Mẹ biết không, nơi lạnh nhất là nơi không có tình thương

TRÂM OANH 06/01/2017 01:01 GMT+7

TTCT - “Mẹ biết không, nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là nơi không có tình thương!”

Tranh minh họa


Chị là công chức, sau 15 năm phấn đấu đã là người đứng đầu một ngành cấp tỉnh. Để có được vị trí ấy, gia đình trở thành bên lề.

Những chú lính chì...

Hai đứa trẻ con chị, hình ảnh quen thuộc của lối xóm là hai đứa trẻ lầm lũi: lúc chưa biết đi thì chơi với người giúp việc, bắt đầu đi học thì “bắt cặp” với bác xe ôm, chiều về có khi đứng ở cổng chờ mẹ cả tiếng, quán hủ tiếu gần nhà là mối quen, bữa nào cha mẹ không về cứ vô đó “ăn vô tư”, cuối tháng mẹ cộng sổ trả sau.

Lớn chút nữa thì tự sắp xếp cuộc sống của mình. So với nhiều đứa trong xóm, hai đứa vẫn ăn đứt vì cuối tuần, dịp lễ vẫn được chở đi chơi, đi du lịch, không phải lao động kiếm sống, nhưng nhìn hai đứa đủ mẹ đủ cha mà vẫn đượm vẻ buồn buồn, côi cút.

Hàng xóm vẫn nói đùa gia đình ấy thuộc mô hình “một - một”: mỗi người một xe; chìa khóa mỗi người một bộ; đến bữa thường mỗi người một tô cơm; tối mỗi người một phòng; mỗi người một suy nghĩ; mỗi người một sở thích; mỗi người một thế giới... Cha mẹ chúng nghe nói mạnh lắm, mạnh tiền mạnh bạc nên chuyện nhà... mạnh ai nấy lo.

Hai đứa trẻ được khoán cho một số tiền rồi lo... tự chủ tài chính. Gương mẹ trưởng thành từ môi trường rèn luyện bằng kỷ luật sắt của ngoại vẫn được mẹ thường xuyên nhắc trong những lúc vừa nhai cơm vừa coi tivi, vừa trả lời điện thoại hay xử lý tài liệu.

Lối xóm nhìn qua hai đứa trẻ có khi còn chì chiết con mình. Gia đình chị, trong một thời gian dài, dân cư trong khu phố ngỡ là tượng đài kiểu mẫu.

Trật tự gia đình không từ “máy phát” một chiều

Vậy mà có ngày cả hai đứa cùng... nổi loạn và nhà chị dậy sóng. Đó là lần cả xóm nghe cả hai đứa đều ở năm cuối cấp lớn tiếng với cha mẹ.

Nghe qua thấy không chấp nhận được vì chúng chì chiết cha mẹ “ngã ngựa” ở cơ quan do quen lối mệnh lệnh áp đặt, không biết lắng nghe, chia sẻ với cấp dưới hệt như cách cư xử với con cái trong nhà.

Chuyện nhân viên cơ quan cha mẹ tích tụ những ấm ức bấy lâu do bầu không khí ngột ngạt, thiếu đối thoại mà cha mẹ chúng - những người đứng đầu - đã tạo ra. Chuyện cha mẹ tưởng chỉ cho con cái ăn, cho mặc hay chỉ trả lương cho nhân viên thôi đã là đủ.

Chuyện bấy lâu chúng phải chịu những ấm ức mà cha mẹ mang về từ cơ quan trút lên chúng hằng ngày, chưa bao giờ lắng nghe hay có thiện chí lắng nghe chúng nói. Chuyện chúng thèm khát được như những đứa trẻ của gia đình công nhân hàng xóm... Như câu nói của một bé gái mà tôi từng đọc đâu đó: “Mẹ biết không, nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực, mà là nơi không có tình thương!”.

Tôi có nghe người ta khái quát rằng một đứa trẻ được hưởng một nền giáo dục tử tế nhưng vẫn có thể hư, nhưng không thể có một đứa trẻ ngoan nếu không được giáo dục tử tế. Nhiều người lớn cho rằng con cái ngày nay đòi hỏi quá nhiều từ cha mẹ, nhà trường, xã hội bởi rõ ràng chúng đang được quan tâm nhiều hơn thế hệ trước.

Tuy nhiên, mọi sự so sánh đều khập khiễng và thực tế nhiều cha mẹ ngày nay đang quan tâm theo xu hướng... máy phát một chiều, mà việc này thì rất ít trẻ nhỏ thích nghi được.

Xã hội thường mang trong lòng nó sự hỗn loạn. Giữ trật tự của xã hội là việc khó, nhưng giữ trật tự trong gia đình là việc làm trong khả năng và buộc phải thực hiện của mọi người.

Và để giữ trật tự ấy thì đối thoại là một kênh quan trọng mà các thời kỳ, thế hệ khác nhau sẽ phải có cách thực hiện khác nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận