Con già chăm bố mẹ già

T.L.(*) 17/07/2019 01:07 GMT+7

TTCT - Do tuổi thọ con người ngày càng cao, bố mẹ và con cái phải “cùng già bên nhau”. Những mô hình gia đình như vậy, thời nay, hóa ra lại phát sinh đến lắm vấn đề mới.

 

Giấc mơ bị thay đổi

Khi hình dung về tuổi già của bản thân, kịch bản phổ biến nhất thường là:

- Nghỉ hưu.

- Làm những việc mình thích.

- Chăm cháu.

- Sống bằng lương hưu/lợi tức.

Tây cũng như ta, ai cũng nghĩ “già là để nghỉ”. Nhưng Susan B. Garland kể lại trong một bài viết trên tờ New York Times, đấy là lúc những nhiệm vụ mới bắt đầu.

Lynda Faye dự định khi thôi dạy học sẽ về làm vườn tại quê, thời gian rảnh chia ra thăm lần lượt tám đứa cháu nội ngoại. Trong danh sách của bà cho những tháng ngày “tuổi vàng” không hề có mục: chăm mẹ già.

Đến nay, bà Faye đã 75, và mẹ bà - bà góa Meisel - đã 99. Bà Faye dành cả ngày chỉ để giúp mẹ tắm, nấu và cho mẹ ăn, lấy thuốc mẹ uống, quản người phụ việc, và đẩy xe lăn cho mẹ đi dạo. “Thật là trớ trêu, chúng tôi không nghĩ bà lại sống lâu thế, bà vốn đâu có khỏe’’ - Faye nói.

Tác giả bài báo nhắc đến một hiện tượng ngày càng phổ biến, mà Faye với mẹ bà là một thí dụ điển hình: con cái vào tuổi 60 hay 70 dành những năm hưu trí của mình để chăm bố mẹ tuổi 90 hay hơn. Kathrin Boerner, một phó giáo sư chuyên về lão khoa tại Đại học Massachusetts Boston, cho rằng do tuổi thọ con người ngày càng cao, bố mẹ và con cái đang phải “cùng già bên nhau”.

“Ai đến cuối 60 và đầu 70 cũng nghĩ đây mới là thời gian hưởng thụ, khi mà nhiều trách nhiệm đã được cất bỏ - Boerner nói - Vì thế vẫn còn bố mẹ có thể là một món quà trời cho, nhưng cũng có thể là điều thực sự khó khăn”.

Bức tranh tài chánh cũng ảm đạm theo. “Khi bố mẹ đã hết sạch tiền dự trữ, đứa con sẽ phải dùng tới phần tiền dự định dùng cho mình về cuối đời” - Boerner nói. Giấc mơ hưu trí thế là tan tành.

Nhận vào là một gánh nặng

Boerner đang tiến hành một nghiên cứu (do quỹ liên bang tài trợ) về mối quan hệ của 120 bố mẹ từ 90 tuổi trở lên và con cái họ từ 65 tuổi trở lên. Cô thấy rằng những người về già vẫn chăm sóc bố mẹ, đặc biệt là con gái, thường sức khỏe suy giảm hơn đám con thảnh thơi, do căng thẳng, do các công việc tay chân bắt buộc, do sự cô đơn thường đi kèm với việc ở nhà chăm sóc.

Với những gia đình vốn gắn bó và yêu thương nhau, việc chăm sóc người già cũng không phải luôn dễ dàng. Còn ở những gia đình giữa bố mẹ và con cái vốn có mối quan hệ không tốt, việc đứa con bắt buộc phải chăm bố mẹ trở thành gánh nặng khôn kham, chất lượng chăm cũng không ra sao.

Ảnh hưởng này còn tiếp tục ngay cả khi bố mẹ qua đời. Một nghiên cứu cho thấy những người con gái chăm mẹ già thường bị trầm cảm và cao huyết áp hơn so với những người con gái không phải chăm.

Con trai chăm bố mẹ có tỉ lệ bệnh tim cao hơn đám con trai không phải chăm. Sau khi bố (hay mẹ) mất, tình trạng này vẫn còn dai dẳng. “Thật khó mà tẩy được các tình trạng mãn tính này một khi đã mắc” - giáo sư Courtney Harold Van Houtven, đồng tác giả của nghiên cứu trên, giải thích.

Nhiều người ở nước ta cũng rơi vào hoàn cảnh như bà Faye. Tiền nong có thể không thành vấn đề, họ có thể đưa phụ huynh vào nhà dưỡng lão, khi mà không gian nhà dưỡng lão với ghế đá, lối đi, có người cùng cảnh ngộ để nhìn vào tự an ủi, có điều dưỡng cần là xuất hiện... tốt hơn nhiều những căn nhà ống chỉ có chị giúp việc giả điếc và mạnh tay, một mình tác oai tác quái trong thời gian con cháu đi làm cả ngày dài.

Thế nhưng quan niệm Á Đông về chữ “hiếu”, về “vứt bố mẹ cho người lạ chăm” vẫn còn quá nặng nề. Họ giữ bố mẹ lại nhà chăm, và không phải ai cũng được như bà Faye, tự coi mình là “vô cùng may mắn” khi người mẹ già vẫn minh mẫn, hài hước, luôn luôn cảm kích trước những gì con gái làm cho mình.

 

Nhưng buông đi cũng là một gánh nặng

Để giảm stress và việc chăm bố mẹ được lành mạnh, các chuyên gia khuyên con cái nên có lúc nghỉ ngơi, khám sức khỏe thường xuyên, duy trì các quan hệ xã hội và năng tập thể dục. Ở nước ta, thế hệ cháu có lẽ cũng nên chia nhau ngày trực chăm ông bà. Hãy dạy chúng thế này: xét cho cùng, không có các vị ấy thì tất cả bọn bay đã không có trên đời!

Nhưng ngay cả ở Tây, vẫn có những người coi việc chăm bố mẹ già là một hạnh phúc. Theo bài báo của Garland, trong một số trường hợp, có những người con (đặc biệt là con gái) đã nghỉ hưu sớm hơn để tập trung chăm sóc bố mẹ.

Hai chị em Margaret, 70 tuổi, và Judi, 72 tuổi, đã cùng nghỉ việc để chăm mẹ là bà Silverstein hiện 100 tuổi. Cả ba sống trong một căn hộ hai phòng ngủ ở Brookline (bang Massachusetts, Mỹ). Ba năm trước, cụ Silverstein sống một mình. Con gái lớn của cụ là Margaret làm y tá tại một nhà dưỡng lão gần đó. Hằng ngày bà nấu ăn cho mẹ, giặt giũ và làm việc vặt.

Thế rồi cụ Silverstein đi lại khó khăn. Bà Margaret quyết định đưa mẹ vào nhà dưỡng lão để có thể vừa làm vừa trông mẹ. Bốn tháng sau, nhà dưỡng lão ấy đóng cửa. Bà Margaret sợ rằng đưa mẹ vào chỗ khác không được tốt.

Bà kiếm một công việc khác, tìm một nơi rộng rãi hơn và kêu người em vào ở chung; cả hai chị em đều đã ly dị. Bà Judi khi ấy mới nghỉ hưu tại một đại học cộng đồng. Bà định mỗi khi chị đi làm thì mình chăm mẹ, cứ thế thay phiên.

Nhưng mẹ càng già, việc chăm sóc càng nặng nề, khiến bà chị phải nghỉ việc. Bảo hiểm xã hội của bà mẹ trả cho một phần tiền nhà và một số hóa đơn. Chương trình Medicaid trả cho tiền thuê người giúp sáu giờ mỗi ngày, mỗi tuần sáu ngày. Tranh thủ lúc có người giúp, hai chị em ra quán ăn uống, đi bảo tàng, gặp bạn bè, và đi xem phim. “Mình cần phải đối xử tốt với bản thân” - bà chị nói.

Đến lượt những người con cũng ngày càng già. Bà chị đã phải thay khớp gối nhưng vẫn dìu mẹ từ ghế này sang ghế khác được. Bà em bị vẹo cột sống và loãng xương, đến bản thân làm việc nhẹ cũng khó. Họ quyết định, nếu mẹ già hơn nữa, cần chăm sóc thêm nữa, thì họ mới đưa cụ vào nhà già.

Bản thân hai chị em nói họ cũng phải chuẩn bị cho sự sống lâu của bản thân. Họ chọn căn hộ này vì nó được một tổ chức phi lợi nhuận điều hành và có nhiều loại dịch vụ cho người cao tuổi. Họ bảo với con họ rằng họ không muốn chúng thành hộ lý cho mình. “Tôi chăm mẹ được nhưng sẽ không làm thế với con tôi. Cứ cho tôi vào nhà dưỡng lão” - bà Judi nói.

Phần cụ Silverstein, ngày ngày xem CNN và nghe sách nói. Tuy có nhiều điểm bất đồng với hai con gái, nhưng cụ đánh giá cao hai con. “Đời chúng thực sự khổ kể từ khi tôi không đi lại được nhiều - cụ nói - Tôi là rất may mắn đấy: hai con gái đều tuyệt vời, trên mọi khía cạnh”.

Khi gánh nặng chưa là gánh nặng

Tuy nhiên hoàn cảnh phổ biến nhất là con vẫn còn đi làm tuy cũng khá già, bố mẹ già rồi nhưng vẫn tự chăm sóc được. Thường giai đoạn này con cái hay xem nhẹ, trong khi theo các chuyên gia, việc sống cô đơn, lủi thủi và buồn chán lại thường là những vấn đề phổ biến nhất của người già. Họ còn khỏe đấy nhưng không đi ra ngoài được nhiều như xưa. Họ thấy bạn bè qua đời dần. Họ thấy lạc hậu trước một xã hội quay cuồng như vũ bão trên báo đài.

Nhưng con cái thường chỉ quan tâm phần “thấy được”. Có một người giúp việc ổn là coi như xong. Nhiều người con miễn thấy bố mẹ ăn được, đều đều thuốc bổ sáng chiều, nhà cửa sạch sẽ, là an tâm đi làm về không cần nói chuyện thêm với các cụ. Trong khi với các cụ, tinh thần là quan trọng nhất. ■

(*): tổng hợp và dịch

Đây là những lời khuyên giản dị mà nhiều chuyên gia về tuổi già đưa ra cho những người con bận rộn. Bí quyết để thực hiện dài lâu là nghĩ “Mình làm gì với bố mẹ thì sau này con cái sẽ làm y như thế với mình”.

1. Duy trì liên hệ thường xuyên: ở gần thì nói chuyện mỗi ngày, bàn các vấn đề thời sự, xã hội, hàng xóm. Ở xa thì gọi điện đều đặn, cho các cụ thấy mặt trên điện thoại. Không nên coi thường người già bằng cách họ nói gì cũng không phản biện, vì làm thế sẽ khiến đầu óc người già cùn đi.

2. Khuyến khích các cụ ra ngoài: là dịp để các cụ được mặc đẹp, được đánh thức lại nhiều thứ, được nhìn xã hội thay đổi.

3. Ra ngoài với bố mẹ: đừng ngại đi mua sắm, ăn uống với bố mẹ già. Nếu các cụ không chịu đi, ít nhất cũng dẫn các cụ xuống ghế đá chung cư ngồi chơi cùng.

4. Thuê được người chăm sóc thật thà: kỹ năng của người này có thể chưa tốt, nhưng cần sự thật thà hiền hậu của họ. Tuy vậy, “bạn không được để sự hiện diện của người giúp việc thế chỗ mình trong đời cha mẹ già”.

5. Hướng dẫn các cụ dùng công nghệ mới: với công nghệ, các cụ có thể tham gia mạng xã hội khiến đầu óc linh hoạt hơn, thời gian đỡ nhàm chán. Ngoài ra, có thể tìm những game đơn giản để các cụ chơi, vừa luyện tay, luyện mắt, lại luyện óc phán đoán.

6. Đến thăm nhiều: điện thoại, quà cáp, công nghệ không thay được việc tự mình đến thăm bố mẹ. Nhớ là khi đến thăm không dán mắt vào điện thoại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận