TTCT - Trong thời kỳ non trẻ, ngành khoa học máy tính đã từng là một lựa chọn nghề nghiệp xán lạn nơi phụ nữ được thỏa sức chứng tỏ khả năng của mình. Nhưng chỉ sau nửa thế kỷ, nam giới đã đẩy phụ nữ ra khỏi sân chơi do chính họ góp sức dựng xây. Điều gì đã xảy ra? Mary Allen Wilkes, chuyên gia lập trình của MIT trong thập niên 1960. Ảnh: Joseph C. Towler, JrNhững đóng góp nền tảngNgành khoa học máy tính như chúng ta biết ngày nay mới bắt đầu xuất hiện từ cuối những năm 1950. Khi đó, chiếc máy tính điện tử mới được xuất hiện được chưa đầy 10 năm, với kích thước to ngang một căn phòng và số lượng đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu nằm trong các viện đại học và phòng thí nghiệm chính phủ tại Anh và Mỹ.Hệ thống đào tạo, học thuật và bộ máy tuyển dụng nhân sự trong ngành vẫn chưa tồn tại, và gần như chẳng ai biết lập trình là gì. Các ứng viên tiềm năng có thể chỉ cần lái xe đến nơi tuyển dụng, hoàn thành một bài kiểm tra logic và được nhận ngay vào làm, giống như cách Mary Allen Wilkes đã trải qua khi bà trúng tuyển vị trí lập trình viên tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) - một trong những đơn vị tiên phong trong ngành khoa học máy tính thế giới.Lúc này, Wilkes mới 22 tuổi và có kinh nghiệm lập trình bằng 0. Tuy nhiên, bốn năm đào tạo đại học chuyên ngành triết đã cho bà khả năng suy luận logic biểu tượng, cũng như kiến tạo giả thiết và kết luận bằng “và/hoặc” khá giống với việc lập trình máy tính yêu cầu. Bà nhanh chóng bắt nhịp được với công việc, dành nhiều giờ liền đảo qua các dòng code, tái lập từng câu lệnh trong đầu và cố gắng tư duy theo cách của máy tính để tìm ra các lỗi. Chiếc máy IBM 704 mà bà sử dụng, dù cồng kềnh, chỉ xử lý được 4.000 “từ” trong các câu lệnh, do đó người lập trình viên không được phép dùng thừa dù chỉ một từ - giống như cách nhà thơ khắt khe với mỗi chữ mình viết ra.“Công việc với tôi tựa như đang chơi một bộ xếp hình lớn và phức tạp, và tôi phải nhận ra những mảnh đang đứng xiên xẹo trên tường” - báo The New York Times dẫn lời Wilkes nhớ lại.Kiểu đầu óc nào sẽ phù hợp làm việc này? Ở thời điểm giữa thế kỷ 20, phụ nữ được coi là câu trả lời thích đáng. Họ vốn đã có đóng góp xuyên suốt sự phát triển của ngành điện toán - từ Ada Lovelace, quý cô người Anh thế kỷ 19 xem là lập trình viên máy tính đầu tiên trong lịch sử, đến nhóm phụ nữ hậu phương Mỹ đã viết ra phần mềm của ENIAC - máy tính điện tử đầu tiên cho phép lập trình với hơn 17.000 ống chân không (thay vì bóng bán dẫn ngày nay) - trong những năm cuối chiến tranh thế giới thứ 2.Tuy nhiên, thành tựu của họ thường không nhận được sự tôn trọng xứng tầm. Vào những năm 1940, vinh quang trong ngành máy tính nằm ở mảng phần cứng - thiết kế và chạy những cỗ máy khổng lồ; trái lại, lập trình được cho là việc “mềm” và nghiễm nhiên được trao cho những người phụ nữ.Dù sao thì ở giữa thế kỷ trước, thời điểm phụ nữ không có nhiều lựa chọn ngoài việc ở nhà làm vợ hiền dâu đảm hoặc làm thư ký bàn giấy, ngành lập trình vẫn là phao cứu sinh được nhiều cô gái nhắm tới.Khi hầu hết cách ngành khác đều yêu cầu bằng cấp cao hoặc tuyển rất ít nữ, ngành khoa học máy tính đang mở rộng cánh cửa không yêu cầu kinh nghiệm, với mức lương năm tương đương 20.000 USD (hoặc 150.000 USD tính theo vật giá hiện hành). Không khó hiểu vì sao ngành này trở nên cực thịnh với phụ nữ Mỹ những năm hậu thế chiến - xuyên suốt thập niên 1960, các quý cô chiếm 30 - 50% tổng lực lượng lập trình viên Mỹ. “Phụ nữ thời đó thường đặt câu hỏi: Nếu không làm lập trình, tôi biết làm gì khác?” - nhà sử học Mỹ Jean Abbate nói với The New York Times. Phụ nữ vận hành máy bấm lỗ (keypunch) của IBM ở Stockholm thập niên 1930.Sân chơi khắc nghiệtThế nhưng, sau vài thập niên, tương lai xán lạn của phụ nữ trong ngành lập trình dần tan biến. Sau nhiều năm trên đà tăng, tỉ lệ nữ giới trong số sinh viên tốt nghiệp ngành máy tính và công nghệ thông tin ở Mỹ tụt dần, từ đỉnh 37,1% năm 1984 xuống chỉ còn 19,6% năm 2016. Lực lượng lao động cũng dần bị thay thế bởi hình ảnh “hội trai IT” như ta vẫn quen thấy ngày nay. Chuyện gì đã xảy ra? Câu trả lời bắt đầu từ sự ra đời của máy tính cá nhân.Giai đoạn đầu thập niên 1980 đánh dấu một bước ngoặt của công nghệ hiện đại: Thay vì những cỗ máy khổng lồ mang hình hài viễn tưởng, máy tính đã dần trở nên nhỏ gọn và hợp túi tiền hơn, khiến chúng trở thành một món hàng gia đình, thậm chí một món đồ chơi cho con trẻ. Các mẫu máy tính cá nhân như Commodore 64 hay TRS-80 tạo điều kiện cho học sinh trung lưu tiếp cận với lập trình từ sớm, giúp xây dựng một lượng nhân lực công nghệ thông tin sẵn sàng cho đào tạo đại học.Dù vậy, theo Jane Margolis, nhà khoa học xã hội tại Đại học UCLA (Mỹ), các trải nghiệm này phần lớn thuộc về nam giới. Trẻ em trai được tiếp xúc với máy tính cá nhân nhiều hơn hẳn trẻ em gái; các bé trai cũng có cơ hội được bố mẹ tặng máy tính cá nhân nhiều gấp đôi chị em gái của mình. Các ông bố cũng thường xuyên dành thời gian “vọc” máy tính với con trai mình nhiều hơn con gái.Nghiên cứu của Margolis xuất bản năm 2002 được rút từ quan sát 100 học sinh tại Đại học Carnegie Mellon, nơi phó khoa khoa học máy tính Allan Fisher đã nhận ra sự áp đảo số lượng của sinh viên nam ngay từ khi thành lập bộ môn năm 1988.Fisher cũng để ý thấy nam sinh viên da trắng dễ dàng thành lập các “hội mọt sách” trong khoa, giúp các thành viên dễ dàng chia sẻ tài liệu, hỗ trợ nhau qua môn. Nữ sinh (cùng với các sinh viên nam da màu) dĩ nhiên không được mời, do đó gặp khó khăn hơn nhiều trước áp lực bài vở trong trường.Ngay tại Viện MIT, một khảo sát năm 1983 đã cho thấy các sinh viên nữ trong ngành công nghệ thông tin có xu hướng bị giảng viên lờ đi khi giơ tay trả lời, cũng như bị các sinh viên nam ngắt lời trong buổi học. Với vị thế thiểu số, sinh viên nữ trong khoa cũng thường bị đám đông nam sinh bình phẩm, đánh giá về ngoại hình, thậm chí bị coi là yếu logic thiên bẩm (Hẳn ta còn nhớ Facebook ra đời cũng “nhờ” ý tưởng xếp hạng ngoại hình nữ giới của Mark Zuckerberg và các bạn đồng môn).Theo quan sát của Margolis, khi không có kinh nghiệm lập trình, đồng thời thiếu tài nguyên và sự hỗ trợ từ môi trường xung quanh, các nữ sinh thường bị tụt lại trong lớp, từ đó đối mặt với sự tự ti, cho rằng bản thân không phù hợp với định nghĩa “lập trình viên đích thực” mà hội nam sinh đặt ra. Không khó hiểu khi một lượng lớn sinh viên nữ bỏ học khi chương trình chưa đi được quá nửa.Với các cá nhân kiên trì trụ lại, viễn cảnh sự nghiệp của họ cũng chưa hết khó khăn, khi vẫn phải đối mặt với lề thói coi thường phụ nữ vẫn tồn tại nặng nề trong ngành IT. Năm 2017, Google đã sa thải nhân viên James Damore sau khi một email nội bộ, trong đó anh này cho rằng phụ nữ không phù hợp làm lập trình máy tính do tính cách dễ lo âu, bị tuồn ra ngoài. Tuy nhiên Damore vẫn nhận được sự ủng hộ của nhiều đồng nghiệp nam khác trong nội bộ Google, cho thấy sự phân biệt đối xử vẫn còn ăn sâu bám rễ trong Thung lũng Sillicon, ngay cả ở các doanh nghiệp khổng lồ đang đặt sứ mệnh thúc đẩy tiến bộ nhân loại. Hai phụ nữ cài đặt phần mềm lập trình trên máy ENIAC năm 1946. Ảnh: Đại học PennsylvaniaDù chỉ được xem ngang với công nhân đánh máy và kế toán, những nữ lập trình viên của ENIAC vẫn chứng tỏ được khả năng của mình khi tổ chức và kiểm soát cỗ máy đến từng ống chân không một. “Chúng tôi có thể biết ngay ống nào đang gây lỗi. Chúng tôi hiểu cả phần mềm lẫn phần cứng nên có thể định vị vấn đề tốt hơn những người [nam] kỹ sư” - Jean Jennings, một nữ lập trình viên của ENIAC, khảng khái trả lời báo chí. Mở cánh cửa cho nữ giớiTừ câu chuyện Google, ta lại đặt câu hỏi: Liệu khác biệt sinh học có phải là rào cản ngăn phụ nữ khẳng định vị thế trong ngành lập trình? Câu trả lời là không - chỉ cần nhìn ra ngoài phương Tây để tìm ví dụ. Tại Ấn Độ, hơn 40% sinh viên trong ngành khoa học máy tính và các ngành liên quan là nữ giới. Việc học hành của họ cũng chẳng dễ dàng gì: Họ vẫn phải đối mặt với định kiến giới hà khắc tại Ấn Độ, và phải rời phòng máy trong trường trước 8h tối vì lý do an toàn - trong khi các đồng môn nam được phép làm việc muộn bao lâu tùy thích.Tuy nhiên, sinh viên nữ Ấn Độ có một lợi thế: Họ được gia đình khuyến khích theo đuổi lập trình bởi đây được coi là công việc văn phòng an toàn, giúp phụ nữ tránh khỏi hiểm nguy ngoài đường phố. Nói theo cách khác, lập trình là tấm giấy thông hành giúp phụ nữ Ấn chạm đến tương lai mà họ mong muốn.Ngẫm người lại nghĩ đến ta - tại Việt Nam, ngành lập trình vẫn còn nhiều điều phải làm để mở cánh cửa cho lực lượng lao động nữ. Báo cáo năm 2020 của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG) cho thấy Việt Nam có tỉ lệ nữ tốt nghiệp các ngành công nghệ thấp nhất (26%) trong số 6 nước Đông Nam Á được khảo sát.Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cả khối tư nhân, cơ sở đào tạo và chính phủ cần vào cuộc để biến công nghệ thành một lựa chọn khả dĩ cho sinh viên, trước khi tạo điều kiện cho họ lựa chọn làm việc và theo đuổi sự nghiệp dài hơi.Lịch sử đã cho thấy rằng mặc cho các trở ngại liên tầng, lực lượng lập trình viên nữ vẫn luôn có mặt, đóng vai trò thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ và kỹ thuật. Trong công cuộc chuyển đổi số đang thay đổi Việt Nam từng giờ, sự có mặt của họ càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Thứ mà nhiều người trong số họ cần, có lẽ chỉ là một cơ hội.■ Tags: Bình đẳng giớiPhụ nữCông nghệLập trình
Tăng mức phạt giao thông: Vẫn có thể tìm thêm giải pháp? CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 11/01/2025 1511 từ
Đánh giá công chức: Bởi không rõ ràng nên thất bại cao vũ minh (Trường ĐH Kinh tế - luật) 09/01/2025 1547 từ
Sáng nay tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp tại Buôn Ma Thuột, TP Vinh, TP Huế TRỌNG NHÂN 11/01/2025 Chuỗi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 của báo Tuổi Trẻ chính thức bắt đầu sáng nay 11-1 với ba chương trình diễn ra đồng thời tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), TP Vinh (Nghệ An) và TP Huế.
Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc THÀNH CHUNG 11/01/2025 Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong được Bộ Chính trị điều động, chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.
Hà Nội ùn tắc cả ngoài giờ cao điểm: Cần đẩy nhanh xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu HỒNG QUANG 11/01/2025 Chuyên gia cho rằng nhu cầu đi lại dịp cuối năm (âm lịch) tăng cao, hạ tầng chưa đáp ứng và một bộ phận tài xế phải uốn nắn hành vi do nghị định 168, khiến giao thông Hà Nội trở nên đông đúc hơn trong những ngày qua.
Máy bay đáp khẩn xuống quốc lộ, 3 người đi đường thiệt mạng TRẦN PHƯƠNG 11/01/2025 Một máy bay hạng nhẹ hạ cánh khẩn cấp xuống quốc lộ ở Kenya và bốc cháy làm 3 người trên đường thiệt mạng.