COVID-19 và nỗi lo nợ tiêu dùng

NAM MINH 30/04/2020 04:04 GMT+7

TTCT - Tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong 5 năm qua. Đại dịch COVID-19 bất ngờ mang đến rủi ro lớn cho thị trường này, khi người tiêu dùng khó hoàn thành nghĩa vụ thanh toán nợ vì thu nhập giảm sút.

Ảnh: umich.edu
Ảnh: umich.edu

Một hiện tượng hiếm nhưng đáng chú ý gần đây là khá nhiều các ngân hàng đang đua nhau thanh lý hàng loạt tài sản đảm bảo là ôtô. Đơn cử như ngân hàng Seabank mới đây thông báo bán đấu giá tài sản bảo đảm là các ôtô mang thương hiệu Mercedes Benz, Mazda. Còn ngân hàng VIB thông báo rao bán hơn 60 chiếc ôtô thuộc các thương hiệu khác nhau.

Trước đó, Techcombank lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo là 30 chiếc ôtô. Hay VPBank cũng tìm tổ chức đấu giá lô tài sản là hàng chục chiếc xe thuộc nhiều chủng loại do Chevrolet, Hyundai, Toyota, Mazda sản xuất. Xem ra hành động quyết liệt xử lý nợ của hệ thống ngân hàng dường như là tín hiệu phản ánh một mối nguy mới đang dần lộ diện: khủng hoảng nợ tiêu dùng vì COVID-19.

Tăng trưởng thần tốc

Cách đây không lâu, xu thế bùng nổ của tầng lớp trung lưu, tiến trình đô thị hóa nhanh, đi cùng triển vọng tăng trưởng lạc quan của nền kinh tế khiến nhiều ngân hàng và các công ty tài chính không ngần ngại đưa mảng tín dụng tiêu dùng trở thành đòn bẩy cho tăng trưởng lợi nhuận.

Tín dụng tiêu dùng là khái niệm chung để chỉ các khoản tiền cho người tiêu dùng vay để mua hàng hóa và dịch vụ, trừ các khoản tiền cho vay để mua nhà ở. Hoạt động kinh doanh tài chính này rất đa dạng, bao gồm vay tín chấp để mua sắm các sản phẩm có giá trị nhỏ như điện thoại, thiết bị gia đình, xe máy, du lịch giải trí; mua sắm bằng thẻ tín dụng; đến các khoản cho vay tiêu dùng linh hoạt có giá trị lớn như vay mua ôtô, sửa chữa nhà.

Đi tiên phong trên thị trường này là ngân hàng VPBank với dịch vụ FE Credit. Hàng loạt các định chế tài chính khác, khi nhận ra tiềm năng của mảng cho vay tiêu dùng, cũng như để bù đắp cho hoạt động tín dụng doanh nghiệp không còn nhiều dự địa tăng trưởng, cũng đã nhảy vào cuộc chơi, từ các ngân hàng nội như OCB, BIDV, Maritime Bank, HD Saison, MBB tới các ngân hàng nước ngoài như Shinhan Bank, Shinsei Bank... Đó cũng là xu thế chung sau hàng loạt các thương vụ mua bán, sáp nhập ngân hàng giá trị lớn.

Không chỉ hấp dẫn các tổ chức tài chính, các hãng công nghệ cũng đã tham gia cho vay tiêu dùng từ lâu, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái Fintech - đích đến tối thượng của nhiều doanh nghiệp công nghệ hiện nay. Đơn cử, hãng gọi xe công nghệ Grab mới đây đã huy động được hơn 856 triệu đôla từ các nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản, bao gồm Tập đoàn tài chính Mitsubishi UFJ và TIS, để phát triển mảng này.

Số tiền huy động mới sẽ được dùng để cung cấp thêm nguồn lực cho các sản phẩm và dịch vụ cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản cho người tiêu dùng Đông Nam Á và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có thị trường Việt Nam. Với dữ liệu hằng trăm triệu người dùng từ các dịch vụ, mảng tài chính Grab Finance được giới phân tích nhận định là có lợi thế cạnh tranh cực lớn khi tham gia vào sân chơi cho vay tiêu dùng.

Tất cả những điều đó khiến tốc độ tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng trong 5 năm qua rất lớn. Theo McKinsey, phân khúc tài chính tiêu dùng Việt Nam đã tăng trưởng nhanh chóng mặt, với tốc độ xấp xỉ 59% từ năm 2014 - 2018.

“Gần đây, các công ty bán lẻ lớn (Lotte, AEON) đã ra mắt các công ty tài chính tiêu dùng của riêng họ để hoàn thành chuỗi giá trị của họ. Điều này cho thấy các nhà bán lẻ này coi tài chính tiêu dùng là động lực quan trọng cho tăng trưởng bán lẻ”, McKinsey nhận định.

Lợi nhuận đóng góp từ mảng tín dụng tiêu dùng vào tổng thu nhập các định chế tài chính cũng gia tăng nhanh. Theo ghi nhận của The Asian Banker, tỉ lệ đóng góp của thu nhập bán lẻ trong tổng thu nhập của 3 ngân hàng lớn nhất thị trường Việt Nam đã tăng từ 17% năm 2010 lên hơn 50% trong 2018. “Quy mô dịch vụ tài chính bán lẻ của các ngân hàng thương mại dự kiến sẽ tăng lên 134 tỉ đôla Mỹ vào năm 2020”, The Asian Banker nhận định.

Theo tính toán của hãng xếp hạng tín dụng Fitch, quy mô của thị trường tín dụng tiêu dùng Việt Nam tính đến cuối năm 2018 đâu đó vào khoảng 58% GDP. Con số này là cao hơn rất nhiều so với các nước có trình độ kinh tế tương đồng trong khu vực như Philippines (10%) hay Indonesia (17%).

Tính toán của ngân hàng HSBC cho thấy từ năm 2013 - 2018, khi so sánh với thu nhập của người lao động, quy mô vay tiêu dùng ở Việt nam đã tăng từ 42% thu nhập trung bình hằng năm của họ lên 83%.

“Đòn bẩy tiêu dùng tăng không bền vững sẽ gây ra rủi ro đáng kể cho ngành ngân hàng Việt Nam, cũng như kéo giảm chi tiêu của người tiêu dùng trong tương lai vì thu nhập sẽ được chuyển sang xử lý nợ”, HSBC cảnh báo.

Nguy cơ từ COVID-19

Nhưng đà tăng trưởng của cơn sóng tín dụng tiêu dùng có thể trật đường ray vì đại dịch COVID-19, khi nó đánh trực tiếp vào thu nhập của các hộ gia đình và người tiêu dùng. Theo Fitch, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay dự báo sẽ sẽ giảm xuống còn 3,3%, mức thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.

Hệ lụy của tăng trưởng giảm sút, xuất khẩu đình trệ, doanh nghiệp đóng cửa là hàng trăm nghìn người có nguy cơ mất hay thiếu việc làm. Theo ông Đào Ngọc Dung, bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, nếu diễn biến dịch có xu thế đi ngang như hiện nay, ước tính trong quý 2-2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5 - 2 triệu lao động bị ngừng việc.

Còn trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính trong quý 2-2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và có đến 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Nếu kinh tế của hộ gia đình và người tiêu dùng giảm tốc, khả năng không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của người đi vay và nợ xấu tại các định chế tài chính sẽ tăng. Việc các ngân hàng cơ cấu lại nợ, miễn và giảm lãi sẽ gây áp lực lên tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM).

Theo phân tích của Công ty chứng khoán SSI, ảnh hưởng từ dịch bệnh lên tín dụng tiêu dùng sẽ tác động theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn một, nhu cầu vay từ các khách hàng phân khúc bình dân đại chúng và phân khúc thu nhập thấp vẫn còn, vì khách hàng vẫn cần tiền mặt để trang trải chi phí sinh hoạt.

Tuy nhiên, đối với giai đoạn hai, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp và đạt đỉnh, thu nhập của phân khúc khách hàng thu nhập thấp sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên và khả năng trả nợ của người đi vay sẽ giảm nhanh tại thời điểm này.

Sự khác biệt giữa kịch bản cơ sở là dịch COVID-19 được kiểm soát vào cuối quý 2 và kịch bản xấu nhất là dịch bệnh không được kiểm soát đến cuối năm 2020 sẽ phản ánh rõ ràng hơn trong kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng năm 2021. “Chúng tôi dự đoán vào thời điểm đó, tỉ lệ hình thành nợ xấu sẽ cao hơn và nợ xấu gia tăng có thể bắt nguồn từ giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 trên toàn cầu”, SSI nhận định.■

Thái Lan và Malaysia cũng lo

Nhưng nỗi ám ảnh bong bóng tín dụng tiêu dùng xì hơi vì kinh tế giảm tốc, thất nghiệp gia tăng không phải là chuyện của riêng Việt Nam mà còn là các quốc gia trong khu vực. Điển hình như Thái Lan. Quốc gia này đã chứng kiến quy mô nợ hộ gia đình tăng nhanh trong giai đoạn 2010 - 2013, phần lớn được kích thích bởi các chính sách giảm thuế khi mua xe hơi và nhà ở.

Gần đây, tăng trưởng cho vay tiêu dùng ở Thái Lan đã giảm xuống 4,5% trong năm 2018 từ mức 18% vào năm 2012, nhưng quy mô nợ tiêu dùng vẫn nằm trong mức rủi ro nhất khu vực khi đã leo lên mức hơn 90% tài sản hộ gia đình bình quân vào cuối năm 2019.

“Đòn bẩy cao khiến người tiêu dùng Thái Lan nhạy cảm với điểm yếu kinh tế vĩ mô. Sự suy giảm chất lượng tài sản hơn nữa gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Mức độ chính xác phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế và thất nghiệp tương lai của Thái Lan. Trong đó, các hộ gia đình có thu nhập thấp dễ bị tổn thương hơn”, Fitch nhận định.

Ở Malaysia, nơi tỉ lệ nợ của hộ gia đình so với GDP là 82,7%, vào loại cao nhất châu Á và đã vượt qua một số nước có thu nhập cao như Mỹ (66%) hay Nhật Bản (59,3%), tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm 2% vì COVID-19 trong kịch bản tồi tệ nhất và 0,5% trong kịch bản tốt nhất, theo Bank Negara.

Các kinh tế gia nhất trí rằng áp lực sẽ càng lớn hơn nữa lên các khoản nợ của hộ gia đình do đại dịch và kinh tế suy giảm. Tỉ lệ này gia tăng sẽ gây ra rủi ro tiềm tàng cho kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính nói chung, theo Anthony Dass - kinh tế gia trưởng của AmBank Group, nói trên The Star.

Julia Goh, kinh tế gia cấp cao ở UOB Research, thì nhận định rủi ro với nợ hộ gia đình tập trung ở những hộ có thu nhập thấp, tức dưới 3.000 ringgit (16 triệu đồng) một tháng, và những người có thu nhập không ổn định.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận