Cần một Hội An khác biệt

TRẦN THÙY LINH 10/09/2015 01:09 GMT+7

TTCT- Hội An là một điểm đến đã quá quen thuộc trong chương trình du lịch của du khách quốc tế cũng như du khách Việt. Thành phố nhỏ bên sông Hoài ngày một trở nên gần gũi hơn trên bản đồ du lịch Việt Nam. Hội An đẹp cả ngày lẫn đêm, một thế mạnh mà không phải nơi nào cũng có được. Nhưng, một Hội An khác biệt đang dần mất đi...

Góc thanh bình. Ảnh TTL

Du khách nào từng đặt chân tới khu phố cổ Hội An vào những năm 1980, 1990 hay trước đó nữa, ắt sẽ không thể nào quên được cái thâm trầm luôn bảng lảng đâu đó trong không gian, nhẹ lan trên những mái nhà hay thong thả trong từng con hẻm.

Một không khí tạm gọi là “không gian phố Hội”, khác biệt hoàn toàn với phố cổ Hà Nội “kẻ chợ” và không giống những thành phố, ngôi làng di sản UNESCO ở các quốc gia khác.

Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh TTL

Băn khoăn cho Hội An

Đi dạo trên phố ban đêm, khách bị mê hoặc bởi ánh sáng hắt ra từ ô cửa của những tiệm ăn gia đình, tiệm may, tiệm da giày hay các cơ sở bán và làm đèn lồng. Ngay những góc phố, bên dưới một gốc cây luôn có vài ba hàng chè, tàu hủ đơn sơ, những hàng bánh trái dân dã níu kéo khách bộ hành.

Khách thời đó hay la cà cùng làm đèn lồng tại những gia đình làm đèn thật sự, hay say sưa quan sát những người thợ lành nghề chạm khắc gỗ và con dấu, chứ không phải đứng ngó hay học những khóa nấu ăn địa phương nào cũng có như bây giờ. Ấn tượng chung về phố cổ thời đó vẫn là về cái “hồn” tràn đầy của một vẻ đẹp quý hiếm…

Phố cổ Hội An ngày nay vẫn là những nếp nhà cổ, giữ được là nhờ sự quyết tâm của người dân và những người điều hành thành phố. Hầu hết ngôi nhà cổ đã được sửa sang, bài trí nội thất thẩm mỹ hơn rất nhiều. “Áo” đã thay, cái nghèo không còn hiện diện nữa là điều đáng mừng.

Mảng xanh dễ thương ở Hội An. Ảnh TTL

Nhưng ấn tượng về phố cổ đã khác xưa quá nhiều. Hội An giờ là một thành phố du lịch đúng nghĩa, với tất cả các mặt tốt, xấu của khái niệm này: san sát hàng quán từ sang trọng tới bình dân hè phố, san sát các tiệm may, cắt cho du khách những loại vải, những bộ đồ giống nhau như đúc, đa số tiệm da thật bán sản phẩm nhái, ngang nhiên mang các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Các phòng tranh bán những bức tranh chép cùng môtip, những cửa hàng lưu niệm với rất nhiều mặt hàng không từ Hội An và cũng không nhiều liên quan tới Hội An. Những tiệm ăn chào một thứ thực đơn nửa Việt nửa Tây, hầu hết là dở như nhau, kể cả các quán xưa kia nổi tiếng ngon. Đó là chưa kể thái độ phục vụ vẫn không thể gọi là chuyên nghiệp được.

Du khách nước ngoài lan truyền một câu nói về Hội An: “Same same but better” (như nhau nhưng tốt hơn) để nói về sự đơn điệu và cạnh tranh của những sản phẩm giống nhau tại Hội An.

Họ lấy làm lạ về điều đó bởi kinh doanh ở nước họ phải là “khác biệt hay là chết”. Liệu điều này có làm những nhà quản lý suy nghĩ gì không? Du khách bị níu kéo bởi người bán hàng rong, xích lô hay người cho thuê xe đạp, xe máy - dẫu tiếng Anh như gió - vẫn là sự làm phiền.

Ở đâu có ăn uống, ở đó không tránh khỏi sự nhộn nhạo và rác; đêm phố cổ cũng như các đêm cuối tuần không là ngoại lệ, số lượng thùng rác rõ là không đủ.

Góc khác biệt. Ảnh TTL

Dù cho thành phố đã quy hoạch khá tốt khi bố trí chợ đêm phía bên kia cầu, khu vực ẩm thực bên bờ kè sông Hoài, không cho phép các quán bar mở nhạc ồn ào, không dịch vụ spa trong khu phố cổ và cấm xe lưu thông vào những giờ cao điểm tham quan, nhưng dường như điều này vẫn là chưa đủ.

Việc du khách phải trả tiền tham quan phố cổ, theo thiển ý của chúng tôi, là không sai. Nhưng cách thực thi rất có vấn đề vì khách vẫn có thể ra vô khá dễ dàng không vé ở nhiều lối vào khác nhau, cho thấy sự bất bình đẳng trong đối xử với khách. Tục thả đèn trên sông tạo khá nhiều công ăn việc làm cho các công nhân môi trường. Giá đèn và giá thuê thuyền vẫn theo kiểu “tây 2, ta 1”.

“Đêm phố cổ” vừa qua du khách còn bị “tra tấn” bởi nhiều loại nhạc được khuếch đại qua hệ thống âm thanh khủng. Chiếu hát bài chòi ngay bên bờ sông Hoài là một ý tưởng tốt, nhưng việc hát qua ampli đã làm cái hay của môn nghệ thuật truyền thống này giảm đáng kể.

Chưa kể những âm thanh này còn được “cộng hưởng” cùng nhạc sến, nhạc dân tộc và nhạc giao hưởng trên sân khấu sông Hoài cách đó không xa, làm du khách thật sự bối rối và chỉ những người đủ dũng khí mới có thể ở lại thưởng thức, trong đó không thấy du khách quốc tế.

Một bảo tàng sống, tại sao không?

Chúng tôi trở lại Hội An lần này trong một chuyến đi trại sáng tác lưu trú tại công viên gốm Thanh Hà. Đoàn chúng tôi gồm những điêu khắc gia và họa sĩ; người ít, người nhiều đều từng có thời gian gắn bó hoặc đã rất nhiều lần lui tới thành phố nhỏ này.

Cần một không gian cho sáng tác. Ảnh TTL

Đối với hầu hết chúng tôi, Hội An luôn hấp dẫn không chỉ ở giá trị lịch sử hay kiến trúc đáng gìn giữ, mà trên hết ở cái hồn của một thành phố xứng đáng là một “bảo tàng sống” độc nhất vô nhị tại Việt Nam, nơi tạo rất nhiều cảm hứng và cơ hội cho văn hóa - nghệ thuật, từ đó là cơ hội cho phát triển du lịch. Đó là thế mạnh và điểm đặc biệt nhất của thành phố bên sông Hoài hiện nay.

Yếu tố quá khứ trong khái niệm “bảo tàng”, Hội An đã có. Vấn đề đặt ra là làm sao thành phố này giữ được tính bảo tàng mà vẫn mang theo hơi thở cuộc sống đương đại.

Ý tưởng về sự phát triển nói chung, phát triển du lịch nói riêng dành cho Hội An sao không theo hướng biến Hội An thành trung tâm nghệ thuật và sáng tạo? Đầu tư cho nghệ thuật, tạo dựng những không gian bảo tàng, không gian sáng tác cho nghệ sĩ trong và ngoài nước, không gian triển lãm và biểu diễn chuyên nghiệp (như công viên gốm Thanh Hà đang tự thân nỗ lực).

Giống như xây một cái nôi văn hóa của thời hiện tại trong sự kết nối với quá khứ và những điểm khác biệt sẵn có của Hội An, không chỉ giúp gia tăng doanh thu du lịch mà còn nâng cao dân trí cũng như giáo dục kiến thức cho lớp trẻ tại địa phương.

Sản phẩm nghệ thuật, sao không thể trở thành vật phẩm lưu niệm cho du khách? Ảnh: TTL

So sánh với những thành phố nhỏ tương tự tại châu Âu hay Úc, Mỹ nơi chúng tôi từng qua, có thể nói những điều kiện hiện nay tại Hội An là tương đối lý tưởng. Nếu muốn xây dựng thương hiệu của một “bảo tàng sống” không chỉ nhằm thu hút khách du lịch quốc tế mà còn gìn giữ và phát huy di sản UNESCO dành cho người dân Việt, đôi khi cũng cần phải có những quyết định dứt khoát và mang tính đột phá.

Nếu phát triển theo hướng này, Hội An cần phải có sự đầu tư tổng thể, bắt đầu từ con người và một kế hoạch đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch rất cụ thể, khi đó mới có hi vọng khắc phục những nhược điểm nêu trên và giữ được hồn phố cổ cho mai sau.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận