Masayoshi Son - người xây tương lai hay gã nhà giàu đáng ghét?

TRƯỜNG SƠN 11/06/2018 23:06 GMT+7

Danh mục tiêu tiền của Vision Fund, quỹ đầu tư 100 tỉ USD của Masayoshi Son (TTCT số 19-2018), dễ khiến người ta hoang mang vì nó dàn trải đủ khắp các lĩnh vực, dường như không có gì liên quan nhau. Nhưng vẫn có “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt giữa các công ty nhận tiền từ quỹ trăm tỉ đô, dù là startup hay các công ty đã có tên tuổi.

Masayoshi Son và robot Pepper của SoftBank, ví dụ cho mục tiêu “tạo ra máy móc giúp con người hạnh phúc hơn

(Masayoshi Son và robot Pepper của SoftBank, ví dụ cho mục tiêu “tạo ra máy móc giúp con người hạnh phúc hơn" của ông)

“Vì nhân loại”?

Theo The Economist, ví dụ điển hình để minh họa cho kiểu công ty mà Vision Fund sẽ đầu tư vào chính là Improbable, công ty đặt tham vọng tạo ra các thế giới ảo, chi tiết và gần với thực tế nhất có thể, nơi hàng triệu người có thể sống thật với bản thân, tương tác với các robot, thậm chí làm việc và kiếm tiền.

Những công ty dạng này biết chắc kết quả của họ chỉ có hai khả năng - thành công rực rỡ và thất bại thảm hại. Nhưng Son - nhà sáng lập SoftBank, hãng viễn thông và Internet Nhật Bản - thích những kiểu tham vọng như thế. Vision Fund đã đầu tư gần 500 triệu USD vào Improbable khi hãng này mới chỉ gọi được vỏn vẹn 52 triệu USD. Nhưng cần quay ngược thời gian, điểm lại những canh bạc đầu tiên của Vision Fund khi quỹ này được thành lập giữa năm 2017.

Theo trang Singularity Hub, khoản đầu tư đầu tiên của Vision Fund là 110 triệu USD vào BrainCorp hồi tháng 7-2017. Không có gì ngạc nhiên khi đây là một công ty chuyên về trí tuệ nhân tạo (AI) cho robot. Cú đầu tư thứ hai là 200 triệu USD rót vào Plenty, một công ty công nghệ hứa hẹn định hình lại ngành nông nghiệp bằng lối trồng trọt theo chiều dọc, tức dưới dạng những bức tường cao hay ngọn tháp, thay vì mặt phẳng theo lối thông thường.

Vision Fund cũng đổ 1,1 tỉ USD vào Roivant Sciences, một công ty công nghệ sinh học chưa mấy ai biết đến. Hãng này chuyên dùng AI để tìm kiếm các loại thuốc và phương pháp trị liệu. Sang đến tháng 8-2017, Vision Fund chi 2,5 tỉ USD cho Flipkart, mô hình thương mại điện tử Ấn Độ học theo Amazon; 250 triệu USD vào Kabbage, một startup có trụ sở ở Atlanta (Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng dành cho doanh nghiệp nhỏ. Kết thúc tháng này, Vision Fund chi 4,4 tỉ USD cho mô hình chia sẻ văn phòng và không gian làm việc WeWork.

Nhưng tiêu chí lựa chọn để tiêu hết 100 tỉ USD của Son là gì? Theo tạp chí The Economist, các công ty mà Vision Fund lựa chọn đầu tư có thể chia làm ba nhóm chính.

Đầu tiên là nhóm “tiền tuyến”, những dự án nhằm thực thi tầm nhìn của Son về những cuộc cách mạng công nghệ có thể dẫn đến “singularity” (thời điểm AI thông minh hơn con người) trong các lĩnh vực như IoT (mọi thứ kết nối Internet), chế tạo robot, AI, sinh học tính toán (computational biology) và chỉnh sửa gen. Chẳng hạn Son đã chi 8,2 tỉ USD mua Arm, công ty sản xuất chip mà ông tin rằng có thể được dùng trên 3.000 tỉ thiết bị có kết nối Internet vào năm 2035 và rót 5 tỉ USD cho NVIDIA, một công ty sản xuất chip khác sẽ tạo ra các bộ vi xử lý cho các dịch vụ dùng AI.

Nhóm thứ hai là các dự án “thổi công nghệ mới vào các ngành nghề cũ”, như cách các ứng dụng đặt xe đã làm với ngành vận tải. Son đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực đi chung xe, bằng chứng là ngoài khoản đầu tư khủng 9,3 tỉ USD vào Uber, Vision Fund còn nắm cổ phần ở nhiều ứng dụng đặt xe khác, đều hoạt động ở các thị trường rộng lớn như Grab (Đông Nam Á), Ola (Ấn Độ), Didi (Trung Quốc) và 99 (Mỹ Latin).

Và cuối cùng là đầu tư vào các ngành công nghệ, truyền thông và viễn thông truyền thống, điều mà SoftBank đã bền bỉ làm trong 1/4 thế kỷ vừa qua.

Nhìn vào chuỗi đầu tư này, câu hỏi đặt ra là rốt cuộc Son muốn gì khi đầu tư vào robot, nông nghiệp, sinh học, tài chính và cả các ngành nghề mới của nền kinh tế số?

Singularity Hub dẫn lời một đại diện của SoftBank cho biết sợi chỉ xuyên suốt giữa tất cả các công ty này là chúng đều tạo nền tảng cho giai đoạn tiếp theo của cuộc cách mạng thông tin: tất cả các công ty này chia sẻ tiêu chuẩn của SoftBank là hướng đến làm cho nhân loại tốt đẹp hơn. Nói cách khác, theo Singularity Hub, Son muốn đặt cược vào các công nghệ có thể kết nối thế giới theo cách độc đáo và tuyệt vời hơn, mà khoản đầu tư vào Improbable là một ví dụ.

Vision Fund cũng đầu tư 1,2 tỉ USD vào OneWeb, công ty đặt mục tiêu phóng 900 vệ tinh vào vũ trụ để mang Internet đến mọi người trên khắp hành tinh. Ngay cả các công ty không có vẻ gì là công nghệ cao như WeWork cũng nhằm tăng tính kết nối cho nhân loại, như tiêu chí của các ứng dụng đặt xe.

Masayoshi Son tin rằng thuyết singularity có lợi cho con người hơn là hại.
Masayoshi Son tin rằng thuyết singularity có lợi cho con người hơn là hại.

Nhà giàu đáng ghét

Masayoshi Son luôn được mô tả kèm theo cụm từ “gây tranh cãi”. Ông có thể thực sự “làm nên lịch sử” nếu các khoản đầu tư sau này hái quả ngọt và tầm nhìn của ông thành hiện thực. Nhưng trong thì hiện tại, ông bị chính giới đầu tư mạo hiểm chỉ trích vì túi tiền to và cách tiêu tiền của mình.

Tạp chí Nikkei dẫn lời giám đốc đầu tư một công ty công nghệ lớn cho biết SoftBank là một kiểu quỹ đầu tư mạo hiểm “không giống ai” vì cách tiêu tiền của mình. Vị này phê phán SoftBank đã đưa số tiền lớn gấp 10 lần cần thiết cho rất nhiều công ty vốn không biết phải tiêu chúng sao cho đúng. “Kết quả của các khoản đầu tư này không phải lúc nào cũng tối ưu” - ông kết luận. Nhiều nhân vật ở Thung lũng Silicon cũng hoài nghi và cho rằng nếu cứ bơm tiền nhiều hơn mức cần thiết cho các startup, Son sẽ tạo ra bong bóng trong định giá công nghệ.

The Economist dẫn một câu châm ngôn ở Thung lũng Silicon rằng số startup chết vì không tiêu hết vốn nhiều hơn số thất bại vì không có vốn. Quá nhiều tiền sẽ dẫn đến các kỳ vọng phi thực tế - tức ảo tưởng và cuối cùng là lãng phí, không hiệu quả và vô tổ chức. Nếu hình dung Son như ông nhà giàu vung tiền, sẽ có hai hệ lụy: (1) người nhận sẽ ỷ lại, “đốt tiền” không lo lắng, mất động lực như đã nói ở trên và (2) những quỹ đầu tư mạo hiểm khác cũng bực vì Vision Fund “phá giá”, khiến họ không giành được quyền đầu tư vào các công ty tiềm năng vì ra “offer” kém hấp dẫn hơn.

Cách làm của Son cũng khuyến khích các công ty được định giá cao không thèm trở thành công ty đại chúng vì nhìn thấy “bệ phóng” từ túi tiền của ông, thay vì phải chật vật IPO và điều này làm phật lòng giới đầu tư Phố Wall. Mặt trái của việc này là các công ty khởi nghiệp sẽ lo lắng, không biết con đường mình chọn có đủ lọt vào mắt xanh của Son để nhận được tiền hay không.

Giới đầu tư mạo hiểm cho biết Son sẽ được hoan nghênh nếu là người mua thứ cấp, tức không tham gia ngay vòng gọi vốn đầu tiên, mà chờ đến các vòng sau để các nhà đầu tư trước đó có thể rút lui. Trang công nghệ Recode cho rằng Son sẵn sàng làm vậy, nhưng điều đó không có nghĩa ông sẽ không bao giờ đầu tư ngay từ gốc, tức bỏ tiền vào các công ty khi chúng còn non trẻ và loại các quỹ đầu tư khác khỏi cuộc chơi.■

“Gia đình” hay đế chế độc quyền?

Mục tiêu của Vision Fund là đầu tư vào 70-100 công ty để hợp thành “tập hợp các công ty công nghệ non trẻ lớn nhất thế giới”. Các thành viên trong đại gia đình này sẽ tạo nên hệ sinh thái mà mỗi công ty sẽ là khách hàng của các hãng còn lại, có thể sáp nhập với nhau, chia sẻ lời khuyên và hỗ trợ, theo Rajeev Misra - CEO của SoftBank Investment Advisors, công ty điều hành Vision Fund.

Son tin rằng điều này sẽ giúp các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh hơn. Son cũng dự định mang các startup ở Mỹ và châu Âu đến châu Á và ngược lại. Với các startup châu Á, ông cũng muốn họ vươn vòi sang các thị trường khu vực. Một ví dụ: ở Thâm Quyến (Trung Quốc), OYO - startup Ấn Độ chuyên mua và tân trang các khách sạn nhỏ - chạy chung chiến dịch quảng cáo cùng Didi với câu khẩu hiệu “Di chuyển dễ dàng với Didi, ở thoải mái với OYO”.

Vậy nhưng khi nhìn cách Vision Fund đầu tư vào nhiều ứng dụng đặt xe một lúc, người ta cho rằng Son đang dùng tiền để tạo ra các đế chế độc quyền. “Ta đâu thể chỉ chơi ở một khu vực địa lý, (Son) muốn tham gia sân chơi thế giới trong khi đầu tư vào các nhà vô địch địa phương” - Bhavish Aggarwal, đồng sáng lập Ola, đánh giá. Khi đã nắm trong tay ứng dụng “trùm” ở mỗi khu vực, Son đã có sức mạnh ở khắp toàn cầu.

Vì nhân loại?

Từ 8 năm trước, tức tháng 6-2010, khi còn lâu nữa Vision Fund mới thành hình hài, chính Son đã hé lộ thế giới tương lai mà mình muốn tạo dựng. Trong một bài thuyết trình kéo dài hai tiếng với 133 slide do chính Son trình bày tại hội nghị cổ đông của SoftBank ở Tokyo, Son cho biết SoftBank mong muốn đầu tư vào công nghệ “vì hạnh phúc nhân loại”.

“Thông qua cách mạng thông tin, chúng tôi muốn tạo ra các máy tính đặc biệt thông minh. Chúng sẽ cộng sinh với con người và làm họ hạnh phúc hơn” - Son nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận