Cuộc chạy đua quan trọng nhất chỉ mới bắt đầu

DANH ĐỨC 12/05/2013 06:05 GMT+7

TTCT - 24 giờ trước cuộc tổng tuyển cử hôm chủ nhật 5-5-2013, bài xã luận của nhật báo The Star (Malaysia) nhắc tất cả các đảng tranh cử rằng “bất luận phán quyết (của lá phiếu cử tri) có như thế nào..., điều quan trọng hơn cả chính là những ai được bỏ phiếu nắm quyền phải lắng nghe người dân”.

Phóng to
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (trái) chào đón chiến thắng của liên minh cầm quyền BN tại trụ sở của đảng ở Kuala Lumpur ngày 6-5 - Ảnh: Reuters

Đầu giờ sáng thứ hai 6-5-2013, hôm sau cuộc bầu cử, chỉ số thị trường chứng khoán Malaysia tăng ngay 5,5% so với cuối buổi chiều thứ sáu tuần trước. Đến trưa, xu thế “chào đón” này vẫn còn. Phản ứng này của thị trường chứng khoán Malaysia có thể được xem như để “chào đón” việc liên minh cầm quyền Barisan Nasional (BN, Mặt trận dân tộc) lại chiến thắng với 133 ghế trong quốc hội, nhiều hơn 21 ghế so với yêu cầu để tiếp tục giành quyền lãnh đạo, trong khi phe đối lập chỉ được 89 ghế (1).

Đây cũng có thể được xem là thái độ của một bộ phận dân chúng, ở đây là các nhà đầu tư, khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho chính phủ do Thủ tướng Najib Razak lãnh đạo, đồng thời là một phản bác gián tiếp đối với những tố cáo của phe đối lập cho rằng đã có gian lận trong một cuộc bầu cử có đến 80% cử tri đi bỏ phiếu, có nơi xếp hàng cả cây số trước phòng phiếu. Thậm chí ngay từ tháng 2, nhiều công ty Malaysia đã ngưng kế hoạch đi nước ngoài du lịch và hội họp (MICE) vào dịp bầu cử để đừng mất cơ hội bỏ phiếu.

Di sản của các chính phủ tiền nhiệm

GDP: 307,2 tỉ USD (2012)

Tăng trưởng GDP: 4,4% (2012)

GDP/đầu người: 9.970 USD (2012)

GDP theo lĩnh vực: nông nghiệp 12%, công nghiệp 40%, dịch vụ 48% (2011)

Lạm phát (CPI): 1,2% (2012)

Dân số dưới ngưỡng nghèo: 1,7%

Thất nghiệp: 3,2%

(nguồn: CIA World Factbook)

Liên minh cầm quyền BN gồm đảng lớn nhất là Đảng UMNO (của người gốc Malay), Đảng MCA (của người gốc Hoa) và Đảng MIC (của người gốc Ấn) cùng 11 đảng khác, đã cầm quyền từ khi lập quốc vào năm 1957 tới nay.

Nổi bật nhất là trong giai đoạn 22 năm cầm quyền liên tiếp của cựu thủ tướng Mahathir Mohamad từ năm 1981, một cơ sở công nghiệp thật sự đã được xây dựng nên cùng lúc với việc hình thành một lớp trung lưu trong xã hội. Cho dù có những điều đáng phê phán, song cơ bản cựu thủ tướng Mahathir cũng đã tạo nên một xuất phát điểm tốt cho Malaysia.

Kinh tế gia Jomo Kwame Sundaram, người Malaysia từng giữ chức phụ tá tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách phát triển kinh tế, trong một biên khảo về di sản chính sách kinh tế của Mahathir đã nhận xét: “Luật thúc đẩy đầu tư năm 1986 không chỉ nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực chế biến hướng đến xuất khẩu, mà còn nhằm giảm bớt tình trạng biệt lập giữa sản xuất hướng đến xuất khẩu và sản xuất hướng đến tiêu dùng nội địa.

Quan trọng hơn nữa, chính sách mới về đầu tư này còn nhằm khuyến khích các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn, phát triển tay nghề và nâng cấp kỹ thuật... Sự đồng quy các yếu tố đã đảm bảo cho một thập niên tăng trưởng nhanh và chuyển đổi cơ cấu, bắt đầu từ năm 1987” (2).

Từ chọn lựa xuất phát điểm đúng đắn đó của nội các Mahathir, Malaysia đã sớm “lột xác” để trở thành một nước công nghiệp mới (NIC), trong lúc không ít nước khác cứ “chôn chân trên đường băng” trong giai đoạn “cất cánh kinh tế” khi cứ mãi thu hút đầu tư nước ngoài hướng đến các công nghiệp gia công xuất khẩu, sử dụng nhân lực thấp, xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên hoặc sức lao động phổ thông...

Di sản của tiến sĩ Mahathir được các thủ tướng kế nhiệm Dato' Seri Abdullah Ahmad Badawi và Najib Razak tiếp tục trong thành công, bất chấp các thách thức khu vực và toàn cầu. Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ đánh giá nền kinh tế Malaysia hiện nay như sau: “Malaysia, một nước thu nhập trung bình, đã tự biến đổi từ một nước sản xuất nguyên liệu thô thành một nền kinh tế đa ngành đang trỗi dậy.

Dưới trào đương kim Thủ tướng Najib, Malaysia đang cố hoàn thành mục tiêu đạt quy chế nước có thu nhập cao vào năm 2020, đồng thời tiến xa hơn nữa trong dây chuyền sản xuất giá trị thặng dư bằng cách thu hút đầu tư từ tổ chức tài chính Hồi giáo, các ngành công nghiệp cao, công nghệ sinh học và dịch vụ... Chính quyền của Thủ tướng Najib cũng tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy cầu nội địa và giảm bớt lệ thuộc vào xuất khẩu... Chính phủ cũng cố giảm bớt lệ thuộc vào nhà sản xuất dầu hỏa Petronas...

Ngân hàng Trung ương (Bank Negera Malaysia) đang duy trì một lượng trữ tệ mạnh khỏe, một chế độ điều tiết phát triển tốt giúp Malaysia bớt vướng vào các công cụ tài chính phiêu lưu (3) cùng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu” (4).

Phe đối lập để làm gì?

“Điều tôi lo sợ là nếu dân chúng thôi nghĩ ngợi và phê phán, xã hội sẽ thối rữa. Đất nước nên có một chính phủ mạnh, song đừng quá mạnh”

Cựu thủ tướng Malaysia
MAHATHIR MOHAMAD

Sau khi tiến sĩ Mahathir rời quyền hành vào năm 2003, liên minh BN cầm quyền được trao cho ông Ahmad Badawi lãnh đạo và giành thắng lợi tuyệt đối trong cuộc bầu cử tháng 3-2004, chiếm đến 92% số ghế trong quốc hội.

Một năm rưỡi sau, trước tình hình im ắng “đồng thuận” cao trong quốc hội do tuyệt đại đa số là của liên minh cầm quyền, nhất là trong vụ um sùm về giấy phép nhập khẩu xe hơi, cựu thủ tướng Mahathir phải nhắc: “Điều tôi lo sợ là nếu dân chúng thôi nghĩ ngợi và phê phán, xã hội sẽ thối rữa. Đất nước nên có một chính phủ mạnh, song đừng quá mạnh. Giành được đa số 2/3 số ghế như dưới trào tôi là vừa rồi, chứ những 90% là quá nhiều! Chúng ta cần có một phe đối lập để nhắc nhở chúng ta mỗi khi chúng ta sai lầm. Khi không bị đối lập, ta sẽ nghĩ rằng mọi việc ta làm đều đúng cả” (5).

Trong thực tế, dân số Malaysia với người gốc Malay chiếm 50,4%, gốc Hoa 23,7%, bản địa 11%, gốc Ấn 7,1%... Trong cuộc bầu cử này, phe đối lập tìm cách khoét sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc, đặc biệt với nhóm gốc Hoa. Thủ tướng Najib thừa nhận: “Sự phân cực trong xu hướng bỏ phiếu này làm cho chính phủ lo âu... Hài hòa chủng tộc là thiết yếu đối với chúng ta... Phải loại bỏ kiểu làm chính trị theo chủng tộc cùng chủ nghĩa cực đoan”.

Trở lại với bài xã luận của nhật báo The Star một ngày trước bầu cử sẽ thấy cuộc bầu cử này thật sự để làm gì: “Có nhiều điều mà dân chúng có thể không đồng tình với các chính khách... Người dân mong mỏi phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Muốn công lý và công bằng cho mọi người. Muốn chính phủ cật lực loại bỏ những chia rẽ vẫn đang làm mưng mủ xã hội. Muốn một hệ thống giáo dục tốt không chỉ đem lại hi vọng cho thế hệ tới mà cho nhiều thế hệ sau nữa...

Muốn các định chế vốn hợp nhất đất nước này - hành pháp, lập pháp, tư pháp, bộ máy công chức và báo chí - (hoạt động) độc lập, bởi lẽ các định chế đó tác động đến cuộc sống hằng ngày của người công dân bình thường. Muốn cảm thấy cuộc sống thường ngày an toàn và an ninh, biết chắc rằng những ai được trao cho quyền chăm lo an ninh của chúng ta đang làm công việc của họ. Muốn tham nhũng phải bị loại bỏ trong mọi giai tầng xã hội”.

Bài xã luận mở đầu và kết thúc bằng lời kêu gọi: “Đối với các lãnh đạo được tin tưởng cầm trịch đất nước Malaysia, cuộc chạy đua quan trọng nhất mới chỉ bắt đầu... Một sự khởi đầu cho một Malaysia tốt đẹp hơn”.

___________

(1): http://www.ft.com/intl/cms/s/0/d618b5d8-b5ac-11e2-a51b-00144feabdc0.html#slide0
(2): Jomo. K.S., Mahathir's Economic Policy Legacy
(3): Tỉ như trái phiếu quốc tế mà tùy theo độ khả tín tín dụng mỗi nước, có thể được xếp từ cấp nguy hiểm R2 đến R5 (cao nhất)
(4):
https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/geos/my.html
(5): http://thestar.com.my/news/story.asp?file=/2005/12/11/nation/12838957&sec=nation

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận