Lớp vẽ miễn phí của họa sĩ ở nhà trọ

MY LĂNG 23/05/2018 04:05 GMT+7

TTCT - Hơn 2 năm nay, người họa sĩ ấy vẫn tận tụy duy trì lớp học vẽ miễn phí cho những đứa trẻ nghèo khó ở vùng thôn quê, dù anh đang ở nhà thuê và thu nhập từ bán tranh rất bấp bênh…

Không có bục giảng, thầy Phúc An phải treo tranh mẫu lên hai cánh cửa để dạy học trò. Ảnh: My Lăng
Không có bục giảng, thầy Phúc An phải treo tranh mẫu lên hai cánh cửa để dạy học trò. Ảnh: My Lăng

Những học trò nghèo ở miền quê

Mới hơn 16h, căn nhà cấp 4 cũ kỹ mà vợ chồng họa sĩ Phúc An thuê trong xóm nhỏ ở ấp 6, xã Thạnh Đức (Bến Lức, Long An) đã chộn rộn tiếng xe máy, tiếng chào hỏi của những học sinh. Dù lớp học vẽ bắt đầu từ 17h30 nhưng nhiều bé được ông, được mẹ chở tới nhà thầy Phúc An từ sớm. Bé nào cũng cắp theo một tấm bìa cactông cứng và một túi nilông lủng lẳng đựng hộp màu, bút chì, giấy vẽ, cục gôm...

Khoảng 30 phút sau, căn phòng khách bên trong và hành lang ngoài hiên nhà đã ken kín con nít. Nhiều cô bé, cậu bé cứ hồn nhiên với quần đùi, áo sát nách... đến lớp học. Bé nào cũng tự động lấy ghế nhựa nhỏ, đặt tấm bìa cactông cứng lên trên ghế làm “giá vẽ”, lấy tờ giấy trắng khổ A3 đặt lên, soạn sẵn bút chì và hộp màu cho buổi học.

Họa sĩ Phúc An lúc ra đón học trò, tiếp phụ huynh, sắp chỗ ngồi cho tụi nhỏ, lúc lại lo bật quạt, đốt nhang trừ muỗi... Hôm nay lớp học có một thành viên mới: bé Vũ Đình Lan Phương, 4 tuổi. Lan Phương tết tóc điệu đà, mặc váy như công chúa, ngại ngùng nắm tay mẹ, ánh mắt tò mò nhìn các anh chị đang tíu tít trò chuyện và khoe nhau những tranh vẽ của buổi học trước.

Sau khi nói chuyện với họa sĩ Phúc An, mẹ bé Lan Phương là chị Tú Uyên cười bảo: “Con của dì mình học ở đây vẽ đẹp lắm. Bữa nay mình dẫn bé tới mà cứ sợ nhỏ quá không biết thầy chịu nhận không, hên là thầy nhận”.

Bé Lan Phương được sắp ngồi một chỗ bên ngoài hành lang cùng các bé mẫu giáo, lớp 1, lớp 2... “Bục giảng” cho lớp học ở hiên nhà là hai cánh cửa gỗ. Trên hai cánh cửa, thầy giáo treo bốn bức tranh đầy màu sắc, ngộ nghĩnh về một số loại trái cây, con ếch, con gà trống và ốc sên. Học trò ngồi bệt dưới nền nhà. Khi họa sĩ Phúc An chỉ cách vẽ, tụi nhỏ cứ mở mắt tròn xoe, ngóng cổ lên nhìn, nghe thầy nói.

“Con thấy mắt con ếch giống hình tròn không? Đây, thầy vẽ hai hình tròn là ra hai con mắt nè... Rồi cái mình nó cũng giống hình tròn, mà là hình tròn lớn hơn. Bốn cái chân nó vẽ làm sao, giống dấu sắc, dấu huyền ngoặt lên ngoặt xuống là ra nè...” - họa sĩ Phúc An bày cách đơn giản nhất vẽ con ếch cho tụi nhỏ.

Đám nhỏ bắt đầu say sưa vẽ. Những bàn tay con nít bụ bẫm hí hoáy vẽ vẽ, xóa xóa. Đôi mắt trẻ thơ như dán vào những nét vẽ ngộ nghĩnh dần hiện ra trên giấy trắng. Ngay cả bé Lan Phương mới đi học ngày đầu cũng tự tay vẽ được con ếch mà không cần đến sự trợ giúp của mẹ đang ngồi bên cạnh. Chị Mỹ Xuyên, mẹ bé Nguyễn Kiều Vy (4 tuổi, ấp 3, xã Thạnh Đức), cười tủm tỉm nói: “Bé nhà mình vẽ con ếch mà tô màu đen thui chứ không phải màu xanh lá. Nhưng thầy không ép bé phải tô màu đúng như thầy chỉ, mà để bé tự tưởng tượng theo suy nghĩ của bé”.

Tối nay, trong khi thầy đang dạy cho các em nhỏ bên ngoài thì nhóm học trò bên trong phòng khách đang tỉ mỉ hoàn thành phần vẽ hoặc tô màu cho sản phẩm chưa xong từ bữa học trước. Học trò ở nhiều độ tuổi khác nhau từ mẫu giáo đến học sinh cấp III, nên họa sĩ Phúc An phải phân thành 3 nhóm. Học trò cấp III được vẽ đồ thật. Thầy mua trái mẫu, hoa mẫu để trước mặt, dạy cách vẽ phác thảo, tô màu. Nhóm học cấp II vẽ tranh phong cảnh, vẽ người... Các bé mẫu giáo thì vẽ những con vật ngộ nghĩnh, đơn giản.

Hướng dẫn vẽ cho lớp bên ngoài hành lang xong, họa sĩ Phúc An vào lớp trong nhà dạy các em cách vẽ con mèo, con trâu và trái thơm, trái dưa hấu.

“Một buổi học mình đưa ra nhiều lựa chọn. Bé nào thích vẽ con gì, trái gì thì vẽ. Phải làm như vậy tụi nhỏ mới ham đi học. Bé thích con này mà mình bắt phải vẽ con kia là bé không thích, nên dù đã phân nhóm nhưng bé thích vẽ hình của nhóm khác thì cứ vẽ, không cấm cản. Tôi tuyệt đối không vẽ giùm, mà để bé tự vẽ, tự sáng tạo. Bé nào còn yếu thì mình động viên: Con cứ vẽ đi, đừng mắc cỡ. Đến giờ tôi đã duy trì được lớp học hơn 2 năm. Đi học ở trường các bé đã bị căng thẳng rồi. Học vẽ mà còn căng thẳng nữa thì làm sao tụi nhỏ thích học” - anh nói.

Anh Lê Duy, cán bộ Đài truyền thanh xã Thạnh Đức, cho hay: “Vợ chồng họa sĩ Phúc An ở Tiền Giang lên Long An thuê nhà, vợ ở nhà nội trợ, lại có hai con nhỏ, điều kiện kinh tế không khá giả”. Chị Thủy Phương, mẹ bé Mỹ Linh (học sinh lớp 1 Trường Nguyễn Văn Siêu), nói: “Thầy dạy miễn phí nhưng rất có tâm, vui vẻ nên lớp ngày càng đông. Thầy còn hỗ trợ viết, giấy vẽ. Phụ huynh nói để hỗ trợ tiền điện, tiền nước uống nhưng thầy không chịu nhận”.

Họa sĩ Phúc An cho biết học trò của anh đa số là nghèo, khó khăn, nhiều bé ở với ông bà từ nhỏ vì ba mẹ đi làm xa; nhiều bé mồ côi, có bé nửa ngày đi học nửa ngày đi bán vé số. Họa sĩ Phúc An chợt chùng giọng khi nhắc đến những học trò có hoàn cảnh không may: “Hoàn cảnh tụi nhỏ như vậy, lấy tiền thì làm sao tụi nhỏ có cơ hội học vẽ. Nhiều người thắc mắc hoài: Anh dạy không lấy tiền lấy gì sống? Tôi dạy vì thương, không nghĩ chuyện tiền bạc”.

Một trong số các tác phẩm của học trò mà họa sĩ Phúc An giữ lại làm mẫu. Ảnh: My Lăng
Một trong số các tác phẩm của học trò mà họa sĩ Phúc An giữ lại làm mẫu. Ảnh: My Lăng

Lấy chỗ phòng ngủ cho học trò ngồi

Lớp dạy vẽ bắt đầu từ tháng 2-2016. “Vô tình hình thành cái lớp chứ trong đầu mình không nghĩ sẽ mở lớp dạy. Hồi đó con trai mình học mẫu giáo, đoạt giải nhì cuộc thi vẽ cấp trường, rồi vô lớp 1 được giải nhất cấp trường và giải 3 cấp huyện. Cô giáo và phụ huynh cùng lớp thấy con mình vẽ đẹp, hỏi mới biết mình là họa sĩ nên gửi con tới nhờ mình dạy vẽ, dần dần lớp ngày một nhiều.

Có bé còn dẫn cả anh chị tới. Đông quá nhưng không nỡ từ chối. Mình nhận bé này mà không nhận bé kia thì bé buồn, phụ huynh buồn. Hồi nhỏ mình cũng khó khăn. Lên cấp III mình đi kiếm sách vở không có, kiếm thầy học vẽ cũng không, tìm mọi cách về Sài Gòn học. Nhớ lại hoàn cảnh mình hồi bé, vậy nên dạy không lấy tiền” - họa sĩ Phúc An nói.

Lớp học vẽ mở từ thứ hai đến thứ sáu mỗi tuần, từ 17h30 đến 19h. Để có không gian cho tụi nhỏ ngồi học, vợ chồng họa sĩ Phúc An phải dẹp hết tranh vào sát góc tường ở phòng khách, mang vào phòng ngủ, đặt dọc hành lang lối đi. Khi học trò đông quá, họa sĩ Phúc An dẹp luôn phòng ngủ. Không giường không nệm, tối ngủ chỉ cần trải chiếu. Anh chị tiết kiệm triệt để không gian để lấy chỗ cho học trò ngồi. “

Hồi đầu mình mua bộ bàn ghế, nhưng tụi nhỏ nói thầy ơi chỗ này chật quá sao con ngồi. Thế là dẹp hết đồ, lấy chỗ rộng cho tụi nhỏ ngồi thoải mái. Lẽ ra 19h là hết giờ nhưng 20h, thậm chí 21h vẫn có bé ngồi vẽ. Nhà mình, không phải thuê điểm dạy nên bé nào còn ham vẽ thì mình cứ để bé ngồi vẽ thoải mái” - anh cho biết.

Từ tháng 10-2017, họa sĩ Phúc An nhận lời mở thêm lớp vẽ ở Nhà văn hóa xã Thạnh Đức. Tính cả lớp học ở nhà, số em theo học vẽ tại hai lớp của thầy Phúc An lên đến hơn 100 em (mùa hè có khi tăng lên khoảng 150 em). Đầu năm 2018, sau hai lần cấp cứu vì nhiễm trùng dạ dày, sức khỏe sụt giảm, họa sĩ Phúc An phải bỏ bớt một buổi dạy vào thứ sáu.

Họa sĩ Phúc An tâm sự: “Khi nghỉ ôn thi học kỳ, tụi nhỏ cũng xin phép đàng hoàng. Hè, mưa bão, chiều nào cũng tới. Có bữa mưa ầm ầm tưởng tụi nhỏ nghỉ, định không soạn bài thì thấy tụi nhỏ kéo tới. Mình đi đâu đều thông báo cho lớp nghỉ, nhưng đi lâu quá tụi nhỏ nhớ, hỏi vợ mình”.

Từ lớp học vẽ miễn phí này, nhiều học trò của họa sĩ Phúc An đã đoạt không ít giải thưởng trong các cuộc thi vẽ cấp trường, cấp huyện và cả giải quốc gia. Như hai chị em sinh đôi Ngọc Trâm, Quỳnh Trâm (12 tuổi, học sinh lớp 7 Trường Trần Thế Sinh) đoạt giải khuyến khích vẽ tranh “Yêu an toàn, vạn điều hay” trên mạng năm 2017 do Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình phối hợp cùng Tổ chức DKT International INC Vietnam tổ chức; giải nhì cuộc thi vẽ lồng đèn do xã Thạnh Đức tổ chức trung thu năm 2017.■

Bé Mỹ Linh khoe bức tranh vừa vẽ xong và chuẩn bị tô màu. Ảnh: My Lăng
Bé Mỹ Linh khoe bức tranh vừa vẽ xong và chuẩn bị tô màu. Ảnh: My Lăng

“Dạy vẽ cho tụi nhỏ vô tình cũng tạo ra niềm vui cho chính mình. Vẽ cũng là cách xả stress cho tụi nhỏ và cũng là cách xả stress cho mình, vì khi tập trung vào vẽ thì không nghĩ gì đến mọi chuyện xung quanh nữa. Mình chỉ ước có nhiều người mua tranh hơn để có điều kiện trích quỹ nhiều hơn mà tổ chức thi cho các bé để tụi nhỏ được động viên, có tinh thần học” - họa sĩ Phúc An chia sẻ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận