TTCT - Ngoài các trí thức Mỹ, đoạn trích của giáo sư Amy Chua (xem TTCT từ số ra ngày 15-5-2011) còn nhận được nhiều phản hồi từ chính những người Mỹ gốc Á. TTCT giới thiệu một số ý kiến này và blog của Sophia Chua Rubenfeld - con gái bà Amy Chua - nhằm bảo vệ “mẹ hổ” của mình.

Ảnh: Hoàng Thạch vân

“Đó là lý do tôi phải đi trị liệu”

Dưới tựa đề khá dài “Những bậc cha mẹ như Amy Chua là nguyên nhân khiến những người Mỹ gốc Á như tôi phải đi trị liệu”, blogger bettymingliu - giáo sư báo chí Đại học New York - đã có bài viết về cách nuôi dạy của cha mẹ bà: “những tiến sĩ gốc Hoa và Việt nhập cư Mỹ”. 

Bài viết của blogger này sau đó đã được trích dẫn nhiều trên các bài báo Mỹ. TTCT trích lược. 

Blogger Betty đã gọi bà Amy Chua là “người thiển cận”, “kẻ bảo thủ buồn bã” và kể câu chuyện buồn của đời mình - một đứa trẻ được nuôi dạy theo cách gần giống bà Chua dạy hai con gái. Blogger Betty cho biết cha mẹ bà được sinh ra trong thời nghèo khó, đói kém và chiến tranh, nhập cư vào Mỹ vô cùng chật vật do không nói được ngoại ngữ. 

“Việc cha mẹ sống sót (được ở Mỹ) cũng đã đáng để tôi nể trọng rồi. Nhưng điều đó không có nghĩa họ là những bậc cha mẹ tốt” - bà viết. Tự gọi mình là “cựu tù” theo ý nghĩa bị giam hãm trong vòng giáo huấn nghiêm ngặt của gia đình, blogger Betty liệt kê bốn cách bà bị “cầm tù” thuở nhỏ, bị đẩy đến tình trạng suy nhược tâm thần khi phải cố hòa nhập vào xã hội cởi mở đang sống:

1) Không được khuyến khích để suy nghĩ độc lập. Không chỉ phải luôn vâng lời, mẹ Betty còn giới hạn bà chỉ được kết bạn trong nhóm trẻ con Trung Quốc ở vùng Chinatown. Cha bà thì quyết định những tín chỉ nào bà sẽ học ở cao đẳng.

2) Gia đình và danh dự gia đình là trên hết, nên chị em bà không bao giờ được nói gì khiến người ta “nghĩ xấu” về gia đình.

3) Lối sống khép kín khiến bà Betty không tự tin ở chỗ đông người, không biết cách hò hẹn hay trò chuyện với bạn trai, chỉ thấy thoải mái khi giữa những người đồng hương.

4) Vì gia đình là một thể thống nhất nên không bao giờ việc cá nhân được thảo luận. Hai chị em bà luôn được so sánh với nhau, phải cạnh tranh đến nỗi ít khi trò chuyện. “Chưa nói là cha mẹ luôn than phiền vì sao con bạn mình thông minh và giỏi giang hơn chúng tôi”!

Cách nuôi dạy này đã khiến bà Betty trong tâm trạng “vừa thương nhưng vừa căm giận” cha mẹ mình. Năm 30 tuổi, “nhận thấy mình có thể điên”, bà phải đi trị liệu tâm lý. 20 năm tiếp đó là một cuộc vận động cá nhân của bà Betty để tự giải phóng mình. Tiến trình hồi phục bắt đầu khi bà hiểu ra rằng “gia đình Trung Hoa của tôi không còn cai trị tôi nữa. Đơn giản nó chỉ là một tấm hộ chiếu để tôi bước ra vũ trụ...”.

Blogger này còn khuyên mọi người thay vì bận tâm với quyển hồi ký “mẹ hổ”, họ nên đọc một hồi ký khác, cũng của một người gốc Hoa là Delivering happiness: A path to profits, passion and purpose (tạm dịch: Chuyển giao hạnh phúc: Con đường đi tới lợi nhuận, đam mê và mục đích). Đây là sách best-seller 2010 do The NewYork Times và Wall Street Journal bình chọn. 

Tác giả hồi ký Tony Hsieh là người đồng sáng lập Công ty Internet LinkExchange, bán công ty này năm 1999 với giá 265 triệu USD khi mới 24 tuổi. Sau đó Tony Hsieh đã giúp phát triển website bán giày Zappos.com thành một công ty trị giá 1 tỉ USD khi mới giữa tuổi 30. 

Blogger Betty nhận định: “Tony Hsieh cũng từng bị bắt học bốn nhạc cụ, từng bị sức ép học tập căng thẳng và được nhận vào Harvard. Nhưng khác bà Chua, quyển sách của Tony đầy những điều vui thú và khích lệ, bởi Tony thuộc típ người “có thể thoát ra ngoài cái hộp để làm điều gì đó khác biệt, sáng tạo và độc đáo”. 

Blogger này kết luận: “Trong bài viết của mình, bà Chua bảo: “Tôi hạnh phúc khi bị ghét bỏ”. Thật tội nghiệp. Đó là lần duy nhất từ hạnh phúc xuất hiện trong trích đoạn này từ hồi ký của bà”.

Phản ứng đầu tiên của tôi là “Chắc chuyện đùa”, và tôi cứ chờ điểm nút của câu chuyện... Phương pháp của bà Chua quá độc ác. Xúc phạm và bêu xấu. Bọn trẻ sẽ nghe mãi giọng nói ấy trong đầu chúng suốt cuộc đời mình”

FRANCES KAI-HWA WANG - 44 tuổi, một bà mẹ Mỹ gốc Hoa thế hệ thứ hai ở Ann Arbor, Michigan - nhận xét về phương pháp nuôi dạy con

Tôi từng nổi loạn

Tôi lớn lên với một người mẹ gốc Á nghiêm khắc. Tôi rất hiểu cảnh bị la vì điểm B thay vì điểm A là thế nào. Có lần tôi nhận điểm D cho bài tập viết lớp 3, điểm duy nhất thấp hơn điểm B tôi từng bị. Tôi liền gian lận chữ ký của cha trên phiếu điểm và khi âm mưu bị bại lộ, tôi bị phạt tới độ ngày nay hình phạt đó là bất hợp pháp, quá nặng nề cho tội gian lận.

Là một đứa trẻ Mỹ gốc Nhật và được nuôi dạy rất giống những giá trị mà bà Chua ca tụng, tôi phải vui mừng nói rằng mẹ tôi không quá hà khắc như bà Chua. Tôi được phép theo đuổi những điều mình thích, kể cả âm nhạc và nghệ thuật, và dù cha mẹ tôi có thất vọng khi tôi bỏ học báo chí ở Đại học Columbia, họ cũng cho phép tôi được vào học trường mỹ thuật (sau này họ có nhắc lại chuyện này khi cuối cùng tôi cũng trở thành nhà báo). 

Tôi không nghi ngờ gì rằng các con gái bà Chua xứng đáng học ở Yale hay Harvard và sẽ theo ngành luật như mẹ họ, hay ngành kỹ thuật, y dược hoặc kế toán, con đường sự nghiệp mà những bậc cha mẹ nhập cư gốc Á ủng hộ.

Tôi chỉ tự hỏi có bao nhiêu tổn thương các con bà phải cố nén trong suốt thời tuổi trẻ của họ, và liệu khi trưởng thành họ có thật sự - thật sự cảm kích tình yêu cứng rắn của mẹ khi nuôi dạy các con của chính mình không. 

Tôi hi vọng là không. Bởi tôi từng nổi loạn chống lại kiểu dạy dỗ mình và tôi cho rằng mình đã đúng.


Sophia Chua Rubenfeld: 

“Tôi sẽ sao chép cách giáo dục của mẹ”

* Tại sao cô khởi sự blog này? 

- Khi cả thế giới gọi bạn là người máy vô tri, bạn sẽ phải lên tiếng. Ngay cả khi “Sophia” trong quyển sách ấn tượng hơn Sophia ngoài đời thật. Tôi nghĩ cứ một bài post lên thì tôi đã làm hoen ố đôi chút hình ảnh của mình, nhưng cứ phải thế.

* Nếu mẹ cô ngăn cô họp nhóm, ngủ qua đêm và diễn kịch trong trường, liệu cô có trở nên ít hòa nhập với xã hội không?

- Cảm ơn đã hỏi câu này, tôi đã muốn nói về điểm này khi bài báo của nhà bình luận David Brooks in trên NYT (*). Khi bạn mất bảy giờ ở trường mỗi ngày, 180 ngày một năm trong suốt 13 năm, bạn đã tích lũy 16.380 giờ tương tác xã hội. Nó tương đương 3.200 cuộc tụ họp, mỗi cuộc dài năm giờ. Nên nhìn chung tôi không thấy quá là thiếu thốn.

* Cô sẽ nuôi dạy con mình bằng cách thức tương tự (mẹ hổ) chứ? Cô sẽ có thay đổi gì không?

- Tôi phát khiếp khi phải có con. Tôi có thể nghe những đứa con tuổi teen của mình hỏi: “Này mẹ lại thế sao, giống hết bà ngoại à? Nghiêm túc mà nói, mẹ đi tìm bác sĩ trị liệu đi” (**).

Có những khía cạnh chắc chắn trong việc giáo dục con mình mà tôi sẽ sao chép. Tôi sẽ không bao giờ trở thành một tay đàn piano chuyên nghiệp, nhưng piano đã cho tôi tự tin và điều đó đã hoàn toàn định hình cuộc đời tôi. Tôi nghĩ nếu cố hết sức, mình sẽ làm được nhiều thứ. Tôi biết tôi có thể tập trung vào một nhiệm vụ được giao trong nhiều giờ. 

Và trong những ngày kinh khủng khi tôi cảm thấy bối rối và hỗn loạn, tôi có thể nói với chính mình: “Mình có thể làm giỏi những việc mình thật sự yêu thích”. Tôi muốn con tôi có sự tự tin đó - sự tự tin bắt rễ từ điều gì đó cụ thể, chứ không phải kiểu tự tin “à mọi người đều là người chiến thắng”, bởi vì tận đáy lòng bạn chẳng bao giờ tin điều đó.

Còn tôi sẽ làm gì khác? Ừ, tôi đồng ý là chẳng có gì vui thú nếu bạn không thật sự giỏi giang. Chỉ vì con trai 10 tuổi của bạn không thích chạy nước rút không phải là cái cớ để nó rút khỏi đội. (Bạn nghĩ bọn trẻ khác thích à, không ai thích chạy nước rút cả). Nhưng nếu nó nỗ lực 110%, nó sẽ là vô địch quốc gia, và nếu điều đó cũng không mang tới cho nó hạnh phúc thì đã tới lúc phải dừng. Cuối cùng thì bạn cần phải thích việc mình làm.__________

(*):Xem TTCT số ra ngày 22-5-2011.(**): Ám chỉ bài viết của blogger bettymingliu.



Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận