TTCT - Lê Thị Trang (1986) - phó giám đốc Trung tâm GreenViet - là 1 trong 10 nhà bảo tồn trên thế giới vừa được vinh danh là “Anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học” nhờ những nỗ lực bảo vệ điểm nóng đa dạng sinh học ở VN, nổi bật là hoạt động tại bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng. Lê Thị Trang trong hoạt động tuyên truyền về thiên nhiên Sơn Trà tại Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, Đà Nẵng. Ảnh: GreenVietĐây là giải thưởng uy tín do Quỹ đối tác Hệ sinh thái trọng điểm (CEPF) trao cho cá nhân xuất sắc của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn, công bố nhân Ngày quốc tế về đa dạng sinh học 2020 (22-5) và kỷ niệm 20 năm thành lập quỹ này.* GreenViet là một tổ chức nhỏ, mới hơn 8 tuổi. Điều gì đem lại thành công sớm của tổ chức?- Có thể coi đây là một thành công về bảo tồn trong thời gian ngắn. Từ năm 2012, 2013, cộng đồng và chính quyền địa phương hầu như chỉ muốn biến Sơn Trà thành một điểm du lịch vì có tầm nhìn đẹp, vị trí đắc địa. Hồi đó, hỏi ai họ cũng không biết Sơn Trà có gì quý, có người nói: chắc chỉ có khỉ với cỏ.Chúng tôi thấy đau lòng và quyết tâm giúp cộng đồng hiểu về giá trị của nơi đây bằng cách mỗi lần đưa từng tốp 10 người dân lên Sơn Trà. Lúc đầu phải năn nỉ họ đi. Suốt 3 năm, chúng tôi đưa được 3.000 người lên Sơn Trà. Đó là những chuyến đi thay đổi tầm mắt. Khi trở về, họ đều nhận ra Sơn Trà đáng quý ra sao và nói với người khác về giá trị của Sơn Trà.Với sự hỗ trợ của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế IUCN, năm 2014 GreenViet xin được gói tài trợ đầu tiên để bảo vệ đa dạng sinh học ở Sơn Trà. Dù chỉ có 4.000ha nằm tách rời khỏi dãy Trường Sơn nhưng do rất gần người dân, nếu bảo vệ được Sơn Trà, cộng đồng sẽ có động lực để tin và chung tay với những người làm công tác bảo tồn.* Là tổ chức bảo tồn của người Việt, với chủ trương không quá dựa vào tài trợ của nước ngoài, đâu là sự khác biệt trong phương pháp hoạt động của GreenViet?- Ngay khi thành lập, GreenViet xác định phương pháp của tổ chức là phải dựa vào cộng đồng. Chúng tôi tìm những cá nhân và những điểm tích cực trong cộng đồng để xây dựng năng lực và làm cho họ mạnh hơn để chúng tôi không hoạt động một mình.Chúng tôi huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, cựu chiến binh, nghệ sĩ, học sinh... và họ đã trở thành sức mạnh cho tổ chức. Năm 2017, khi áp lực quá lớn với Sơn Trà, GreenViet thấy cần phải tập hợp mọi người để cùng vận động ngừng các dự án lớn tại đây.Thông điệp là “Chúng ta không muốn bêtông hóa Sơn Trà”. Mỗi nhóm cộng đồng tự tổ chức các chiến dịch truyền thông của mình như Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc... Các bạn trẻ với lợi thế về công nghệ thì thành lập trang thông tin Sơn Trà - Son Tra News trên Facebook, còn hoạt động đến nay. Theo chị, thách thức trong bảo vệ đa dạng sinh học ở Sơn Trà thời gian tới là gì?- Ở Sơn Trà, sự bình yên không là mãi mãi nếu không có sự đồng thuận của chính quyền và sự ghi nhận của chính quyền với vai trò của người dân trong việc ra quyết định. Mới đây, quy hoạch bán đảo Sơn Trà được xúc tiến trở lại.Đa số người dân mong muốn Sơn Trà phát triển du lịch dựa vào thiên nhiên, không hoan nghênh những dự án xây dựng khu lưu trú, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái như Bà Nà và một số nơi khác. Nếu chính quyền thấy khó khăn trong việc vận động kinh phí để bảo vệ Sơn Trà, ít nhất cũng nên tìm hiểu xem sự đóng góp trong dân như thế nào, bằng cách nào để hệ sinh thái Sơn Trà phát triển bền vững.* Với công việc bảo tồn, phải lặn lội trong rừng sâu, xung đột lợi ích với các cá nhân, tổ chức... gia đình chị nói gì về công việc của chị?- Lúc mới ra trường, công việc của tôi chủ yếu cần đến việc đi dọc các cánh rừng miền Trung - Tây Nguyên để nghiên cứu thực trạng săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép. Đội tôi có 3 bạn, đi điều tra ở thị trấn An Khê (Gia Lai) dưới vỏ bọc là người đi tìm mua nguồn hàng lớn.Sau khi điều tra các chủ nậu nhỏ tại các làng, xã của Gia Lai, các thợ săn... để vẽ nên một bức tranh về mạng lưới buôn bán ở đây, chúng tôi cần tìm hiểu chân dung “trùm cuối” của đường dây, người phụ trách thu gom hàng đưa đi Đà Nẵng, Huế, Bình Định...Chúng tôi thuê một khách sạn ở An Khê, dự định ở đây 2-3 ngày để tìm hiểu. Tôi và một bạn nữ tiếp cận các bà buôn, đồng nghiệp nam điều tra khu vực quanh khách sạn. Đang hỏi người buôn thứ hai thì anh đồng nghiệp báo lên xe đò về ngay, không quay lại khách sạn.Chúng tôi hiểu ngay là khách sạn có vấn đề. Rất may là toàn bộ hành lý đã đem theo. Trên đường về, anh đồng nghiệp kể chủ khách sạn chính là người bảo kê đường dây vận chuyển xuống xuôi. Người đàn ông này có súng và rất thách thức.Khi đang dò hỏi lễ tân thì người này nghe được, mời đồng nghiệp của tôi đi uống trà rồi móc súng đặt lên bàn dọa: “Chú mới tốt nghiệp trường cảnh sát à? Ở đây anh là chủ đường dây, chú cần hỏi gì?”. Hiện công việc ở Sơn Trà thì không còn những trải nghiệm rùng rợn này nữa.Gia đình tôi cũng giống như các gia đình khác thôi, họ phản đối chuyện tham gia hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường những ngày đầu vì nó không nằm trong danh mục những nghề nghiệp quen thuộc. Họ nghĩ học đại học bách khoa ra phải làm kỹ sư, quản lý dự án. Rồi tôi từ từ thuyết phục. 5-7 năm sau, khi hoạt động bảo vệ Sơn Trà bắt đầu được truyền thông nhắc đến, lúc đó mẹ tôi mới tin và ủng hộ. Giờ thì thời gian đã đủ lâu để gia đình tự hào.Voọc chà vá chân nâu Sơn Trà. Ảnh: GreenViet Những anh hùng điểm nóng đa dạng sinh học đại diện cho những nhà bảo tồn ngoan cường, tận tụy, bền. Họ gặp vô số thử thách, thậm chí bị đe dọa tính mạng khi theo đuổi mục tiêu làm cho thế giới chúng ta đang sống khỏe mạnh, bền vững hơn. Lê Thị Trang và tổ chức GreenViet đã thay đổi cách người dân VN nghĩ về giá trị của thiên nhiên.Giám đốc điều hành CEPF OLIVIER LANGRAND* Động lực nào để chị làm việc 12 tiếng mỗi ngày?- Tôi là người nghiện việc, không muốn mình rảnh rỗi. Con tôi gần 3 tuổi nhưng mỗi ngày tôi vẫn làm việc khoảng 12 tiếng và trọn 5 ngày trong tuần để nghiên cứu các giải pháp truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi thái độ của cộng đồng về việc bảo vệ rừng, tài nguyên rừng; phát triển các dự án cùng các đồng nghiệp, tìm nguồn tài trợ.Thời gian còn lại tôi dành để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ đam mê công việc bảo tồn, tìm các khóa học trong và ngoài nước rồi rủ các bạn đăng ký. Lần gần nhất là đi học về hệ thống “Không rác thải” ở Philippines để về thực hiện dự án Không rác ở Hội An (Quảng Nam).Tôi rất ngưỡng mộ họ. Chỉ 17 năm mà cộng đồng hoàn toàn không còn rác, toàn bộ rác được xử lý tốt nhất, chỉ một lượng nhỏ đưa về bãi chôn. Chồng và mẹ hỗ trợ tôi trong công việc và cuộc sống riêng. Hai ngày cuối tuần dành phần lớn cho gia đình.* Chị thấy người trẻ yêu bảo tồn đang gặp những thách thức gì? Điều gì là tài sản quý giá của chị?- Nhiều bạn trẻ yêu bảo tồn hiện gặp y chang câu chuyện của tôi ngày xưa, lúc nào cũng trăn trở giữa việc làm thế nào để được sống với đam mê của mình mà không gặp áp lực từ gia đình. Chúng ta thường nhìn thấy kỹ sư, bác sĩ, giám đốc công ty thành công nhưng không thấy người hoạt động phi lợi nhuận, vì cộng đồng thành công. Nếu các bạn có một hình mẫu để chia sẻ với gia đình mục tiêu hướng tới của mình thì có thể câu chuyện sẽ khác.Hiện tôi không có nhà, đang ở nhà của mẹ. Tôi không có xe xịn vì thấy không cần thiết. Bản thân tôi chỉ cần một chiếc xe máy bền bỉ để đưa mình đi đến nơi, về đến chốn, làm được việc của mình. Cá nhân tôi thực sự không thích thói quen tiêu thụ quá mức góp phần đẩy loài người, Trái đất này và toàn bộ tài nguyên đến tình trạng cạn kiệt.Vì vậy tôi phản đối chuyện mua nhà, mua xe, mua bất cứ thứ gì chỉ vì mình thích. Tài sản lớn nhất của tôi là kiến thức và trải nghiệm trong nghề. Điều tự hào nhất của tôi là dù nghề bảo tồn có khó khăn, vất vả theo suy nghĩ của đa số mọi người thì tôi vẫn sống tốt với nghề. Công việc này khiến tôi vô cùng hạnh phúc.■CEPF là chương trình chung của Cơ quan Phát triển Pháp, Tổ chức Bảo tồn quốc tế, Liên minh châu Âu, Quỹ Môi trường toàn cầu, Chính phủ Nhật Bản và Ngân hàng Thế giới. Mục đích cơ bản của CEPF là thu hút các tổ chức dân sự như các nhóm cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp tư nhân tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở điểm nóng này.Trước chị Trang, TS Đào Thị Nga, đồng sáng lập kiêm giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển tài nguyên nước (WARECOD), là người phụ nữ VN đầu tiên được vinh danh “Anh hùng về điểm nóng đa dạng sinh học” nhân kỷ niệm 15 năm thành lập của CEPF. Tags: Bán đảo Sơn TràLê Thị TrangGreenVietAnh hùng điểm nóng đa dạng sinh học
Thủ tướng họp bàn huy động nguồn lực cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam NGỌC AN 05/10/2024 Cần làm rõ về huy động nguồn lực, các điều kiện cần thiết khác, cũng như tiến độ triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, theo Thủ tướng.
Trực tiếp từ Seoul, Hàn Quốc: Hương phở Việt chính thức lan tỏa NHƯ BÌNH 05/10/2024 Ngày 5-10, giữa tiết trời thu Seoul Hàn Quốc, phở Việt đã chính thức gặp gỡ những thực khách Hàn Quốc để cùng trải trải nghiệm và khám phá thú vị về văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Hàng loạt vụ nổ ở thủ đô Lebanon, nhóm Hezbollah đang đụng độ với Israel THANH BÌNH 05/10/2024 Một loạt vụ nổ được ghi nhận ở vùng ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon vào sáng sớm nay 5-10, sau khi quân đội Israel phát lệnh sơ tán đối với một số nơi trong khu vực.
Cao tốc Vĩnh Hảo đến Dầu Giây khi nào hết bất ổn? ĐỨC TRONG 05/10/2024 Cao tốc từ Vĩnh Hảo đến Dầu Giây nối hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai đưa vào khai thác hơn một năm qua đến nay vẫn còn nhiều "bất ổn", nguy cơ tai nạn giao thông chực chờ.