Để dữ liệu vượt qua cảm xúc

CHIÊU VĂN 07/07/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Mọi chuyện trên đời đều có rủi ro, vấn đề là phải đặt rủi ro vào trong bối cảnh của nó.

Truyền thông và các chuyên gia y tế - dịch tễ khắp thế giới đều đang hết sức nỗ lực để vẽ ra một bức tranh bối cảnh rõ ràng hơn cho những rủi ro liên quan tới việc tiêm vaccine COVID-19. 

Đó thực ra là chuyện không có gì mới mẻ: Bất kỳ ai chấp nhận một hình thức điều trị nào đó đều có quyền được biết những rủi ro liên quan, dù nhỏ tới đâu. Câu hỏi còn lại là cách thức truyền đạt, bởi đây là một vấn đề tâm lý cũng nhiều như, nếu không muốn nói là nhiều hơn, một vấn đề thống kê. 

Trước hết, cần một tư duy hoàn chỉnh hơn về “rủi ro”. Giáo sư tâm lý học Paul Slovic của Đại học Oregon, Mỹ, chủ tịch Hội Nghiên cứu về ra quyết định - một học giả hàng đầu thế giới về nghiên cứu rủi ro - từ lâu đã nhấn mạnh với các chuyên gia thống kê hay phân tích tài chính rằng “rủi ro”, với một con người cụ thể, không phải là một con số. 

Đó không phải là tỉ lệ phần trăm hay xác suất, mà là một cảm xúc chủ quan: Trước cùng một xác suất rủi ro, phản ứng của mỗi người mỗi khác - và điều chúng ta cần quan tâm trong việc triển khai vaccine và nỗi sợ rủi ro không phải là một tỉ lệ phần trăm vô hồn, mà là tâm lý của dân chúng sẽ được tiêm.

 
 Nguồn: bmj.com

Cảm xúc chủ quan về rủi ro đó chịu sự chi phối của hai yếu tố chính: khả năng biến cố không mong đợi xảy ra và tác động của biến cố đó. 

Bạn hẳn sẽ phản ứng rất khác nếu được thông báo rằng có 1/10 khả năng bạn sẽ nhức đầu vài ngày so với 1/10 khả năng là bạn sẽ chết. Và từng cảm nhận đó cũng có tính cá nhân cao độ.

Do đó, nếu bạn tưởng tượng rằng có một “rủi ro khách quan” dựa trên xác suất thuần túy thì rất có thể đó chỉ là... tưởng tượng - dựa trên cảm xúc cá nhân của bạn. 

Việc vội vã tìm kiếm và đưa ra những xác suất tương tự: Biến chứng tiêm vaccine còn thấp hơn bị cá mập cắn chẳng hạn, cũng không giúp ích gì nhiều. Ai cũng biết là khó lòng trúng số, nhưng người ta không vì thế mà không mua vé số.

Yếu tố cảm xúc, thật trớ trêu, ảnh hưởng mạnh lên việc ra quyết định hơn bất kỳ con số thống kê duy lý nào. 

Giới chuyên gia cũng đã tìm cách “lượng hóa” cảm xúc cá nhân thành những chỉ số như cảm nhận về năng lực kiểm soát, mức độ hiểu biết với tính nguyên nhân - hệ quả, mức độ quen thuộc với vấn đề..., nhưng ngay cả trong thời đại đáp tàu vũ trụ xuống sao Hỏa này, các nhà khoa học vẫn chưa thực sự làm chủ được cảm xúc con người.

Như vậy làm sao để truyền đạt một bối cảnh có sức thuyết phục cho rủi ro? Về cơ bản, bạn sẽ phải đặt trước mặt người ra quyết định hai lựa chọn tương đối giống nhau, chỉ khác nhau về xác suất. 

“Trời, tôi đã chích mấy chục người có thể hình, cân nặng, nhịp tim, huyết áp... giống anh/chị rồi, ai cũng khỏe re hết”, hay: “Thì anh/chị nghĩ coi, rủi ro vaccine với rủi ro dính COVID phải nằm viện cách ly, cái nào đáng lo hơn” sẽ là những sự khuyến khích hữu dụng hơn nhiều so với, nói ví dụ: “Tính tới ngày 20-5, Úc đã ghi nhận 21 trường hợp bị huyết khối sau khi triển khai 2,1 triệu liều vaccine, tương đương tỉ lệ 0,001%” (số liệu của Bộ Y tế Úc)”. 

Thật ra, việc đọc được những thống kê như vậy khiến nhiều người thấy... sợ, hơn là thấy tự tin để đi tiêm (một lần nữa, giống như khi mua vé số, ai cũng ít nhiều tin là mình sẽ trúng).

Ví dụ về việc truyền đạt thông điệp này một cách khôn ngoan cho đại chúng là biểu đồ mà Trung tâm Winton, một tổ chức chuyên nghiên cứu rủi ro của Đại học Cambridge, Anh, lập cho đài truyền hình quốc gia nước này. 

Thay vì đưa ra những con số tuyệt đối, biểu đồ so sánh số người sẽ phải nhập viện vì COVID-19 trong 4 tuần lễ với hai kịch bản: Không ai chịu tiêm vaccine và tất cả đều đã tiêm (xem hình). Biểu đồ này giản dị, dễ hiểu và đánh trúng tâm lý người xem: so sánh hai điều giống hệt nhau, chỉ khác về xác suất.

Nói chung, con người luôn là rất khó thuyết phục, và để họ thực sự “tâm phục khẩu phục”, sẽ cần những cách thức truyền đạt rủi ro thông minh hơn, chứ không phải mang tính áp đặt hơn.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận