Cỗ máy giết người

MẠNH KIM 24/02/2009 21:02 GMT+7

TTCT - 30 năm sau khi chế độ Khơme Đỏ bị tiêu diệt, 13 năm sau khi phiên xử được đề xuất và gần ba năm sau khi phiên tòa được thiết lập, bánh xe công lý đã trở lại với phiên xử đầu tiên liên quan bị cáo Duch cùng tội danh thảm sát khoảng 17.000 người vô tội tại “lò sát sinh” Tuol Sleng mà hắn chỉ huy (trong khoảng 1,7 triệu người chết bởi Khơme Đỏ giết hoặc bởi đói khát, bệnh tật từ năm 1975-1979).

Phóng to
Tên đao phủ Duch

Hắn có dáng vẻ khó nhìn, cái đầu to quá khổ như mọc lên từ phần thân gầy, thấp. Hai vành tai lớn càng tạo ra một bộ mặt kỳ lạ. Hàm răng gần như rụng hết, chỉ còn lại vài cái răng sâu đen đúa. Cặp mắt lờ đờ, không sinh khí. Bàn tay trái bị cụt mất một phần ngón trỏ khiến phần còn lại cong vào như móng vuốt, hậu quả của một tai nạn từ lần chùi súng hồi năm 1983. Cách đây hơn ba thập niên, hắn - Kang Khek Ieu (tự Duch) - là một trong những tên đao phủ nguy hiểm và tàn bạo nhất của Khơme Đỏ...

Cuối tháng 4-1999, phóng viên báo Far Eastern Economic Review (FEER) đã tiếp cận được tên đao phủ khét tiếng này ở Battambang, trước khi bị Chính phủ Campuchia giải về Phnom Penh ngày 9-5-1999. Bí mật của cỗ máy giết người tại trại giam Toul Sleng đã được đưa ra ánh sáng.

Bộ mặt tên đao phủ tàn bạo

Phóng to
Và hàng trăm ngàn người bị tra tấn dã man
Buổi gặp gỡ đầu tiên giữa Duch và phóng viên FEER diễn ra ngày 22 và 26-4-1999 trong cái chòi của hắn nằm trong khu rừng rậm ở tây Campuchia. Đứa cháu gái của hắn đang mang thai và nằm sõng soài trông như bị hôn mê. Đứa con trai ngồi gần đó, cái chân gỗ của nó là kết quả của một vụ đạp mìn vào năm 1985. Bên ngoài cái chòi, mìn vẫn còn ẩn giấu khắp nơi, như vết tích còn lưu lại của thời diệt chủng...

Kể lại những hành động man rợ đã làm trước đây, Duch - còn được gọi là Ta Pin hay Hong Pen, cầu nối trực tiếp giữa các thủ lĩnh Khơme Đỏ và guồng máy giết người - trông có vẻ bình tĩnh. Song hắn đã bật khóc và tỏ vẻ ân hận khi đưa ra các bản sao lệnh giết người mà trên đó có chữ ký của mình.

Duch nói rằng các mệnh lệnh được ban ra từ ban lãnh đạo cấp cao của Khơme Đỏ: “Thượng cấp đầu tiên của tôi là Vorn Vet thời chiến tranh. Sau năm 1975, tôi báo cáo trực tiếp công tác của mình với Son Sen. Tháng 7-1978, tôi được chuyển sang bộ phận do Nuon Chea quản lý, khi Son Sen đến phía đông chỉ huy cuộc chiến chống lại bộ đội VN”. Duch đã giết Vorn Vet tại Tuol Sleng sau khi tên này bị thanh lọc. “Ta Mok đích thân bắt Vorn Vet tại nhà riêng. Lúc đó, Ke Pok cũng có mặt. Anh ta chui xuống giường trốn vì quá sợ. Vợ của Nuon Chea đã kể lại với tôi chuyện này”.

Duch tiết lộ thêm: “Quyết định bắt tất cả phụ nữ, trẻ em và thân nhân của những người bị tình nghi (trong chiến dịch thanh lọc) được chính quyền địa phương thực hiện. Bất cứ ai liên can đến thành phần tình nghi đều bị giết sạch”.

Phóng to
Göng cuâm trong möåt xaâ lim Tuol Sleng

Duch cho biết ảnh chụp tất cả tù nhân đều được gửi đến Tuol Sleng để cấp lãnh đạo Khơme Đỏ biết chắc thành phần chống đối mình đã nằm trong rọ. “Với một số người (nạn nhân), Nuon Chea còn buộc tôi phải đưa cho hắn các ảnh chụp cảnh hành hình để biết chắc họ đã bị khử.

Lệnh bắt Hu Nim - bộ trưởng thông tin Khơme Đỏ - do toàn thể ủy ban trung ương quyết định nhưng Nuon Chea và Son Sen trực tiếp tiến hành. Việc bắt người là chuyện thường ngày của Nuon Chea và Son Sen. Nuon Chea chỉ huy cỗ máy giết người và nhân vật thứ hai là Son Sen (Son Sen bị ám sát chết vào tháng 6-1997). Cả Vorn Vet và Ieng Sary đều không có mặt tại cuộc họp năm 1978 khi ban lãnh đạo Khơme Đỏ ra quyết định thực hiện cuộc thanh lọc ở khu vực phía đông. Son Sen và Nuon Chea giết rất nhiều cán bộ. Tôi không biết tại sao”. Những người bị bắt đều phải buộc thừa nhận mình là tình báo của CIA và của VN...

Duch kể: “Mỗi bản khai của các nạn nhân đều được sao thành bốn bản. Tôi nộp bản chính cho Son Sen và giữ một bản tại Tuol Sleng. Son Sen trao một bản cho Nuon Chea và tên này trao tiếp cho những người khác tùy từng vụ việc. Sau tháng 7-1978, tôi trực tiếp nộp các bản khai cho Nuon Chea [...]. Tôi có một đường dây điện thoại đặc biệt tại nhà để liên lạc trực tiếp với Son Sen. Nuon Chea ít nói chuyện qua điện thoại. Hắn muốn tôi báo cáo ngay tại văn phòng. Nhưng Son Sen rất thích liên lạc bằng điện thoại và hắn nói rất nhiều, đôi khi hơn một giờ”.

Giữa thập niên 1980, Khơme Đỏ đã cảm thấy sự bất ổn của chế độ mình và tìm cách hủy bỏ chứng cứ. “Ngày 25-6-1986, Son Sen hỏi tôi về những hồ sơ ở S-21 (bộ máy an ninh quốc gia của Khơme Đỏ, tức trại Tuol Sleng). Tôi buộc phải nói với hắn sự thật rằng Nuon Chea chẳng hề thông báo gì về việc bộ đội VN đang đổ sang Campuchia”. Chính vì chuyện này nên Duch không kịp tiêu hủy hết giấy tờ liên quan đến tội diệt chủng của Khơme Đỏ.

Phóng to

Khoảng 1,7 triệu người đã bị Khơme Đỏ giết hại

Tuol Sleng - trung tâm của mạng lưới nhà tù và trại hành quyết trên đất Campuchia thời thập niên 1970 - là một ngôi trường cũ bị biến thành trại giam để nhốt ít nhất 16.000 người bị cho là “phản bội” cùng thân nhân họ. Chỉ vỏn vẹn bảy người sống sót từ trại giam này.

Thành phần bị bắt là những cán bộ “không trong sạch” và nhất là “không xuất thân từ nông dân”. Chiến dịch thanh lọc của Khơme Đỏ ngày càng dã man theo thời gian. Đầu tiên, những vụ bắt bớ xảy ra ở phía bắc, rồi tây nam, tây bắc và phía đông.

Những tuần cuối cùng của năm 1978, Tuol Sleng chật kín người. Duch được lệnh Nuon Chea tiến hành “bắn giết tất cả, không cần hỏi cung”. Khi bộ đội VN tiến vào Campuchia ngày càng sâu, Nuon Chea ra lệnh giết luôn một người Việt mà Duch muốn giữ lại để gây sức ép... Thi thể các nạn nhân ở Tuol Sleng bị quẳng vào những hố chôn tập thể ở ngoại vi thị trấn. Ngoài Tuol Sleng còn có một nhà tù khác ở Cherie O’Phnoe thuộc tỉnh Kampot, do tên tướng một chân Ta Mok (tức “anh Năm”) phụ trách (tên này chết ngày 21-7-2006).

Duch thừa nhận cách tra tấn của hắn còn dã man hơn Ta Mok. Cách giết “kẻ thù của đất nước” thường là bằng súng nhưng cũng có khi bằng cách cắt cổ. “Chúng tôi giết họ như giết gà” - Duch nói. Được hỏi tại sao phải giết trẻ em và phụ nữ, Duch cho biết tất cả những ai đã bị bắt đều phải mất mạng. Dường như sự tàn bạo mà Duch đã làm cũng như nỗi sợ hãi các tên thủ lĩnh vẫn còn ám ảnh nên Duch thường nhắc đến chúng bằng tên tắt, sợ rằng có ai đó nghe thấy...

Bóng ma Khơme Đỏ

Phóng to
Hàng triệu người bị mất nhà cửa

Chế độ diệt chủng Khơme Đỏ đã thảm sát 1,7 triệu người Campuchia chỉ trong vài năm cầm quyền của những cái đầu bệnh hoạn. “Cái đầu” lớn nhất là Pol Pot đã chết năm 1998, gần một năm sau khi ra lệnh giết bộ trưởng quốc phòng Son Sen của mình (cùng vợ hắn là Yun Yat và nhiều thân nhân). Đến nay, Nuon Chea (nhân vật thứ hai sau Pol Pot trong tổ chức Khơme Đỏ), Ieng Sary (ngoại trưởng) lẫn Khieu Samphan (“nguyên thủ quốc gia”) đều bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến “cánh đồng chết”. Nuon Chea, Ieng Sary cho rằng mình chẳng tội tình gì!

“Khi Pol Pot ra lệnh, thỉnh thoảng cũng có bất đồng nhưng tôi chỉ thực hiện những gì ông ta yêu cầu. Tôi thật sự không biết gì về các vụ thảm sát” - Ieng Sary từng trả lời phỏng vấn báo Cambodia Daily. Hồ sơ điều tra - dựa vào các bức điện tín, biên bản những cuộc họp, báo cáo từ các trại tù, sổ tay các viên chức Khơme Đỏ - kết luận: “Không ai trong những người chịu trách nhiệm về cái chết của gần một phần ba dân số Campuchia thời Khơme Đỏ lại có thể nói họ không hề biết gì”. Ngoài phần thông tin liên quan đến Ieng Sary, hồ sơ này còn cho thấy vai trò của Nuon Chea trong kế hoạch, phương án thảm sát cùng vai trò cụ thể của năm tên thủ lĩnh Khieu Samphan, Ta Mok, Kae Pok, Sou Met và Meak Mut. Tội của vợ Ieng Sary là Ieng Thirith cũng bị lột trần. Hơn nữa, còn có nhiều bằng chứng cụ thể khác.

Phóng to
Những nạn nhân bị thảm sát man rợ tại nhà tù Tuol Sleng

Với nhiều người Campuchia, Khơme Đỏ vẫn là bóng ma ám ảnh khôn nguôi. Cuộc thăm dò 1.000 người Campuchia năm 2008 do Trung tâm nhân quyền thuộc Đại học California - Berkeley thực hiện cho biết gần 1/2 đối tượng được hỏi nói rằng họ vẫn thấy bất an khi sống gần các cựu thành viên Khơme Đỏ 2/3 nói rằng họ muốn những tên cựu cán bộ Khơme Đỏ phải chịu đau khổ theo cách nào đó và 40% cho biết họ sẽ trả thù nếu có cơ hội.

Cụ Chum Mey, 77 tuổi, một trong những người may mắn sống sót từ trại giam tử thần Tuol Sleng, nói rằng đến tận giờ ông vẫn kinh sợ Duch đến mức thậm chí không dám nhìn vào mắt hắn trong phiên xử sơ bộ tháng 11-2008. “Chúng tra tấn tôi ngày đêm trong ba tháng ròng. Chúng rút móng tay rồi gắn điện vào tai tôi. Mắt tôi như muốn nổ ra”... Ký ức kinh hoàng của cụ vẫn còn hằn sâu nơi nhiều nạn nhân khác.

Phóng viên BBC Guy De Launey ghi nhận: hiện là tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Campuchia, Pum Chantinie còn nhớ như in ngày mà bà lê từng bước và đẩy chiếc xe gỗ tự đóng trên quãng đường hàng trăm kilômet trở về Phnom Penh vào tháng 1-1979 sau khi Campuchia được bộ đội VN giải phóng khỏi ách Khơme Đỏ. Ngôi nhà tan hoang chẳng còn lại gì ngoài mớ dây kẽm gai chằng chịt trước cổng. Những người thân sống sót gặp lại đều khóc than kể khổ và sự tàn bạo của Khơme Đỏ. Họ hỏi tôi: “Tại sao? Tại sao?”, tôi chỉ có thể trả lời rằng mình không bao giờ có thể hiểu tại sao, tại sao chúng làm như vậy với gia đình chúng tôi và với người dân Campuchia”...

Tin, bài liên quan:

Bắt đầu phiên tòa xét xử lãnh đạo Khơme Đỏ
Kết thúc phiên điều trần xét xử Duch
Sự sòng phẳng của lịch sử

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận