Kỹ năng sống

ĐỖ PHẤN 11/09/2015 02:09 GMT+7

Loài người có đến mấy chục vạn năm rèn luyện “kỹ năng sống” nhưng chữ này thật ra mới chỉ có mặt trong đời sống hằng ngày của người Việt chừng vài chục năm thôi.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Trước đó nó nằm tản mát trong những bài học, bài tập có tính chất ngoại khóa. Phổ biến nhất cho học sinh phổ thông thập kỷ 1960-1970 là các buổi cắm trại ngoài trời. Ở đó bạn bè giúp nhau hoàn thành những việc được cha mẹ và nhà trường dạy dỗ từ nhà. Nấu cơm, căng lều, cắt hoa trang trí, đàn hát tùy khả năng.

Và một vài việc tự chúng rèn luyện với nhau khi vắng người lớn như tán tỉnh bạn gái, ngượng ngùng cầm tay, run run cái hôn đầu...

Kỹ năng sống không phải là giáo điều bất biến. Nó thay đổi theo thời gian, tập quán, thể chế và văn minh. Giờ không cần phải dạy trẻ con thấy người ta đốt pháo thì bịt tai lại, đơn giản vì không ai dám đốt pháo nữa. Cũng không cần dạy trẻ con thấy người lớn ngoài đường phải chào. Đơn giản vì ngoài ấy quá nhiều người lớn, hoặc ít nhất thì cũng to xác.

Thời chiến tranh, lũ trẻ Hà Nội sơ tán về các vùng quê tùy theo địa phương ấy có phong tục tập quán gì đều phải học theo cho đỡ ngố. Đại khái con gái không đứng ngoài đường lúc người ta đi chợ để tránh xui xẻo vì việc “ra ngõ gặp gái”. Không sang hàng xóm xin lửa vào sáng sớm.

Thật ra cũng không có quy định nào cả. Chỉ là nếu không muốn nghe các bà chửi thì cố mà tránh. Bạn bè cho nhau con dao, con chó, con mèo đều phải trả tiền vía nếu như không muốn mất bạn hoặc chết chó chết mèo. Những kỹ năng sống ấy khi về Hà Nội chẳng dùng vào việc gì nữa. Làm sao có thể tránh được người đi chợ ở thành phố mấy triệu dân mang danh là kẻ chợ này.

Lũ trẻ ngày ấy lớn lên không ngừng học tập rèn luyện các kỹ năng khác bây giờ đã thành ông thành bà. Phải rèn luyện thêm nhiều kỹ năng nữa nhưng những kỹ năng cũ vẫn buộc phải dùng tốt. Đơn giản vì bây giờ con cháu tầm dưới 20 tuổi có rất ít đứa ở thành phố nấu được bữa cơm cho ra hồn.

Nhiều đứa không biết đi xe đạp. Giặt quần áo bằng máy thì kể như chưa biết giặt. Cắt tiết gà, vặt lông, đánh vẩy cá là chuyện nhiều đứa chưa từng thấy bao giờ.

Nhưng trẻ con bây giờ có rất nhiều kỹ năng mà người lớn khó lòng theo kịp. Lướt web, Facebook, chơi điện tử trên iPad, đọc những quyển truyện tranh đen nhẻm. Lớn hơn chút nữa là ngoại ngữ, thời trang, nhạc K-pop và hẹn hò. Và để lo cho chúng ngần ấy câu chuyện vẫn là các bậc phụ huynh đầy kỹ năng sống.

Kỹ năng sống của người lớn luôn rất lạc hậu so với trẻ con. Thêm nữa, cũng rất ít người lớn quan tâm đến việc rèn kỹ năng cho trẻ. Điều đó sẽ làm nên thất bại của cả nền giáo dục.

Ồn ào những ngày qua là chuyện cô giáo “cung bọ cạp”, chuyện thi đại học, chuyện dạy trẻ con đi trên mảnh thủy tinh. Toàn chuyện của người lớn. Những người kém kỹ năng hoặc kỹ năng đã quá lạc hậu. Ứng xử của cô giáo “cung bọ cạp” cho thấy thiếu vắng hoàn toàn kỹ năng làm thầy.

Các bậc phụ huynh khóc mếu kêu gào ở địa điểm nộp hồ sơ đại học đã chứng tỏ kỹ năng dạy dỗ một đứa trẻ gần 20 tuổi biết tự lập lo liệu là số 0 tròn trĩnh? Đứa trẻ ấy lớn lên chắc cũng chỉ biết kêu gào như phụ huynh là cùng.

Tiến sĩ viết sách dạy trẻ con đi trên mảnh thủy tinh hiểu biết rất lệch lạc về việc rèn luyện lòng can đảm. Còn rất may ông ấy chưa dạy lũ trẻ nuốt kiếm và cưa bom. Những kỹ năng viển vông chỉ cần vài người trong số 90 triệu dân Việt biết là đủ để biểu diễn cho cả nước xem rồi.

Đúng là bọn trẻ ngày nay rất thiếu kỹ năng sống. Nhưng dạy chúng cái gì lại chính là việc của người lớn. Liệu có nên hiểu rằng người lớn bây giờ rất thiếu kỹ năng dạy trẻ không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận