​Người trả nợ đời

TRẦN THÙY LINH (THỰC HIỆN) 25/02/2015 01:02 GMT+7

TTCT - “Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng xã hội cần mình. Nếu tôi mang được nụ cười tới cho những người đó, có nghĩa là tôi đã giúp chính mình xua tan đi nỗi sợ hãi” - anh Nguyễn Đăng Hoàng, chủ tịch Hội chữ thập đỏ Thiện Tâm, nói về việc làm từ thiện như triết lý sống của mình.

Anh Hoàng trong một lần đi phát quà từ thiện cho bệnh nhân nghèo - Ảnh: Hữu Khoa

Lúc nào cũng thấy anh tất bật, chẳng có gì toát lên vẻ thành đạt hay thảnh thơi cả, dù rằng điều kiện của anh thừa sức để được thế.

Không tất bật sao được khi phải dậy từ 2g sáng để cùng vợ chồng người bạn nấu 1.200 phần cháo, kịp phát vào lúc 4g sáng trước cửa Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Bình minh của chủ nhật nào cũng là 3g sáng. Rồi cùng nhóm nấu 500 phần cơm trưa để kịp phát lúc 7g, rồi quay lại tiếp tục nấu cơm chay miễn phí cho người nghèo tại một ngôi chùa. Tuần nào cũng vậy từ hơn 20 năm nay. Mà nào chỉ có thế.

Anh Nguyễn Đăng Hoàng là kỹ sư xây dựng, hiện là chủ tịch Hội chữ thập đỏ Thiện Tâm trực thuộc Hội Chữ thập đỏ quận Bình Thạnh, TP.HCM. Hội chữ thập đỏ Thiện Tâm tập trung hỗ trợ bệnh nhân ung thư, khiếm thị, bệnh tâm thần, người khuyết tật, xây dựng cơ sở hạ tầng như cầu, đường giao thông nông thôn, nhà tình thương, phòng học... Tổng số tiền tài trợ hằng năm lên tới hàng tỉ đồng, chủ yếu từ lợi nhuận của công ty xây dựng và nguồn tài trợ từ các doanh nghiệp, các cá nhân hảo tâm. Trụ sở của Hội chữ thập đỏ Thiện Tâm đặt tại nhà anh Hoàng (41/3 Trần Kế Xương, quận Phú Nhuận). Địa chỉ quán cơm chay từ thiện là 174/30A Chu Văn An, quận Bình Thạnh, TP.HCM.

Có thể nói “sự nghiệp” quan trọng nhất của anh từ hơn 20 năm nay và hiện tại vẫn là các dự án từ thiện. Cơ duyên nào dẫn anh tới con đường làm từ thiện?

- Tôi sinh ra trong một gia đình có tới 12 người con. Tôi là thứ chín. Ba mất từ khi tôi còn rất nhỏ và cuộc đời tôi gắn liền với mẹ, người phụ nữ đã một mình kinh doanh, bươn chải và nuôi dạy 12 anh em chúng tôi nên người. Cuộc đời của bà cũng như đạo lý với cuộc đời mà bà luôn răn dạy chúng tôi đã ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc đời tôi.

Lần đầu tiên bước chân vào Bệnh viện Ung bướu cách đây 27 năm, tôi theo mẹ phụ nhóm phát cháo tại đó. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được người ta thấy thế nào khi đã ký tên vào cửa tử. Những ánh mắt không còn sự sống ám ảnh tôi. Và tôi cũng đã thấy nụ cười và niềm vui le lói trong những ánh mắt ấy khi họ nhận được sự chia sẻ hay giúp đỡ, dù chỉ là cái nắm tay hay một chén cháo.

Kể từ năm 1988, tôi chính thức theo nghiệp từ thiện. Trong suốt những năm qua, câu nói của mẹ luôn nhắc nhở tôi: “Được sinh ra là con đã mang nợ với đời”. Cuộc đời tôi đã trải qua quá nhiều va chạm, quá nhiều thăng trầm, đủ để thấm thía điều mẹ nói. Tôi muốn được tự mình trả món nợ đó bằng tất cả những gì mình có, bằng cả cuộc đời mình.

Anh Nguyễn Đăng Hoàng. Ảnh: Hữu Khoa

Nói như anh có phải chỉ khi đã xảy ra những biến cố nào đó trong cuộc đời người ta mới tỉnh ra và cảm thấy mình cần làm điều gì đó có ích cho đời như một sự tri ân không? Cũng có rất nhiều người làm từ thiện từ cái tâm trong sáng của họ, nhưng cống hiến gần như cả cuộc đời như anh thì không có nhiều.

- Những biến cố giúp mình nhận ra “chân” và “giả” rõ ràng hơn, giúp mình hiểu ra giá trị nào là quan trọng với cuộc đời mình. Tôi từng có rất nhiều tiền, danh vọng, địa vị, trong những lúc nhìn chung xã hội còn khó khăn. Cái “có” ấy biến thành “không” khi tôi phá sản, mất hết. Ngay trong chính thời kỳ cơ cực nhất ấy, phải đi đạp xích lô kiếm sống và để có tiền đi học lại Đại học Bách khoa (khoa xây dựng), tôi nhận ra rằng tiền không còn giá trị gì với tôi nữa! Thời gian đó tôi học mọi thứ: xong xây dựng học kiến trúc, xong kế toán, học tốc ký... lấy lại kiến thức, làm lại sự nghiệp, kiếm tiền để đồng tiền phục vụ giá trị đích thực của mình.

Trong quãng thời gian lăn lộn bằng nghề xích lô ấy, tôi đã đồng cảm với biết bao cảnh đời thương tâm khác, những người không nhà ngủ đêm trên vỉa hè, những người nghèo, trẻ mồ côi... Khi có bằng cấp rồi tôi đi làm và cuối cùng lập được một công ty của riêng mình chuyên tư vấn thiết kế và xây dựng, tồn tại cho tới ngày nay. Cũng thời gian đó, tôi cùng bạn lập một số cơ sở từ thiện như: chương trình Thảo Đàn dành cho trẻ em đường phố, cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi chùa Diệu Giác, những chương trình dành cho trẻ nhiễm HIV của các nhà thờ...

Tôi chỉ nghĩ thế này: “Mình phải tìm cách trả nợ đời. Đơn giản là xã hội đang cần mình”. Ai thì cũng phải chết và ai cũng sợ chết, nhất là những người lâm trọng bệnh. Nếu tôi mang được nụ cười tới cho những người đó, có nghĩa là tôi đã giúp chính mình xua tan đi nỗi sợ hãi. Hội chữ thập đỏ Thiện Tâm ra đời vì lý do đơn giản vậy thôi.

Người nghĩ cho mọi người trước

“Hơn 10 năm nay, Thiện Tâm đã có nhiều đóng góp tích cực cho công tác an sinh xã hội trên địa bàn quận Bình Thạnh (TP.HCM) thông qua các hoạt động từ thiện xã hội.

Ông Nguyễn Đăng Hoàng là người tích cực trong công tác thiện nguyện, làm bất cứ việc gì có thể, không nề hà ngày đêm. Ông sống có trách nhiệm với cộng đồng, luôn nghĩ cho mọi người trước khi nghĩ cho bản thân mình. Ông xem người nghèo như người thân của mình nên luôn nỗ lực phục vụ đến khi nào lực bất tòng tâm, không thể phục vụ được nữa thì thôi. Những việc làm của ông đáng để mọi người ngợi khen, là tấm gương sáng về công tác thiện nguyện ở địa phương”.

Anh Nguyễn Văn Vui (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Bình Thạnh)  - Hoài Phương (ghi)

Có rất nhiều tổ chức thiện nguyện đang hoạt động tại Việt Nam và mỗi tổ chức đều có những tiêu chí riêng và cách làm việc riêng. Theo anh, điều gì là quan trọng trong những hoạt động thiện nguyện?

- Thiện nguyện nghĩa là mình tự nguyện làm việc tốt, mang lại niềm vui cho mọi người, nên lúc nào mình cũng cần ghi nhớ điều đó và giữ cho mình sự vui vẻ, sảng khoái khi làm việc. Rộng hơn nữa, không chỉ là niềm vui mà còn là sự trân trọng dành cho những người nhận sự giúp đỡ của mình.

Tại bếp ăn chay ở đường Chu Văn An của Thiện Tâm, tôi luôn nhắc nhở những cộng sự của mình thực hiện điều đó bằng những hành động cụ thể: đưa đĩa cơm bằng hai tay, nói năng nhỏ nhẹ với những người tới ăn. Tôi cũng đăng ký học một khóa học về dinh dưỡng, mời các đầu bếp dạy cho những tình nguyện viên, làm sao đảm bảo chất lượng bữa cơm cho bà con.

Trân trọng không cũng chưa đủ, nó còn tùy thuộc cách mình làm việc thiện nữa. Thí dụ, trong việc lo hậu sự cho người nghèo, những người tứ cố vô thân, tôi được sự ủng hộ hết mình của các trại hòm, thậm chí họ bán những cái hòm trị giá 6 triệu đồng cho tôi chỉ với giá 2,5 triệu đồng. Mỗi trường hợp như vậy chúng tôi đều kêu gọi và làm việc với khối phố hoặc Mặt trận Tổ quốc tại địa phương đó xin họ ủng hộ, cũng như vận động bà con, hàng xóm láng giềng chung tay.

Tôi làm thế không phải vì vấn đề tài chính. Tôi muốn gia đình người quá cố không thọ ơn mình. Tôi muốn mỗi người đều có mong muốn giúp đỡ người khác và có điều kiện thực hiện điều họ muốn. Người Việt mình thường nói “của cho không bằng cách cho”.

Có bao giờ anh nghĩ mình là một dạng người thái quá trong hoạt động từ thiện?

- Để tôi kể chị nghe một câu chuyện: Cách đây hơn 10 năm chúng tôi thực hiện dự án khoan 18 cái giếng tại một xã nghèo tỉnh An Giang. Chúng tôi khoan thử để lấy mẫu. Nước khoan lên trong veo. Lúc đó không có máy thử nồng độ kim loại, tôi là người uống thử nhằm xác định nồng độ sắt. Sau khi uống một lúc, tôi bất tỉnh nhân sự, hôn mê hơn sáu giờ, được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy và bệnh viện đã chuẩn bị lấy mô (tôi tham gia chương trình hiến xác cho khoa học đã 20 năm).

Nhờ hồng phước, tôi tỉnh lại với ý nghĩ đầu tiên là mình chưa trả xong nợ với đời, chưa thể chết được! Kể câu chuyện này để thấy rằng ai cũng sợ chết, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, đôi khi rất bất ngờ, rất nhanh. Một khi đã xác định được vai trò của mình với xã hội, với con người thì không thể từ bỏ.

Đã là lẽ sống thì không có gì là thái quá khi thực hiện lẽ sống của mình.

Không thể không đặt câu hỏi làm thế nào mà anh “chèo chống” được với khối lượng chương trình khổng lồ như vậy trong thời buổi “gạo châu củi quế” này. Anh nói thật đơn giản: “Nhờ mọi người thương!”. Trong hơn 25 năm qua, 2/3 số tài sản anh có đã được bán đi để giúp người đời. Lợi nhuận từ công ty xây dựng của anh được dùng toàn bộ cho những dự án từ thiện nêu trên. Trong câu chuyện của mình, anh nhắc đi nhắc lại rằng có rất nhiều tấm lòng cá nhân, doanh nghiệp, chính quyền một số địa phương và các hội từ thiện khác đã luôn sát cánh bên anh trong những năm qua. “Số phận của tôi là một cây cầu” - anh tự nhận như vậy.

Anh có thấy mệt mỏi không?

- Có chứ. Nhiều khi rất mệt mỏi. Hoạt động của hội hầu như không có ngày nghỉ. Ngày Tết người ta nghỉ thì mình lo xe cộ cho người bệnh về quê ăn Tết. Ngày Tết mọi cửa hàng, quán ăn đóng cửa, còn mình vẫn nấu, vẫn dậy từ 2-3g sáng mà lại không có ai phụ giống ngày thường. Không chỉ tôi cảm thấy mệt mỏi, mà cả những người cộng tác thường xuyên trong các chương trình này cũng rất mệt mỏi.

Có nhiều người khuyên hay đề nghị dừng lại. Biết bao lần cảm thấy đuối sức, muốn dừng hoặc ít nhất không làm nhiều như thế, nhưng rồi cứ nhìn thấy hàng người xếp hàng từ 2g sáng trước cửa bệnh viện chờ những phần cháo mình nấu lại không thể bỏ được. Nhìn thấy những người hấp hối, mở mắt nhìn ngôi nhà họ đã sinh ra rồi mới ra đi là lại không cầm lòng được. 

Tôi luôn bị những ánh mắt tuyệt vọng ám ảnh, những niềm hi vọng le lói kêu gọi và tự hỏi: tại sao mình lại dừng? Cuộc đời này quá ngắn ngủi, thời gian thì trôi nhanh như tên bắn. Có quá nhiều người trông mong vào tôi. Tôi không bỏ được.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận