TTCT - Các tổ chức tập thể của người lao động đang không theo kịp những thay đổi thực tế, nhất là do công nghệ. Ảnh: New StatesmanElena (không phải tên thật), 33 tuổi, là một chuyên gia thiết kế đồ họa. Cô làm việc cho hãng quảng cáo hàng đầu ở Rome, Ý, từ tháng 10-2019. Khi tuyển dụng Elena, công ty đề nghị với cô hợp đồng học việc mức lương 400 euro/tháng (lương tối thiểu không chính thức ở Ý là 1.176 euro/tháng và lương trung bình là 2.475 euro/tháng vào năm 2021, theo take-profit.org). Hợp đồng nói công việc của Elena có tính chất "thời vụ", nhưng trên thực tế, cô phải làm việc toàn thời gian, giờ giấc cố định, có mặt ở văn phòng mỗi ngày, và chịu sự giám sát liên tục."Sau 8 tháng, cuối cùng họ cũng đề nghị ký hợp đồng với tôi - Elena kể với equaltimes.org - Nhưng đó là một hợp đồng thời vụ trá hình. Trong đó ghi tôi sẽ làm việc 16 tiếng mỗi tuần với mức lương 600 euro/tháng". Trên thực tế, cô làm việc toàn thời gian, và có thu nhập tất cả 1.200 euro, nhưng 600 euro kia đưa tiền mặt, không có trong hợp đồng. Phải tới năm 2021, tức hai năm sau khi vào làm cho công ty, Elena mới có một hợp đồng lao động đúng nghĩa kèm mức lương thực sự hợp pháp: 1.450 euro/tháng.Cô vẫn còn may mắn, vì ở công ty hiện chỉ 3/10 chuyên gia thiết kế đồ họa là có hợp đồng đầy đủ. "Những người kia còn rất trẻ. Họ tới rồi đi, công ty đổi người liên tục". Elena xin không nêu tên, vì cô sẽ phải bám trụ ở chỗ này: "Theo tôi biết thì những nơi khác còn tệ hơn. Các công ty quảng cáo lớn và nổi tiếng nhất là tồi tệ nhất".Cuộc vật lộn chungCâu chuyện của Elena là điển hình cho cuộc vật lộn mỗi ngày của rất nhiều lao động trẻ trên toàn thế giới: công việc bấp bênh, tương lai bất định và gần như không có bất kỳ sự bảo vệ nào. Thị trường lao động toàn cầu - do những đứt gãy mà công nghệ tạo ra, sự tập trung hóa vào tay một số hãng xưởng lớn nhất ở từng quốc gia lẫn tầm thế giới và các quy định "cởi trói" của chính quyền - đang trở thành "nơi của luật rừng mà người sử dụng lao động là vua", equaltimes.org bình luận.Theo trang thống kê chính thức của châu Âu Eurostat, Ý là nước có tỉ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao thứ hai châu Âu. Chỉ 31,1% những người từ 15-29 tuổi ở nước này có việc làm. Đáng nói hơn, trong số đó gần một nửa (47%) làm việc theo các hợp đồng ngắn hạn (so với chỉ 13,7% ở người lao động từ 35 tuổi trở lên). Tuyệt đại đa số làm việc trong lĩnh vực được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau: "kinh tế chia sẻ", "lao động thời vụ", "lao động vùng xám", "lao động bấp bênh"…, mà điểm chung là không phúc lợi, không tổ chức công đoàn, và tương lai không có gì chắc chắn. Tương ứng, gần 50% lao động Ý ở độ tuổi 30-34 chỉ có thu nhập từ 8.000 - 16.000 euro mỗi năm, theo phân loại ở nước này là "nghèo cùng cực" hoặc "chỉ đủ sinh tồn".Đó là một thế hệ đã phải "hứng chịu hết cuộc khủng hoảng này tới cuộc khủng hoảng khác". Giống như nhiều nơi trên thế giới, họ bước vào thị trường lao động giữa đỉnh điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu, vào quãng 2007-2008, mất việc hàng loạt vì đại dịch COVID năm 2020, rồi giờ phải đối mặt với cú sốc lạm phát nghiêm trọng nhất trong vòng nửa thế kỷ. Câu chuyện ở Ý đặc biệt gần gũi với thị trường lao động ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì nhiều lẽ.Salvatore Corizzo - luật gia về lao động của Văn phòng Lao động hành nghề tự do và bấp bênh, một công đoàn của các tầng lớp thấp nhất trong xã hội, giải thích: "Thị trường lao động Ý, thay vì được thúc đẩy bởi cách tân công nghệ, đã luôn bù đắp cho lợi nhuận sụt giảm bằng cách ép giá lao động xuống thấp hơn". "Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chính trị và công đoàn đã hạn chế mạnh khả năng cơ động của người làm công… Hàng loạt quy định từ những năm 1990 tạo ra tình trạng hợp đồng bấp bênh vô hạn định, không có những đảm bảo hay bù đắp về mặt xã hội". "Sự linh hoạt của người lao động được quảng cáo thật ra chỉ là sự linh hoạt của giới chủ. Hợp đồng linh hoạt đồng nghĩa những nhân công mới giờ được đối xử chính xác như hàng hóa, có thể mua bán, trao đổi và vứt bỏ khi cần thiết".Những nỗ lực tự tổ chức của người lao động, trong khi đó, đang rơi vào giai đoạn có lẽ là yếu ớt nhất trong lịch sử.Một cuộc biểu tình của công đoàn ở Ý. Ảnh: IndustriALLRiêng động cơ xã hội là không đủ2022 là một năm nhiều ồn ào với phong trào lao động Mỹ. Những tin tức về nỗ lực lập công đoàn thành công ở một nhà kho của Hãng Amazon tại thành phố New York, cửa hàng Apple ở khu ngoại ô Baltimore, hay một số tiệm cà phê Starbucks khơi lại cuộc thảo luận về công đoàn, nhưng đó thật ra chỉ là những sự kiện đơn lẻ, yếu ớt, khó thể gọi là chiến thắng cho người lao động.Walter Olson - chuyên gia về lao động ở Viện Cato, Mỹ - phân tích trên báo The Economist: "Theo số liệu của Cục Thống kê lao động, tỉ lệ người lao động Mỹ tham gia công đoàn năm ngoái [2021] đã giảm từ 10,8% xuống còn 10,3%, bằng với năm 2019 [trước dịch COVID], quá ít ỏi so với 20,1% năm 1983, và thua xa mức đỉnh 34,8% năm 1954". Thêm nữa, phần lớn người lao động tham gia công đoàn làm ở lĩnh vực công lập. Ở lĩnh vực tư nhân, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 6,1%.Sự sụt giảm càng đáng nói ở chỗ trong những năm gần đây, đặc biệt là từ sau khủng hoảng tài chính 2008, quan điểm trên truyền thông đại chúng Mỹ về công đoàn nhìn chung đã xoay chuyển theo hướng tích cực hơn nhiều. Nhiều thập niên trước năm 2000, công đoàn ở Mỹ bị nhìn nhận khá tiêu cực. Cả một thế hệ các kinh tế gia lừng lẫy cổ xúy cho chủ nghĩa tự bản tự do lên án công đoàn là độc quyền, khiến tình trạng năng suất thấp kéo dài, cản trở cách tân, hay đơn giản là bảo vệ lợi ích nhóm của đám lao động "thủ cựu", thường là đàn ông da trắng sắp tới tuổi nghỉ hưu.Nhưng các tổ chức của người lao động ở Mỹ ngày nay là một hình ảnh hoàn toàn khác. "Dễ nhìn thấy nhất là ở lĩnh vực truyền thông", Olson phân tích. "Những người trẻ, có ăn học và gia nhập công đoàn ở những nơi như Vox, BuzzFeed, New York Magazine và New Yorker. Công đoàn cũng xuất hiện nhiều ở một số tổ chức từ thiện và có tính cách tranh đấu". Ngoài ra, công đoàn phổ biến hơn ở các ngách ngành nghề hẹp: công nhân làm bia thủ công ở San Francisco, nhân viên bảo đảm an toàn cho các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết trên rặng núi Rocky hay giảng viên đại học.Đặc điểm chung là những ngành nghề này thu hút lớp lao động trẻ, cấp tiến, có quan điểm mạnh mẽ về các vấn đề xã hội và "coi công việc không chỉ là để hưởng lương". Những con số nói lên ưu tiên của họ: 46% thành viên công đoàn có bằng cử nhân (cao hơn mức trung bình của Mỹ là 38%). Phụ nữ nhiều hơn nam giới và gần 40% công đoàn viên không phải người da trắng (so với 25% trong xã hội).Biểu tình đòi thành lập công đoàn ở Amazon. Ảnh: CNBCTrong quá khứ, công đoàn là tiếng nói tập thể để phản ứng với các chính sách bất lợi cho người lao động và thương lượng điều kiện làm việc đặc thù. Tuy nhiên, hai ưu thế cơ bản đó của công đoàn đã suy giảm nhiều ở khắp mọi nơi, vì ngày nay người lao động có những phương tiện khác để lên tiếng. Nói ví dụ, ứng phó với các quyết định sa thải hay kỷ luật vô lý giờ có thể hiệu quả hơn qua mạng xã hội hay một vụ kiện tụng đình đám. Đồng thời, một phần lớn những công việc từng là ổn định, an toàn, có lương hưu, kèm các phúc lợi, giờ đã có thể dễ dàng biến thành công việc thời vụ và tạm bợ, nhờ công nghệ.Có vẻ riêng ý thức xã hội và đầu óc cấp tiến của những người trẻ sẽ không đủ để ngăn sự suy giảm vai trò và chức năng của các công đoàn, vốn cũng đứng trước thách thức như mọi tổ chức truyền thống khác, trong một thế giới đang thay đổi quá nhanh.■Nước Mỹ hiện có một chính quyền thân thiện với công đoàn. Phe Dân chủ đã lập luận rằng sự suy yếu của công đoàn làm gia tăng bất bình đẳng. Tổng thống Joe Biden được nhìn nhận là "người thân thiện với công đoàn nhất kể từ thời Franklin Roosevelt", theo Quỹ Century, một tổ chức nghiên cứu cánh tả. Mới ngày 9-12 vừa rồi, ông Biden đã tuyên bố: "Giai cấp trung lưu dựng lên nước Mỹ, và công đoàn dựng lên giai cấp trung lưu". Do không đủ ưu thế ở Quốc hội, phe Dân chủ chưa thể thông qua những đạo luật thân công đoàn tham vọng nhất của ông Biden, nhưng họ vẫn có những thắng lợi nhất định. Lấy ví dụ, Đạo luật giảm bớt tác động lạm phát đã được thông qua sẽ tài trợ cho những dự án xanh nhiều hơn với các nhà thầu chính phủ sử dụng công nhân "có đăng ký" và trả lương cao hơn cho người lao động có tham gia công đoàn. Tags: Người lao độngLao động trẻThiết kế đồ họaHợp đồng lao độngThị trường lao độngTổ chức công đoànKhủng hoảng tài chínhĐiều kiện làm việcElenaMỹKhủng hoảng chính trịTương lai bất định
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Lãi suất huy động bắt đầu 'nóng' ÁNH HỒNG 24/11/2024 Tính từ đầu tháng 11 tới nay có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có cả những ngân hàng trong nhóm Big4.
Tin tức thế giới 24-11: Lính Nga đánh ở Ukraine được xóa nợ; Châu Âu sắp cạn dự trữ khí đốt TRẦN PHƯƠNG 24/11/2024 Đạt thỏa thuận các nước giàu trả 300 tỉ USD cho các nước nghèo tại COP29; Ông Trump chọn cựu cố vấn làm bộ trưởng Nông nghiệp.
Tin tức sáng 24-11: Sóng tăng giá chung cư lan đến Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định TUỔI TRẺ ONLINE 24/11/2024 Một số tin tức đáng chú ý: PGBank chuyển trụ sở chính sang Thành Công Tower, tiết lộ số tiền thuê; Một sếp của Dược phẩm Cửu Long xin nghỉ vì 'không thể bố trí thời gian'; Những ngành nào dễ tìm việc ở Hà Nội cuối năm?