoạn tổng đàn heo của Việt Nam đi xuống, ít nhất là “giậm chân tại chỗ” giống như các giai đoạn 2005-2008, hoặc 2011-2014 đã qua.

Trong tình hình này, tất cả các giải pháp như kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm giá cám để hỗ trợ người chăn nuôi hay kêu gọi các cơ sở giết mổ tăng cường mua heo để cấp đông đều là những điều có thể làm.

Nhưng vì bản chất của hệ thống phân phối thức ăn chăn nuôi là tìm kiếm lợi nhuận, cho nên “lời hiệu triệu” này có “thấm” đến các đại lý trực tiếp bán cám cho người chăn nuôi hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Chưa kể, giá thức ăn chăn nuôi diễn biến theo chiều hướng nào là phụ thuộc vào cán cân cung - cầu. Do vậy, khi người chăn nuôi buộc phải bán tháo đàn heo rồi treo chuồng, hay những ai vẫn phải duy trì đàn heo đang buộc heo phải “sống cầm hơi”... thì đương nhiên nhu cầu cám giảm, cho nên giá cám buộc phải giảm là vấn đề có tính quy luật.

Việc kêu gọi các cơ sở giết mổ tăng cường mua heo để cấp đông sẽ rất ít tác dụng bởi công nghiệp giết mổ của Việt Nam rất bất cập, khó giúp giải cứu đàn heo quá lớn hiện nay.

Tất cả những điều trên cho thấy một trong những giải pháp mấu chốt không chỉ hiện nay mà cả trong nhiều năm tới là đàm phán với Trung Quốc để heo “made in Vietnam” thoát khỏi tình trạng nhập khẩu bất hợp pháp vào thị trường này.

Thịt heo "made in Vietnam" có khả năng cạnh tranh?

Dự báo gần đây nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy trong 10 năm tới, tuy chăn nuôi heo của Trung Quốc sẽ đều đặn tăng 7,7 triệu con/năm, nhưng mức tăng như vậy cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng khổng lồ của nước này, cho nên bình quân sẽ phải nhập khẩu 2,3 triệu tấn mỗi năm.

Không những vậy, vẫn theo cơ quan này, trong 10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng thịt nói chung của Trung Quốc (bao gồm thịt heo, thịt bò và gia cầm) vẫn tiếp tục cao hơn năng lực của ngành chăn nuôi, nên nhập khẩu thịt nói chung sẽ tăng từ 3,4 triệu tấn lên 4,4 triệu tấn.

Tuy nhập khẩu “khủng” như vậy, nhưng tiêu dùng thịt nói chung bình quân đầu người của Trung Quốc sau 10 năm nữa cũng chỉ mới đạt 60kg, bằng một nửa so với Hoa Kỳ hiện nay.

Trung Quốc đã trở thành thị trường nhập khẩu thịt heo lớn nhất thế giới và có nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục nhập khẩu trong nhiều năm tới.

Dù có diện tích lãnh thổ mênh mông gần 9,6 triệu km², Trung Quốc có không gian thuận lợi để phát triển chăn nuôi heo hơn hẳn Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, gần 3/4 số dân khổng lồ (1,38 tỉ người) của Trung Quốc lại tập trung vào chỉ hơn 1/4 lãnh thổ làm ra 85% GDP của đất nước, mật độ dân số ở đây cao gấp 8 lần so với khu vực còn lại.

Chính vì vậy, mô hình chăn nuôi heo nhỏ lẻ gắn với hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường nặng nề đã bị kiểm soát gắt gao, trong khi chăn nuôi trang trại quy mô lớn tách xa khu dân cư lại rất khó khăn về địa điểm, giá đất.

Bên cạnh đó, do Chính phủ Trung Quốc áp dụng chính sách trợ giá “khủng” cho ngô và lúa mì, đồng thời phải nhập khẩu “khủng” đậu tương từ châu Mỹ, cho nên giá thức ăn chăn nuôi cao cũng gây khó khăn cho chăn nuôi. Trong điều kiện như vậy, chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ của Trung Quốc rất khó phát triển.

Chúng ta nên làm gì?

Mở được cánh cửa sang thị trường khổng lồ của người Trung Quốc sẽ giúp Việt Nam gỡ được “nút thắt” để ngành chăn nuôi phát triển nhanh và bền vững trong nhiều năm tới. Gần ba thập kỷ qua, xuất khẩu thịt heo của Việt Nam ì ạch ở mức 20.000 - 30.000 tấn/năm, rất thiếu thị trường để phát triển.

Nhưng quan trọng hơn, nếu gỡ được “nút thắt” nói trên, liệu thịt heo “made in Vietnam” có khả năng cạnh tranh được với các đối thủ đáng gờm chủ yếu là châu Âu và Bắc Mỹ hay không?

Câu trả lời là hoàn toàn có thể, bởi hai lẽ: Một là, tuy bị thất thế về giá thức ăn chăn nuôi so với châu Mỹ do phải nhập khẩu nguyên liệu từ chính châu Mỹ (châu Âu chủ yếu sử dụng lúa mì có giá cao hơn nhiều), nhưng bù lại, chúng ta có lợi thế không bàn cãi về chi phí lao động rẻ hơn nhiều và chi phí vận chuyển, bảo quản thấp hơn hẳn.

Hai là, tập quán của người Trung Quốc ưa chuộng thịt tươi không khác gì người Việt Nam, cộng với sở thích “chuộng heo mỡ”, tất cả các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam (chủ yếu heo siêu nạc) đều phải “chào thua”.

Do vậy, một khi tháo được “nút thắt” xuất khẩu chính ngạch, thịt heo “made in Vietnam” có thể thua kém phần nào ở phân khúc thịt đông lạnh cho các bữa ăn công nghiệp, nhưng có lợi thế tuyệt đối ở nhóm đối tượng tiêu dùng hộ gia đình.

Chỉ cần khối lượng nhập khẩu khoảng 1/5, thậm chí chỉ 1/10 nhu cầu của Trung Quốc cũng đã đủ để ngành chăn nuôi nước ta phát triển mạnh. Bên cạnh chất lượng bảo đảm là yếu tố quan trọng hàng đầu, các yếu tố về thị trường gần, có thể điều tiết nhập khẩu linh hoạt, đồng thời đáp ứng đúng thị hiếu cũng mang lại lợi ích rất khó có thể bỏ qua của quốc gia nhập khẩu này.

Nếu dự báo Trung Quốc trở thành quốc gia nhập khẩu thịt heo số 1 thế giới là đúng, vấn đề cốt lõi của Việt Nam là tổ chức ngành chăn nuôi như thế nào để thuyết phục các nhà quản lý Trung Quốc tháo “nút thắt” xuất khẩu chính ngạch cho thịt heo Việt Nam. Bằng không, vòng xoáy thiếu, thừa và “giậm chân tại chỗ” của ngành chăn nuôi heo nước ta chắc chắn vẫn tiếp diễn. ■

Việc ép các siêu thị giảm giá thịt heo không làm tăng cầu của thị trường, ngược lại còn làm cho doanh thu của toàn bộ ngành sụt giảm. Để tăng lượng tiêu thụ thịt heo, chính quyền có thể áp dụng chính sách thu mua thịt heo từ các vùng sản xuất lớn, vận chuyển đến các vùng sâu, vùng xa, những nơi không có điều kiện để ăn thịt heo do giá cao trước đó.

“Lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu” có thể sẽ hữu dụng trong thời gian ngắn để giải quyết bài toán thịt heo đang dư thừa.

Đồng thời, có rất nhiều giải pháp lâu dài khác. Cách mà Trung Quốc đang làm với chỉ số giá heo có thể là một tham khảo tốt.

Thông tin về chỉ số giá heo trong quá khứ, hiện tại và tương lai là thông tin quan trọng cần cung cấp cho thị trường để dựa vào tín hiệu đó nông dân tự điều tiết, các nhà nghiên cứu và báo chí có thể dựa vào đó để lên tiếng cảnh báo cho nông dân khi giá heo ở hiện tại đạt đỉnh của các chu kỳ trước, giúp nông dân tự điều chỉnh sản lượng của mình.

Các con số thống kê nhu cầu tiêu thụ, sản lượng nuôi cần được công bố và cập nhật kịp thời cho nông dân.

Các chuyên gia nghiên cứu về chu kỳ giá nông sản có thể cảm nhận được rủi ro khi giá thịt heo tăng lên, nông dân quyết định tăng đàn nhưng họ không thể đưa ra những con số thuyết phục được thị trường nuôi heo nếu không có những con số thống kê cụ thể từ các cơ quan nhà nước, nơi có điều kiện thu thập các con số thống kê. Khi không có các con số thống kê, tất cả đều chỉ là đoán mò và dựa trên suy luận.

Xây dựng sàn giao dịch tương lai (futures exchange): Nông dân luôn có nhu cầu cố định giá heo trong tương lai. Để làm được điều đó thì Nhà nước cần xây dựng một sàn giao dịch tương lai không những cho thị trường thịt heo mà còn cho các thị trường khác.

Trong lĩnh vực tài chính, hợp đồng tương lai (futures contract) là một hợp đồng chuẩn hóa giữa hai bên nhằm trao đổi một tài sản cụ thể có chất lượng và khối lượng chuẩn hóa với giá thỏa thuận hôm nay (gọi là giá tương lai - futures price, hay giá xuất phát) nhưng lại giao hàng vào một thời điểm cụ thể trong tương lai (ngày giao hàng). Các hợp đồng này được giao dịch thông qua sàn giao dịch tương lai. Khi có thị trường tương lai, nông dân sẽ dựa vào đó để điều chỉnh sản lượng ở hiện tại.

Bộ Nông nghiệp cần xây dựng một cơ quan tập hợp các chuyên gia hiểu biết sâu sắc về sự biến động của thị trường nông sản, dự đoán diễn biến thị trường, xây dựng các kịch bản để ứng phó khi giá nông sản giảm mạnh là điều cần thiết.

Cơ quan đó cũng là nơi phát ngôn, giải thích vì sao thị trường biến động.

Bên cạnh đó, chu kỳ giá heo ở Việt Nam liên quan chặt chẽ đến chu kỳ giá heo tại Trung Quốc, tuy nhiên các thông tin về giá heo ở Trung Quốc, các quyết định tăng giảm sản lượng của nông dân Trung Quốc rất khó được cập nhật tại Việt Nam khiến việc dự đoán của các nhà nghiên cứu trở nên khó khăn, việc ra quyết định đầu tư của các doanh nghiệp, nông dân do vậy cũng khó khăn và chỉ có thể dựa vào tín hiệu giá hiện tại để ra quyết định.

Do đó, cần xây dựng một bộ phận chuyên thông tin về những biến động của thị trường Trung Quốc.

Bạch Huỳnh Duy Linh

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận