Stablecoin: Trong ổn định đã có mầm bất định

HOA KIM 25/05/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Trái ngược với tên gọi, thị trường tiền mã hóa ổn định (stablecoin) đang trở nên bất định hơn bao giờ hết sau sự sụp đổ của các stablecoin từng được kỳ vọng mở ra tương lai mới cho tiền mã hóa.

 
 Ảnh: blockworks.co

Terra và Luna lần lượt là tên hai vị thần đại diện cho Mặt đất và Mặt trăng trong thần thoại La Mã. Đây có lẽ cũng là ẩn ý của nhà sáng lập Terraform Labs Do Kwon khi đặt tên cho stablecoin TerraUSD (UST) và token LUNA với mong muốn chúng đóng vai trò như hai thái cực giúp duy trì sự ổn định vĩnh hằng, ít nhất là trên lý thuyết, của đồng tiền mã hóa này.

Nhưng điều không tưởng đã xảy ra vào tuần rồi, khi giá trị TerraUSD - được thiết kế để luôn neo theo giá USD với tỉ lệ 1:1 - lao dốc không phanh, xuống có lúc chỉ còn hơn 13 cent (ngày 13-5). Token LUNA còn chịu số phận thê thảm hơn khi có lúc rớt xuống dưới mức 0,00003 USD, mất gần như 100% giá trị từ vùng đỉnh hơn 119 USD đạt được hồi đầu tháng 4-2022, thổi bay hàng chục tỉ USD vốn hóa chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, xóa sạch tài sản của nhiều nhà đầu tư và kích hoạt một cuộc tháo chạy hoảng loạn khỏi thị trường tiền mã hóa.

Tương lai của thanh toán crypto

Các loại tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin hay Ether nổi tiếng với khả năng biến động mạnh về giá trị. Gọi là ưu điểm cũng được, vì đặc tính này khiến chúng trở thành kênh đầu cơ sinh lời hấp dẫn. Nhưng đây cũng là một bất lợi khiến các đồng này khó có thể trở thành phương tiện thanh toán thay thế tiền tệ truyền thống như mong muốn của phe cổ xúy tiền mã hóa.

Chắc hẳn không ai muốn mình giống như anh chàng lập trình viên Laszlo Hanyecz - người đã dùng 10.000 bitcoin (có giá trị chỉ khoảng 30 USD vào năm 2010) để mua 2 chiếc bánh pizza và tiếc đứt ruột khi chứng kiến đồng này tăng giá hàng chục triệu lần trong vài năm. Về phía người bán, chấp nhận thanh toán bằng tiền mã hóa cũng tiềm ẩn một rủi ro lớn nếu thị trường diễn biến bất lợi, tương tự như cú rơi 53% từ đỉnh hồi tháng 5-2021.

Stablecoin, như tên gọi của chúng (stable trong tiếng Anh nghĩa là ổn định), được thiết kế để giữ ổn định về giá trị. Hầu hết các stablecoin được neo theo giá một loại tiền tệ pháp định (fiat) như đồng USD hoặc với một hàng hóa như vàng. Các stablecoin đóng vai trò như phương tiện thanh toán trong thế giới ảo, trong đó các nhà đầu tư mua stablecoin để làm tài sản lưu giữ và thực hiện các giao dịch bên trong cơ sở hạ tầng tiền mã hóa. Chúng cũng được sử dụng cho các loại trao đổi tài chính phi chính thức khác, chẳng hạn như cho vay hoặc chuyển tiền ra nước ngoài, với ít sự kiểm soát hơn so với giao dịch thông qua kênh ngân hàng truyền thống.

Chính nhờ tính ổn định có chủ đích mà những stablecoin đang dần trở thành nền móng vững chắc của hệ sinh thái tiền mã hóa, với tổng giá trị thị trường của tất cả stablecoin hiện nay ước tính lên đến 180 tỉ USD vào tháng 3-2022, theo thống kê của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Nhưng, như cảnh báo của CNN, “đừng để cái tên đánh lừa bạn bởi không phải stablecoin nào cũng tự thân nó ổn định”.

Những đồng ổn định không ổn định

Trước hết, cần phân biệt rõ hai loại stablecoin chính đang tồn tại trên thị trường. Loại đầu tiên và phổ biến nhất là stablecoin có tài sản fiat đảm bảo (fiat-backed stablecoin). Như tên gọi, các stablecoin dạng này được đảm bảo bằng tài sản thật nằm bên ngoài lưu thông của tiền mã hóa, phổ biến nhất là bằng đồng USD, euro hoặc franc Thụy Sĩ. Ở loại này, giá trị của đồng stablecoin được neo theo giá đơn vị tiền tệ fiat theo một tỉ lệ định sẵn, và số lượng coin lưu hành phải phản ánh số lượng tài sản đảm bảo có trong dự trữ của đơn vị phát hành. Một số ví dụ tiêu biểu của stablecoin có tài sản fiat đảm bảo là USD Tether (USDT), USD Coin hay Diem (tiền thân là dự án Libra của Meta - công ty chủ quản Facebook).

Nhưng một biến thể khác của stablecoin mới là nguồn cơn của cuộc khủng hoảng vừa qua. Loại này được gọi tên là “stablecoin thuật toán” (algorithmic stablecoin), nghĩa là sự ổn định về giá trị của chúng được duy trì nhờ vào cách thiết kế thuật toán đằng sau thay vì dựa vào tài sản đảm bảo trong thế giới thực.

Cách định giá của loại này không khác gì nói rằng “stablecoin này đáng giá 1 USD vì nó được hỗ trợ bởi một tài sản khác cũng do chúng tôi tự tạo ra từ thinh không”, chuyên gia blockchain Charles Cascarilla (Công ty công nghệ tài chính Paxos) giải thích với CNN. TerraUSD chính là một “stablecoin thuật toán” tiêu biểu, và thứ được tạo ra từ thinh không đó chính là token LUNA.

Giá của LUNA được thả tự do và nhà đầu tư có thể trao đổi 1 đồng Terra lấy số lượng LUNA trị giá 1 USD và ngược lại bất cứ lúc nào. Cơ chế này tạo động lực giữ giá Terra ổn định. Khi giá Terra xuống thấp hơn 1 USD, thị trường có động cơ để mua vào Terra với giá rẻ và quy đổi sang LUNA hưởng chênh lệch, tạo lực kéo giá Terra đi lên. Tương tự, giá Terra lên cao hơn 1 USD sẽ tạo động lực quy đổi ngược lại từ LUNA sang Terra và níu giá Terra đi xuống. Hai thái cực này tạo ra một hệ sinh thái tuần hoàn hiểu nôm na giống như “một bên đốt tiền, một bên đúc tiền” (burning & minting) để giữ giá trị Terra luôn ổn định ở mức 1 USD dù không có tài sản đảm bảo thực tế.

Ít nhất trên lý thuyết là vậy.

 
 Hệ sinh thái tuần hoàn để giữ giá TerraUSD luôn ổn định (theo lý thuyết). Ảnh: Cointelegraph

Chuyện gì đã xảy ra?

Vấn đề chính của “stablecoin thuật toán” UST là toàn bộ hệ sinh thái của nó hoạt động dựa vào một niềm tin duy nhất của thị trường rằng token LUNA có giá trị. Một khi niềm tin này mất đi, mọi thứ sẽ nhanh chóng rơi vào “vòng xoáy tử thần” không gì cản nổi. “Một buổi sáng bất kỳ, mọi người có thể thức dậy và tự nhủ ‘khoan đã, tất cả những thứ này đều được dựng nên mà thôi, chúng vô giá trị” và quyết định bán sạch số LUNA cùng Terra đang nắm giữ” - nhà báo Matt Levine viết trên Bloomberg. Đây không phải là viễn cảnh mà là sự thật đã diễn ra vào một ngày tháng 5 đầy ảm đạm của tiền mã hóa.

Ngày 7-5, giá giao dịch của TerraUSD rớt xuống còn khoảng 98 cent và duy trì ở mức này lâu hơn so với khả năng trên lý thuyết (chuyện giá Terra hay một stablecoin bất kỳ giảm dưới 99 cent vốn đã là rất hiếm). Một lượng lớn Terra trị giá hàng tỉ USD sau đó đã bị bán tháo, phản ánh sự mất niềm tin của thị trường vào stablecoin này. Đến giữa ngày 13-5, Terra chỉ còn giao dịch ở mức khoảng 13 cent và không có dấu hiệu phục hồi. LUNA phải chịu một số phận còn thê thảm hơn khi đã giao dịch dưới 1 cent từ ngày 12-5 đến nay - mất hơn 99,9999% giá trị so với mức đỉnh kỷ lục 119,51 USD lập vào tháng 4-2022. Không còn lựa chọn, Terraform Labs buộc phải khởi động lại blockchain của mình vào ngày 12-5 trong nỗ lực cứu vãn tình thế.

Sự sụp đổ chóng vánh của TerraUSD kéo theo tâm lý hoang mang của nhiều nhà đầu tư tiền mã hóa, khiến nhiều coin khác dù không liên quan hệ sinh thái Terra cũng bị thổi bay một phần lớn giá trị trong vòng 24 giờ. Bitcoin - crypto có quy mô lớn nhất thế giới - giảm 12% giá trị trong 24 giờ tính đến sáng 12-5. Giá cổ phiếu của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ Coinbase cũng giảm 15,6% trong đêm 10-5, sau khi báo lỗ ròng 430 triệu USD - một bức tranh u ám hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích. Coinbase đổ lỗi cho “cả xu hướng giảm giá trị tài sản tiền mã hóa và sự biến động bất định của thị trường bắt đầu từ cuối năm 2021”, nhưng nhanh chóng chỉ ra rằng họ không mong đợi xu hướng này là “vĩnh viễn”.

Không loại trừ bị tấn công

Paolo Ardoino, giám đốc công nghệ của Tether, đưa ra nhận định trong một cuộc phỏng vấn trên Twitter Spaces ngày 12-5 rằng mặc dù hiện tại tất cả vẫn chỉ dừng lại ở thuyết âm mưu, rất có thể đã có một cuộc tấn công có chủ đích nhắm vào Terra. Nguồn cơn của thuyết âm mưu này là một loạt bài đăng trên Twitter cáo buộc một địa chỉ ví tiền mã hóa đã bán phá giá số lượng TerraUSD trị giá 350 triệu USD trong nỗ lực đánh sập stablecoin này xuống dưới mức 1 USD và buộc LFG - một tổ chức hỗ trợ hệ sinh thái Terra - phải bán ra lượng dự trữ Bitcoin của mình để giữ giá Terra. Người này suy đoán rằng kẻ tấn công có một vị thế bán Bitcoin cực lớn và đã hưởng lợi hơn 800 triệu USD từ việc giá Bitcoin đi xuống. “Nếu bạn có một điểm yếu, bạn luôn có thể mong đợi một kẻ lớn hơn lợi dụng điểm yếu đó, và chúng tôi đã thấy điều đó với Terra” - Ardoino nhận định. 

Tương lai nào cho stablecoin?

Sự sụp đổ của đồng Terra/LUNA đặt ra câu hỏi về việc liệu thị trường tiền mã hóa đã đi đến thời kỳ giảm nhiệt như dự báo - một “mùa đông tiền mã hóa” hay có lẽ tồi tệ hơn là một “kỷ băng hà tiền mã hóa” lạnh giá.

Chuyên viên phân tích thị trường Simon Peters của sàn giao dịch eToro cho rằng mối quan tâm hàng đầu hiện nay đối với các nhà đầu tư là khi nào thì đợt lao dốc này sẽ kết thúc. “Thị trường (tiền mã hóa) đang đối mặt với nghịch cảnh chung của các thị trường đầu tư, đó là phải đấu tranh để tìm điểm ổn định sau các đợt tăng lãi suất được thiết kế để dập tắt lạm phát đang tăng vọt ở phương Tây” - Peters nói với trang tin inews (Anh).

Riêng phần LUNA, token này được cho là vẫn còn khả năng phục hồi dù mọi chuyện là cực kỳ khó đoán ở thời điểm hiện tại. Nhà sáng lập người Hàn Quốc Do Kwon của Terraform Labs tuyên bố đã có kế hoạch để phục hồi TerraUST và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất. “Xin cứ kiên nhẫn” - anh viết trên mạng xã hội Twitter vào ngày 10-5.

Hôm sau, CEO 30 tuổi tiếp tục trấn an nhà đầu tư bằng cam kết “quyết tâm đồng hành với tất cả mọi người để vượt qua cuộc khủng hoảng” và tỏ ra lạc quan khi tuyên bố “cùng nhau, chúng ta sẽ tìm ra lối thoát”. “Hệ sinh thái Terra là một trong những hệ sinh thái sôi động nhất trong ngành công nghiệp tiền mã hóa… Ngày trở lại của Terra sẽ là một sự kiện không thể bỏ qua” - Do Kwon khẳng định.

Trong thông báo đầu tuần này (16-5), Do Kwon lại công bố kế hoạch mới nhất để xử lý khủng hoảng, trong đó bao gồm việc hardfork (tạo ra một phiên bản blockchain hoàn toàn mới, tách biệt khỏi blockchain trước) và phân bổ lại token LUNA. Cụ thể, sau khi tách, blockchain Terra cũ sẽ có tên Terra Classic (cùng token Luna Classic - LUNC), còn blockchain mới là Terra (token Luna - LUNA). Điều đáng lưu ý là Terra mới sẽ không dùng stablecoin thuật toán nữa, và cả Terra Classic và Terra sẽ hoạt động song song chứ không bỏ hẳn cái cũ.

Kế hoạch được biểu quyết vào ngày 18-5. Chưa biết hiệu quả ra sao, song theo giới phân tích, để LUNA có thể hồi phục, Terraform Labs sẽ cần làm nhiều hơn những lời ủy lạo tinh thần suông. Công ty này cần giải quyết tận gốc vấn đề đã gây ra cú sụp đổ lần này và chứng minh rõ ràng với nhà đầu tư rằng một sự kiện tương tự sẽ không còn khả năng xảy ra trong tương lai. “Đứng từ góc nhìn một nhà phân tích, tôi kỳ vọng giá Luna sẽ tăng sau khi UST được neo trở lại theo giá đồng USD” - chuyên gia tiền mã hóa Kelvin Maina viết trên trang web tư vấn đầu tư Investing Cube.

 
 Ảnh: REUTERS/DADO RUVIC

“Sẵn sàng để mất trắng”

Tài sản tiền mã hóa vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong toàn cảnh hệ thống tài chính, nhưng những quan chức nhà nước cấp cao như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen không thể không để mắt đến những biến động gần đây của thị trường này, lo sợ rằng diễn tiến xấu có thể tạo ra những dư chấn khó lường cho các nhà đầu tư. Điều trần trước Thượng viện Mỹ ngày 10-5, bà Yellen nhận xét về sự sụp đổ của Terra rằng nó “chỉ đơn giản minh họa rằng đây là một sản phẩm đang phát triển nhanh chóng và có những rủi ro đối với sự ổn định tài chính”. Trong một phát biểu khác, Bộ trưởng Yellen cảnh báo stablecoin dễ bị tổn thương bởi các pha “thoát hàng” vì một số token được hỗ trợ bởi các tài sản có thể mất giá hoặc trở nên kém thanh khoản trong những thời điểm căng thẳng.

Tháng 1-2022, Cơ quan quản lý tài chính Vương quốc Anh (FCA) đã phát đi cảnh báo đầu tư vào tiền mã hóa hoặc các khoản đầu tư và cho vay liên quan đến tiền mã hóa gắn liền với rủi ro rất cao. “Nếu người tiêu dùng đầu tư vào những loại sản phẩm này, họ nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để mất trắng” - cơ quan này cảnh báo.

Ngoài việc cực kỳ dễ bốc hơi phần lớn hoặc toàn bộ giá trị, hầu hết các loại tiền mã hóa đều không chịu sự quản lý nhà nước. “Điều này không chỉ tạo thêm sự bất định mà nó còn đồng nghĩa các nhà đầu tư có rất ít hoặc không có biện pháp bảo vệ nào chống lại gian lận” - Susannah Streeter, nhà phân tích thị trường và đầu tư cấp cao tại Công ty dịch vụ tài chính Hargreaves Lansdown, giải thích. “Nền kinh tế đang hoàn toàn chuyển dịch sang tốc độ của Internet, nhưng hệ thống tài chính vẫn đang hoạt động với tốc độ của bưu điện truyền thống” - chuyên gia Cascarilla nhận xét.

Giới ủng hộ tiền mã hóa thì ngược lại có xu hướng coi những cuộc khủng hoảng như vụ Terra/LUNA là một tổn thất đáng tiếc nhưng cần thiết trong quá trình củng cố độ tin cậy của công nghệ blockchain cơ bản. “Thật không may, chính những khoảnh khắc diệt vong của sự sáng tạo này lại là cách tốt nhất để cô đọng mọi thứ xuống còn những gì mọi người thực sự có thể ủng hộ” - Cascarilla nói với CNN.■

Stablecoin truyền thống vẫn “sống ổn”

Những người ủng hộ stablecoin vẫn tin tưởng rằng đây không phải là thời điểm để bỏ của chạy lấy người, đồng thời lưu ý rằng các stablecoin truyền thống được đảm bảo bằng tiền tệ fiat như Tether hay USDCoin đã vượt qua cuộc khủng hoảng của Terra mà không mấy suy suyển. Ngày 12-5, thị giá Tether (USDT) - stablecoin lớn nhất thế giới với vốn hóa thị trường khoảng 80 tỉ USD - giảm xuống mức thấp nhất là hơn 95 cent nhưng hiện đã phục hồi ổn định ở giá gần 1 USD, theo CoinMarketCap. Trong khi đó, USDCoin vẫn giữ ổn định ở mức 1 USD trở lên trong suốt tuần mặc cho cơn bão Terra càn quét thị trường tiền mã hóa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận