Những người trẻ dùng đôi tai thay đôi mắt

XUÂN TÙNG 03/04/2021 03:05 GMT+7

TTCT - Xuất hiện từ tháng 1-2021, trang Facebook của một nhóm bạn trẻ mang tên ScriVi chỉ đăng vỏn vẹn hai tấm hình người trẻ đang gõ văn bản với chiếc tai nghe trùm đầu cùng một bài giới thiệu dịch vụ gỡ băng với cam kết bảo mật, minh bạch tối đa. Đọc hết thông tin dịch vụ, người ta mới biết nhóm gồm toàn các bạn sinh viên khiếm thị, mong muốn “dùng đôi tai thay hai con mắt” để làm những điều tốt đẹp cho cộng đồng.

 
 Nguyễn Thành Vinh, một trong hai điều phối dự án ScriVi, mong muốn tạo cơ hội cho người khuyết tật trên thị trường việc làm. Ảnh: Xuân Tùng

ScriVi hiện là ngôi nhà chung của 19 người trẻ khiếm thị, nhận gỡ băng (nghe ghi âm và gõ lại thành văn bản) bằng tiếng Việt theo đơn đặt hàng của các phóng viên, tác giả sách cũng như các dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế.

Từ một mối duyên

Câu chuyện của ScriVi bắt đầu từ hai năm trước nhờ những cái duyên kết nối cô Bùi Thị Thanh Tuyền, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Illinois Urbana - Champaign (Mỹ), và các bạn trẻ khiếm thị lại với nhau.

Năm 2018, cô Tuyền đã có dịp phỏng vấn hơn 30 học sinh, sinh viên khuyết tật ở các vùng miền Việt Nam làm tư liệu cho nghiên cứu bậc tiến sĩ chuyên ngành công tác xã hội của mình.

Trong quá trình làm việc, có những câu chuyện làm cô nhớ mãi: có những bạn năng lực không thua gì người khác nhưng chỉ vì hai chữ “khuyết tật” trong giấy khám sức khỏe mà gặp vô vàn khó khăn trong quá trình tìm việc. “Các bạn tâm sự chỉ muốn có một cơ hội thử việc, chỉ hai tháng thôi, nếu làm không được, không được tuyển thì cũng cam tâm” - cô kể lại.

Đến năm 2020, khi xin được một khoản quỹ nhỏ gần 600 đôla Mỹ cho việc gỡ băng phỏng vấn, cô nảy ra ý định đưa công việc này cho Nghị, một bạn trẻ khiếm thị tại Hà Nội mà cô từng trò chuyện.

Không phụ lòng mong đợi, Nghị hoàn thành công việc nhanh chóng và cẩn thận, đủ để giúp cô Tuyền có niềm tin vào một dự án dài hơi: một dịch vụ giúp giải quyết nhu cầu gỡ băng cho các nhà nghiên cứu, đồng thời tạo ra công ăn việc làm cho các bạn trẻ là người khuyết tật.

ScriVi chính thức hoạt động từ tháng 11 năm ngoái với ba thành viên chủ chốt. Cô Tuyền hỗ trợ và cố vấn cho nhóm từ những ngày đầu đến nay, trong khi hai bạn trẻ khiếm thị Nguyễn Thành Vinh (sinh năm 1994) và Nguyễn Phương Anh (sinh năm 1998) là người điều phối chính.

 
 Ảnh: ScriVi

Khó nhất là soát lỗi

Vinh đang ở Sài Gòn, Phương Anh ở Hà Nội, các thành viên còn lại thì sống rải rác khắp mọi miền đất nước, nhưng nhóm vẫn phối hợp ăn ý nhờ quy trình đặt chất lượng lên hàng đầu được hai bạn điều phối vạch ra: băng của khách hàng sẽ được thông báo lên nhóm chat cho các thành viên tự lượng sức mình nhận về, làm xong thì chuyển sang cho cô Tuyền hoặc Phương Anh rà lại lỗi.

Trung bình mỗi thành viên ScriVi mất từ 7-8 tiếng để tua đi tua lại, xử lý kỹ một giờ băng phỏng vấn, thậm chí lâu hơn nếu băng có tạp âm, âm lượng to nhỏ bất thường hoặc nhiều người nói chồng lên nhau.

Đôi khi băng tiếng Việt chêm cả từ tiếng nước ngoài khó nghe ra, nhóm sẽ cẩn thận ghi chú lại để hỏi cô Tuyền hoặc Vinh - người có kinh nghiệm rã băng dày dặn nhất trong nhóm.

Thế nhưng, phần việc khó khăn nhất mà ScriVi gặp phải lại là phần soát lỗi chính tả. Thông thường nhóm nhờ đến cô Tuyền. Vì là người sáng mắt, cô chỉ cần tận dụng công cụ soát lỗi chính tả có sẵn trong Microsoft Word để phát hiện lỗi cách trong văn bản.

Khi cô Tuyền bận, Phương Anh sẽ soát lỗi văn bản bằng cách dùng phím mũi tên trên bàn phím di con trỏ qua văn bản Word, để phần mềm đọc màn hình như VoiceOver trên MacOS hay NVDA trên Windows đọc lên từng từ, từng câu hay từng ký tự tùy theo cài đặt. Muốn soát lỗi nhỏ như chấm câu sai hay thừa dấu cách, Phương Anh không còn cách nào khác ngoài kiểm tra từng ký tự một, khiến công việc trở nên rất mất thời gian.

Công việc sổ sách kế toán cũng là một thách thức lớn với họ, bởi ngay cả với một người thành thạo sổ sách Excel như Vinh thì năng suất xử lý cũng không thể nào sánh được với người sáng mắt.

Dù gánh nhiều áp lực trên vai là vậy, cả Phương Anh và Vinh đều quyết định không nhận lương cho công việc quản lí ScriVi. Cả hai dành phần lớn quỹ dự án để trả lương xứng đáng cho các bạn đã vất vả “rã” băng.

Bản thân cũng là người khiếm thị đã trải qua nhiều bất công trên thị trường lao động, Vinh và Phương Anh hiểu rõ ý nghĩa của dự án mình đang làm đối với cộng đồng, bởi trên thực tế, tìm được một công việc đánh giá đúng năng lực và giá trị của người khuyết tật tại Việt Nam cũng khó như mò kim đáy bể.

 Vinh tin rằng cộng đồng người khuyết tật cần quyết liệt hơn để chứng tỏ giá trị bản thân trong thị trường lao động. “Ở ScriVi, chúng tôi hiểu rằng sự thiếu thốn các cơ hội cho người khiếm thị không hẳn là chủ ý của riêng ai, mà đôi khi đó chỉ là kết quả của sự dè dặt phát sinh từ những mối tương quan chưa đủ khắng khít và thấu hiểu giữa người khiếm thị và người sáng mắt trong xã hội. Vì vậy, chúng tôi quan niệm rằng thay vì than vãn thì tốt hơn là đặt nền móng cho những mối tương quan như thế bằng việc chứng minh những khả năng của mình” - Vinh viết trong bài đăng đầu tiên trên Facebook của nhóm.

 

Nâng quyền cho chính mình

Dù còn non trẻ, ScriVi chứng minh sự chuyên nghiệp và hiệu quả công việc của mình không thua kém bất kỳ dịch vụ nào khác trên thị trường. Khách hàng khi trao đổi qua email đều được hướng dẫn rõ ràng về tiến độ công việc, hỗ trợ hậu dịch vụ và cả các quy định bảo mật, hoặc chỉ cần để lại một comment trên Facebook thôi cũng sẽ được nhóm giải đáp tận tình.

Nói về ScriVi, Vinh tràn đầy khí thế, bởi theo bạn, công việc mà dự án mang lại chính là cơ hội để người khuyết tật nâng quyền cho chính mình. Dự án có thể làm nhỏ nhưng phải đảm bảo tính bền vững, để các thành viên là người khuyết tật có kỹ năng, từ đó vững tin vào khả năng bản thân và góp phần xây dựng vị thế cộng đồng trong mắt nhà tuyển dụng.

Do đó, những người điều hành nhóm cũng chú trọng tổ chức tập huấn nâng cao năng lực thường xuyên cho các thành viên, từ kỹ năng gỡ băng, phổ biến các công cụ hỗ trợ đến thái độ làm việc trong môi trường chuyên nghiệp.

Trong tương lai, ScriVi dự định mở rộng hoạt động sang cả gỡ băng tiếng Anh và dịch thuật, do nhu cầu của khách hàng đã có nhưng nhân lực nhóm còn thiếu. Nhóm cũng tính tới tốc độ phát triển vũ bão của trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh các giải pháp nhận diện giọng nói đang được các ông lớn Google, Microsoft (tiếng Anh) và FPT (tiếng Việt) xây dựng với độ chính xác cao, ScriVi cho rằng mình vẫn có đủ thời gian để phát triển dựa trên những nhu cầu đặc thù như phương ngữ tiếng Việt, vốn đa dạng và chưa được đầu tư nhiều như nhận diện giọng nói tiếng Anh.

Với năng lực và sự chỉn chu trong công việc, Scrivi đang dần xây dựng cho mình một tệp khách hàng trung thành. “Các bạn làm rất chuyên nghiệp… Với đặc thù của nghề báo, mình cần ghi lại được cả cảm xúc và thái độ của người nói thể hiện qua từng ừ, à, thậm chí cả câu chửi thì các bạn gỡ băng đáp ứng được cả điều đó, thậm chí còn ghi chú khi nào có tiếng mở cửa, âm thanh chén đĩa” - chị Lê Giang Lam, một khách hàng thường xuyên của ScriVi, chia sẻ.

Nhìn vào thành quả nhóm đã đạt được, cô Tuyền không giấu được niềm tự hào dành cho Vinh - người cô đã “chọn mặt gửi vàng” cho vị trí lãnh đạo từ những ngày đầu tiên. “Trong thời gian cô bận viết luận văn, Vinh đã chủ động làm mọi việc, từ lên chương trình đến liên lạc các thành viên. Chỉ cần thảo luận là Vinh biết sẽ thực hiện như thế nào”. Với cô Tuyền, câu chuyện của Vinh, của ScriVi là những minh chứng rõ ràng cho thấy người khuyết tật có thể tỏa sáng như thế nào khi được nhìn nhận đúng đắn trên thị trường việc làm vì “chỉ cần cho các bạn cơ hội”.■

Khánh Vân, thành viên nhóm ScriVi tham gia một buổi họp nhóm qua Zoom. Ảnh: NVCC

 

“Khiếm thị” hay “mù”? 

Nhiều người có lẽ vẫn còn chưa rõ dùng từ nào để mô tả người có khuyết tật về thị giác sao cho hợp lý, khi “khiếm thị” và “mù” đến nay vẫn còn được sử dụng chưa thống nhất trên truyền thông Việt Nam.

Theo Vinh, từ “mù” đúng theo khoa học là dành cho người mất hoàn toàn khả năng thị giác, trong khi “khiếm thị” mô tả người chỉ mất một phần khả năng nhìn.

Một số các tổ chức hoạt động về quyền người khuyết tật cũng như báo chí đang kêu gọi tránh dùng từ “khiếm thị” để nhắc đến người mù lòa hoàn toàn. Tuy nhiên, Vinh cho biết các nhóm người khuyết tật, đặc biệt ở khu vực nông thôn, cho rằng từ “mù” có hàm ý miệt thị, do đó thích dùng từ “khiếm thị” hơn.

Khi viết các nội dung truyền thông cho ScriVi, Vinh sẽ chọn từ “khiếm thị’ để không ép các cộng đồng nói trên sử dụng một từ họ không thấy thoải mái.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận