TTCT - Chuyện các nền tảng công nghệ, nhất là nhóm các hãng công nghệ lớn nhất thế giới (Big Tech) có quyền lực mạnh, chi phối mọi mặt trong đời sống con người không có gì mới. Tình hình ở Ukraine cho thấy, trong một xung đột quân sự, các hãng công nghệ vẫn là một thế lực có thể gây tác động lớn đến chiến cuộc tùy theo họ đứng về phía ai. Ảnh: Sky NewsThực tế cho thấy Google, Meta, Twitter, Telegram và nhiều công ty công nghệ khác đang chịu những áp lực ngày càng leo thang từ cả hai phía - một bên là Nga, bên còn lại là Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ - để có thể sử dụng sức mạnh của mình một cách hợp lý.Hành động hàng loạtHôm 25-2, các nhà lãnh đạo Ukraine đề nghị Apple, Meta và Google hạn chế các dịch vụ của họ trong lãnh thổ Nga. Đáp lại, Google và Meta - chủ sở hữu mạng xã hội Facebook - đã cấm các đơn vị truyền thông nhà nước Nga nhận doanh thu quảng cáo trên nền tảng của những công ty này. CEO Google Sundar Pichai cũng đã có cuộc trò chuyện với các quan chức đứng đầu EU về cách thức chống lại cái mà họ gọi là chiến dịch tin giả từ phía Nga.Trong khi đó, Telegram - ứng dụng nhắn tin được sử dụng rộng rãi ở Nga và Ukraine - cũng dọa đóng cửa một số nhóm chat trước tình trạng thông tin sai lệch về chiến tranh được phổ biến tràn lan. Đầu tháng 3, Twitter đã bắt đầu gắn nhãn tất cả các bài đăng có chứa liên kết đến các cơ quan truyền thông có liên hệ với nhà nước Nga, còn Meta và YouTube cho biết họ sẽ hạn chế truy cập đến các kênh này trên khắp EU để ngăn chặn nỗ lực tuyên truyền của Nga.Ngày 1-3, Apple xác nhận đã “tạm dừng” việc bán sản phẩm ở Nga cũng như hạn chế ví điện tử Apple Pay và một số dịch vụ khác tại nước này. Ứng dụng đọc tin tức của 2 đài lớn tại Nga là RT và Sputnik cũng không còn hiện diện trên App Store bên ngoài lãnh thổ nước này.Khi xung đột có dấu hiệu leo thang, Google Maps thông báo ngừng hiển thị thông tin giao thông trong phạm vi lãnh thổ Ukraine từ ngày 27-2 vì lo ngại việc hiển thị các địa điểm tập trung đông người có thể gây nguy hiểm cho người dân.Ngày 28-2, Netflix tuyên bố sẽ không tuân theo yêu cầu từ phía Nga buộc nền tảng xem phim này phải phát 20 kênh truyền hình do Chính phủ Nga chống lưng bắt đầu từ tháng 3, theo trang Politico. Microsoft đã hạn chế truy cập Đài RT và các cơ quan truyền thông nhà nước khác của Nga từ trang tin tổng hợp MSN của mình, đồng thời đánh điểm ưu tiên thấp đối với những cơ quan này trong kết quả tìm kiếm trên Bing.ByteDance - công ty sở hữu mạng xã hội TikTok có trụ sở tại Bắc Kinh - là công ty công nghệ Trung Quốc hiếm hoi tung đòn trừng phạt Điện Kremlin vì động thái quân sự với nước láng giềng. Mạng xã hội này đã chặn tài khoản của RT và Sputnik trên nền tảng của họ trong khu vực EU, một người phát ngôn của TikTok nói với trang Insider.Thông báo ngày 27-2 của nhà sáng lập Telegram - Pavel Durov (một người sinh ở Nga) - rằng anh đang xem xét chặn một số nhóm chat liên quan đến chiến tranh ở Ukraine và Nga đã nhận lại phản đối từ nhiều người dùng khi họ cho rằng ứng dụng nhắn tin này là nguồn thông tin độc lập duy nhất về cuộc chiến mà họ có thể tiếp cận. Durov phải rút lại thông báo chỉ sau vài giờ nhưng không quên dặn người dùng “kiểm tra kỹ và không tin tưởng hoàn toàn vào thông tin được đưa lên các kênh Telegram trong giai đoạn khó khăn này”.Giữa đôi dòng nướcĐối với nhiều công ty Big Tech, chiến sự ở Ukraine là cơ hội lấy lại hình ảnh sau nhiều năm liên tục đối mặt với những chất vấn về quyền riêng tư và nội dung độc hại. Họ có cơ hội chứng tỏ mình cũng biết sử dụng lợi thế công nghệ vào mục đích tốt đẹp tương tự như trong sự kiện Mùa xuân Ả Rập năm 2011, khi mạng xã hội đã giúp kết nối các nhà hoạt động và được cổ võ như một công cụ cho dân chủ.Tuy nhiên, theo Marietje Schaake, giám đốc chính sách quốc tế tại Trung tâm chính sách mạng của Đại học Stanford (Mỹ), các biện pháp trừng phạt mà Big Tech dành cho Nga vẫn là chưa đủ và các công ty cần có thái độ rõ ràng hơn về những giá trị mà họ muốn bảo vệ, không chỉ trong xung đột Nga - Ukraine mà còn rộng hơn cho những quyết sách về sau. “Việc các biện pháp can thiệp (của Big Tech) chịu áp lực rất lớn cũng nhấn mạnh những gì đã không được thực hiện trong suốt thời gian dài” - bà Schaake nói với The New York Times.Ở chiều ngược lại, đã có những cảnh báo về hậu quả tiêu cực nếu các nền tảng công nghệ lớn bị chặn ở Nga. “(Mạng xã hội) là nơi quan trọng nhất để tranh luận công khai về những gì đang diễn ra. Không ai xem việc Facebook chặn quyền truy cập của công dân Nga là một dấu hiệu tốt” - ông Andrei Soldatov, một nhà báo người Nga, nhận định.Trường hợp của Telegram cũng minh họa cho những áp lực từ nhiều phía. Ứng dụng này phổ biến ở cả Nga và Ukraine và kể từ khi chiến sự nổ ra đã trở thành nơi chia sẻ hình ảnh, video và thông tin về cuộc giao tranh. Ngay cả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng sử dụng ứng dụng này để gửi đến người dân những thông điệp kêu gọi đoàn kết và bình tĩnh. Nhưng tính chất mở của Telegram cũng khiến nó trở thành nơi tập hợp những thông tin sai lệch về cuộc chiến, chẳng hạn như những hình ảnh được cho là ghi nhận từ chiến trường nhưng lại chưa được kiểm chứng.Các công ty công nghệ hiện phải đối mặt với sức ép từ cả 2 phía của cuộc xung đột. Một mặt, Nga đang gây áp lực buộc họ phải kiểm duyệt các bài đăng trên mạng xã hội và các luồng thông tin trái chiều trong nước. Matxcơva đã hạn chế phần lớn quyền truy cập vào Facebook và Twitter, và nạn nhân tiếp theo có thể là YouTube. Hôm 28-2, Nga yêu cầu Google chặn các quảng cáo có liên quan đến chiến tranh trên nền tảng của họ, một ngày sau khi ra lệnh cho công ty này dỡ bỏ các hạn chế đối với các cơ quan truyền thông ủng hộ Điện Kremlin trong vấn đề Ukraine.Ở phía còn lại, các quan chức phương Tây cũng đang thúc đẩy Big Tech ngăn chặn bộ máy tuyên truyền của Nhà nước Nga. Ngày 28-2, các nhà lãnh đạo của Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan đã viết thư cho Meta, Google, YouTube và Twitter yêu cầu các công ty này tạm khóa các tài khoản chính thức của Chính phủ Nga cũng như những tài khoản bày tỏ quan điểm ủng hộ Điện Kremlin trong cuộc chiến bao gồm 2 cơ quan truyền thông lớn của nước này là RT và Sputnik. “Các nhà cung cấp nền tảng trực tuyến và các công ty công nghệ cần có lập trường (trong vấn đề Ukraine)” - lá thư nhấn mạnh.Không cấm đoán hay trừng phạt ai, nền tảng đặt phòng Airbnb có cách làm riêng: miễn tất cả các khoản phí đối với chủ nhà Ukraine trong giai đoạn hiện nay. Đây là cách Airbnb dự phần vào phong trào đầy sáng tạo để hỗ trợ tài chính cho người dân Ukraine: các nhà hảo tâm từ khắp nơi đặt thuê phòng ở Ukraine thông qua Airbnb từ vài ngày đến một tuần dù không có ý định đến lưu trú; số tiền trọ vẫn được trả đầy đủ cho chủ nhà và phòng trống có thể được sử dụng để làm nơi tá túc cho những người chạy trốn chiến tranh trong nước.Thách thức của vị thế mớiNhững động thái của Big Tech cho đến nay đều phản ánh sự can dự ngày một sâu hơn vào những xung đột vũ trang - chính trị toàn cầu. Trong khi ngành công nghiệp sản xuất vẫn luôn có vai trò trong các cuộc chiến - các doanh nghiệp tư nhân có thể giúp chế tạo xe tăng, máy bay và vũ khí, và đôi khi là trụ cột để giúp đỡ quân đội nước nhà trong các cuộc khủng hoảng quân sự - thì các công ty công nghệ trước đây thường hạn chế nhúng tay vào những hoạt động trên chiến trường. Nhưng giờ đây các doanh nghiệp này dường như lại là một tác nhân không thể bỏ qua trong cuộc xung đột, trang CNET nhận xét. “(Những gì họ làm) chẳng khác nào đang bắn một phát súng” - Matthew Schmidt, giáo sư về an ninh quốc gia tại Đại học New Haven (Mỹ), ví von về các hạn chế mà Big Tech đang áp đặt lên truyền thông Nga.Jennifer Grygiel, phó giáo sư nghiên cứu về truyền thông xã hội và chính sách đối ngoại tại Đại học Syracuse (Mỹ), cho biết tính thời sự và mức độ gây chú ý của xung đột Nga - Ukraine khiến các chính sách mà mọi doanh nghiệp đưa ra liên quan đến cuộc chiến càng bị soi xét kỹ lưỡng hơn. Dịch vụ của các công ty Big Tech là chiếc loa phát thanh cho các cơ quan truyền thông trên khắp thế giới, do vậy mỗi quyết định quảng bá hay kiểm duyệt nội dung đều có sức ảnh hưởng rất lớn.Nhưng sử dụng quyền lực này ra sao là một nước đi có lẽ nhiều công ty sẽ phải thận trọng. Các công ty này đang đối mặt với những quyết định khó khăn và bất kỳ sai lầm nào cũng có thể phải trả giá đắt. Big Tech càng thể hiện quyền lực thì càng tạo thêm động lực cho việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh của họ ở châu Âu và Mỹ, hoặc cũng có thể khiến các công ty này bị cấm tiệt khỏi thị trường Nga rộng lớn, theo The New York Times. “Điều quan trọng cần lưu ý là chúng tôi là một công ty, chứ không phải chính phủ hay một quốc gia” - phó chủ tịch Microsoft Brad Smith nhấn mạnh trong một bài blog. Tags: UkraineNgaMạng xã hộiCông nghệQuyền lựcBig TechChiến sự
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.